Căng thẳng giữa thần học và lòng mộ đạo

168

Căng thẳng giữa thần học và lòng mộ đạo

Ronald, Rolheiser, 04-02-2001

Năm 1991, tôi nghỉ sáu tháng không ăn lương ở Graduate Theological Union (GTU)  Berkeley, California. Trong thời gian này, tôi sống ở nhà dòng Oblate của tôi trong khu phố cổ Oakland. Nơi đây là một tương phản của hai thế giới. Phần lớn thời gian tôi đến lớp và dự các hội thảo ở đại học. Tôi thấy rất phấn khích, được học hỏi rất nhiều ở đây  (GTU là một trường rất giỏi). Mỗi ngày tôi dự thánh lễ ban trưa ở nhà dòng, bầu khí quanh tôi là nghèo nàn, đèn nến, ảnh tượng, nước thánh, lần hạt, tóm lại lòng mộ đạo trong mọi sự, trong suốt thánh lễ. Nó tương phản của hai thế giới, xã hội và giáo hội, nhưng tôi cảm thấy khá thoải mái ở cả hai thế giới này.

Quả thật, thần học và lòng mộ đạo là hai thế giới khác nhau. Tuy nhiên chúng ta cần cả hai. Thần học cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi lòng mộ đạo, cũng như lòng mộ đạo cần thiết để bảo vệ chúng ta khỏi thần học. Điều này có nghĩa là gì? Lòng mộ đạo nếu không được một nền thần học tốt chấn chỉnh thường xuyên thì thế nào nó cũng xem Chúa như một loại súp gà tẩm bổ cho tâm hồn, nghi thức phụng vụ chỉ hơn lòng mộ đạo một chút và đời sống thiêng liêng chỉ hơn xúc cảm riêng một chút. Ngược lại, thần học nếu không được lòng mộ đạo thường xuyên chấn chỉnh thì thế nào nó cũng làm cho chúng ta ở chế độ kiêng khem, chỉ lo chống vi trùng, không có thuốc bổ cho tâm hồn, không làm cho Phúc Âm đến được với người nghèo. Một cuộc sống thiêng liêng lành mạnh cần cả hai, thần học và mộ đạo.

Không có thần học, lòng mộ đạo lúc nào cũng quay cuồng như điên, biến đức tin thành cảm tính, làm cho con người xoay tứ phía, và sớm muộn họ sẽ thay Chúa bằng các thứ khác. Lần cuối cùng, khi Giáo Hội không cân bằng được lòng mộ đạo đúng đắn với nền thần học tốt, chúng ta đã phải trả giá bằng cuộc Cải Cách (the Reformation). Michael Buckley, nhà nghiên cứu xuất sắc về chủ nghĩa vô thần hiện đại, đã bình phẩm: “Vấn đề với chủ nghĩa vô thần, đó không phải là vấn đề. Đó là một tình trạng, một bầu khí, một thứ lịch sử mập mờ.” Như Michael Buckley nói, chủ nghĩa vô thần hiện đại luôn luôn là thứ ký sinh trùng ăn bám vào loại tôn giáo xấu. Không được một nền thần học tốt thường xuyên chấn chỉnh, chúng ta sẽ luôn luôn sa vào loại tôn giáo xấu. Không có nền thần học tốt, lòng mộ đạo không thể tự nó đủ sức bảo vệ để không bị rơi vào chủ nghĩa văn bản, thiếu thăng bằng, xuyên tạc, quá độ, đa cảm nhất thời, giả mộ đạo hoặc tất cả các chuyện này trộn lại.

Nhưng đó chỉ mới là một nửa của sự thật. Có một nguy cơ khác ở phía kia. Không có lòng mộ đạo, thì nền thần học luôn có nguy cơ thoái hóa thành một hình thức nghệ thuật, xét về mặt thẩm mỹ chỉ đủ tạm vừa lòng, nhưng rồi nó sẽ trở thành một cái gì đó lạnh lùng và xa cách. Linh mục Daniel Berrigan, người chống trí thức gay gắt, diễn tả rất hay điều này (văn phong thường lệ của cha): “Bất cứ và tất cả đòi hỏi nào có tính cách hàn lâm, liên quan đến nhận định hay phát triển đạo đức tối cao, xét một cách phổ quát đều sai… Rất hiếm khi tìm ra, trong các phân khoa thần học chẳng hạn, rằng Thánh Kinh hay bộ luật tôn giáo nào đó lại được xem là ràng buộc hay mời gọi cho đức tin. Thần học, như các bộ môn khác, thường được xem là đối tượng của thẩm quyền, chứ không phải của đức tin; nó chỉ là một thức ăn khô khan. Các truyền thống tôn giáo thường được nuôi dưỡng bởi các vị thánh, các anh hùng, thì lại bị xem đó là các sự kiện «đặc trưng», «chuyên môn». Kết quả trong trường hợp cá biệt này, là không một ý thức đồng nhất, một ý nghĩa chính trị hay lân tuất, không một minh triết nào. Không có gì. Chỉ có một thái độ hẹp hòi, lạnh lùng với thế giới.” Đây là mối nguy cơ của nổ lực cứu rỗi linh hồn khi nó cậy vào chỉ một mình thần học.

Vì thế thật là quan trọng khi chúng ta nhận thức tầm quan trọng và tính chính đáng của cả hai, thần học và lòng mộ đạo. Chúng không chống nhau, nhưng chấn chỉnh một cách lành mạnh cho nhau. Chúng khác nhau về ngôn ngữ và năng lực, một thuộc trí óc, một thuộc cảm tính. Vì thế chúng ta không nên ngạc nhiên khi thấy mối căng thẳng triền miên tồn tại giữa chúng. Giống như các năng lực lớn lao khác, mỗi năng lực đều mang tính tối thượng, muốn trọn vẹn chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cần cự lại cám dỗ chỉ đứng một bên.

Chúng ta thấy được hoa trái phong phú của việc thăng bằng giữa thần học và lòng mộ đạo trong cuộc đời và trong bài viết của các tác giả thần học và thiêng liêng lớn gần đây như: Karl Rahner, Karl Barth, Hans Urs von Balthasar, Henri Nouwen, Jean Vanier, Richard Rohr, Daniel Berrigan, và Dorothy Day, đây chỉ là một danh sách ngắn. Chúng ta thấy nơi họ một nền thần học tốt và một lòng mộ đạo đúng đắn luôn luôn cân bằng với nhau.

Cách đây mấy năm, tôi đi trên một chuyến tàu, trên đó người ta đang phỏng vấn một sinh viên trẻ học Cao Học Thần Linh. Người phỏng vấn hỏi anh: “Anh hay đi nhà thờ ở đâu?” Anh trả lời: “Các ngày trong tuần tôi dự thánh lễ ở nhà thờ ở trường, chúa nhật thì ở giáo xứ địa phương với vợ con.” Người phỏng vấn hỏi: “Vậy có gì khác nhau giữa các nghi thức phụng vụ này?”. “Vâng, có chứ, nghi lễ ở trường khá phóng khoáng, có nhiều bà tham dự, họ rất nhạy cảm để không phụ thuộc giáo quyền, rất nhạy cảm với đại kết và có ngôn ngữ thích ứng. Còn ở giáo xứ thì có tính cách truyền thống hơn và không nhạy cảm chút nào trên nhiều đề tài chúng tôi học ở lớp.” Người phỏng vấn hỏi tiếp: “Thế bạn thích cái nào?”. Anh trả lời: “Tôi thích cả hai. Cả hai đều nuôi dưỡng các khiá cạnh khác nhau trong tâm hồn tôi.”

Có một minh triết trong câu trả lời của anh.

J.B. Thái Hòa dịch