Các giáo hoàng nói gì về thời trang

907

Các giáo hoàng nói gì về thời trang

la-croix.com, Marie Lechapelays, 2018-02-28

Kể từ ngày 10 tháng 5 đến ngày 8 tháng 10-2018, Viện bảo tàng Nghệ thuật New York (Metropolitan Museum of Art, Met) sẽ triển lãm các tác phẩm mượn của Vatican, trong số này có nhẫn, có vương miện của các giáo hoàng.

Cuộc triển lãm có tên “Thân thể Thiên cung: thời trang và trí tưởng tượng công giáo” (Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination). Một phối hợp chặt chẽ giữa thời trang và tôn giáo.

Tuy nhiên, trong quá khứ thường thường các giáo hoàng dè dặt khi nói về thời trang nhưng trong một vài bài diễn văn ở thế kỷ 20 và 21, các ngài cũng nói về các việc tốt lành của thời trang nhưng không quên cảnh giác các đường hướng sai lệch của thời trang.

Tại New York, phẩm phục tôn giáo được triển lãm như một cảm hứng của thời trang 

Ăn sâu vào thời buổi hiện đại, áo quần phải tôn trọng nét kín đáo

Ngay từ đầu thế kỷ 20, trong một bài nói chuyện  với phụ nữ năm 1919, Đức Bênêđictô XV (giáo hoàng từ 1914 đến 1922) đã giải thích phụ nữ công giáo phải chứng tỏ sự “ngay thẳng của mình qua cách ăn mặc”.

Đức Piô XII đã tuyên bố trong Ngày Thanh nữ Công giáo Tiến hành năm 1941, không cần phải coi thường hiện đại và không cần phải tỏ ra rất lịch sự: “Chúa không đòi hỏi các chị em gì (…) không đòi hỏi chị em phải dửng dưng với các đòi hỏi của thời trang, đến mức phải ăn mặc lố bịch, đi ngược với sở thích và cách ăn mặc chung của thời đại”. Nhưng với Đức Piô XII, giáo hoàng thời hậu chiến (1939-1958), người đã chứng kiến các váy cứ ngắn dần, các vai cứ để trần thì phụ nữ cần tìm lại một sự cân bằng: “Một cô gái trẻ có thể hiện đại, có văn hóa, thích thể thao, duyên dáng, tuy nhiên, đặc biệt mà không buộc phải uốn mình theo thời trang thô kệch, một loại thời trang không lành mạnh”.

Tin chắc thời trang không thể nào thoát được chủ nghĩa tư bản, nhân Đại hội Quốc tế lần thứ 6 của các nhà may mặc tổ chức tại Rôma năm 1954, Đức Giáo hoàng thừa dịp này đã xin họ “luôn ý thức ý nghĩa sâu xa công việc của họ và cùng đích của nhân loại”. Theo Đức Piô XII, thời trang thường quá “khiên khích, không biết đến kín đáo là gì, thường làm cho phẩm giá con người xuống thấp thay vì được nâng lên, được làm cao thượng lên”.

Chẳng hạn việc phụ nữ mặc quần tây cũng làm nhiều người không bằng lòng. Năm 1960, Đức Hồng y Siri, một khuôn mặt bảo thủ đã có một Cảnh cáo về việc phụ nữ mặc y phục đàn ông. Theo ngài, mặc quần tây là từ chối nữ tính và ganh đua với đàn ông.

Trên thực tế, Giáo lý Giáo hội công giáo được phát hành năm 1992 và được Đức Gioan-Phaolô II chuẩn chi thì nét kín đáo phải có trong việc chọn lựa áo quần. Tính kín đáo này phải “khiêm nhường” để tránh mọi khơi gợi hiếu kỳ không lành mạnh.

Đức Phanxicô, “một kỷ nguyên mới của Giáo hội công giáo”

Chính các giáo hoàng cũng làm phẩm phục giáo hội tiến hóa, Đức Bênêđictô XVI xem các phẩm phục Rôma phải phản ảnh nét trang trọng huy hoàng của Thiên Chúa. 

Đức Bênêđictô XVI đội mũ “Saturno” tại Vatican tháng 6-2011

Vẻ tráng lệ của nhà may mặc Gammarelli, một gia đình nghệ nhân ở Vatican có từ năm 1789.

Nhưng kể từ khi Đức Phanxicô nhậm chức thì nhà may mặc trứ danh Gammarelli không còn may phẩm phục cho giáo hoàng. Từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô đã chủ trương một Giáo hội nghèo và đơn giản. Một sự xoay chiều đã làm cho Đức Phanxicô được báo Mỹ Esquire bầu là người ăn mặc đẹp nhất năm 2013, địa vị thường dành riêng cho các siêu sao màn ảnh. Tờ báo đã phân tích khi bầu chọn Đức Phanxicô: “Chọn lựa phẩm phục một cách tế nhị của Đức Phanxicô đã loan báo một kỷ nguyên mới cho Giáo hội công giáo”. Chính vì thế, khiêm tốn có thể là thời trang.

Nhưng không vì thế mà Đức Phanxicô không phải là không điệu. Một trong các phụ nữ làm YouTubeur được mời đến Vatican tháng 5 năm 2016 trong lần tham dự hội nghị các Hiệp hội Trường học (Scholas Occurentes) đã khởi hứng niềm nhiệt huyết nơi Đức Phanxicô. Thế giới của bà? Bà Louise Pentland người Anh điều hành chương trình thời trang và thẩm mỹ “Sprinkle of Glitter”, một chương trình có 2.6 triệu cư dân mạng theo dõi. Đức Phanxicô đã tuyên bố: “Tôi rất vui về công việc của bà, nhất là các sản phẩm làm đẹp, thật tuyệt vời. Gieo cái đẹp và nói lên cái đẹp là giúp giảm đi tính hung hăng”.

Và chưa hết. Đầu năm 2017, Hội đồng giáo hoàng về văn hóa đã đưa ra một chương trình có tên “Đào tạo cái đẹp”. Mục đích: Đào tạo thẩm mỹ cho hàng giáo sĩ cũng như cho các nghệ sĩ làm việc trong môi trường giáo hội.

Chủ tịch hội đồng này? Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, người đứng bên cạnh bà Anna Wintour trong lần họp báo loan báo cuộc triển lãm “Thân thể Thiên cung: thời trang và trí tưởng tượng công giáo”.

Donatella Versace, Anna Wintour và Hồng y Gianfranco Ravasi

Xin đọc: 

Vogue và Versace “đăng quang” thời trang phẩm phục giáo hội

Các nhà thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ phẩm phục… phụng vụ!

Marta An Nguyễn dịch