Con đường khó khăn để đi đến tình huynh đệ

296

Con đường khó khăn để đi đến tình huynh đệ

Trích sách Tôi tin tưởng nơi con người, Đối thoại với Jorge Bergoglio. Je crois en l’homme, Conversations avec Jorge Bergoglio, Nxb. Flammarion

Hòa giải quốc gia là một đòi hỏi lặp đi lặp lại trong các bài viết của các giám mục Á Căn Đình, nhất là từ cuộc bạo động chính trị làm cho đất nước lâm vào cảnh tang tóc cho đến khi vãn hồi nền dân chủ năm 1983. Các cuộc đảo chính quân đội, các hành động khủng bố từ phía này phía kia của ý thức hệ và một cuộc áp bức khủng khiếp ngay trong chính nhà cầm quyền dưới chế độ độc tài chuyên chế của quân đội, đã để lại trong lương thức của người Á Căn Đình những vết thương sâu thẳm, những vết thương chưa được khép lại vì các tác giả của chúng luôn luôn bị kết án, một số vẫn được hưởng quy chế miễn tội. Những vết thương thiêu hủy gia đình nạn nhân, hàng ngàn cha mẹ không biết nơi nào để đến khóc con bị mất tích, xác của các con chưa bao giờ được tìm thấy. Những hành động mà các nạn nhân không bao giờ quên được, họ bị bắt lén lút, bị tra tấn và có những người chịu cảnh lưu đày lâu dài.

Vai trò của Giáo Hội trong những năm đó, nhất là trong tiến trình Tái tổ chức Quốc gia do quân đội ly khai khởi chiến đã tạo một cuộc luận chiến, khơi mồi cho rất nhiều chỉ trích của phe chống đối. Hàng giáo sĩ Á Căn Đình cũng bị cho là hèn nhát – thậm chí một số người còn bị cho là đồng lõa trước những vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống.

Trong bối cảnh này, khái niệm “hòa giải quốc gia” – dựa trên sự thật, công chính và tha thứ – được các giám mục đưa ra đã gây nên những giải thích đối kháng nhau. Một vài người thấy đây là sự tấn công để xóa bỏ quá khứ và xếp lại hồ sơ về mặt pháp luật (bao gồm sự ủng hộ mọi luật ban bố để chấm dứt các tố tụng hình sự), như vậy từ trên cao đã đảm bảo không kết tội các tướng lãnh phạm tội. Ngược lại, có người cho rằng đó là một hành vi hòa bình cần thiết trong giai đoạn này khi nền dân chủ vừa khôi phục gian khổ để đi những bước đầu tiên. Nhưng làm sao có thể giải thích tiến trình thuận lợi cho con đường hòa giải? Đâu là ý nghĩa tha thứ theo tinh thần kitô ở đây và tác động của nó như thế nào? Làm sao tha thứ lại có thể đi đôi với hình phạt pháp lý? Có thể nào tha thứ cho người không chịu hối cãi? Nếu phải khẳng định, có nhất thiết phải sửa đổi? Có thể dự kiến khả năng có được một nước hòa giải hay đó chỉ là chuyện không tưởng, và nếu là không tưởng, thì phải để thời gian chữa lành các vết thương không? Giáo Hội có ở tầm cao dưới chế độ độc tài để biến đổi những năm tháng ủng hộ đáng tin cậy thành giải hòa quốc gia không?

Chúng tôi nghĩ cần thiết phải đặt những câu hỏi này với hồng y Jorge Bergoglio.

– Phúc Âm nói phải yêu thương kẻ thù – các chú giải Thánh Kinh cho rằng phải hiểu câu này theo nghĩa “muốn điều tốt cho kẻ thù” – và tha thứ bảy mươi bảy lần bảy. Cha có thấy tiền đề này là không tưởng, một cách nào đó, ngược với bản chất tự nhiên của con người không?

– Trên điểm này, Chúa Giêsu thật khủng khiếp; Ngài không nhân nhượng, Ngài còn làm gương. Khi bị bức hại, bị kết án oan, bị hành hạ tra tấn, các quan có thẩm quyền phủi tay, vậy mà Ngài kêu lên: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Ngài tìm cách chuộc tội để có thể tha thứ cho họ. Còn câu: “Nếu kẻ thù của con đói, cho họ ăn; khát, cho họ uống,” cái chết của Ngài được diễn tả rất rõ trong một bản dịch tiếng Castillan. Cho đến bây giờ, người ta đọc: “Như thế, con sẽ chất than nóng và than hồng trên đầu nó.” Tôi không đồng ý với ý tưởng để than hồng trên đầu. Bản dịch mới thích hợp hơn: “Như thế, đầu của nó sẽ bị thiêu đốt vì xấu hổ.” Dù sao, điều này phù với chiến lược: hướng đến cách ứng xử nhân bản như Chúa Giêsu, vẫn tôn trọng chúng ta, nhưng vẫn cảm nhận xấu hổ khi làm điều xấu. Ai không còn cảm thấy xấu hổ thì họ bị mất tường rào để chống bạo lực; họ là con kên kên. Lời của Chúa Giêsu không nhân nhượng. Nhưng, cẩn thận! Ngài không nói: “Quên đi!”

– Người ta thường hay nói “tôi tha thứ nhưng tôi không quên.”

– Tôi không thể quên những gì người khác đã làm cho tôi những tôi có một cái nhìn khác dù lúc đó, tôi cảm thấy rất khổ. Với năm tháng, chúng ta tốt hơn, giống như Perón nói, chúng ta “chiết khấu dần dần”, khôn ngoan hơn, kiên nhẫn hơn. Và khi vết thương càng ngày càng khép lại, thì chúng ta giữ một khoảng cách. Đó là thái độ mà Chúa đòi hỏi: lòng tha thứ của quả tim. Tha thứ có nghĩa là, những gì bạn làm cho tôi, tôi không bắt bạn trả, vì nó đã ở trên bàn cân của những mất và được. Chắc chắn tôi sẽ không quên nhưng tôi không tìm cách trả thù. Có nghĩa là tôi không nuôi lòng hận thù.

– Như vậy không phải là “thấm giẻ,” nhưng đúng hơn là bắt qua chuyện khác.

– Không, không phải thấm giẻ. Tôi nhắc lại, không thể nào quên được. Dù sao, tôi phải làm dịu tâm hồn và xin Chúa tha thứ cho người đã làm hại tôi. Rất khó mà tha thứ nếu không cậy vào Chúa, bởi vì khả năng tha thứ chỉ đến khi chính mình đã được tha thứ. Và thường thuờng, kinh nghiệm này chúng ta có được từ Chúa. Đương nhiên, con người cũng có thể sống được như vậy. Nhưng chỉ ai đã từng xin tha thứ, ít nhất là một lần, thì mới tha thứ được. Theo tôi, có ba chữ để xác định một con người, xin lỗi, cám ơn và tha thứ, những chữ tóm tắt một vài thái độ – nhân tiện tôi cũng nói – kể cả tôi luôn. Một người không biết xin lỗi, họ xô đẩy, họ lấn, giống như trước mặt họ không có ai, như không có người khác trên cõi đời này. Ngược lại, ai xin lỗi thì người đó khiêm tốn, sống hòa mình, dễ hội nhập.

Còn người không bao giờ biết cám ơn, họ nghĩ họ không cần phải cám ơn ai. Tôi nhớ lại điệp khúc Tây Ban Nha: Ai sinh ra được tốt thì biết cám ơn – El bien nacido es agradecido. Bởi vì lòng biết ơn là hoa trái nở ra nơi những tâm hồn cao thượng. Cuối cùng là những người nghĩ với giá nào họ cũng xin tha thứ. Họ bị đau khổ vì mối tội chính: kiêu ngạo. Và tôi nhấn mạnh, chỉ ai đã từng xin tha thứ, đã sống kinh nghiệm tha thứ thì mới có thể tha thứ được. Vì thế, ai không nói được ba chữ này thì người đó là người khuyết tật. Họ bị tỉa cành quá sớm hoặc bị cuộc đời vùi dập.

– Nhưng, theo tinh thần kitô, người ta có thể tha thứ người không chịu hối cải về những chuyện xấu họ đã làm, và với người không tỏ ra có một ý chí nào để sửa sai không?

– Trong bài giảng nhân dịp lễ Kính Mình Thánh Chúa, tôi có giảng một bài bị nhiều người đả kích. Họ diễn giải lời tôi, cho đó là một loại biện minh cho tội ác mà chúng ta đã sống và xem như tôi khuyến khích nên lật qua một trang khác. Đó là lúc tôi nhắc đến những người nguyền rủa quá khứ và không tha thứ; thậm chí có những người còn dùng quá khứ để hưởng lợi. Lúc đó, tôi khẳng định phải chúc lành quá khứ bằng ăn năn hối cải, bằng tha thứ và bằng sửa chữa. Phải phối hợp tha thứ với hai thái độ kia. Nếu người ta đối xử xấu với tôi, tôi phải tha thứ nhưng tha thứ sẽ làm cho người kia xúc động nếu họ ăn năn và sửa lỗi lầm của họ. Người ta không thể nói: “Tôi tha thứ cho bạn và mình xí xóa hết.” Nếu ở tòa án Nuremberg, người ta phản ứng như vậy đối với các nhà lãnh đạo nazi thì chuyện gì sẽ xảy ra? Đối với người này, sửa chữa là treo cổ, đối với người kia, là giam tù. Chúng ta nên hiểu đúng: tôi không đồng ý với án tử hình, nhưng đó là luật hồi đó, sửa chữa là đòi hỏi của xã hội và phải theo luật hiện hành.

– Dù vậy, tha thứ không phải là hành vi một chiều, tùy thuộc vào ý muốn của người tha thứ.

– Tôi phải sẵn sàng tha thứ và chỉ thật sự tha thứ được khi người kia xứng đáng nhận tha thứ. Và họ có thể tiếp nhận được tha thứ với điều kiện họ hối lỗi và muốn sửa lỗi. Nếu không, họ vẫn vậy, nói theo danh từ đá bóng, họ ở ngoài vòng biên – off-side. Tha thứ là một chuyện, tiếp nhận tha thứ là một chuyện khác.

Nếu tôi đánh mẹ tôi, sau đó tôi xin bà tha thứ, biết rằng nếu bà không làm vui lòng tôi, tôi sẽ đánh lại, có thể bà tha thứ cho tôi nhưng phần tôi, tôi không nhận tha thứ vì lòng tôi đã khép kín. Nói cách khác, phải chuẩn bị để đón nhận tha thứ. Vì thế, qua cuộc đời của các thánh, trong những buổi phỏng vấn, chúng ta thường nghe thành ngữ nổi tiếng “khóc tội của mình”, thể hiện tinh thần kitô, khóc tội mình đã phạm, gồm ăn năn và sửa lỗi.

– Nhưng khi các lỗi phạm rất nặng, những tội bắt gặp quả tang, gây đau đớn tàn bạo, rồi họ tạo ra một cơ chế phủ bác, thậm chí còn biện minh bằng cách nói mình không có mặt nơi tội ác diễn ra, “có phương thuốc nào chữa không?”

– Tôi nghĩ nó xảy ra với những sự cố ít trầm trọng. Cá nhân tôi, cũng đã có khi tôi xưng tội – khi sống trong giây phút lương tâm trong sáng, khi đó tôi lắng mình trong cảm nhận mình đã sai lầm trong quá khứ hay các tội chưa được sửa sai. Khi nhìn những sự kiện này với con mắt mới, tôi quá hoảng sợ. Nếu, giữa hai giây phút đen tối, những khoảng khắc sáng chói đã làm cho tôi hoảng thì khi tôi ý thức chiều kích xã hội trong các hành động của tôi, hoặc tôi khinh suất khi làm, thì người ta có thể dễ dàng hình dung những người đã phạm những lỗi lầm kinh thiên, họ sẽ dùng cơ chế phản bác hoặc những lý luận đủ kiểu để khỏi chết vì kinh hoàng lo sợ.

– Dù sao, vấn đề của Á Căn Đình là “không phải ai…”

– Vậy thì phải vinh danh những anh hùng phá rối của những thập niên hiếu động của lịch sử chúng ta, họ giết nhau công khai. Ví dụ: “Chính tôi thanh toán người đó.” Ký tên: Lavalle (một quân nhân theo chủ nghĩa độc lập ở Á Căn Đình). Ngược lại, sau cuộc bạo động chính trị vào cuối thế kỷ 20, không ai chịu trách nhiệm của mình, và rất hiếm khi điều này xảy ra, rất hiếm khi có dấu hiệu ăn năn, cũng chẳng có ý muốn sửa sai. Dưới chế độ quân đội độc tài vừa qua, với những vi phạm nhân quyền, như hàng giám mục chúng tôi đã nói, đã vi phạm rất trầm trọng, bởi vì làm trên tầm mức Quốc gia, hàng ngàn người bị mất tích. Không chấp nhận chuyện này, có phải đó là một hành động không có trách nhiệm quá độ và không chịu đựng được không?

– Cũng có những người chọn cách ứng xử phục thù. Cha nghĩ, chẳng hạn, vai trò của nữ chủ tịch Hội các bà Mẹ ở quảng trường tháng Năm, bà Hebe de Bonafini, bà có muốn giải hòa không?

– Phải ở trong địa vị của bà mẹ có con cái bị giam, bà không bao giờ có tin tức của con cái, chúng là da thịt của bà, bà không biết con mình sẽ còn ở trong tù bao nhiêu năm. Bao nhiêu là tra tấn, là bị đánh trước khi bị giết, cũng không biết họ thảm sát con mình cách nào. Tôi nghĩ những người đàn bà này họ tuyệt vọng đi tìm con mình, đụng với thái độ khinh khỉnh của chính quyền, dìm họ vào bùn đen, xua đuổi họ từ nơi này qua nơi khác. Làm sao mà không hiểu họ cảm nhận gì trong lòng?

– Trong những năm này, Giáo Hội có bảo vệ đúng nhân quyền không?

– Để trả lời câu hỏi này, phải hiểu Giáo Hội gồm những người đã rửa tội, là chúng ta, cũng như toàn xã hội, đã dần dần ý thức những gì đang xảy ra. Về phần tôi, tôi phải thú nhận, hồi mới đầu, tôi bố trí những phương tiện rất hạn chế để giải thích một số sự kiện: năm 1973 khi Perón về nước, có một cuộc nổ súng xảy ra ở phi trường Ezeiza, Buenos Aires, tôi không hiểu gì hết. Tôi cũng không hiểu gì khi Cámpora từ chức tổng thống. Tôi không có đủ thông tin chính trị để giải mã các biến cố này.

Dần dần chúng tôi hiểu có các tổ chức phản loạn, dự án của họ là chiếm Tucumán, có những hành động khủng bố, giết hại các nạn nhân dân sự vô tội và thanh niên trẻ nhập ngủ, cho đến ngày bà tổng thống Isabel Martínez de Perón ban hành sắc lệnh “tiêu diệt quân lật đổ.” Lúc đó chúng tôi bắt đầu ý thức tầm quan trọng của tình huống. Cùng lúc đó, gần như mọi người đều bắt đầu “gõ cửa các trại lính.” Cuộc dảo chánh quân đội năm 1976 được sự hỗ trợ của đa số quần chúng, kể cả phần lớn các đảng phái chính trị. Nếu tôi không nói quá, chỉ duy nhất có Đảng Cộng sản Cách mạng là chống đối, dù, sự thật, không một ai, trừ một vài ngoại lệ rất hiếm, mà không nghi ngờ những gì đã xảy ra. Trên điểm này, chúng ta phải thực tế, nhưng không có ai được quyền nói mình vô tội. Tôi chờ các đảng phái chính trị và các tổ chức khác xin tha thứ, như Giáo Hội đã làm. Năm 1996, tòa giám mục đã phát hành một bản tự vấn lương tâm và năm 2000 đã nhận mình có tội mea culpa nhân dịp năm thánh.

– Có người cho rằng Giáo Hội hoàn toàn biết những gì xảy ra dưới chế độ độc tài.

– Tôi lặp lại: hồi mới đầu, không ai biết gì hoặc gần như không biết gì, sau đó dần dần chúng tôi hiểu. Chính tôi, trong cương vị linh mục, giá tôi hiểu tầm quan trọng của tình huống, giá tôi biết có nhiều người bị tù… tôi chỉ hiểu một ít sau này. Chung chung, xã hội đã hoàn toàn ý thức khi xử vụ án các tướng lãnh. Đúng là có một vài giám mục biết trước có những phương pháp dùng để chống những người bị bắt giữ. Đúng là có những cha xứ sáng suốt hơn, đã mạo hiểm mạng sống của họ. Giám mục Zape, lúc đó là giám mục ở Santa Fe, đã là một trong những người đầu tiên nhận ra những hoạt động của chế độ độc tài, sau vụ giam giữ tra tấn khủng khiếp ông Adán Noé Campagnolo mà trước vụ đảo chánh ông ở trong ban quản trị của thủ đô.

Có các ông Hesayne, Novak và De Nevares đã phản ứng mạnh và bắt đầu huy động lực lượng để bảo vệ nhân quyền. Có những người khác làm rất nhiều nhưng ít nói. Cũng có những người, một cách vô thức, họ không muốn nhìn trước mặt các sự kiện mang tính chất thoái hoá, hoặc họ không thể nào tin đó là chuyện thật. Giống như các cha mẹ có con bị nghiện thuốc, nghiện game hay nghiện một loại gì khác. Đó là một thái độ rất nhân bản. Cá nhân tôi, tôi rất khổ khi biết điều này, cho đến ngày người ta lén lút mang đến cho tôi các nạn nhân, tôi đã che giấu người đầu tiên được tôi bảo vệ.

– Chúng ta sẽ đề cập đến vấn đề này sau. Người ta thường nói Tòa Giám mục thích kín đáo can thiệp hơn là tuyên bố công khai vì sợ các nạn nhân còn bị đem ra hành quyết nhanh hơn. Có đúng đây là một chiến thuật không? Cuối cùng, có phải là sự im lặng đồng lõa không?

– Đó là một sự kiện, chúng tôi đi theo một phần chiến thuật này. Tuy nhiên, dù có những can thiệp kín đáo nhưng các tuyên bố của Toà Giám mục thì rõ ràng và được tập hợp lại trong quyển sách Giáo Hội và Cộng đồng Quốc gia, nhân kỷ niệm 25 năm của tài liệu này. Các tài liệu chính ở chương 3 có tên “Giáo Hội và nhân quyền”, từ trang 625 đến 727. Ngược với các biện dẫn thiếu thiện chí của một vài ký giả, chúng tôi không bỏ sót các dữ liệu. Giáo Hội đã công bố. Trong đó còn có bức thư mục vụ viết ngày 15-05-1976 cho thấy sự lo lắng của các giám mục. Bức thư tháng 4 năm 1977 tố cáo nạn tra tấn. Cũng còn có những bức thư khác trong thời tổng thống Isabel Perón. Dù vậy, chúng tôi cũng nói lên một vài nghi ngờ, bởi vì, như tôi đã nói, chúng ta không biết thật sự những gì đang xảy ra. Nhưng những sự kiện như việc thảm sát các linh mục và các chủng sinh đã tăng sức mạnh cho những tố cáo này.

– Những năm sau đó, mỗi lần Giáo Hội gợi lên sự cần thiết phải hòa giải thì nhiều người cho rằng đó là cổ vũ cho việc tha hình phạt. Cha nghĩ gì?

– Chắc chắn là không. Tôi nói rõ: công lý sẽ hành động. Đúng là có những xáo trộn lớn trên hoàn vũ, các cuộc chiến hung tàn, sau đó luôn luôn có tiến trình xã hội-chính trị của hội Ân xá quốc tế. Sau Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Nhì, hội Ân xá đã ban sắc lệnh ở nhiều nước, nhưng chắc chắn không vì vậy mà không xử những người có trách nhiệm. Nước Pháp đã phải chạm trán với những người hợp tác với chế độ Pétain và họ phản ứng một cách đại lượng. Tổng thống de Gaulle cứng rắn nhưng ông sợ bất công với họ, vì ông thấy hồi đó rất khó để biết làm sao phản ứng cho đúng với người Đức. Họ không xử Pétain nhưng họ gởi ông qua Guyane (có một sai lầm ở đây, Pétain chết ở Ile d’Yeu.) De Gaulle muốn thanh lọc ba mươi lăm giám mục đã có liên hệ với Pétain. Lúc đó hồng y Giuseppe Roncalli, sau này là giáo hoàng Gioan XXIII, trong tư cách là sứ thần tòa thánh ở Paris đã can thiệp và cuối cùng có ba hay bốn giám mục bị thoái chức. Tôi tin họ biết phân biệt giữa tình thế khó xử do hoảng sợ và những hành vi phạm tội. Người ta có thể hiểu những người hoảng sợ nhưng những người làm tội ác, chắc chắn không ai hiểu được. Thống chế Pétain đã làm những gì ông nghĩ phải làm vì yêu tổ quốc. Dù ông có thiện chí tốt, nhưng ông bị lừa. Nếu không, người dân sẽ cắt cổ ông bởi vì người Pháp rất thẳng, không quanh co.

– Về chuyện này, người ta thường nhắc đến chuyện đức giáo hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho người ám sát mình. Nhưng pháp luật vẫn thi hành…

– Đương nhiên. Ali Ağca bị kiện. Đức giáo hoàng đã tha nhưng Ali Ağca vẫn bị lên án và phải ở tù cho đến mãn hạn trước khi trả về Thổ Nhĩ Kỳ, nơi ông sẽ bị giam về các tội đã phạm trước đây ở nước này. Nhân đây tôi nhắc lại, người ta có thể tha thứ với tất cả lòng thành nhưng người kia có bổn phận phải ăn năn hối tiếc và sửa chữa lỗi lầm. Theo những gì tôi được biết và tôi cũng nghĩ là đúng, khi đức giáo hoàng vào nhà tù thăm ông, không lúc nào ông tỏ ra hối tiếc. Đã thế, ông còn nói: “Tôi không hiểu tại sao cha không chết… Vĩnh viễn tôi đã làm hụt cú này.”

– Có nghĩa, muốn có giải hòa đích thực thì phải buông bỏ một cái gì? Có đòi hỏi phải có những hành vi cao thượng không?

– Chúng ta phải luôn luôn từ bỏ một cái gì. Để có được hòa giải, phải từ bỏ. Nó áp dụng cho tất cả mọi người. Nhưng cẩn thận, điều này không được phương hại đến công chính. Đòi hỏi phải từ bỏ nhưng không được có cảm nhận chua cay. Cảm nhận chua cay cũng như hận thù. Sống trong hận thù thì giống như uống nước dư, như ăn lại những gì mình thải ra; có nghĩa là không nên lôi từ bùn ra.

Ngược lại, đau đớn là một vết thương khác, vết thương này có một địa bàn tự do. Cảm nhận chua cay giống như một căn nhà đông đúc, mọi người chất đống trong đó, không còn thấy mặt trời. Trong khi đau đớn là chỗ ở, người ta có thể ở đông đúc nhưng còn thấy mặt trời. Nói theo nghĩa khác, đau đớn còn cầu nguyện, còn dịu dàng, còn có tình bằng hữu, còn có cả ngàn việc để chúng ta lớn lên. Như thế đau đớn là một tình trạng lành mạnh. Kinh nghiệm đã dạy cho tôi như vậy.

– Bà mẹ của bà Michelle Bachelet, nữ thủ tướng nước Chí Lợi kể một ngày kia, bà đối diện với tên đồ tể trong thang máy, bà đã tha thứ cho ông và cảm nhận mình có một bình an vô hạn.

– Tha thứ luôn luôn là chuyện tốt, trở lại với câu hỏi trước: đức hạnh của tính cao thượng. Người cao thượng luôn luôn là người hạnh phúc. Nhát gan, tâm hồn héo tàn thì không có được hạnh phúc.

– Có phải tha thứ làm cho mình giống Chúa hơn không?

– Tình yêu làm cho chúng ta gần Chúa nhất. Tha thứ làm cho chúng ta đồng hóa với Chúa trong hành vi yêu thương.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch