Ý nghĩa các dấu chỉ đầu tiên của thánh lễ

909
Ý nghĩa các dấu chỉ đầu tiên của thánh lễ
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20 tháng 12 ở Hội trường Phaolô VI , Đức Phanxicô giải thích các dấu chỉ đầu tiên của thánh lễ. Vì sao mở đầu thánh lễ, linh mục hôn bàn thờ khi bước đến bàn thờ? Vì bàn thờ tượng trưng cho Chúa Kitô, khi chúng ta nhìn bàn thờ là chúng ta nhìn Chúa Kitô, Chúa Kitô ở trọng tâm cộng đoàn.
fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-12-20
Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư 20-12, Đức Phanxicô tiếp tục giảng phần giáo lý về thánh lễ. Đức ông Jean Landousies đọc bài tổng hợp giáo lý bằng tiếng Pháp.
Đức Phanxicô giải thích chi tiết các dấu chỉ đầu tiên của thánh lễ: “Anh chị em thân mến, thánh lễ gồm phần Phụng vụ Lời Chúa và Phép Thay thế. Để tham dự thánh lễ trọn vẹn, chúng ta cần biết các ý nghĩa của thánh lễ”.
Ngài giải thích phần mở đầu phụng vụ: “Các nghi thức mở đầu có mục đích làm cho các tín hữu kết hiệp với nhau thành một cộng đoàn, trong đức tin, cộng đoàn lắng nghe Lời Chúa và cử hành Thánh Thể một cách xứng đáng”.
Sau đó, trong phần tiếng Ý, ngài mời gọi “giáo dân đi đúng giờ, ngay cả nên tới trước để chuẩn bị”. Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc gặp gỡ với tình yêu của Chúa Kitô: “Nghi thức rước khi tiến lên bàn thờ và tôn kính bàn thờ có nghĩa thánh lễ là cuộc gặp với Chúa Kitô vì Chúa Kitô ở trọng tâm phụng vụ”.
Kế đến , Đức Phanxicô nhắc đến ý nghĩa của bàn thờ và dấu thánh giá: “Bàn thờ là trọng tâm của ơn thánh được thể hiện qua Phép Thánh Thể. Qua việc làm dấu thánh giá, không những chúng ta nhớ lại lễ rửa tội của mình, nhưng chúng ta còn xác nhận kinh phụng vụ là cuộc gặp với Thiên Chúa qua Chúa Giêsu, Đấng xuống thế làm người, chết trên thập giá và sống lại vinh quang”.
Đức Phanxicô lập lại hai lần, điều quan trọng là cha mẹ dạy cho con cái làm dấu thánh giá.
Tiếp đó, Đức Phanxicô giải thích các lời đầu tiên của linh mục khi dâng thánh lễ và câu trả lời của giáo dân: “Lời chào của linh mục và câu trả lời của cộng đoàn thể hiện huyền nhiệm Giáo hội tụ họp. Chúng ta cùng nói lên đức tin chung, cũng như ước muốn của linh mục và giáo dân được ở với Chúa và sống trong tinh thần hiệp nhất với cả cộng đoàn”.
Ngài cũng nêu lên sự quan trọng của lòng khiêm nhường như người ‘thâu thuế’: “Với lòng khiêm nhường và chân thành, hành vi ăn năn giúp chúng ta nhận biết mình là người tội lỗi trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em mình, để được tái sinh với Chúa Kitô vào một đời sống mới”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch