Ronald Rolheiser, 2011-03-27
Lorenzo Rosebaugh, tu sĩ đồng môn dòng Hiến sĩ bị bắn chết ở Guatemala cách đây hai năm, có lần chia sẻ tại một buổi họp dòng lời khuyên mà Daniel Beriggan từng khuyên ông. Khi suy ngẫm về một hành động bất phục tùng dân sự để phản đối chiến tranh Việt Nam, Berrigan đã khuyên Lorenzo: Nếu anh làm điều này mà không khỏi cảm thấy chua chát, thì đừng làm! Hãy chỉ làm điều đó khi nào anh có thể làm với một trái tim dịu ngọt! Hãy làm điều đó chỉ khi nào anh có thể chắc chắn rằng rốt cục anh sẽ không căm ghét những người bắt anh!
Điều đó quả là khó khăn; nhưng, rốt cuộc, đó là thách thức tột cùng, nghĩa là, không căm ghét những ai chống đối chúng ta, không căm ghét kẻ thù của mình, vẫn mang lòng độ lượng và tha thứ khi đối diện với hiểu lầm, chống đối cay chua, tỵ hiềm, tức giận, thù hận, ngược đãi, và thậm chí bị cái chết đe dọa.
Làm môn đồ của Giê-su có nghĩa là, một lúc nào đó, chúng ta sẽ bị căm ghét. Chúng ta sẽ có kẻ thù. Nó đã xảy ra với Chúa Giêsu và ngài cũng đoan chắc nó cũng sẽ xảy ra với chúng ta.
Và Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một tấm gương mà chúng ta cần để trả lời với kẻ thù của chúng ta. Khi thánh kinh kể rằng Chúa Giê-su cứu chuộc con người khỏi tội lỗi, nó không chỉ có nghĩa rằng khi dâng cái chết của mình lên Chúa Cha như một hy sinh trong một hành động vĩnh viễn, Người đã chuộc lại tội lỗi chúng ta. Nó cũng chỉ ra cách sống của Người và bằng cách nào mà, như Người đã cho thấy, sự tha thứ và thương yêu kẻ thù có thể cứu chuộc tội lỗi, bằng cách hóa giải nó. Hành động thương yêu vĩ đại của Chúa Giê-su, như Kierkegaard từng nói, là để làm theo chứ không chỉ để thán phục.
Nhưng làm sao chúng ta làm vậy được? Dường như chúng ta không biết làm thế nào để thương yêu kẻ thù, chúng ta không có sức mạnh để tha thứ. Chúng ta rao giảng đó là lý tưởng và ngây thơ tin rằng mình đang làm điều đó. Nhưng, phần lớn, chúng ta không làm. Chúng ta không thật sự thương yêu và tha thứ những ai chống đối mình. Quá thường xuyên chúng ta ngờ vực, bất kính, chua cay, coi kẻ khác như quỷ dữ, và dùng ngôn ngữ ám hại đối với nhau. Nếu trong đời sống của chúng ta có nhiều tình thương yêu và tha thứ cho kẻ thù, thì điều này chẳng hề rõ ràng chút nào, ở ngoài đời cũng như ở nhà thờ. Như Ronald Knox từng nói, là Ki-tô hữu, chúng ta chưa bao giờ thật sự nghiêm túc tiếp nhận thách thức của Chúa Giê-su rằng hãy yêu thương kẻ thù và chìa má kia ra.
Tôi nói điều này với lòng lân mẫn. Chúng ta cần được giúp đỡ. Ngạn ngữ cổ nói đúng: Mắc lỗi là con người, tha thứ là thánh. Vậy chúng ta bắt đầu bằng cách nào đây?
Có thể chúng ta bắt đầu bằng cách vừa thừa nhận thất bại của chúng ta vừa thừa nhận sự bất lực của mình, với tư cách cá nhân cũng như giáo hội. Chúng ta chẳng mấy thương yêu hay tha thứ cho ai khi bị chống đối. Tiếp đó, chúng ta cần nêu bật tính chất chưa trưởng thành này và tầm quan trọng của thất bại đó trong khi chúng ta rao giảng và giảng dạy. Thương yêu kẻ thù mình là một phép thử tôn giáo và luân lý thật sự! Chúng ta không có quyền gọi bất kỳ ai là “Ki-tô hữu quán cà-phê” (cafeteria Christian – “Ki-tô hữu hời hợt”) hay một tín đồ nửa vời của Chúa Kitô trừ phi, trước tiên hết, chúng ta, chính chúng ta, là những người độ lượng, có thái độ tôn trọng, thương yêu và tha thứ khi đối diện với bất kỳ ai chống đối chúng ta. Chúng ta, tất cả chúng ta, hãy bắt đầu ở chỗ khiêm tốn thừa nhận rằng: Chúng ta chẳng giống Chúa Giê-su là bao khi đối diện với sự chống đối.
Sau đó, có lẽ điều quan trọng trên hết thảy, chúng ta cần tìm cách được giúp đỡ, gần giống như cách hoạt động của Hội Những người nghiện rượu Ẩn danh (Alcoholics’ Anonymous). Nếu đơn lẻ, chúng ta không có đủ sức mạnh để thương được những ai căm ghét chúng ta. Chúng ta cần tới ơn trên và cộng đoàn, quyền năng của Chúa và sự hỗ trợ của những người khác, để duy trì được điều khó khăn nhất trong mọi điều tỉnh táo, đó là, bước đi trong một khối sức mạnh vững bền mà vẫn giúp chúng ta giữ được tình nồng ấm, độ lượng, tha thứ, thương yêu và vui vẻ ngay khi đối diện với hiểu lầm, tỵ hiềm, chống đối, cay chua, đe dọa và giết chóc.
Về mặt cá nhân mà nói, tôi coi đây là thách thức lớn nhất của đời mình, về mặt đạo đức lẫn con người. Làm thế nào để thương yêu được kẻ thù: Làm thế nào để tôi không để cho một ánh nhìn ghen tức khiến tim mình lạnh giá? Làm thế nào để tôi không để cho một lời nói chua chát làm hỏng một ngày của tôi? Làm thế nào để tôi không coi những người khác như quỷ dữ khi họ chống đối tôi? Làm thế nào để tôi vẫn giữ lòng lân mẫn khi tôi bị hiểu lầm? Làm thế nào để tôi vẫn giữ được nồng ấm khi đối diện với chua cay? Làm thế nào để tôi không chào thua trong căn bệnh sợ hoang tưởng khi cảm thấy mình bị đe dọa? Làm thế nào để tôi tha thứ được cho một người không cần tôi tha thứ? Làm thế nào để ngăn không cho chính bản thân tôi đóng sầm cánh cửa lòng mình khi đối diện với lạnh lùng và chối bỏ? Làm thế nào để tôi tha thứ cho những người khác khi chính trái tim tôi đang chua chát thấy tội nghiệp cho bản thân mình? Làm thế nào để tôi thật sự thương yêu và tha thứ như Giê-su đã làm?
Tôi vẫn thường tự hỏi làm sao mà Chúa Giê-su làm được điều đó. Làm thế nào mà người giữ được cõi lòng bình an, trái tim nồng ấm, lời nói độ lượng, cuộc sống vui vẻ, nỗ lực bền bỉ, khả năng biết ơn, và vui tính khi đối diện với hiểu lầm, tỵ hiềm, căm thù và đe dọa giết?
Người làm điều đó bằng cách thừa nhận rằng đó là, và duy nhất là, mối thách thức quan trọng nhất cuộc đời và sứ mệnh của Người, và, dưới sức nặng của mệnh lệnh đó, bằng cách quỳ gối xuống và xin Ơn trên giúp đỡ, Người có thể làm cho chúng ta những gì mà chúng ta không thể làm được cho chính mình.
J.B. Thái Hòa dịch