Gioan XXIII và Gioan Phaolô II: Hai mốc thánh thiện của Giáo hội
Nguồn: usccbmedia.blogspot, Don Clemmer
Thật dễ để đưa ra những điểm khác biệt giữa Đức Gioan XXIII (1958-1963) và Đức Gioan-Phaolô II (1978-2005), hai giáo hoàng sẽ được phong thánh vào ngày 27 tháng 4 năm 2014
Đức Gioan XXIII là con của một gia đình nông dân Ý, hài hước, mập mạp. Đức Gioan-Phaolô II là một vận động viên và diễn viên người Ba Lan đẹp trai, cường tráng. Triều giáo hoàng ngắn ngủi của Đức Gioan XXIII “mở ra các cánh cửa” và thắp lên ngọn nến cải cách mãnh liệt nhất trong lịch sử hiện đại của Giáo hội. Đức Gioan Phaolô II với một phần tư thế kỷ trên ngai tòa Phêrô là Giáo hoàng có tầm nhìn cao, đóng vai trò quan trọng trong sự sụp đổ chế độ cộng sản, và lên tiếng gắt gao để bảo vệ giáo lý Công giáo trước nền văn hóa thế tục.
Nhưng không có quá nhiều khác biệt khi chúng ta nghĩ đến việc Thiên Chúa cho chúng ta những ơn khác nhau vào những giai đoạn khác nhau. Và điểm chung của hai Giáo hoàng này là cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong hai thời điểm khác nhau trên cùng một lũy tiến là Giáo hoàng trong thế giới hiện đại. Chúng ta có thể thấy sự giống nhau giữa hai người trong nhiều lĩnh vực:
Công du: Đức Gioan-Phaolô II là Giáo hoàng kỷ lục của những chuyến công du của mình, ngài đã đi gần 200 chuyến trong suốt 26 năm, mở ra ngày Đại hội Giới trẻ Thế giới và đem giáo hoàng đến gần như mọi ngóc ngách trên địa cầu. Nhưng chính Đức Gioan XXIII là người phá vỡ truyền thống «tù nhân Vatican» vốn kéo dài trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy chưa bao giờ đi ra khỏi nước Ý trong cương vị giáo hoàng, nhưng ngài đã đi từ Rôma đến Đaxixi để cầu nguyện cho Công đồng Vaticanô II được thành công. Giáo hoàng Phanxicô đã theo bước Gioan-Phaolô II trên con đường đáng nhớ tại Đại hội Giới trẻ Thế giới ở Rio de Janeiro. Ngài cũng đã đến Đaxixi hồi tháng 10 để cầu nguyện cho hành cuộc cải cách Giáo hội được thành công.
Lề luật và giáo huấn: Khi Đức Gioan XXIII đưa ra tuyên bố đầy kinh ngạc vào ngày 25 tháng 1 năm 1959, tại Đền thờ thánh Phaolô ngoại thành, ngài không chỉ kêu gọi đại kết, nhưng còn kêu gọi lập một Công đồng Giáo phận Roma và đồng thời xem xét lại Bộ giáo luật 1917. Gioan XXIII mở được Công đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, nhưng Bộ giáo luật được chỉnh sửa thì phải đến 25 tháng 1 năm 1983, 20 năm sau ngày ngài mất, mới được ban hành. Trong cả Công đồng và Bộ giáo luật, Gioan XIII và Gioan Phaolô II đều có một vai trò đáng tôn vinh, một người khởi xướng và một người hoàn thành.
Các phái Kitô giáo khác: Trước khi Công đồng Vaticanô II đưa ra văn kiện đại kết, Unitatis Redintegratio, vào năm 1964, Gioan XXIII đã bắt đầu giải băng giữa Công giáo và các phái Kitô giáo khác. Phong thái vui vẻ giúp ngài đối thoại thật tự nhiên, và khi nói đến những Kitô hữu đã phân ly khỏi Giáo hội Công giáo trong suốt nhiều thế kỷ, và thậm chí là cả thiên niên kỷ trong trường hợp Chính thống giáo Đông phương, ngài thay «những người theo dị giáo và ly giáo» thành «những anh em xa cách của chúng ta». Đại diện của các phái này được mời đến với tư cách quan sát viên chính thức ở Công đồng, và một trong hàng loạt mục tiêu của Vatican II, chính là thăng tiến sự hiệp nhất Kitô giáo. Gioan Phaolô II đã có đóng góp lớn cho sự hiệp nhất đại kết bằng tông thư năm 1995 Để nên một Ut Unum Sint, mời gọi các Kitô hữu không Công giáo đối thoại với ngài về vai trò thừa tác vụ của Giáo hoàng có thể được vận dụng để thăng tiến hiệp nhất.
Các tôn giáo khác: Tất nhiên, ý hướng tốt của Công đồng không chỉ dừng lại ở các phái Kitô giáo khác. Trong văn kiện đúc kết, Nostra Aetate (1965), xác định tính tốt lành của vô số tôn giáo trên thế giới, bao gồm mối liên hệ đặc biệt giữa Công giáo với Do Thái giáo. Gioan XXIII đã thúc đẩy đưa ra tuyên bố này. Trong triều giáo hoàng ngắn ngủi của mình, ngài đã khiến các đại biểu Do Thái giáo kinh ngạc khi nói với họ, «Tôi là Giuse, anh em của các anh», cũng như đã loại bỏ những câu chữ có tính công kích người Do Thái trong kinh cầu ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Gioan Phaolô II là giáo hoàng đầu tiên viếng thăm chính thức một hội đường Do Thái vào năm 1986, và cùng trong năm đó, mở ra ngày lịch sử đại kết các tôn giáo tại Đaxixi cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Truyền thông và Sức thu hút: Cuối cùng, cả Gioan XXIII và Gioan Phaolô II đều là ví dụ cho thấy cá tính của một Giáo hoàng có thể làm nên những điều kỳ diệu trong việc loan báo Tin Mừng trong thời đại truyền thông đại chúng, cho dù là vào thời mở màn kỷ nguyên truyền hình hay thời mà truyền hình cáp đã bắt đầu nhường chỗ cho mạng internet và truyền thông xã hội. Cả hai người cho thế giới được thấy gương mặt của một người cha chung đầy tình thương.
Giờ đây, khi chuẩn bị phong thánh cho cả hai người, giáo hoàng Phanxicô đang xác nhận cuộc hành trình mà Giáo hội đã đi suốt 50 năm qua, và tôn vinh hai gương mẫu thánh thiện khác biệt nhưng hổ trợ cho nhau, trên con đường đến tương lai.
Bản dịch của J.B. Thái Hòa