Linh mục Guillaume Soury-Lavergne, cha xứ hạnh phúc!

817

Linh mục Guillaume Soury-Lavergne, cha xứ hạnh phúc!

Cha xứ Guillaume Soury-Lavergne, 37 tuổi, chịu chức năm 2006, từ năm 2012 cha là cha xứ nhóm Cajarc, vùng Lot, gồm 17 giáo xứ. Năm 2016, cha là cha xứ Figeac. Cha kể niềm vui, nỗi buồn và hy vọng của mình.

actu.fr/occitanie, 2016-03-25 

 

Đời sống linh mục của cha như thế nào?

Đời sống của tôi là đời sống của một linh mục vùng quê, cha xứ làng quê. Thời khóa biểu của tôi có những giờ cố định như bắt đầu bằng giờ cầu nguyện hàng ngày, rồi chầu ở nhà thờ Cajarc. Có những ngày có khách đến thăm, có những cuộc gặp gỡ, rất nhiều chuyện không biết trước được. Rồi phụng vụ, rửa tội, đám cưới, tang lễ. Một cách chung chung, sứ vụ của tôi là gặp gỡ mọi người. Ở nhà quê, cha xứ gặp giáo dân trên mọi nẻo đường. Gặp những người có trách nhiệm ở thị xã, gặp các tín hữu kitô, gặp những người đôi khi rất xa Giáo hội; công việc hàng ngày của tôi khó mô tả, lúc này lúc kia. 

Cha trở thành linh mục như thế nào?

Linh mục không phải là một nghề; trước hết là linh mục là đáp trả một lời kêu gọi. Năm 14 tuổi, tôi cảm thấy mình được Chúa gọi. Khi đó tôi đã chuẩn bị vào quân đội. Tôi không có một ý nghĩ gì mình sẽ là linh mục. Chính khi gặp một chủng sinh mà tôi biết, tôi được gọi. 

Đâu là các nâng đỡ quý giá nhất của cha?

Đời sống một linh mục, đó là chọn lựa Chúa cho đời mình. Có thì giờ chầu Chúa, đó là lúc tâm hồn mình gặp Chúa, giống như người yêu gặp người yêu. Gia đình có một chỗ quan trọng trong đời tôi. Tôi được may mắn gia đình tôi ở vùng Lot.

Chúng tôi hình dung cha khá bận với giáo dân; nhưng chúng tôi thấy cha ở trang nhất các báo, chung quanh cha đôi khi là các người rất xa Giáo hội. Cha giải thích sự cách biệt này như thế nào?

Đức Giáo hoàng Phanxicô thường hay nói với chúng tôi: “Các con đừng ở trong phòng thánh, các con hãy đi ra các vùng ngoại vi. Có một phương tiện của thời nay đã làm nổ bùng các giới hạn của giáo xứ, đó là các trang mạng xã hội. Qua các trang này, chúng tôi có một phương cách mới để rao giảng Tin Mừng, để có mặt với thế gian. Gần đây, qua Facebook, một người hồi giáo tiếp xúc với tôi,  anh xin tôi nói cho anh biết về kitô giáo. Và đó là một người không ở trong giáo xứ, nhưng là người ở trong cuộc đời của tôi. Là linh mục, là mở lòng ra với người khác. Nhờ đan viện Marcilhac, tôi có dịp gặp nhiều người, những người không nhất thiết là tín hữu, họ quan tâm đến những gì đang xảy ra và có chiều hướng đi tìm một di sản, tìm cách để duy trì văn hóa, lịch sử của chúng ta.

Tại sao cha mặc “áo tu sĩ”, có thể vì thế mà ngăn chận các cuộc gặp gỡ không?

Tôi chưa bao giờ nghĩ áo chùng của tôi lại ngăn chận gặp gỡ. Ngược lại, với những người xa lạ với các thói quen của kitô giáo thì mọi chuyện lại trở nên rõ ràng. Tất cả mọi người biết họ đang nói chuyện với một linh mục. Không có mờ mờ, vậy thì không có chó sói!!

Cha có “tiếng sét ái tình” với đan viện Marcilhac-sur-Célé, xin cha kể câu chuyện này.

Đúng là cú sét ngay lập tức, ngay khi tôi vào nhà thờ, tôi bị hớp hồn bởi nét huy hoàng và ơn sủng toát ra từ nơi này. Đúng ngay sau khi tôi được bổ làm cha xứ Cajarc. Cùng một lúc, tôi ý thức tôi phải làm tất cả những gì để nơi này không bị rơi vào quên lãng, rơi vào tình trạng sụp đổ. Dù vậy, công việc không đơn giản, vì linh mục chỉ là người sử dụng tòa nhà, sở hữu chủ là cộng đồng chung. Khi đó tôi nghĩ, mình phải nói về đan viện, phải kéo mọi người đến đây, phải tạo một năng lực. 

Với thời gian, phải vực lại các bức tường cổ, trong khi Giáo hội thiếu phương tiện để thực hiện sứ vụ của mình, nhất là với những người nghèo nhất; chiều hướng làm việc của cha như thế nào? 

Một trong các sứ vụ đầu tiên của Giáo hội trong thế giới là làm cho Chúa Kitô được thấy rõ mà Chúa Kitô lại vô hình. Và làm sao để tôn nét đẹp của Chúa, nếu không đi qua cái đẹp. Giáo hội luôn có những nỗ lực phi thường để nâng cao cái đẹp. Còn người nghèo thì luôn ở trong tâm trí chúng tôi. Ở Cajarc, cùng với tổ chức Cứu trợ Công giáo, chúng tôi chuẩn bị bữa ăn để đón tiếp những người sống cô lập. Chuyện này không ngăn chuyện kia. Điều phi thường là cái đẹp thì cho tất cả mọi người. Mọi người, ai cũng có thể vào một cơ sở tôn giáo; là người ngoại đạo cũng như tín hữu, người giàu cũng như người nghèo. Cái đẹp là tài sản chung. Trong ngày Lễ Lá ở Cajarc, khi ra ngoài thánh lễ có ba người vô gia cư, trong đó có một người tham dự thánh lễ; nhà thờ thuộc về họ cũng như thuộc về tôi! Chúng tôi phục vụ cho tất cả mọi người, với cái đẹp.

Cha làm những người quan tâm đến đan viện nín thở. Năm 2015 cha nhảy dù, năm 2016 cha lặn xuống hang động ở vùng Ressel de Marcilhac-sur-Célé. Cái gì thúc đẩy cha làm như vậy?

Trước hết tôi mong người dân vùng Lot biết đến đan viện. Những người không trở về nơi này, những người chưa bao giờ thấy. Đó là một nơi đầy hứa hẹn cho tương lai, vì đan viện có lịch sử cả ngàn năm. Trong các tua du lịch, nơi này phải được nhắc đến cũng như ở Saint-Cirq-Lapopie, Figeac hay ở Rocamadour. Vậy mà cho đến bây giờ, các vùng này chưa được nhắc đến. Trước khi được bổ nhiệm về Cajarc, tôi cũng chưa bao giờ nghe nói đến đan viện này. Tôi mong các nhà chức trách liên hệ quan tâm đến, chỉ có các nhà cầm quyền mới đủ sức lo cho dự án to lớn như thế này. Phải có hàng triệu âu kim để tu sửa; di sản này thuộc về tất cả. Và một cách thiết thân, tôi mong dự án này sẽ phối hợp cả về tầm mức văn hóa lẫn thiêng liêng. Làm sao để những nơi này được tu sửa huy hoàng. Và làm như thế, tôi mong thu hút được sự chú ý của các nhà mạnh thường quân để các nơi này được tu sửa toàn bộ. Mùa hè năm nay, chúng tôi tổ chức liên hoan “Marcilhac của các nghệ sĩ”, để tất cả các người tham dự có một cái gì đóng góp vào việc tu sửa đan viện Marcilhac. Một buổi hội thảo quốc tế về di sản tôn giáo sẽ được tổ chức vào các ngày 16 và 17 tháng 7 – 2016. Tất cả, chờ đợi một ngày các đan sĩ có thể đến cầu nguyện ở đan viện. 

Trong thời gian qua, các vụ ấu dâm làm rúng động Giáo hội Pháp; cha có cảm nghĩ gì?

Về những chuyện này, tôi sống trong đau đớn như trong gia đình khi có người đau. Khi có một người làm một cái gì nặng, thì mọi người đều bị tác động. Khi có những tổn hại cho người khác, điều quan trọng là phải nói sự thật. Có một đòi hỏi sự thật vừa cho các nạn nhân, vừa cho những người đi tấn công. Làm sao con người có thể phạm những chuyện tàn bạo như vậy? Tôi cũng bị sốc như mọi người và tôi tiếp tục con đường của tôi, tôi đi tới đàng trước! 

Sắp đến lễ Phục Sinh, cha kêu gọi giáo dân, những người ở trong cũng như ở ngoài Giáo hội như thế nào?

Lễ Phục Sinh là lời kêu gọi sống trong lòng thương xót của Chúa. Đức tin công giáo không phải là làm theo một số thói quen, nhưng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần tìm lại mầu nhiệm của lòng thương xót. Đó là tình yêu Thiên Chúa đi tận sâu thẳm tâm hồn, còn hơn là tội lỗi. Tất cả chúng ta đều là kẻ phạm tội. Thiên Chúa muốn gặp chúng ta từng người. Chúa mong muốn tha thứ cho chúng ta. Nhưng mình sẽ không nhận được sự tha thứ nếu mình không xin. Điều này buộc chúng ta phải khiêm tốn. Chúng ta đừng sợ phải giải hòa với Chúa Kitô, tất cả chúng ta đều cần giải hòa với Chúa. 

Cha có nói mình là một linh mục hạnh phúc không?

Không! Nhưng rất rất hạnh phúc!!!

Đâu là hạnh phúc của cha trong đời sống linh mục?

Đó chính là đời sống này mà Chúa cho tôi. Hạnh phúc là ở trong sự thật của ơn gọi linh mục. Chắc chắn, đây là một đời sống theo nhịp thử thách, liên hệ trực tiếp với các sự kiện lúc thì vui, nhưng đôi khi lại rất đau đớn. Có một niềm vui đích thực được trực tiếp với lời của Chúa Kitô.

Marta An Nguyễn dịch

Đan viện Marcilhac-sur-Célé 

Xin xem thêm:

Đúng là cha Guillaume Soury-Lavergne đã nhảy dù