5 chuyện cần biết về quỷ để không còn sợ nó

1861

fr.aleteia.org, Clotilde Rudent, 2017-07-10

Sau các tranh luận chung quanh lời nói của bề trên Tổng quyền Dòng Tên Arturo Sosa, ngài cho rằng Satan là một “biểu tượng”. Như vậy quỷ có tồn tại không? Đâu là phần sự thật trong các hình ảnh khủng khiếp có từ thời Trung cổ và vẫn còn hằn trong trí tưởng tượng tập thể cho đến ngày nay?

Trong một phỏng vấn với nhật báo Tây Ban Nha El Mundo ngày 31 tháng 5-2017, linh mục Arturo Sosa khẳng định Satan chỉ là một “hình ảnh biểu tượng” do con người tạo ra. Ngược lại, Đức Phanxicô cho rằng quỷ không phải đơn giản là cái nhìn của thần trí: “Người ta làm cho chúng ta nghĩ rằng Quỷ là một huyền thoại, một hình ảnh, một ý tưởng của sự dữ. Nhưng Quỷ tồn tại và chúng ta phải chiến đấu chống nó”.

Trong một tác phẩm gần đây Nỗi sợ quỷ, để không còn run rẫy trước mặt quỷ, linh mục trừ quỷ Gilles Jeanguenin giải mã triệu chứng sợ quỷ để kêu gọi độc giả thực hành một phân định thiêng liêng và tin tưởng vào Chúa.

1- Có nên sợ quỷ không?

Quỷ thật sự tồn tại như Sách Thánh dạy: “Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị, mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2, 24). Hoàng tử của bóng tối có mặt trong thế gian từ khi nó nổi loạn chống Chúa, nhưng nó chỉ có quyền khi chúng ta cho nó quyền. Nỗi sợ là xúc cảm mạnh nhất và xưa nhất mà nhân loại biết tới. Nó là dấu hiệu báo động để cẩn thận trước một nguy hiểm. Nỗi sợ, một xúc cảm lành mạnh lúc đầu trở nên không lành mạnh khi nó trở thành nỗi ám ảnh và hoảng sợ vô lý. Thường thường mặc cảm tội lỗi kéo theo lo lắng và trở thành miếng đất màu mỡ để quỷ cắm rễ và phát triển. Theo linh mục Gilles Jeanguenin, người quen thuộc với những người bị ám ảnh bởi sự dữ, thì có thể chữa lành nỗi sợ bằng cách tái tạo lại lòng tin tưởng nơi chính mình, nơi người khác và nơi Chúa.

2- Tưởng tượng về ma quỷ một phần lớn có từ thời Trung cổ

Nỗi sợ ma quỷ đến chết khiếp có từ thời Trung cổ. Từ thế kỷ 11 đến 12, quỷ rời thế giới trừu tượng của thần học để biến thành một con quái vật xấu xí, thô bỉ, kỳ cục đầy trong các tranh ảnh, kiến trúc kitô giáo, trong mục đích áp đặt một thứ trật đạo đức và sợ hỏa ngục. Nhiều tai ương đã giáng xuống Âu châu từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17 góp phần tạo ra chứng lo sợ tập thể và nó bị nặng thêm do mê tín dị đoan đã ăn rễ sâu đậm trong tâm thức tín hữu bị cứng đơ trước nỗi sợ cánh chung. Trên thực tế, trong thời chiến tranh, thời của nạn đói, của nạn khốn cùng, những người đáng thương tìm những người mà họ cho là có trách nhiệm cho các tai ương này, buộc tội những người này là quỷ và tất cả những ai mà họ nghĩ người đó mang sự dữ đến: phụ nữ, người bị bệnh phong cùi, các phù thủy, các người xa lạ… Dàn thiêu và “đuổi phù thủy” được dùng như một kiểu giáo dục hàng loạt để làm cho xã hội được chặt chẽ. Nỗi ám ảnh cuồng tín về quỷ được hàng giáo sĩ và các tòa án lương dân duy trì, họ muốn đem các con chiên lạc về với Giáo hội, nhưng họ đã làm một việc mà họ không biết là đã làm cho quỷ thành công và được nhiều người biết đến, một công mà hai việc, như thế lại làm cho người tín hữu thêm lo sợ. 

3- Đâu là quyền lực thật của quỷ?

Người thắng trong thời kỳ chiến tranh Tôn giáo đẫm máu này chắc chắn không ai khác ngoài Satan, chúng khoái trá thấy hận thù con người đang làm lợi cho nó! Nhưng trên thực tế, Thần Dữ có rất ít quyền lực: nó dùng tính nhút nhát, sự nghi ngờ của tín hữu, của những người hoài nghi, những người này bợ đỡ nó bằng chứng tá của một sự quan tâm đến nó quá độ. Thủ đoạn đầu tiên của nó là dùng sức mạnh mê hoặc của nó để tác động trên những người tuyệt vọng. Ngày nay, với cuộc khủng hoảng căn tính tôn giáo, các phương tiện truyền thông lướt trên sự say mê và cơn ác mộng không lành mạnh của thế giới ác quỷ, những chuyện này chỉ làm cho người xem, người nghe thêm sợ. Một thủ đoạn khác: cám dỗ; hình ảnh của Satan quyến rũ, vì nó tượng trưng cho tất cả những gì con người mơ ước được sở hữu: quyền lực, danh vọng, vui chơi, giàu có, thành công vật chất… Quỷ có thể hành động theo trí tưởng tượng hay trên các giác quan, nhưng nó không có một quyền lực nào trên tự do. Nó có thể tạo ảnh hưởng trên một lý lẽ, hoặc làm suy yếu ý chí nhưng nó không thể nào kiểm soát bộ não hay xâm nhập vào trong các tư tưởng mật thiết. 

4- Thuốc giải độc cho nỗi sợ quỷ

Trong tác phẩm của mình, nhà trừ quỷ đưa ra các phương thuốc giải độc để giải thoát khỏi nỗi sợ quỷ: “Đó là nhờ tiếng cười, nhờ óc hài hước, nhờ châm biếm nhưng nhất là nhờ lòng tự tin, chúng ta sẽ trấn áp được nỗi sợ của mình và tìm lại niềm vui của tâm hồn, của tinh thần. […] Tìm lại lòng tin tưởng nơi chính mình, nơi người khác và nơi Chúa, đó là dưỡng chất mà tất cả chúng ta đều cần, xã hội chúng ta cần để khởi đi một cách can đảm và thanh thản hướng về tương lai”. Không có gì hữu ích cho bằng hài hước, một cách để “trừ” nỗi sợ, quên đi lo lắng và mang lại can đảm. Ai biết cười cho những yếu đuối của mình thì sẽ chấp nhận các giới hạn của mình và thoát được tình trạng lo lắng. Quỷ chỉ tấn công những người sợ chúng; nếu chúng làm chúng ta kinh hoàng là vì chúng ta đặt cho chúng một tầm quan trọng quá lớn. Để không gặp rắc rối với quỷ, chúng ta phải khinh thường chúng, phớt lờ chúng.

5- “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa” (1 Ga 4, 19)

Nhưng cuối cùng, thành trì duy nhất để chống lại quỷ là Chúa Giêsu Kitô. Khi xuống thế làm người, Ngôi Lời đã chính mình có kinh nghiệm lo lắng và cám dỗ. Vì tình yêu, Chúa Giêsu đã không thoát khỏi sợ hãi và trải nghiệm nó dưới mọi hình thức: ngộ nhận, cô đơn, bỏ rơi, phản bội, sợ hãi trước cái chết. Khi gần gũi với Chúa Giêsu, khi gặp Ngài trong sự mật thiết, chúng ta có thể chế ngự các cảm xúc, các nỗi sợ của mình, vì lòng tin tưởng vào Chúa giúp chúng ta thắng mọi hình thức lo lắng. Lòng tin tưởng xuất phát từ sự tin chắc mình được yêu: “Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt, và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo” (1 Ga 4, 18).

Để chấm dứt với nỗi sợ ma quỷ vô lý này, chúng ta đọc lại bài thơ tuyệt vời của Thánh Têrêxa Avila để tin tưởng vững mạnh vào Chúa:

“Đừng để một sự gì làm mình bấn loạn,

Đừng để một sự gì làm mình khiếp đảm;

tất cả mọi sự rồi sẽ qua,

Thiên Chúa là Đấng không đổi thay,

Có kiên nhẫn là có tất cả;

Ai có được Chúa

Thì không thiếu thốn gì:

chỉ một mình Thiên Chúa là đủ”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch