Đuổi theo tuổi ngây thơ

335

Ronald Rolheiser, 2009-10-18

Nhà văn Annie Dillard viết về sự ngây thơ như sau: Thơ ngây không phải là đặc quyền của trẻ con và chó con, và còn lâu hàng đống siêu sao mới ngây thơ, họ không có một độc quyền nào hết. Ngây thơ không mất đi trong chúng ta; thế giới tốt đẹp hơn chúng ta tưởng. Như mọi món quà tinh thần giá trị khác, thơ ngây sẵn đó nếu bạn muốn, bạn cứ đòi mà chẳng tốn đồng xu, nhiều người còn dùng những chữ mạnh hơn để nhấn mạnh nó hơn tôi. Có thể đuổi theo sự thơ ngây như cách chó săn đuổi theo thỏ rừng: quyết tâm theo một mục đích duy nhất, cuốn theo một loại tình yêu nào đó, băng ngàn, xuống núi, gào lên và mất hút trong các cánh đồng bao la, lượn vòng, nhảy qua  hàng rào ngăn cách, mắt mở to, thét lên một cách vô thức, thèm khát một cách khó hiểu, tim rừng rực cháy, và hát lên bản đồng ca vang dội rừng núi.

Một trong những nền tảng sâu đậm nhất về đạo đức và thiêng liêng là sự thơ ngây, nếu không có nó thì hẳn phải ao ước nó. Như  ao ước lành mạnh của trẻ con là có được kinh nghiệm của người lớn, ao ước lành mạnh của người lớn là có được quả tim trẻ con. Đánh mất ước muốn được thơ ngây là đánh mất xúc cảm tâm hồn. Đúng vậy, mất thơ ngây là mất tâm hồn. Đánh mất hoàn toàn ước muốn được thơ ngây là một trong những con đường đưa đến hỏa ngục.

Thơ ngây là gì?

Dilliard mô tả đó là trạng thái vô tư của tâm hồn lúc nào cũng trong sáng thành tâm cho bất cứ đối tượng nào. Theo bà, thơ ngây chính là cái nhìn ngưỡng phục, tình yêu không lụy ham muốn, là một cái gì đó gần giống với những gì văn sĩ James Joyce mô tả trong cuốn Chân dung về nghệ sỹ như một chàng thanh niên, khi chàng trai trẻ Steven, nhân vật nam chính, thấy một một cô gái ăn mặc nửa kín nửa hở trên bãi biển nhưng thay vì bị thèm khát nhục dục chi phối, Steven chỉ thấy lòng mình đầy ngưỡng phục và ngạc nhiên mà thôi.

Tác giả quá cố Allan Bloom, trong cuốn Điều cuối cùng trong đầu người Mỹ, gợi ý rằng, xét cho cùng, thơ ngây là sự trong trắng và sự trong trắng thì diễn tả nhiều ý nghĩa hơn là khái niệm tính dục đơn thuần. Theo Bloom, cần có một dạng trong trắng nào đó trong tất cả các trải nghiệm của chúng ta, có nghĩa là, chúng ta cần trải nghiệm chúng, nếu và khi, chúng ta có thể trải nghiệm chúng mà chúng ta vẫn giữ được trọn vẹn con người mình. Nói một cách ngắn gọn, chúng ta mất thơ ngây khi chúng ta trải nghiệm một cái gì đó mà nó làm “chia tách” chúng ta, phá vỡ con người trọn vẹn của mình trên một phương diện nào đó. Và chúng ta có thể bị phân mảnh về nhiều phương diện – đạo đức, tâm lý, cảm xúc, tinh thần, hay ái tình.

Bloom gợi ý rằng ngày nay đa số chúng ta thiếu đi sự trong trắng và ít nhiều trở nên manh mún. Ông gợi ý, điều này tự nó đã biểu hiện không chỉ trong tỉ lệ ngày càng tăng các vụ tự tử, suy sụp cảm xúc, lạm dụng rượu và ma túy, nhưng còn phổ biến hơn, trong một tình trạng chết cứng làm chúng ta “yêu đương què quặt”, không còn lửa trong mắt, và không còn những điều cao cả trong tim và trong giấc mơ của mình nữa.

Tuy nhiên sự thơ ngây của người lớn dứt khoát không phải là thơ ngây tự nhiên của trẻ con. Đối với người trưởng thành, thơ ngây có thể là không còn kéo dài hồn nhiên nhưng nó cần một cái gì đó mạnh hơn, có thể gọi đó là thơ ngây thứ hai. Nó là thơ ngây sau khi phê phán. Chúng ta phải phân biệt giữa tính trẻ con, thơ ngây tự phát của một đứa trẻ do thiếu kinh nghiệm và hồn nhiên, và sự thơ ngây, tuổi thơ ấu, sau khi đã biết phê phán của một người trưởng thành hiểu biết, có kinh nghiệm, tìm lại thế giới hồn nhiên của trẻ con.

Đức Giê-su định nghĩa thơ ngây thế nào? Người nhận diện thơ ngây qua hai điều: có quả tim của một đứa trẻ và có quả tim của một trinh nữ: Ai không có quả tim của trẻ nhỏ, người ấy không thể vào được nước Trời. Nước Trời có thể ví như 10 trinh nữ chờ đợi một chàng rễ.

Theo Đức Giê-su, quả tim của đứa trẻ là một cái gì đó tươi mới, dễ tiếp thu, đầy ngạc nhiên, tôn trọng, và chưa bị chai cứng,  hoài nghi yếm thế ăn sâu vào quả tim người lớn vì bị thương tổn và tội lỗi. Theo Người, quả tim của trinh nữ là quả tim có thể nhẫn nại sống chờ đêm tân hôn mà không đòi hỏi. Nó thơ ngây vì có thể sống mà không phạm vào những điều cấm kỵ lành mạnh, biết rằng, như đứa trẻ, có nhiều cái ao ước hết sức nhưng chưa thể thực hiện được. Quả tim trẻ con là quả tim tin tưởng vào điều tốt, quả tim trinh nữ là quả tim không thử thách Chúa.

Trong cuốn tiểu thuyết Thiên thần đá, bà Margaret Laurence mô tả một phụ nữ tên là Hagar Shipley, một hôm sau khi nghe trộm một đứa trẻ gọi bà là mụ phù thủy già, bà xem lại mình trong gương và khiếp sợ về hình ảnh của mình. Bà chợt nhận ra khuôn mặt của mình và những gì bà thấy khiến bà sợ. Làm sao, một người không biết về mình, lại thay đổi và trở nên quá khác biệt, quá lạnh lùng, không còn sinh khí, không còn tươi mát và ngây thơ như vậy? Nó có thể xảy ra với tất cả chúng ta và cũng có thể xảy với nhiều người trong chúng ta.

Nếu chúng ta không còn là con người thơ ngây như trẻ con, kết bạn dễ dàng, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta nên đuổi theo sự thơ ngây như chó săn đuổi theo thỏ rừng: quyết tâm theo một mục đích duy nhất, băng ngàn, xuống núi, gào lên trong các cánh đồng, cuốn hút theo một loại tình yêu nào đó.

J.B. Thái Hòa dịch