Chris Arnade, gặp Chúa nơi khuôn mặt người nghèo

270

Chris Arnade, gặp Chúa nơi khuôn mặt người nghèo

Chris Arnade, cựu nhân viên chứng khoán vô thần, ông gặp Chúa nơi người nghèo

fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2017-10-25

Đây là câu chuyện của ông Chris Arnade, cựu nhân viên chứng khoán Mỹ, nhưng sau đó ông từ giã nghề này để làm nhiếp ảnh viên cho những người sống bên lề ở khu phố Bronx, một khu phố nghèo ở thành phố New York. Ông tìm thấy niềm vui Phúc Âm sau hai mươi năm lạnh nhạt với Chúa.

Sau khi đậu bằng tiến sĩ vật lý ở Đại học Hopkins, ông làm việc hai mươi năm trong ngành chứng khoán của một ngân hàng đầu tư ở New York. Năm 2012, ông cảm thấy cuộc đời mình vô nghĩa dưới mọi khía cạnh, ông từ giã nghề chứng khoán để dốc hết sức lực vào việc chụp hình. Ông tìm lại các giá trị của mình mà ông tưởng như mình đã bỏ quên, đã bị ngủ mê. Gần như vô tình, từ trung tâm tư bản Wall Street, ông dần dần đi vào thế giới song song bên cạnh, thế giới của những người sống bên lề, của những người nghiện ngập, của các cô gái mại dâm ở phố Bronx, nơi họ, ông tìm lại được lòng khao khát Chúa và sự tôn trọng nhân phẩm của từng cuộc sống con người. 

Đi tìm Chúa

Chụp hình cho họ, tiếp xúc với họ, chia sẻ các khó khăn hàng ngày, các cố gắng sống còn của họ, những chuyện này đã dần dần làm cho cuộc sống của ông thay đổi. Từ người vô thần, ông trở thành người đi tìm Chúa. Một chuyện đặc biệt làm ông thắc mắc muốn tìm hiểu, rất nhiều người mang trên cổ câu “người nghèo nhất của người nghèo”: Chúa Giêsu. Và ông giới thiệu họ trên nhiều tấm hình với cây thánh giá hy sinh của Chúa… mà cũng là hy sinh của họ (bị bỏ quên, nghèo khổ, trần trụi). Những người này mang tràng chuỗi trên tay để đối phó với những giây phút đen tối nhất trong đời họ. Và ở các tụ điểm của những người nghiện ngập, thỉnh thoảng thấy quyển Thánh Kinh đang được mở ra!

Ông Chris giải thích trên báo The Guardian trong một bài có đăng các hình ông chụp: “Chúng ta tất cả là những người phạm tội, những người trên đường đi, còn họ, họ sống một cách sâu thẳm, những người không thành công. Tính tự ái của họ, tự đánh giá cao về mình, tình cảm lạnh lùng của họ đã làm tê liệt nhận thức về khả năng sai lầm của họ”. Tất cả các bức hình này, ông Chris đã đăng trên các trang mạng xã hội và trên nhiều báo khác nhau ở Mỹ.

Niềm vui Phúc Âm

Người ta có thể nói ông Chris Arnade gặp được “niềm vui Phúc Âm”, một niềm vui lấp trọn tâm hồn và cuộc sống những ai đã gặp Chúa Giêsu. Ông thổ lộ, ông “đã giải thoát được khỏi buồn bã, khỏi trống rỗng nội tâm, khỏi đời sống cô lập”. Và đó là trọn ý nghĩa một giai đoạn mới của việc phúc âm hóa, qua đó Đức Phanxicô trong tông huấn đầu tiên của ngài, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, ngài đã kêu gọi mọi người sống niềm vui Tin Mừng. Một bản văn không thoát được cặp mắt của ông Chris, ông bắt đầu đọc ngay từ khi bản tông huấn ra đời vào cuối năm 2013. Có dịp ông đều mời mọi người đọc và cảm nghiệm nó.

Ông, nhân viên chứng khoán của Wall Street trở thành nhiếp ảnh gia làm phóng sự ở khu phố Bronx lại có ngày làm chứng cho sức mạnh cảm hứng của tông huấn, một bản văn nói lên các chênh lệch xã hội và sự loại trừ trên thế giới. Ông, một người giàu có hiểu rằng, loại văn hóa ấm thân là chất “gây mê” cực mạnh mà qua tông huấn này, Đức Giáo hoàng không tìm cách để lật ngược các kinh tế gia, nhưng muốn báo động cho xã hội cái gì có thể làm hủy hoại, làm tan rã, làm cho xã hội mất tính nhân văn.

Vinh danh Giáo hoàng-ngôn sứ

Một Giáo hoàng, “người lên tiếng báo động cho người nghèo”, đó là tựa đề của báo The Guardian sau khi ngài được báo Time Magazine bầu là “nhân vật của Năm 2013”. Ông Chris cám ơn truyền thông Mỹ đã hiểu và trích câu mà ông thấy phù hợp để chống những người “còn bảo vệ cho lý thuyết ‘cú rơi thuận lợi’, cho rằng mỗi tăng trưởng kinh tế, được làm thuận lợi bởi thị trường kinh tế tự do, tự chính nó sẽ tạo ra một sự công minh chính trực lớn nhất và hội nhập xã hội trên thế giới.”

Ý kiến này đã bị Tòa Thánh lên án – và ông Chris cũng đồng ý -, nó “đã không bao giờ được xác nhận qua các sự việc, nó cho thấy một sự tin tưởng thô thiển và ngây ngô nơi lòng tốt của những người nắm quyền lực kinh tế trong tay, trong các cơ chế thần thánh hóa của hệ thống kinh tế thống trị. Cùng một lúc, những người bị loại trừ tiếp tục chờ”. Ông Chris nói tiếp với báo Wall Street: “Chính xác là vậy, không thể nào làm tiền nếu chúng ta bắt đầu tự hỏi, bằng cách nào chúng ta làm tiền, ai là người chúng ta làm thương tổn họ, và ai là người ở đàng sau”. Tất cả chuyện này chỉ để đáp ứng một đòi hỏi đơn giản, đòi hỏi của lợi nhuận kinh tế hay đòi hỏi của thị trường không kiểm soát, bất chấp đến con người!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch