Chiến đấu để ăn mừng

194

Ronald Rolheiser, 2009-01-11

Thật khó để mừng lễ cho đúng. Chúng ta muốn làm cho đúng nhưng không biết làm như thế nào.

Nhất là chúng ta lại mừng không tốt vì nghĩ rằng mừng lễ là làm các thứ quá lên. Chúng ta cố gắng mừng bằng cách đưa những điều bình thường (ăn uống, kể chuyện, trò chơi, ca hát) tới mức quá trớn. Đối với nhiều người trong chúng ta, ăn mừng có nghĩa là ăn uống cho nhiều, hát hò ầm ĩ, say sưa và chơi thâu đêm suốt sáng, với suy nghĩ rằng những gì quá trớn đó mới thực sự là ăn mừng. Tuy nhiên, với tất cả những cố gắng điên cuồng này, đổi lại chúng ta cũng chẳng có bao nhiêu niềm vui quý giá thật sự.

Thỉnh thoảng chúng ta cũng có những buổi gặp nhau ăn mừng một cách chân thành. Trong những buổi này, chúng ta cảm nhận có một tình cảm sâu đậm với nhau, có thêm bạn, biết tin của nhau, vui chơi với nhau nhiều hơn, cảm thấy tình thương và niềm vui sâu đậm trong lòng mỗi người. Nhưng ít khi được như vậy, lại càng không có khi buổi lễ diễn ra trong cuồng nhiệt. Thường buổi lễ kéo theo dư vị khó chịu, cách này cách khác. Tại sao?

Lý do thì phức tạp, sâu xa và hầu hết ẩn giấu trong lòng chúng ta.

Có thể lý do đầu tiên vì sao chúng ta không mừng lễ một cách chân thành là vì chúng ta thiếu khả năng thưởng thức hương vị của những niềm vui nho nhỏ; không xem cuộc sống, khoái lạc, tình yêu như món quà tặng của Chúa, tinh tuyền và đơn giản. Không phải vì chúng ta không có khả năng làm, nhưng vì khả năng này bị chôn vùi dưới một núi mặc cảm tội lỗi. Có nghĩa là, thường thường chúng ta không thoải mái vui đùa, vì có một cái gì trong vô thức, chúng ta kết nối chúng với các huyền thoại xưa, ấy là, khi hưởng khoái lạc chúng ta lén lấy một cái gì đó từ Thiên Chúa.

Chúng ta thường có khuynh hướng trách cứ tôn giáo vể điểm này, những bức rức này là chuyện ở đâu cũng có, bên trong cũng như bên ngoài tôn giáo. Cách này cách khác, nhân danh thần thiêng, đa số cảm thấy tội lỗi khi hưởng khoái lạc.

Vì vậy, chúng ta có khuynh hướng luân phiên thay đổi giữa hưởng lạc kiểu nổi loạn (khoái lạc chúng ta lấy cắp từ Chúa) và hưởng lạc kiểu bổn phận (một bổn phận sống, nhưng không có thích thú đích thực). Chúng ta gần như không bao giờ có thể ăn mừng một cách chân thành được. Tôi nói chân thành, vì, một cách nghịch lý, việc thiếu khả năng thưởng thức chính là cái đẩy chúng ta đi đến chỗ ăn mừng giả tạo, hưởng thụ và theo đuổi khoái lạc không lành mạnh.

Một cách đơn giản, chỉ vì chúng ta phải đấu tranh với chính mình để có niềm vui đơn giản, chúng ta đuổi theo để hưởng khoái lạc cho nhiều và lấy sự quá mức làm vui.

Và thường thường nó dẫn đến một hỗn loạn nguy hiểm, chúng ta thay  thế thú vui nho nhỏ bằng hưởng lạc, ngây ngất bằng quá độ, ý thức cao bằng mù quáng. Chúng ta cần học bài học của các lực sĩ say men chiến thắng chìm ngập trong rượu. Đã quá độ thì không còn vui, lương tâm mờ đi thì không còn ý thức cao. Những phẩm vật thay thế này yếu kém và không tạo được sảng khoái.

Mục đích mừng lễ là nhấn mạnh ý nghĩa của một điều gì đó (sinh nhật, đám cưới, thành đạt, ra trường, chiến thắng, sinh con, tất niên, tân niên.) Các ngày lễ này cần được chia sẻ, nhấn mạnh, ăn mừng. Chúng ta có một nhu cầu tự nhiên mừng lễ, và đó là chuyện lành mạnh.

Vì sao phải ăn mừng một cái gì? Mừng là dịp để nhấn mạnh, chia sẻ, thưởng thức, nhân rộng ra. Mừng cũng là dịp để gần nhau trọn vẹn hơn, cùng vui chơi, cùng cảm nhận sâu đậm, dạt dào tình cảm, và thường thường là để thư giãn. Nhưng cũng vì thiếu khả năng yêu thích những gì đơn giản, nên chúng ta thường cố gắng đẩy những niềm vui này đi đến quá độ, tìm ngây ngất của tự nhận thức trong lương tâm bị xóa mờ của chúng ta.

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy mình lê chân về nhà với tâm trạng khó chịu, mệt mỏi, trống rỗng, cô độc. Tâm trạng khó chịu là dấu hiệu không thể nhầm lẫn rằng ở đâu đó chúng ta đã lướt qua mà không nhìn thấy một trụ dẫn đường.

Nhưng chúng ta phải tiếp tục cố gắng. Chúa Kitô đến và tuyên bố đám cưới, ăn mừng, dâng lễ trong lòng cuộc sống. Ngài làm dân chúng ngạc nhiên vì cách Ngài yêu cuộc sống cũng như cách Ngài từ bỏ nó. Cuối cùng, Ngài bị loại đi cùng với sứ điệp yêu đời cũng như sứ điệp khổ hạnh của Ngài. Bây giờ cũng đúng như vậy. Chúng ta thường có khuynh hướng đọc Sách Thánh theo ý thích của mình, để không thấy thách đố tích cực của Chúa Giêsu là vui hưởng mà không có mặc cảm tội lỗi.

Và trong đó, có liên hệ đến vấn đề của chúng ta: Vì chúng ta chưa bao giờ được thử thách một cách ý thức và nhân danh Chúa Giêsu, để vui hưởng sâu đậm mà không mặc cảm tội lỗi, các thú vui nhân bản của cuộc sống, của sự lành mạnh, của thường xuyên, nên nhu cầu vui hưởng và thưởng thức của chúng ta có khuynh hướng làm trong lén lút. Chúng ta vẫn luôn luôn đi tìm khoái lạc và niềm vui, nhưng bây giờ chúng ta hãy tách chúng ra, cái gì là mộ đạo, thần thánh, là “lấy của Chúa”, để vui hưởng chúng một cách đơn giản và có ý thức. Đó là một trong các lý do chính vì sao chúng ta phải thay thế các lạc thú quá độ bằng niềm vui đích thực, thế lương tâm mù quáng bằng ý thức cao hơn.

Chúa cho phép chúng ta hưởng cuộc sống và các thú vui. Sự thật này cũng cần được nhấn mạnh nhiều hơn nữa trong công việc giảng dạy tôn giáo. Lạc thú là món quà tặng của Chúa, chứ không phải trái cấm.

J.B. Thái Hòa dịch