Cội nguồn chìm nổi của ơn huệ

363

Ronald Rolheiser, 2008-12-07

Thiên Chúa viết lịch sử ơn cứu độ bằng những đường khúc khuỷu. Mặc dù biết như vậy nhưng hiếm khi chúng ta thử áp dụng nó vào tiến trình lịch sử thiêng liêng của Giáo Hội hay vào sự kiện Chúa Giêsu Kitô ra đời. Câu chuyện Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người cũng được viết bằng những dòng khá khúc khuỷu.

Linh Mục Raymond Brown, một học giả Thánh Kinh nổi tiếng đã chú giải sâu sắc một đoạn trong Tin Mừng của thánh Mát-thêu về gốc gác Đức Giêsu mà chúng ta ít khi lưu ý đến, đoạn kể về gia phả của Đức Giêsu từ thời tổ phụ Áp-ra-ham đến thời Đức Maria. Cha Brown chú giải các điều Mát-thêu kể trong gia phả Đức Giêsu như một câu chuyện ba chìm bảy nổi. Họ hàng Đức Giêsu có số những người tội lỗi nhiều ngang với số các vị thánh. Gốc gác của Ngài bắt nguồn trong dòng đời khúc khuỷu của lịch sử, cũng gồm những kẻ nói láo, phụ bạc, ngoại tình, và sát nhân. Đức Giêsu trong sạch, nhưng dòng dõi của Ngài không được như thế.

Mát-thêu mở đầu câu chuyện về gốc gác của Đức Giêsu với tổ phụ Áp-ra-ham, cha của I-xa-ác, sau này chính ông đã đuổi một người con khác của mình là Ít-ma-el cùng với mẹ vào sa mạc. Chúng ta không tưởng tượng một tổ phụ vĩ đại lại làm như vậy. Làm sao có thể gọi đó là công bằng, công lý được nữa?

Tiếp theo thánh Mát-thêu kể về việc ông Gia-cóp giành lấy phúc lành của người anh cả khi luờng gạt cha để cha trao quyền trưởng nam cho mình. Cũng như dân Do thái chiếm đất Ca-na-an từ tay một dân tộc được quyền ưu tiên trước. Tiếp đó, trong số những người con trai của Gia-cóp, Giu-se rõ ràng là người xứng đáng nhất, nhưng ông lại không phải là người được chọn. Giu-Đa vì đố kỵ đã bán em cho dân buôn nô lệ, sau đó làm cho con dâu của mình có thai, khiến cô ấy trở thành gái điếm, thế mà ông lại là người được chọn. Công bằng nào với Giu-đa?

Tiếp theo Mát-thêu liệt kê danh sách mười bốn vị vua nối tiếp nhau trong gia phả Đức Giêsu. Trong đó, theo Sách Các Vì Vua, chỉ có hai người là En-gia-kim và Giô-si-gia được xem là hoàn toàn trung kiên với Thiên Chúa. Phần còn lại, theo cha Brown, họ đều là những vị vua “ngoại tình, sát nhân, bất tài, tiếm quyền, biếng nhác việc triều chính.”

Sau đó Mát-thêu kể về vua Đa-vít, vị vua vĩ đại trong lịch sử, người được tất cả các cuốn Kinh Thánh tự hào tuyên bố là dòng dõi xuất thân của Đức Giêsu. Phải thừa nhận rằng, Đa-vít là một con người vĩ đại cả về nhân phẩm và tâm linh, ông đã hợp nhất nhân dân, xây dựng đền thờ, viết thánh vịnh, tuy nhiên ông cũng phạm tội ngoại tình và che giấu tội lỗi bằng hành động giết người.

Cuối cùng là danh sách các phụ nữ có ý nghĩa đặc biệt trong dòng dõi gốc gác Đức Giêsu. Thay vì nêu tên bà Sa-ra, Rê-bê-ca, và Ra-khen, thánh Mát-thêu nêu tên Ta-ma, Ra-kháp, Rút và Bát-se-va trước và cuối cùng mới đến Maria, mẹ Đức Giêsu.

Một chọn lựa gây hiếu kì: Ta-ma là một phụ nữ vùng Ca-na-an, lần lượt lấy hai người con trai của Giu-đa nhưng cả hai đều chết mà không để lại người con nào, cô cải trang thành gái điếm và đã quyến rũ Giu-đa.

Ra-kháp là một cô gái điếm thật sự, nhưng lòng tốt của cô đã bảo vệ cho mật thám của Dân Ít-ra-el suốt thời gian họ chinh phục vùng đất hứa.

Cũng như Ta-ma, bà Rút là dân ngoại. Bát-se-va như chúng ta biết là người phụ nữ vua Đa-vít đã quyến rũ, sau đó ông giết người chồng của cô. Mặc dầu vậy, vụ việc tai tiếng và cái chết của đứa con ngoài giá thú với vua Đa-vít đã không ngăn bà lập mưu để bảo đảm chắc chắn một trong số con trai của mình sẽ thừa kế ngai vàng.

Ai trong số các phụ nữ này cũng có những vấn đề về hôn nhân, chứa đựng các yếu tố trái với lề luật hoặc tai tiếng, do đó họ chưa đủ khả năng mang sứ mệnh sinh hạ con Thiên Chúa ở thế gian này. Rõ ràng Mát-thêu đã làm nổi bật tên của họ để chuẩn bị cho Đức Maria, một người cũng đã có thai không giống với lề luật thông thường, bởi vì cha của Đức Giêsu không thuộc về thế gian này.

Phần cuối cùng trong gia phả Đức Giêsu hầu hết là tên của những người không được biết đến, những người vô danh. Điều đó rất quan trọng bởi vì nếu những người không tên tuổi đã đóng góp một cách có ý nghĩa vào dòng dõi của Đức Giêsu như vậy, thì chúng ta cũng không đến nỗi quá tầm thường, không quan trọng hay vô danh tới mức không thể góp phần làm cho tiến trình lịch sử đó được tiếp diễn.

Thiên Chúa viết lịch sử bằng những dòng khúc khuỷu. Không đâu nói về điều này rõ bằng đoạn kể việc Chúa Giêsu ra đời. Có một thử thách đầy ý nghĩa trong đó. Xin trích dẫn lời cha Raymond Brown: Nếu việc mở đầu câu chuyện liên quan đến số người tội lỗi nhiều ngang với số các vị thánh, nên đã có trình tự Thiên Chúa viết phần mở đầu với những dòng khúc khuỷu, thì Ngài cũng viết phần tiếp theo với những dòng khúc khuỷu, và một vài dòng trong số đó chính là cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã không do dự khi viết về âm mưu tính toán cũng như viết về sự cao cả, sự ô uế, sự trong sạch, những người đàn ông khiến thế gian phải lắng nghe và những phụ nữ làm cho thế gian phải cau mày. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện công trình của Ngài với sự hòa hợp đó.

Có lẽ thử thách thực sự trong tất cả điều này xuất phát từ chúng ta, những người chỉ muốn chấp nhận một chân dung lý tưởng duy nhất về công cuộc Giáng Thế làm người của Ngôi Hai Thiên Chúa, những người chỉ muốn lịch sử viết bằng đường thẳng, không nhuốm bất kỳ một dơ bẩn, tì vết nào, không có những mảng màu tối.

Tuy nhiên chúng ta cũng đang cố gắng để thấu triệt điều đó, thật là quan trọng để chúng ta làm như vậy, bởi vì những gì được nhấn mạnh bởi các sách Phúc Âm về cuộc Giáng Thế làm người của Đức Giêsu sẽ soi rọi ánh sáng cho tất cả mọi thời kỳ lịch sử của Giáo Hội và cho chính cuộc đời của chúng ta.

Ơn huệ đầy tinh khiết, trong lành, nhưng chúng ta người đón nhận ơn huệ thường không được như vậy. Tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa vẫn không thay đổi vì bất tín, tội lỗi và toan tính của chúng ta. Kế hoạch của Thiên Chúa với ơn huệ bằng cách này hay cách khác vẫn hoạt động, và điều này cũng là điều cha Raymond Brown đã chỉ ra, đó không phải là một bài học làm chúng ta nản lòng, nhưng là một bài học khích lệ.

J.B. Thái Hòa dịch