Đọc dấu chỉ thời đại

771

Ronald Rolheiser, 2008-10-05

Có một câu chuyện kể về nhà thơ Nga, Anna Akhmatova. Trong thời gian diễn ra cuộc thanh trừng dưới thời Stalin, một sáng nọ, nhà thơ và vài phụ nữ khác, đang đứng bên ngoài một nhà tù để cố gắng chuyển thư và các gói đồ vào cho người thân đang ở trong tù. Việc đợi lâu làm họ đau khổ vì không biết chắc người thân còn sống hay không và cũng vì sự kiện những người canh gác buộc họ phải chờ hàng giờ một cách vô ích, đơn giản chỉ để phô trương quyền lực. Nhưng, nếu muốn biết tin tức của người thân, họ không có lựa chọn nào khác ngoài chờ đợi.

Vào buổi sáng đặc biệt này, một phụ nữ đã nhận ra nhà thơ, đến gần bà và hỏi: “Bà có thể viết lại chuyện này?” Akhmatova trả lời: “Tôi có thể,” và một nụ cười thoáng hiện giữa hai người.

Điều gì đã xảy ra? Tại sao hai phụ nữ này đang khổ vì cơn điên của nhà độc tài lại cười với nhau? Bởi vì để diễn tả một cái gì đó, đơn giản gọi tên nó một cách đúng đắn, trong một cách nào đó, mình muốn đứng lên trên chuyện này. Gọi tên một cái gì đó bằng cách này hay cách khác là vượt lên nó, không bị giam hãm hoàn toàn trong đó, trong  chừng mực nào đó thoát khỏi nó, dù ở dưới chế độ Stalin, một chế độ  buộc mình phải nhượng bộ. Gọi tên một điều gì đó một cách đúng đắn có thể là hành vi có tính tiên tri, một hành động có tính thử thách, một hành động của tự do. Quả thật, đó là những gì các nhà tiên tri hay làm. Các nhà tiên tri không tiên đoán tương lai, họ gọi tên hiện tại một cách đúng đắn – thường thường trong những lúc có sự kiện bất công và thiếu lòng tin.

Gần mười lăm năm về trước, David Tracy có viết một cuốn sách nhan đề Gọi Tên Khoảnh Khắc Hiện Tại (On Naming the Present Moment). Trong đó, với tính khách quan mà đa số chúng ta khó lòng đạt đến, tác giả cố gắng gọi tên, một cách triết học, khoảnh khắc hiện tại trong văn hóa thế tục để làm nổi bật những gì là tốt nhất trong khuynh hướng tự do và khuynh hướng bảo thủ. Cuốn sách của David Tracy chứa đầy hy vọng và cho chúng ta các chỉ dẫn giống như vị bác sĩ giỏi cho chúng ta hy vọng và các chỉ dẫn liên quan đến sức khỏe chúng ta. Chẩn đoán đúng là điều kiện tiên quyết để cho toa đúng, cũng như chẩn đoán sai, gọi tên sai, dẫn đến đơn thuốc sai hoặc vô dụng. Ngày nay, tôi cảm nhận, cả trong giáo hội lẫn trên thế giới, đều có nhiều cách gọi tên một cách tùy tiện. Chúng ta cần chẩn đoán tốt cũng như tiên đoán tốt để gọi tên khoảnh khắc đức tin hiện tại của chúng ta một cách chính xác hơn. Một triệu chứng sẽ gây nhiều thiệt hại khi nó không được gọi tên một cách chính xác.

Nhưng còn hơn thế: Gọi tên một điều gì đó cũng là một hình thức cầu nguyện. Đức Giêsu đã gọi nó khi đọc các dấu chỉ của thời đại. Đức Giêsu muốn nói gì trong câu này?

Những gì Đức Giêsu nói, đầu óc chúng ta không buộc phải cố gắng thích nghi với tất cả khuynh hướng văn hóa, tâm lý và tín ngưỡng của thời đại này. Theo Đức Giêsu, đọc ra dấu chỉ thời đại, là đọc ra những gì đang xảy ra trong đời sống chúng ta, ở cộng đoàn cũng như trong lãnh vực riêng tư, theo cách đó, chúng ta mới phân định được dấu chỉ của Thiên Chúa qua đời sống bên ngoài của chúng ta. Cha mẹ tôi gọi đó là “quan phòng của Chúa”, cố gắng nghe những gì Thiên Chúa qua các việc bên ngoài của đời sống chúng ta.

Có một nền tảng kinh thánh phong phú trong điều này. Đúng vậy, trên nhiều phương diện, đây là tâm điểm đức tin của dân Ít-ra-en trong các Kinh Thánh Do Thái. Đối với họ, không có điều gì xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên. Dấu chỉ của Thiên Chúa luôn nằm trong mỗi sự kiện, dù thế tục hay tình cờ, nhiệm vụ của đức tin là cố gắng đọc ra Chúa muốn nói gì qua mỗi sự kiện. Chẳng hạn, nếu dân Ít-ra-en bị thua trong một trận chiến, đó không phải vì đạo quân bên kia có nhiều binh sĩ tài giỏi, nhưng là vì Thiên Chúa đang muốn dạy cho họ một điều gì đó, có một điều gì đó để dân Ít-ra-en học hỏi từ thất bại này. Cũng thế, nếu có cơn hạn hán, đó không phải vì nhiệt độ toàn cầu nóng lên, dân Ítt-ra-en phải nhận ra Chúa muốn họ sống cần kiệm trong năm đó. Đối với dân Ít-ra-en, không có gì là hoàn toàn ngẫu nhiên, dấu chỉ Thiên Chúa luôn ẩn một nơi nào đó trong mỗi sự kiện Thiên Chúa nói với họ.

James Mackey một lần đã định nghĩa sự quan phòng của Chúa như một chủ ý của các chuyện xảy ra tình cờ, qua đó Chúa muốn nói với mình. Điều đó tương tự như những gì thánh Gioa-n Thánh Giá muốn nói khi ngài nói ngôn ngữ của Thiên Chúa là kinh nghiệm mà Chúa viết trong cuộc sống chúng ta. Gọi tên đúng đắn làm được ba việc: Tiên tri, gọi tên được việc có đức tin và không có đức tin, công bình và bất công; chẩn đoán, đưa ra đơn thuốc chính xác giúp chữa khỏi bệnh tật chúng ta; và quan trọng nhất, đó là hình thức của cầu nguyện, là cố gắng để nghe ra những gì Thiên Chúa đang nói qua các việc bên ngoài của đời sống chúng ta.

Ngày nay chúng ta có khuynh hướng gọi tên sự việc quá nhiều theo hệ tư tưởng riêng của mình, tự do hay bảo thủ. Nó đúng cho cả hai lãnh vực chính trị và giáo hội. Thử thách là phải cẩn thận nhiều hơn và đặc biệt cầu nguyện nhiều hơn nữa. Không phải mọi thứ có thể được ấn định hay chữa trị, nhưng nó nên được gọi tên một cách đúng đắn.

J.B. Thái Hòa dịch