Thánh Jérôme, Người của Lời

520

famillechretienne.fr, Marie-Christine Lafon, 2006-09-23 

“Không biết Sách Thánh là không biết Chúa Kitô”, Thánh Jérôme nêu rõ trong phần chú giái Sách Isaia của ngài và đó cũng là công việc tri thức và cũng là công việc suốt đời ngài: yêu và nhận biết Chúa Kitô được mạc khải qua Sách Thánh.

Ngài sinh năm 347 ở vùng đất bây giờ là nước Yougoslavia. Năm 12 tuổi ngài đến Ý để học văn phạm, triết học và tu từ học. Sau nhiều năm đi khắp nơi, năm 38 tuổi ngài đến Bêlem ở cho đến khi qua đời năm 73 tuổi. Ngài có đời sống tu hành khổ hạnh và cùng với đồ đệ của mình, ngài đọc Sách Thánh với một đức tin mê say. Dưới mắt các nam nữ tu sĩ, ngài là nhà bác học chú giải Sách Thánh, đặc biệt các sách tiên tri và ngài có rất nhiều bài giảng.

 

Ngài đã làm một công việc phi thường, dịch lại Thánh Kinh từ bản gốc các thứ tiếng hêbrơ, aramênia hay hy lạp qua tiếng la-tinh.

Kiên định trên đức tin của Giáo hội, được đào tạo theo cổ điển ở Rôma, thông thái văn hóa Thánh Kinh của Hy Lạp, rành tiếng hêbrơ, ngài đào sâu các bản dịh Hy Lạp và hêbrơ. Từ đó, vô tình, ngài xây dựng một nền chú giải mang tinh thần khoa học.

Làm việc không mệt mỏi đến nóng tính, ngài không sợ đương đầu với các thói quen, không e ngại với các nghi ngờ, ngài tranh luận với các giám mục. Ngài đòi hỏi phải được tham khảo tài liệu của những người đi trước, tìm ở đó những mảnh nhỏ của sự thật ngay cả nơi những người dị giáo.

Với công việc đơn độc này, ngài không có đòi hỏi nào khác hơn là đòi hỏi tìm sự thật, phát sinh từ đức tin và từ sự đào tạo tri thức của mình. Bị chỉ trích kịch liệt khi còn sống, tác phẩm của ngài qua các thế kỷ về sau đã là tài liệu Thánh Kinh chính thức cho phương Tây la-tinh: editio vulgata, ấn bản phổ biến, một trong các hòn đá tảng của văn hóa Tây phương.

Thánh Jérôme trong giai đoạn chủ chốt này là người trung gian đặc biệt giữa văn hóa lương dân và văn hóa kitô giáo, giữa truyền thống Do Thái  và truyền thống Giáo hội, giữa Đông phương Hy Lạp và Tây phương la-tinh, ngài là một trong bốn tiến sĩ lớn của Giáo hội la-tinh, cùng với các Thánh giám mục Âugutinô, Ambrôsiô và giáo hoàng Grêgôriô Cả.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch