Những bài hát thơ ngây và từng trải

386

Ronald Rlheiser, 2004-11-14

Giáo sư Christopher de Vinck có viết một tập tiểu luận nhan đề, Những Bài Hát Thơ Ngây và Từng Trải. Nội dung tập tiểu luận này nói lên những gì nhan đề của nó gợi ý, thơ ngây và từng trải, một tập hợp hiếm hoi.

Quả thật, thơ ngây và từng trải ít khi kết hợp được với nhau. Thật khó tìm ở một ai đó vừa có tâm hồn trong sáng, tin tưởng, hiếu kỳ như trẻ con, tươi mát, nghiêm túc, tôn kính, an nhiên tự tại lại vừa có một trình độ trưởng thành chín chắn, cho rằng đời không thật sự đơn giản, rằng tính nhạy cảm không phải lúc nào cũng là đức tính tốt, an toàn cũng có thể là mối nguy cơ, rằng con người mãi gắn chặt với dục tính, rằng tốt nhất để đi vào đời sống là khi không còn sợ và e dè, và không nên cho đời là màu hồng, là ngọt dịu, và là Thiên Chúa.

Hiếm khi thấy phối hợp vừa nghiêm túc và cầu kỳ, lý tưởng và thực tế, trong sáng và đam mê nơi cùng một người. Tuy thế, trong đầu óc tôi, tôi nghĩ đó là một trong các chìa khóa của cuộc sống. Dù đó cũng là con đường dẫn đến căng thẳng. Một trong những căng thẳng lớn trong đời đó là cuộc chiến đang tiếp diễn trong chúng ta giữa thơ ngây và từng trải.

Một mặt, có cái gì đó trong chúng ta luôn luôn khao khát hướng tới sự thơ ngây, trong sáng, tươi trẻ, và tin tưởng. Nếu đánh mất chúng, chúng ta sẽ sớm thấy mình trở nên yếm thế, vỡ mộng kèm theo nỗi bất hạnh do chính việc mình bị phức tạp hóa, loanh quanh luẩn quẩn, cảnh giác quá độ, hiểu biết cằn cỗi thiếu hồn nhiên trong sáng. Như văn sĩ Albert Camus từng nói, mới đầu thì lao mình vào trải nghiệm (một phần như thôi thúc vô thức để chống lại các nỗi sợ hãi và hạn chế của tuổi thơ ấu), để có cảm tưởng như mình được giải thoát. Tuy nhiên, sớm muộn gì nó sẽ chuyển thành cảm giác thất vọng và thất bại. Như ông A-dong và bà Ê-va sau khi ăn trái cấm, “mắt chúng ta mở ra”, nhưng cùng lúc chúng ta biết rằng chúng ta trần truồng và không còn tin tưởng nhau nữa, tính thơ ngây hạnh phúc của chúng ta cũng ra đi theo.

Thơ ngây chân thật quả không dễ: Có một sức ép bên trong thôi thúc chúng ta tự làm cho bản thân mình xa cách nó, bởi vì chúng ta e ngại  sự giản dị, rụt rè nhút nhát, tê cứng, trốn tránh, thất bại khi trực diện với cuộc đời. Chúng ta có tính chống cự bẩm sinh, chống những gì giản dị và những gì làm chúng ta e sợ. Nhưng cùng một lúc, bên trong chúng ta lại có sức ép khác thôi thúc chúng ta lý tưởng hóa thơ ngây. Chúng ta thích đặt thơ ngây lên bệ thờ, khao khát nó, nhưng lại xem nó là ngây ngô, là không có giới tính, là chuyện mà người trưởng thành nào cũng không muốn. Chẳng hạn chúng ta thấy tính lý tưởng hóa quá độ này khi chúng ta thiếu thiện ý (hoặc không có khả năng) nhìn Đức Giê-su cũng là người có bản năng giới tính trên một phương diện nào đó, nhìn Mẹ Têrêsa như một người cũng phức tạp và có thể bị sa ngã cám dỗ, và sự thiếu khả năng nhận thức của chúng ta về các vấn đề trinh tiết hay mãi dâm của phụ nữ.

Ao ước thơ ngây là ao ước sống trọn vẹn cuộc đời khôâng sợ hãi, rụt rè, tê cứng, kiêng kỵ bất cứ điều gì. Bản năng tốt nhất của chúng ta nói cho chúng ta biết: Từng trải là điều tốt, vì thế không nên trốn tránh, phải chấp nhận các xúc cảm và phức tạp của cuộc sống, đừng phủ nhận bản năng giới tính, cũng đừng quá nhạy cảm về tính trẻ con và ngây thơ bởi vì chính tính nhạy cảm mới đặt ngây thơ lên tầm quan trọng quá đáng.

Và ở đây chúng ta sẽ cảm nhận tất cả các loại sức ép rất dễ làm thiên lệch tầm nhìn của chúng ta. Một mặt, sức ép xuất phát từ sợ hãi (sợ bị xáo trộn, tổn thương, sợ đánh mất bản thân, sợ bị hiểu lầm, phản bội). Nó làm chúng ta rụt rè nhút nhát, dè dặt khi bước chân vào cánh cửa kinh nghiệm, không dám bước vào. Chính xác là chúng ta không dám mở mắt mình ra. Mặt khác, đặc biệt trong nền văn hóa phương Tây ngày nay, sức ép này dẫn đến việc giữ rịt trải nghiệm như cứu cánh, là, lý tưởng hóa sự từng trải bằng cách đánh giá thấp thơ ngây (“Hãy vượt lên cái vô lý bạn vừa nói như một đứa con nít!”) và lao mình vào trải nghiệm một cách không kiêng dè, không kìm hãm để biến sự phức tạp, kiến thức, và khoái lạc thành ý nghĩa cuộc đời. Như ông A-dong và bà Ê-va, sớm mở mắt mình ra, nhưng, từng trải mà thiếu thơ ngây, là con đường dẫn đến không hạnh phúc – hoài nghi, cứng lòng, châm biếm, kiêu căng.

Từng trải và thơ ngây đều cần được đưa vào cùng một mức độ căng thẳng đúng đắn như nhau. Cả hai bài hát đều cần được hát lên. Nhưng quả thật không dễ, cho rằng tất cả các cám dỗ cũng là để giải quyết căng thẳng này thì quá dễ đối với bên này hoặc bên kia.

Tôi tin con đường phía trước đôi khi nằm ở cái gọi là “sự thơ ngây thứ hai”. Nó nhắc đến đã có một ngây thơ được kết hợp vào từng trải, đã vượt quá nó, đã thành hậu-phức tạp, đã nhìn đời bằng mắt, đã nếm hưởng, đã chọn lựa một số điều để ngưỡng phục, đã thấy cần thiết có một mức độ trong sáng, rằng chúng ta phải gạt bỏ một vài chuyện, học một vài chuyện khác bởi vì trẻ con có một bí mật riêng đáng để biết đến.

Allan Bloom, nhà giáo dục ngoại hạng Hoa Kỳ, thường hay nói với sinh viên: “Các em đã giàu kinh nghiệm. Các em đã thấy và làm được nhiều điều. Tôi ngưỡng phục sự từng trải của các em. Nhưng, tôi đang cố gắng dạy các em làm cách nào để tin vào lại ông già Nô-el và Thỏ Phục Sinh để may ra các em sẽ có hạnh phúc!”

Đức Giê-su cũng dạy cho chúng ta như vậy, Người nói: “Như trẻ con, nhưng không ấu trĩ. Hãy học lại, không phủ nhận từng trải, cũng không phủ nhận thơ ngây, đó là cách để được hạnh phúc.”

J.B. Thái Hòa dịch