Thánh lễ kính nhớ 15 năm Đức Hồng y Phanxicô-Xaviê Nguễn Văn Thuận qua đời

676

fr.zenit.org, Marina Droujinina, 2017-09-11

Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện loan báo Bộ sẽ tổ chức một thánh lễ tạ ơn long trọng để vinh danh sắc luật về các “đức hạnh anh hùng” của Đức Hồng y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002) và kính nhớ 15 năm ngày Đức Hồng y qua đời.

Thánh lễ do Đức Hồng y Peter K. A. Turkson, Bộ trưởng bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện cử hành vào ngày 15 tháng 9 – 2017 lúc 10 giờ sáng tại nhà thờ Santa Maria della Scala, Rôma. Sắc luật được Đức Phanxicô ký vào ngày 4 tháng 5 vừa qua và sẽ được đọc bằng tiếng la-tinh và tiếng Việt.

Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận đã được tuyên bố là Đấng “đáng kính”, đây là giai đoạn đầu tiên tiến đến việc phong thánh và cần có một phép lạ do sự cầu bàu với Đức Hồng y để mở cánh cửa phong chân phước.

Đức Hồng y sinh ngày 17 tháng 4 năm 1928 tại Huế, thụ phong linh mục năm 1953 và làm Giám mục giáo phận Nha Trang năm 1967. Năm 1975 Đức Phaolô VI đề cử Đức Hồng y Thuận làm giám mục giáo phận Sàigòn khi thành phố này rơi vào tay cộng sản.

Ngài bị tù ngày 15 tháng 8 năm 1975, sau 13 tù, trong đó có 9 năm biệt cấm, ngày 21 tháng 11 năm 1988 ngài được thả ra và được Đức Gioan-Phaolô II bổ nhiệm làm giám mục phụ tá giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994 ngài được bổ nhiệm phó chủ tịch Hội đồng giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”, và đến năm 1998 ngài là chủ tịch.

Năm 2000 ngài giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Đức Gioan-Phaolô II và giáo triều. Ngài được phong hồng y trong công nghị 21 tháng 2 – 2001. Ngài qua đời ngày 16 tháng 9 năm 2002 ở Rôma.

Đức Bênêđictô XVI đã nói lên đức tin và lòng can đảm của ngài trong Thông điệp Spe salvi (Được Cứu rỗi trong niềm Hy vọng) năm 2007: “Trong mười ba năm tù, trong tình trạng gần như tuyệt vọng hoàn toàn, việc lắng nghe Chúa, việc có thể nói chuyện với Chúa đối với ngài đã trở thành một sức mạnh của hy vọng, một hy vọng lớn dần mà sau khi được phóng thích, ngài trở nên cho toàn thế giới, một chứng nhân của hy vọng – một hy vọng lớn lao không tắt dù phải qua những đêm tối đơn độc”.

Từ 13 năm tù, trong đó có 9 năm biệt cấm, ngài để lại một quyển sách quý giá nhỏ bé: Đường Hy Vọng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch