Giáo hoàng siêu đùa!

720

leparisien.fr, Vincent Mongaillard, 2017-07-18

Tấm bảng “Cấm than phiền” mà Đức Phanxicô vừa treo trước cửa phòng là một ví dụ cho tính thích đùa của ngài. Thêm một điểm nữa cho sự mến chuộng và cho sự mở ra của Giáo hội của ngài.

Mỗi ngày trong lời cầu nguyện của mình, Đức Phanxicô xin Chúa cho mình có óc hài hước. Và rõ ràng là Chúa cho ngài ơn này đầy đủ. Vì Đức Giáo hoàng thích đùa như câu pha trò vừa qua cho thấy. Ngài vừa treo ở cửa ra vào phòng ngài ở Nhà Thánh Mácta một tấm bảng bằng tiếng Ý “Vietato lamentarsi” có nghĩa là “cấm không được than phiền”. Tấm bảng do nhà tâm lý gia nổi tiếng người Ý Salvo Noé tặng.

Tính hài hước là một phần trong phong cách sống, theo nét tiêu biểu latinô cách mạng và rất gần với dân của ngài. Từ bốn năm nay khi Đức Phanxicô ở tòa Thánh Phêrô, ngài không bỏ sót dịp nào để cười đùa. Vừa mới được bầu chọn, ngài đã cho thấy nét đặc sắc này của mình. Ký giả Arnaud Bédat thuật lại: “Lúc ban nghi lễ đề nghị ngài mặc áo với nhiều cụ bị, ngài phản ứng ngay: Không, không, lễ hội đã xong”. Ký giả Bédat là tác giả quyển sách “Phanxicô, một mình chống lại tất cả” (Flammarion). Cũng trong tinh thần này, ngài nói với các hồng y bầu cho ngài: “Xin Chúa tha tội cho các anh!” Từ đó, trung thực với chính mình, ngài còn nói đùa, ngài sẽ không từ chối rửa tội cho người ở Sao Hỏa, rằng “tòa giải tội không phải là tiệm giặt ủi có thể tẩy vết nhơ của tội”, rằng, người ta không thể “rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu” với bộ mặt đưa đám ma”… Còn hơn cả tài tử giễu với những lời ý nhị pha nét châm biếm. 

Tính hài hước nằm trong máu của ngài

Tác giả viết tiểu sử Đức Phanxicô tóm tắt: “Đây là giáo hoàng thích kể chuyện đùa, hoặc có những trò hài hước đột xuất trên điện thoại dù không phải lúc nào cũng hài. Ngài cũng thích người ta kể chuyện đùa cho ngài nghe. Tính hài hước nằm trong máu của ngài”. Nhà Vatican học Bernard Lecomte, tác giả quyển “Tự điển thương yêu của các giáo hoàng” (Plon) cũng nhận xét như vậy. “Ngược với Đức Gioan-Phaolô II, người thường dùng nét hài hước để diễn tả theo mục đích mục vụ với một chiều kích tri thức, còn Đức Phanxicô thì cần cười, đó là một phần trong đời sống của ngài, ngài là người của xúc giác, ngài cần chạm đến giáo dân”. Và ngay cả khi ngài rất nghiêm túc, một vài người đối thoại với ngài cũng nghĩ ngài đang nói đùa. Cũng thế, chỉ vài ngày sau mật nghị, ngài gọi điện thoại cho cựu Bề trên Cả Dòng, ngài nói với người trực điện thoại mình là giáo hoàng, xin nói chuyện với bề trên của anh, anh trả lời với ngài: “Vậy hả? Còn tôi, tôi là Napoléon!”

Cá tính này nơi người đã ngoài tám mươi chỉ làm ngài được yêu mến thêm và nhất là làm cho những người không phải là tín hữu có cảm tình với ngài. Ký giả Arnaud Bédat nhận xét: “Ngài thông qua nhiều chuyện với tính hài hước của mình, tránh đi được sự cứng ngắt, và như thế cũng là một cách của ngài để Giáo hội được mở ra”.

Đức Phanxicô không chỉ bật cười với các trò đùa của mình. Trong một buổi tiếp kiến chung ở Quảng trường Thánh Phêrô mùa xuân vừa qua, ngài đã bật cười khi một bé gái 3 tuổi đổi mũ chỏm của ngài. Trò đùa của em bé thích “chôm” đã làm cho ban an ninh Vatican hơi hốt hoảng.

Xứng đáng thừa kế Đức Gioan XXIII

Được mệnh danh là Giáo hoàng Nhân lành vì tính dễ thương của mình, Đức Gioan XXIII đứng đầu Giáo hội công giáo từ năm 1958 đến năm 1963, ngài nổi tiếng với các lời nói đùa của mình! Năm 2014 Đức Phanxicô đã phong thánh cho ngài, ngài có dòng máu hài trong người! Nhà Vatican học Bernard Lecomte kể: “Khi còn là Sứ thần Tòa Thánh ở Paris, ngài nổi tiếng với các giai thoại của mình. Người ta mời ngài đến các bữa ăn trong thành phố để làm cho thực khách cười”.

Ở Rôma, ngài có các câu đôi đáp đã đi vào lịch sử. Khi được hỏi số người làm việc tại Vatican là bao nhiêu người, ngài trả lời: “Ồ, chỉ một nửa!”

Một ngày nọ, khi đi thăm một bệnh viện, ngài hỏi một bé trai sau này con muốn làm gì. Cậu bé trả lời: “Dạ, con muốn làm cảnh sát hoặc giáo hoàng!” Và Đức Gioan XXIII thú nhận: “Nếu cha là con, cha sẽ làm cảnh sát. Bất cứ ai cũng có thể làm giáo hoàng, nhìn cha nè…”

Marta An Nguyễn dịch