Các người sống sót trong vụ tấn công chiếc xe buýt chở tín hữu đi hành hương ở Ai Cập kể cảnh kinh hoàng họ đã sống.
lepoint.fr, 2017-05-27
Trong số 29 nạn nhân có nhiều trẻ em bị thiệt mạng trong vụ tấn công mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhận họ đã ra tay. Linh mục Rashed thở dài: “Chúng hỏi từng tín hữu một phải phủ nhận đức tin, nhưng tất cả đều từ chối”. Các người sống sót trong vụ tấn công ở Ai Cập thứ sáu 26 tháng 5 kể lại, các tín hữu đang ngồi trên xe buýt để đi hành hương đến một tu viện thì bị những tên bịt mặt lên xe, chúng ra lệnh cho họ ph xuống xe và bắt họ phủ nhận đức tin, nhưng họ từ chối. Các tên khủng bố vũ trang đã lạnh lùng hạ sát từng người một, chúng bắn vào đầu. Tổng cộng có 29 nạn nhân, trong số này có nhiều trẻ em bị bắn hạ, nhóm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nhận họ là thủ phạm. Hơn 24 giờ sau, nỗi đau thương bao trùm nhà thờ chính tòa Mar Morcos (Saint Marc) của thành phố nhỏ Bani Mazar, thuộc bang Minya ở miền trung.
“Một phát đạn vào sau sọ, vào miệng hay vào cổ họng”
Trong thánh lễ, nhiều tín hữu không cầm được nước mắt. Nhiều người không đủ sức đứng vững, một thanh niên trẻ phải được người thân dìu. Tất cả các bà đều mặc áo đen, tóc che khăn nhẹ cột lại sau gáy, họ đến dự buổi lễ được nhà thờ tổ chức để an ủi giáo dân. Tiếng kêu, tiếng khóc xé lòng của họ xé tan bầu khí thinh lặng của sân nhà thờ. Sau khi gặp những người bị thương hôm qua, linh mục Rashed kể chuyến đi đến một tu viện cách đó 200 cây số phía nam Ai Cập đã biến thành kinh hoàng như thế nào. Trong đoàn xe có một chiếc xe buýt, trên xe có thợ làm việc và có các tín hữu muốn đến tu viện như nhiều tín hữu Coptic vẫn hay đi trong ngày.
Linh mục Rashed cho biết: “Trước khi bị giết, đa số đàn ông đi ra khỏi xe của mình, một số ở lại trên xe của họ. Đa số bị bắn từ sau sọ, vào miệnh hay vào cổ họng”. Ông Maher Tawfik kể: “Các tên khủng bố bắt họ xuống xe buýt, chúng lấy thẻ căn cước, vàng bạc hoặc nhẫn và tiền bạc. Sau đó chúng bắt các tín hữu phải tuyên xưng đức tin hồi giáo và bắn nếu từ chối không tuyên xưng”. Ông Tawfik đến từ thủ đô Cairô để an ủi gia đình. Cháu của ông sống sót nhưng chồng và con mới một tuổi rưỡi bị chết. Ông cho biết, “chúng lấy nữ trang tiền bạc của phụ nữ, còn trẻ con lúc đó thì trốn dưới ghế”.
“Tắm máu của người kitô hữu”
Từ nhiều tháng nay, Ai Cập chịu tang tóc bởi các vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng chống cộng đoàn chính thống. Đầu tháng 4-2017, hai vụ tấn công tự sát ở hai nhà thờ Coptic phía nam thủ đô Cairô đã làm cho 49 tín hữu thiệt mạng. Các nhóm khủng bố cực đoan này tăng các vụ khủng bố chống người Coptic, tín hữu kitô ở bang Minya lo lắng: đã có các căng thẳng rất mạnh giữa người hồi giáo và tín hữu Coptic ở tiểu bang bảo thủ này, một tiểu bang có cộng đồng thiểu số ở. Năm 2013, sau khi quân đội lật đổ Tổng thống hồi giáo Mohamed Morsi, nhiều nhà thờ trong bang bị nhiều người biểu tình đốt, họ lên án tín hữu kitô đã ủng hộ phe quân đội.
Ông Mina al-Masri tuyên bố: “Đây không phải là lần đầu tiên chúng tôi bị nhóm khủng bố nhắm. Chúng tôi trả giá cho sự ủng hộ quân đội và Nhà nước của mình”, ông mệt mỏi nói, ông về đây để dự tang lễ cha mẹ của một người bạn bị chết trong vụ tấn công vừa qua. Ông nói thêm: “Tôi sợ một cuộc tắm máu của tín hữu kitô”. Anh Mina Saïd đau buồn nói: “Tôi không ngạc nhiên, tôi chỉ đau đớn”, anh là người cha gia đình trẻ, 35 tuổi, anh đến dự thánh lễ với vợ và hai con. Còn bà Hanan Fouad thì mất láng giềng của mình, một gia đình 6 người gồm ba thế hệ. Mặc áo đen dài, tóc phủ khăn đen trong suốt, bà trút cơn giận của mình ở sân nhà thờ, tay bám vào chiếc điện thoại cầm tay và cầm một gói khăn giấy, bà hét lên: “Cứ xảy ra các vụ giết chóc này hoài. Không một tháng nào mà chúng không giết các tín hữu kitô. Tại sao lại là các tín hữu kitô? Bởi vì chúng nói họ là người thiểu số, là người bất trung”.
Các tín hữu kitô chiếm 10 % số dân trên tổng số 92 triệu dân nước Ai Cập.
Marta An Nguyễn dịch