Linh mục José Caldas: “Fatima được phát triển nhờ người nghèo”

498

fr.aleteia.org, Arthur Herlin, 2017-05-11

Trước ngày Đức Phanxicô đi Fatima nhân kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra và phong thánh cho hai mục đồng, hãng tin I.MEDIA có buổi gặp Linh mục Giám đốc Giáo hoàng Học viện Bồ Đào Nha ở Rôma, cha tái xác nhận chiều kích sâu đậm “phổ quát và đại chúng” của đền thánh.

I.MEDIA: Đâu là mối dây liên hệ của Giáo hoàng Học viện Bồ Đào Nha với Fatima?

Linh mục José Caldas: Học viện trước hết có mối dây liên hệ chặt chẽ với… Lộ Đức! Học viện được thành lập năm 1900 ở thời buổi chưa có máy bay. Như thế các nhà đào tạo đến đây bằng đường bộ và trên đường đi ngừng lại ở Lộ Đức! Từ đó nảy sinh lòng kính mến Đức Mẹ Lộ Đức và học viện nhanh chóng xin Đức Mẹ Lộ Đức làm Mẹ đỡ đầu, 17 năm trước khi Đức Mẹ Fatima hiện ra!

Sau đó, năm 1929, trước khi Tòa Thánh chính thức công nhận Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, một bức tượng lớn bằng gỗ được gởi qua Vatican, Đức Giáo hoàng Piô XI đã làm phép. Sau này bức tượng được tặng cho Học viện và được đặt ở nhà nguyện, bây giờ bức tượng vẫn còn ở đây.

Ngày 13 tháng 5-1967, kỷ niệm 50 năm Đức Mẹ hiện ra, Đức Phaolô VI đã đến Fatima. Cũng ngày hôm đó, người có trách nhiệm của Học viện đã mang đến đó viên đá đầu tiên của tòa nhà mới của cộng đoàn. Viên đá đã được Đức Giáo hoàng làm phép trước khi đem về xây ở Rôma. Năm 1982 Đức Gioan-Phaolô II đến Fatima. Còn hồng y Joseph Ratzinger thì năm nào cũng đến Fatima tĩnh tâm một tuần.

Bồ Đào Nha là một trong các nước có người công giáo nhiều nhất Âu châu. Như thế Bồ Đào Nha có quan hệ ưu tiên nào với Tòa Thánh không?

Về mặt lịch sử, Bồ Đào Nha luôn có quan hệ tốt với Tòa Thánh, bằng chứng là Bồ Đào Nha là một trong những nước đầu tiên được Tòa Thánh công nhận vào năm 1179. Nhưng Bồ Đào Nha cũng là một nước rất khiêm tốn, không có ưu tiên gì đặc biệt với Vatican. Tuy nhiên nước này giữ một quan tâm đặc biệt với Tòa Thánh, vì Bồ Đào Nha giữ một văn hóa công giáo sâu đậm, các giá trị mang tinh thần kitô giáo. Fatima còn đóng góp rất lớn: bằng chứng là nhân dịp Đức Phanxicô viếng thăm, Nhà nước cho công chức nghỉ việc hai ngày 12 và 13 tháng 5.  Tổng thống Marcelo Rebelo de Sousa hiện nay là một tín hữu kitô: việc đầu tiên khi được bầu lên là ông đi lễ, và chuyến đi đầu tiên trong cương vị nguyên thủ Quốc gia là chuyến đi Vatican.

Đâu là các đặc nét của đền thờ Fatima?

Lộ Đức thì hướng về người bệnh. Còn Fatima là một đền thánh phổ quát và đại chúng, gần như có mọi thể loại tín hữu. Fatima được phát triển nhờ những người bình dân, người nghèo, người bị xã hội bỏ bên lề. Họ đến phó dâng các thử thách họ gặp hàng ngày cho Đức Mẹ.

Không phải Giáo hội buộc tín hữu nhận Fatima, nhưng chính các tín hữu khiêm tốn nhất đã buộc Giáo hội phải nhận Fatima. Nếu những người thấp hèn không đến đây thì Fatima đã rơi vào quên lãng từ lâu. Vì hồi đầu, người ta có khuynh hướng không muốn nhắc tới như bây giờ, Giáo hội còn chống lại các lần hiện ra. Giáo hội chỉ công nhận vào năm 1930.

Lúc nào đền thánh mới được công nhận?

Các giáo dân hành hương chỉ đến tại chỗ khi có tin bùng ra ba trẻ mục đồng đau khổ rất nhiều để nói ra sứ điệp của Đức Mẹ. Sau đó phải chờ đến năm 1935 khi nữ tu Lucia viết các tập Ký ức thì khi đó giáo dân mới chen chân đến.

Phải nhắc lại, Đức Mẹ hiện ra cho ba trẻ mục đồng vào thời điểm mà ở đa số các nước, trẻ con chưa được xem trọng. Ở Bồ Đào Nha, trẻ con chưa được đi học, chưa có một quyền căn bản nào. Thêm một lần nữa, Chúa lại chọn những kẻ khiêm tốn nhất, nghèo nhất để thực hiện công việc của Ngài. Và trong một ngôi làng hẻo lánh của Bồ Đào Nha.

Sứ điệp Fatima mang lại gì cho thời buổi này?

Tự chính sứ điệp Fatima là lời kêu gọi hoán cải, hòa bình, hy vọng và tu sửa. Sứ điệp Fatima trước hết là sứ điệp Phúc Âm: Chúa chọn các em bé để gởi gắm sứ điệp, chú trọng đến những kẻ thấp bé nhất. Nhưng sứ điệp Fatima cũng là lời kêu gọi hoán cải. Sự hoán cải không làm theo kiểu cách mạng, trong cơn hồng thủy hay bằng vũ khí, nhưng trong tâm hồn mỗi người, trong việc hoán cải người khác và qua lời cầu nguyện.

Sứ điệp cũng bao gồm nguyên tắc “tu sửa”. Hoán cải không phải là ở cô lập nhưng tìm cách để tương tác với người khác để thay đổi, để cải thiện, tóm lại để sửa chữa.

Cuối cùng sứ điệp Fatima là sứ điệp hy vọng và hòa bình khi Giáo hội bi bách hại, ở Bồ Đào Nha cũng như ở các nơi khác, khi có luật buộc phải tách Giáo hội ra khỏi Quốc gia. Sù sự dữ có thống trị như thế nào, Đức Mẹ cũng bảo đảm, sự dữ không thể nào thắng.

Tại sao Bồ Đào Nha được dâng hiến cho Trái Tim Đức Mẹ? (Ngày 13 tháng 5-1931, toàn thể giám mục Bồ Đào Nha dâng nước Bồ Đào Nha cho Trái Tim Đức Mẹ. Ngày 13 tháng 5 năm 1938 các giám mục lại dâng hiến thêm một lần nữa. Năm 1646, vua Gioan IV đã tuyên xưng Đức Mẹ là Nữ Vương và là Thánh Bảo Trợ nước Bồ Đào Nha).

Nước Bồ Đào Nha đã được dâng hiến cho Trái Tim Mẹ Maria, nếu không Đức Mẹ cũng xin dâng hiến, như Mẹ đã xin dâng nước Nga cho Mẹ. Mẹ cũng nói với ba trẻ, Chúa muốn thế giới tôn kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, điều mà nước Bồ Đào Nha đã đáp lời Mẹ.

Dâng hiến cho Mẹ không phải đơn giản chỉ là lời cầu nguyện, nhưng là lời khấn của cả cộng đoàn đạt trọng tâm vào tình yêu và hòa bình của Trái Tim Mẹ Maria. Thay vì lên án và chia rẽ các Quốc gia, Mẹ xin đặt Trái Tim Mẹ ở giữa thế giới để mang tình yêu và hòa bình đến cho thế giới.

Đức Phanxicô phong thánh cho các em thấy Đức Mẹ hiện ra, điều này mang lại gì cho các tín hữu?

Trước hết phải nhấn mạnh, Giacinta và Phanxicô là các thánh trẻ em đầu tiên không phải là thánh tử đạo. Các em có một đời sống ngắn ngũi và chưa thực hiện gì trong đời sống của mình, cũng không viết bất cứ gì. Các em chỉ nói lại sứ điệp của Đức Mẹ, những gì các em nghe và thấy.

Phần còn lại đời sống của các em, các em lần hạt mân côi mỗi ngày, cầu nguyện cho sự trở lại của người phạm tội: Phanxicô viếng Chúa ở nhà tạm mỗi ngày. Các em là tấm gương của lòng trung thành với Đức Mẹ, chống lại với chính gia đình mình, các giám mục, các nhà cầm quyền bỏ tù các em, bức bách các em. Mặc dù tất cả sự này, các em không bao giờ yếu đuối trong lời chứng của mình. Và đó thật là cực kỳ ấn tượng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Linh mục José Caldas