Phụ nữ, các đan sĩ Tibhirine, các nạn nhân của chế độ nazi ở trọng tâm trong Chặng Đàng Thánh Giá do Đức Phanxicô chủ sự ở Hí trường Colisée, Rôma ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 14-4-2017.
cath.ch, 2017-04-13
Nữ thần học gia người Pháp Anne-Marie Pelletier đã soạn các bài suy niệm cho Chặng Đàng Thánh Giá này. Bà viết ở chặng thứ bảy, chặng Chúa Giêsu gặp các phụ nữ Giêrusalem: “Tiếng than khóc mà các phụ nữ Giêrusalem khóc than với Chúa Giêsu là tiếng than khóc của lòng lân tuất, ngày nay thế giới không thiếu các tiếng than khóc này”. Bà ghi nhận: “Nước mắt thầm lặng chảy trên má các phụ nữ này, những giọt nước mắt máu mà nữ Thánh Catarina Siêna, nhà thần nghiệm thế kỷ 14 (1347-1380) cho rằng, đó là những giọt nước mắt của tâm hồn, những giot nước mắt thiêng liêng mang đến cho tâm hồn một “sự êm ái dịu dàng vô cùng”.
Bà Anne-Marie Pelletier ghi nhận: “Những giọt nước mắt nhắc lại các phụ nữ để tang thụ động, bất lực trong bối cảnh câu chuyện mà chỉ có người đàn ông có nghĩa vụ phải viết”. Nhưng những giot nước mắt này thuộc về các phụ nữ phải “hứng chịu”: từ “những em bé bị khủng bố, từ các thương binh ngoài mặt trận kêu cứu đến người mẹ, từ những giot nước mắt đơn độc của người bệnh, người thoi thóp chết trước ngưỡng cửa của điều không biết”. Bà nhấn mạnh thêm, “đó cũng là những giot nước mắt vui mừng, hân hoan của người đàn ông, đàn bà được ở với nhau”.
Các ghi nhận về phụ nữ đặc biệt có mặt trong suốt bài suy niệm dài này, ở chặng thứ 14, nữ thần học gia nhấn mạnh đến khả năng chăm sóc của họ, chăm sóc cho sự “mong manh của các cơ thể”. Bà nhắc đến họ đã chuẩn bị nước hoa, dầu thơm để “tôn vinh lần cuối cơ thể của Chúa Kitô”.
“Sự táo bạo rất nữ tính và rất thiêng liêng”
Nữ thần học gia Pháp nhắc đến hình ảnh của bà Etty Hillesum, “người phụ nữ Israel kiên cường, đứng vững trong thử thách bách hại của chế độ nazi”. Bà ghi nhận: “Trong địa ngục nhận chìm cả thế giới, nữ tù nhân người Do Thái của trại tập trung Auschwitz đã dám cầu nguyện với Chúa như sau: “Con sẽ cố gắng giúp Chúa”. Bà Pelletier ghi nhận, đây là một “sự táo bạo rất nữ tính và rất thiêng liêng”. Bà Etty Hillesum là nhà thần nghiệm Do Thái chết năm 1943 trong trại tập trung Auschwitz ở Ba Lan.
Ở chặng thứ 9, khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, bà Anne-Marie Pelletier nhắc đến các đan sĩ tử đạo Tibhirine (Algeria). Đứng trước cái chết và đứng trước bạo lực làm cho “chúng ta bị tê liệt trong các tin tức thời sự của thế giới đang rình rập quanh chúng ta”, các đan sĩ bị giết ở Tibhirine đã cầu nguyện để giải trừ vũ khí của những tên khủng bố và chính họ cũng không còn vũ khí. Theo bà Pelletier, “dùng sự dịu dàng của Chúa để chống với các địa ngục của chúng ta, đó là cách duy nhất để cứu chúng ta khỏi sự dữ”.
“Chân lý đơn giản và chóng mặt”
Trích dẫn lời của mục sư Dietrich Bonhoeffer, nữ thần học gia nhận thấy “con người bắt đầu nhận thức chỉ có ‘một mình Thiên Chúa đau khổ mới có thể cứu được’”. Trong những tháng cuối đời mình, “cảm nhận tận cùng sức mạnh của sự dữ, mục sư mới có thể thâu nhặt được trong chân lý đơn giản và chóng mặt này đức tin kitô giáo”. Mục sư Dietrich Bonhoeffer bị hành quyết năm 1945 ở trại tập trung Flossenbürg (nước Đức), mục sư thuộc giáo phái Luther và là thành viên rất có ảnh hưởng của Giáo hội tuyên xưng đức tin, một phong trào tin lành chống chế độ nazi.
Bà Anne-Marie Pelletier là phụ nữ đầu tiên soạn bài suy niệm Thứ Sáu Tuần Thánh, bà là giáo sư dạy ở nhiều trường đại học. Bà cũng là phụ nữ đầu tiên nhận giải thần học của Quỹ Ratzinger-Bênêđictô XVI năm 2014.
Marta An Nguyễn chuyển dịch