Đưa những vết thương của chúng ta đến với Phép Thánh Thể

751

Đưa vết thương của chúng ta đến với Phép Thánh Thể

Linh mục Ron Rolheiser, OMI

16 Tháng Giêng 2017


Gần đây có người tìm đến tôi xin giúp đỡ. Ông mang những vết thương hằn sâu, không phải là vết thương thể xác, mà là những vết thương linh hồn. Điều khiến tôi thấy ngạc nhiên lúc đầu là, dù ông bị tổn thương trầm trọng, nhưng lại không thống khổ cùng cực cả thưở nhỏ lẫn lúc trưởng thành. Dường như ông chỉ phải chịu những vết bầm tím chợt da như mọi người khác: là vài lần bị xem thường, bị bắt nạt, chưa từng là nhân vật được yêu thích, thấy không hài lòng với cơ thể mình, chịu đối xử không công bằng trong gia đình và anh chị em, nản lòng trong sự nghiệp, bất công nơi làm việc, cảm giác mình luôn mãi bị làm ngơ, cảm nhận mình không bao giờ được người ta hiểu và cảm kích, thấy thương thân trách phận và thiếu tự tin.
Nhưng ông là một người nhạy cảm và kết hợp của tất cả những chuyện nhỏ nhặt này cho đến tuổi trung niên, khiến ông không thể trở thành một người có tuổi hạnh phúc dễ thương như ông muốn. Thay vào đó, ông luôn mãi mắc kẹt trong một kiểu quy kỷ bị tổn thương, cụ thể là một sự lo lắng quy ngã đi cùng cảm giác rằng cuộc sống đã không công bằng với ông. Do đó, ông luôn dồn hết tâm trí vào việc tự vệ và phẫn uất những người có thể tiến tới một cách tự tin và yêu thương. Chính ông đã nói với tôi, “Tôi ghét khi thấy những người như Mẹ Teresa và Đức Gioan Phaolô quá tự tin nói về trái tim lớn của mình. Tôi luôn thấy phẫn uất và nghĩ: “Các người thật may mắn! Các người chưa phải chịu những chuyện tôi gặp phải trong đời!”
Người này đã được trị liệu chuyên ngành để giúp ông tự nhận thức bản thân sâu sắc hơn, nhưng vẫn không thể khiến ông vượt qua những vết thương của mình. “Tôi có thể làm gì với những vết thương này đây?” ông đã hỏi tôi thế.
Tôi trả lời ông, cũng như cho tất cả những người đang bị tổn thương rằng: Hãy đưa những vết thương đó đến với Phép Thánh Thể. Mỗi lần ông đến với Phép Thánh Thể, đứng cạnh bàn thờ, rước lễ, thì hãy dâng sự bất lực và tê dại của ông lên Chúa, xin Ngài chạm đến thân xác ông, trái tim ông, ký ức, cả sự cay đắng, thiếu tự tin, sự quy kỷ, yếu đuối của ông. Hãy đưa thân thể và trái tim đau đớn của ông lên Chúa. Hãy giãi bày sự bất lực của ông bằng những lời đơn sơ khiêm nhượng.
Xin chạm đến con.
Xin cất đi những vết thương của con.
Xin cất đi hoang tưởng của con.
Xin cho con nên trọn.
Xin tha thứ cho con.
Xin sưởi ấm tim con.
Xin cho con sức mạnh mà tự con không có được.
Hãy cầu nguyện bằng lời kinh này, không phải chỉ khi rước lễ và đón nhận Mình Thánh Chúa Kitô, nhưng nhất là trong Kinh nguyện Thánh Thể, bởi chạm đến chúng ta không chỉ là một nhân thể của Chúa Giêsu, mà là cả một sự kiện linh thánh. Đây là một phần của Phép Thánh Thể mà chúng ta thường không hiểu được, nhưng một phần của Phép Thánh Thể là để biến đổi và chữa lành những thương tích và tội lỗi. Trong Kinh nguyện Thánh Thể chúng ta chiêm niệm “lễ hy tế” của Chúa Giêsu, nghĩa là khi Chúa Giêsu mang lấy tội lỗi vì chúng ta. Trong thời khắc thâm kín đó có rất nhiều sự xảy ra. Về căn bản, trong cuộc thương khó và cái chết, Chúa Giêsu mang lấy những vết thương của chúng ta, sự yếu đuối, bất toàn, tội lỗi của chúng ta, Ngài chết đi trong chúng, rồi bằng tình yêu và tín thác Ngài đưa chúng đến toàn vẹn.
Mỗi lần đến với Phép Thánh Thể là chúng ta để sự kiện mang tính biến đổi đó chạm đến chúng ta, đến những vết thương của chúng ta, đến sự bất tín, tội lỗi, những tê liệt cảm xúc của chúng ta, và đưa chúng ta biến đổi trở nên trọn vẹn, đầy sinh lực, vui mừng và yêu thương.
Phép Thánh Thể chính là phương thuốc tối cùng. Tôi tin là có nhiều loại trị liệu thể xác và tinh thần rất có giá trị, chẳng hạn như chương trình 12 bước, hay việc chân thành chia sẻ những thương tích của mình với những người ta tin tưởng. Và tôi cũng tin rằng một sự tự tác động theo ý chí cũng đầy giá trị, chẳng hạn như khi Chúa Giêsu mời gọi người bại liệt: Hãy đứng dậy, vác chõng mà đi! Chúng ta không nên để mình bị tê liệt bởi nhạy cảm quá đáng và thương thân trách phận. Thiên Chúa đã cho chúng ta làn da để che phủ những dây thần kinh mà.
Nhưng khi thừa nhận như thế, chúng ta vẫn không thể chữa lành cho bản thân mình. Những phép trị liệu, sự tự thông hiểu, những người bạn thân thương, và nỗ lực có đường hướng có thể đưa chúng ta đi được một quãng dài, nhưng không phải là đi cho trọn đường đến sự chữa lành trọn vẹn. Sự chữa lành trọn vẹn đến nhờ việc chạm vào sự linh thánh, và được chạm vào. Cụ thể hơn, các Kitô hữu chúng ta tin rằng cái chạm này bao gồm việc sự linh thánh đó chạm vào nơi thương tích nhất, bất lực nhất, tội lỗi nhất của chúng ta. Và cái chạm đó chính là trong cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu, khi Thiên Chúa trở nên tội lỗi vì chúng ta, là trong kinh nguyện Thánh Thể và khi chúng ta đón nhận Mình Thánh Chúa Kitô.
Chúng ta cần đưa những thương tích của mình đến với Phép Thánh Thể bởi chính là nơi có tình yêu và sinh lực linh thánh, có thể ghi dấu và chữa lành cho tất cả những gì đang rạn vỡ trong cuộc đời chúng ta.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch