Đức Giáo hoàng giải thích cho trẻ em “tông đồ lắng nghe”

467

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2017-03-14

Trong chuyến đi thăm giáo xứ Thánh Mađalêna Canossa ngày 12 tháng 3-2017, Đức Phanxicô gặp các trẻ em, các em vị thành niên các lớp giáo lý, các em trẻ sau lớp thêm sức, các em hướng đạo sinh, ngài mời gọi các em làm “tông đồ lắng nghe” và trả lời một vài câu hỏi của các em. Các em đầu tiên hỏi là Elisabetta, Patrizio, Sara, Edoardo và Camilla. Bài tổng hợp buổi nói chuyện này được báo Osservatore Romano tiếng Ý đăng vào các ngày 13 và 14 tháng 3-2017.

Tông đồ lắng nghe

Ngài nghĩ gì về điện thoại cầm tay và truyền hình? “Kỹ thuật giúp chúng ta truyền thông nhưng chúng ta không còn đối thoại, nhất là lắng nghe người khác.”

Theo Đức Phanxicô: “Bây giờ chúng ta có thể nói chuyện ở mọi nơi, đó là một chuyện tốt đẹp. Nhưng lại là thiếu đối thoại. Các con nhắm mắt lại và hình dung: ở bàn ăn, cha, mẹ, con, anh con, chị con ai cũng cầm điện thoại cầm tay. Ai cũng nói, nhưng nói với người ngoài, còn trong gia đình với nhau, thì không ai nói. Chúng ta tất cả đều nói chuyện qua điện thoại cầm tay, nhưng chúng ta không đối thoại. Và đây là vấn đề: thiếu đối thoại, thiếu lắng nghe”.

Trước đó một ngày, ngày 11 tháng 3, Đức Phanxicô tiếp các thành viên hiệp hội “Điện thoại bằng hữu Ý” (Telefono Amico), Ngài đã giải thích “lắng nghe là bước đầu tiên của đối thoại: một trong các bệnh nặng nhất ngày nay là bệnh thiếu lắng nghe, giống như lỗ tai của chúng ta bị bịt kín”. Có thể “mình nói chuyện qua điện thoại, nhưng mình không lắng nghe những người ở gần mình, mình không đối thoại”. Ngược lại, “chúng ta phải đối thoại cụ thể chứ không đối thoại ảo”.

Đức Phanxicô khuyên: “Chúng ta bắt đầu đối thoại với lỗ tai, mở tai ra để nghe những gì đang xảy ra” và khi đi thăm người bệnh, chúng ta phải biết lắng nghe. Vì thế cái lưỡi ở vị trí thứ nhì, vị trí thứ nhất là lỗ tai. Và phải đối thoại cụ thể, vì đối thoại qua điện thoại cầm tay là đối thoại ảo.”

Các em có tặng ngài quyển sách có các câu hỏi, thư từ, hình vẽ, Đức Phanxicô khuyên các em nên đặt đúng câu hỏi và phải biết lắng nghe: “Phải luôn để người khác nói trước, đó gọi là ‘tông đồ lắng nghe’. Ở Argentina, người ta thường hay nói, cha xứ phải ‘nói với các nàng dâu để họ phải lắng nghe các bà mẹ chồng’; còn cha, cha nói với các con, để các con lắng nghe người lớn”.

Làm cha xứ và làm giáo hoàng

Em bé gái Elisabetta hỏi Đức Phanxicô đã gặp Chúa Giêsu khi nào. Ngài cầm tay em Elisabetta và hỏi lại: “Chính Chúa Giêsu là người đến đầu tiên vì Chúa Giêsu luôn đến gặp chúng ta. Và nếu con thấy Chúa Giêsu ở phía này và con làm như không biết, con nhìn phía kia, Chúa Giêsu đi, theo con thì?”. “Không, Ngài sẽ giúp con!” Đức Phanxicô: “Chúa sẽ kéo lỗ tai con như thế này?” Các trẻ em: “Không! Ngài sẽ cho con biết là con đã lầm!”. Đức Phanxicô: “Đó, Chúa nói với tâm hồn con như vậy, Ngài sẽ làm cho con hiểu thế nào là tình yêu, và nếu con không muốn nghe gì hết thì Ngài sẽ làm gì? Ngài sẽ bỏ đi? Không, Ngài sẽ ở đó. Chúa Giêsu kiên nhẫn và Ngài luôn chờ con (…) Và nếu con làm điều gì xấu, Ngài sẽ đuổi con”. Các trẻ em: “Không!… Ngài sẽ tha thứ”. Đức Phanxicô: “Đúng, Ngài sẽ tha thứ. Con ăn năn và con xin Ngài tha thứ cho con (…) Ngài luôn ở trong tâm hồn chúng ta. Ngài không bao giờ bỏ chúng ta. Ngài luôn ở với chúng ta. Trong những lúc vui vẻ, những lúc chúng ta chơi, chúng ta hạnh phúc, Ngài ở với chúng ta. Trong những lúc khó khăn, Ngài cũng ở với chúng ta, đúng không?” Các trẻ em: “Đúng. Ngài an ủi chúng con, Ngài ở bên cạnh chúng con và an ủi chúng con”.

Làm giáo hoàng hay làm cha xứ, làm gì tốt hơn? Trả lời: “Cả hai, quan trọng là chu toàn tốt những gì Chúa muốn.” Đức Phanxicô nói: “Mình không học để làm giáo hoàng, cũng không trả tiền, nếu con có nhiều tiền, con cho các hồng y, họ cũng không làm cho con thành giáo hoàng”. Ngài nhắc đến Thánh Phêrô: “Thánh Phêrô là vị giáo hoàng đầu tiên, ngài không phải lúc nào cũng thánh, ngài chối Chúa. Đó là một tội nặng! Và kẻ có tội này lại là giáo hoàng. Chúa Giêsu chọn người Ngài muốn là giáo hoàng lúc đó; vào một lúc khác, Ngài chọn người khác”.

Như vậy cha thích làm Giáo hoàng, nhưng cha cũng thích làm cha xứ, làm thầy giáo, hồi xưa cha có dạy giáo lý, cha làm linh mục và cha rất thích (…) Cái gì là cái đẹp nhất? Đó là cái Chúa muốn, làm cái gì Chúa xin các con làm! (…) Và khi Chúa giao phó cho mình một công việc, dù đó là giáo xứ, giáo phận hay làm Giáo hoàng thì mình xin Chúa gì? Xin Chúa yêu thương, xin Chúa xây dựng một cộng đoàn yêu thương chung quanh Ngài (…).

Các kẻ khủng bố không biết

Vì thế “phải mang hòa bình đến cho thế giới, những chuyện này chúng ta phải làm, trong gia đình, trong trường học, với bạn bè, khi con chơi với các bạn khác”. Và nhất là bình an trong gia đình, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến việc đối thoại với các em nhỏ nhất: “Đôi khi các con nghe cha mẹ gây nhau một chuyện gì đó, đó là bình thường. Khi nào cũng có những chuyện để gây nhau. Nhưng sau đó họ phải làm hòa, các con nói với cha mẹ: ‘nếu cha mẹ gây nhau, cha mẹ phải làm hòa khi cuối ngày’. Nhưng cẩn thận, các con không nói những lời “dữ dằn” và nhất là những lời “phạm thượng”.

 Đức Giáo hoàng có sợ cái gì không? “Cha rất sợ những người dữ. Sự dữ dằn làm cha sợ. Những chuyện ngồi lê đôi mách như thả bom”. Em bé Sara đến gần chào Đức Giáo hoàng, em cho biết em sợ bà phù thủy. Ngài trả lời cho em: “Các bà phù thủy không có và họ không làm mình sợ. Con tưởng họ có phép mầu nhưng không đúng. Họ không có một quyền lực nào, đó là chuyện tầm phào”.

Nhưng ngược lại, “cha rất sợ những người dữ. Sự dữ dằn làm cha sợ. Chúng ta tất cả đều mang hạt dữ trong người, nhưng khi một người muốn mình là người dữ, thì cha rất sợ vì họ có thể làm rất nhiều chuyện dữ trong gia đình, trong giáo xứ, nơi làm việc. Ở Vatican cũng vậy, cũng có những chuyện ngồi lê đôi mách”. Và cha so sánh việc ngồi lê đôi mách như ném bom: “Các con xem truyền hình, các con thấy các người khủng bố làm gì không? Họ ném bom và bỏ chạy (…) Ngồi lê đôi mách cũng như vậy! Họ ném bom và họ bỏ chạy”. Ngồi lê đôi mách là “hủy hoại, phá hoại tâm hồn các con (…) con làm sự dữ thì tâm hồn con sẽ bị  thoái hóa (…) vậy đừng bao giờ ngồi lê đôi mách, các con đồng ý chứ? Các con hãy cắn lưỡi trước khi nói, có thể mình sẽ khổ nhưng mình không làm người khác khổ”.

Sau đó cha xứ tiếp lời, cha hỏi Đức Phanxicô giây phút nào là giây phút đẹp nhất đời của ngài. Đức Phanxicô trả lời: “Giây phút đẹp trong đời cha là khi cha còn nhỏ, cha đến sân vận động với cha của cha; mẹ của cha chỉ thỉnh thoảng mới đi. Vào thời đó, không có vấn đề ở sân vận động”.

Và “giây phút đẹp khác là cha gặp bạn bè. Trước khi đến Rôma, cứ mỗi hai tháng cha gặp các bạn, khoảng mười người, những người bạn thời cha học trung hoc, các bạn cha và cha học xong lúc mười bảy tuổi và cha tiếp tục gặp họ, với cả gia đình họ.

Đó là những giây phút đẹp. Và giây phút đẹp khác nữa là khi cha thinh lặng cầu nguyện, cha đọc Lời Chúa: nó làm cho cha khỏe và cha rất thích”. Đức Phanxicô đã nói đùa với một em: “Và trong những giây phút đẹp này thì chắc chắn là không có giây phút ngồi xem truyền hình, với cha xem truyền hình là mất thì giờ”.

Cám ơn các giáo lý viên

Tiếp đó, Đức Phanxicô ngõ lời cám ơn các giáo lý viên: “Giáo hội sẽ thế nào nếu không có anh chị em? Anh chị em là các cột trụ trong đời sống của một giáo xứ, của một giáo phận. Chúng ta không thể có giáo xứ, giáo phận mà không có giáo lý viên. Và chuyện này đã có từ đầu, từ thời sau khi Chúa Giêsu sống lại: đã có các phụ nữ đến giúp các bà bạn của mình và họ dạy giáo lý. Đó là một thiên chức cao đẹp. Đây không phải là một chuyện dễ làm cho các giáo lý viên, vì không những họ dạy giáo lý, họ còn dạy cách đối xử, dạy các giá trị, dạy cách sống thế nào, dạy rất nhiều chuyện. Đây là một công việc khó khăn”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch