Chương 7 – Trên con đường của sự ưu tú

368

Chương 7 – Trên con đường của sự ưu tú

Trích sách: Cứ việc giễu các tu sĩ Dòng Tên, Hài hước và thiêng liêng. Nicolaas Sintobin, s.j. Nxb. Fidélité, Namur 2016

 Một tu sĩ Dòng Tên, một tu sĩ Dòng Đa Minh, một tu sĩ Dòng Phan Sinh, ba người đi dạo với nhau, ai cũng hết lời ca tụng Dòng của mình. Bỗng gia đình Thánh Gia xuất hiện: họ thấy Chúa Giêsu trong máng cỏ, Đức Mẹ và Thánh Giuse đang cầu nguyện.

Tu sĩ Phan Sinh quỳ gối, sấp mặt xuống đất, ông quá hoảng sợ khi thấy Chúa ở trong cảnh quá nghèo khổ này. Tu sĩ Đa Minh quỳ gối thờ lạy cảnh huy hoàng Chúa Ba Ngôi và Thánh Gia. Còn tu sĩ Dòng Tên đến gần Thánh Giuse và nói với ngài: – Ngài  đã nghĩ đến việc cho em bé này đi học trường nào chưa ạ?

Năm 1539, khi cùng các đồng hữu của mình thành lập Dòng Tên, Thánh I-Nhã hoàn toàn không nghĩ đến việc mở các trường Dòng Tên. Lý tưởng của ngài, các tu sĩ Dòng Tên phải là các tông đồ, là những người hành hương tiên phong. Thật khó để hóa giải với đời sống của một giáo sư, mà theo định nghĩa thì như một nghề ngồi yên một chỗ, một đời sống thụ động. Vậy mà năm 1556 khi ngài chết, đã có khoảng 50 cơ sở dạy học. Vào thời đó mà mọi sự cũng đã thay đổi rất nhanh chóng. Hiện nay, trên khắp thế giới có khoảng bốn ngàn cơ sở giáo dục có liên hệ với Dòng Tên. Các tu sĩ Dòng Tên có một quan điểm về giáo dục và đào tạo. Trong lãnh vực này, phải tìm chìa khóa huyền bí trong linh đạo của họ, và một cách đặc biệt trong các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã. Tốt hơn là không nên làm các bài tập một mình trong một góc. Nó cần được đồng hành.

Người ta có thể nói, đường lối mô phạm theo Thánh I-Nhã bắt nguồn từ sự thích ứng theo bối cảnh giảng dạy, trong tương quan đồng hành được phát triển khi giảng các Bài tập Linh thao. Điều này giải thích vì sao có những điểm song song giữa giảng các bài tập và công việc của một nhà giáo.

Trong quyển các Bài tập Linh thao, Thánh I-Nhã cho các chỉ dẫn mà người đồng hành – nói rộng ra là nhà giáo – phải có vị thế đối với người đi linh thao. Chúng ta đã nói đến sự cần thiết của một thái độ kín đáo, khiêm tốn để cho chính người trẻ có thể lớn lên, có thể có một cái nhìn lạc quan về nhân loại và trên hết là có lòng tin tưởng.

Một tiền đề khác của Thánh I-Nhã là tính cách duy nhất của tiến trình mà qua đó, mọi người phải đi con đường trưởng thành của mình. «Rất nguy hiểm khi muốn dẫn tất cả mọi người đi trên cùng một con đường; và còn tệ hơn là so sánh các người khác với chính mình.» Giáo dục người trẻ, không phải là cưỡng bách họ vào trong khuôn đã làm sẵn. Nhà giáo phải làm nhiều hơn, để không chọn giùm cho người trẻ, lại còn phải tránh làm nhụt chí họ bằng chính các thành công riêng của mình.

Nhà giáo giỏi là nhà giáo tháp tùng người khác và cho họ phương tiện để chính họ tìm con đường cho chính ơn gọi riêng của mình trong cuộc sống: con đường của khát khao sâu đậm nhất mà Chúa đặt để trong mỗi tâm hồn chúng ta.

Ở đây, thêm một lần nữa, chúng ta thấy cái nhìn lạc quan của Thánh I-Nhã về nhân loại. Con người có khả năng lớn lên và học hỏi suốt cuộc đời mình. Và đó là điều dẫn chúng ta đến chủ đề ưu tú theo Thánh I-Nhã. Đó là, khi bạn học hỏi để xen các lựa chọn của mình vào cuộc sống, dù lớn hay nhỏ, về ước muốn sâu đậm của bạn, bạn có thể thường xuyên rèn luyện nó và tăng trưởng trong trưởng thành. Điều này đúng cho tất cả mọi người, độc lập với tuổi tác, và cũng đúng cho học trò cũng như cho thầy giáo, mỗi người theo cách của mình: người này có thể trong ngành thể thao hoặc nghệ thuật, người kia trong lãnh vực trí tuệ hay tôn giáo. Không ai bị cho là xoàng xĩnh. Ai múc đời sống của mình nơi ước muốn sâu đậm nhất này đôi khi có thể vượt quá giới hạn của mình. Nhưng ngược lại, trên các quan điểm khác, họ sẽ có thể có được sức mạnh để chấp nhận các giới hạn và các hạn chế, dù xảy đến từ chính họ hay đôi khi từ người khác. Và điều này cũng là tăng trưởng trong trưởng thành.

Sự ưu tú đích thực là vượt quá giới hạn của chính mình và trong việc đảm trách trách nhiệm của mình đối với người khác. Linh mục Pedro Arrupe, cựu bề trên tổng quản Dòng Tên, gọi điều này là: giáo dục người này để người này giáo dục người kia. Sự ưu tú trong tinh thần I-Nhã không có nghĩa là ưu tú hơn người khác. Nó cũng không phải là giấy phép để mình tạc tượng, mài dũa trong suốt cuộc đời cho tác phẩm nghệ thuật là cá nhân nhỏ bé của mình. Sự ưu tú đích thực làm bạn không tập trung vào chính bản ngã của mình, nó làm cho bạn đi theo Chúa Giêsu.

Ưu tú, như thánh I-Nhã hiểu, là trở nên tự do hơn nếu tình yêu là nguồn cội. Vào cuối tập Bài tập Linh thao của mình, Thánh I-Nhã đã nói về điều này «Tình yêu phải được diễn tả trong hành động hơn là lời nói.» Và ngay lập tức sau đó: «Tình yêu là thông hiệp qua về. Người nào yêu thì cho và thông hiệp tài sản mình cho người mình yêu, hoặc một phần của cải hay quyền lực của mình; cũng vậy, để đáp lại, người được yêu cũng làm như vậy với người yêu mình.»

Marta An Nguyễn chuyển dịch