Chúa Giêsu có uy quyền bởi Ngài phục vụ dân, gần gũi dân và nhất quán, ngược lại với các kinh sư và luật sĩ xem mình như vua chúa của dân. Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ ba 10-01.
“Bài Phúc âm hôm nay kể lại dân chúng kinh ngạc vì Chúa Giêsu dạy dỗ như người có uy quyền chứ không như các kinh sư, những người có thẩm quyền với dân nhưng lời dạy lại không đi vào lòng dân. Chúa Giêsu không “quyến dụ” người khác, Ngài dạy luật đúng đến từng chấm phẩy, Ngài dạy Chân lý, nhưng Ngài nói với uy quyền.
Có ba đặc tính phân biệt uy quyền của Chúa Giêsu với các luật sĩ.
Thứ nhất là, trong khi Chúa Giêsu dạy dỗ với sự khiêm nhượng, và bảo các môn đệ rằng “người lớn nhất phải là người phục vụ, phải trở nên nhỏ bé,” thì những người Pharisiêu lại xem mình như vua.
Chúa Giêsu phục vụ mọi người, Ngài giải thích mọi chuyện vì mọi người không hiểu. Ngài phục vụ người dân. Ngài mang thái độ của một nô bộc, và chính điều đó khiến cho Ngài có uy quyền. Còn các luật sĩ thì khác, người dân nghe họ, tôn trọng họ, nhưng không cảm thấy uy quyền nơi họ, bởi những người này mang tâm thức vua chúa. Họ nói rằng, “Ta là ông chủ, là vua chúa, và ta dạy cho các ngươi. Ta không phục vụ. Ta ra lệnh, các ngươi phải nghe.” Và Chúa Giêsu không bao giờ thể hiện mình như vua chúa. Ngài luôn là nô bộc cho tất cả mọi người, và chính điều này khiến Ngài có uy quyền.
Điểm thứ hai là, uy quyền của Chúa Giêsu nằm ở sự gần gũi.
Chính sự gần gũi dân đem lại uy quyền. Và đây là điểm phân biệt uy quyền của Chúa Giêsu với những người Pharisiêu. Chúa Giêsu không dị ứng với người dân, Ngài chạm đến người nghèo, người bệnh. Còn người Pharisiêu thì khinh miệt người nghèo, người dốt nát, họ thích đi dạo trên đường trong áo quần lụa là.
Họ tách mình khỏi dân, họ không gần gũi dân, Chúa Giêsu thì rất gần gũi người dân, và chính điều này đem lại uy quyền. Những luật sĩ này mang một tâm thức chủ nghĩa giáo quyền. Cha thấy thật vui khi đọc về sự gần gũi với dân của Đức Giáo hoàng Phaolô VI. Trong số 48 của Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) chúng ta có thể thấy trái tim của một mục tử gần gũi với dân, và chính nơi đó ta thấy ra uy quyền của một giáo hoàng, chính là sự gần gũi. Trước hết phải làm một nô bộc, người phục vụ khiêm nhượng. Làm lãnh đạo là phục vụ, là đảo ngược mọi sự.
Điểm thứ ba để phân biệt chính là sự nhất quán, trước sau như một. Chúa Giêsu sống những gì Ngài rao giảng. Có một sự thống nhất, hòa hợp giữa những gì Ngài nghĩ và làm. Trong khi đó, người xem mình như vua chúa thì mang thái độ chủ nghĩa giáo quyền, một thứ giả hình, nói một đằng làm một nẻo.
Những người này không nhất quán và nhân cách của họ chia làm hai, như Chúa Giêsu đã bảo các môn đệ: “Cứ làm việc họ bảo, nhưng đừng làm việc họ làm.” Thế đó, họ nói một đằng làm một nẻo. Họ không nhất quán. Và Chúa Giêsu biết bao nhiêu lần đã gọi họ là giả hình.
Phải hiểu thấy rằng một người xem mình như vua chúa, một người mang thái độ giáo quyền, giả hình, thì người đó không có thẩm quyền. Họ có thể nói lên sự thật, nhưng không có uy quyền. Ngược lại, Chúa Giêsu khiêm hạ phục vụ người khác, gần gũi và nhất quán, thì có uy quyền. Và dân Chúa cảm nhận được uy quyền này.
Để hiểu rõ hơn, chúng ta có thể xem lại dụ ngôn người Samari nhân hậu. Thấy người bị cướp đánh hấp hối bên đường, vị tư tế bỏ qua mà đi, bởi ông ta nghĩ trên người này có máu, có thể khiến mình bị ô uế. Thầy Lêvi đến rồi cũng bỏ đi, và cha tin là ông ta nghĩ rằng nếu ông ta bị dính vào chuyện này thì sẽ phải ra tòa làm chứng và đủ chuyện khác nữa. Nên ông ta ngoảnh mặt làm ngơ. Cuối cùng, người Samari đến, ông là một người tội lỗi nhưng có lòng thương xót. Và trong chuyện này, còn có một người nữa, là ông chủ quán trọ. Ông này ngạc nhiên, không phải vì vụ cướp bởi đó là chuyện ông cũng thấy nhiều trên đường, cũng không phải bởi hành vi của thầy tư tế và thầy Lêvi bởi ông biết họ quá mà, nhưng là ông ngạc nhiên trước hành động của người Samari. “Điên rồ thật… Ông ta còn chẳng phải người Do Thái, ông ta là người tội lỗi,” có lẽ ông chủ trọ nghĩ thế.
Và chúng ta có thể liên tưởng sự kinh ngạc này với sự kinh ngạc của người dân khi thấy uy quyền của Chúa Giêsu. Một uy quyền khiêm nhượng, phục vụ… một uy quyền gần gũi dân và nhất quán.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Insider Eng