“Cha biết là cha phải tông du”

234

Ngày 10 tháng 1 sẽ phát hành quyển sách “Tông du” [Piemme], của ký giả Andrea Tornielli viết về các chuyến tông du quốc tế của Đức Phanxicô. Một chương trong quyển sách là đoạn phỏng vấn với Đức Phanxicô về các chuyến đi của ngài.

Vatican Insider | Andrea Tornielli | 08-01-2017

Thưa Đức Thánh Cha, cha thích chu du lắm phải không?

Thành thật mà nói, cha chưa bao giờ thích chu du. Khi còn là giám mục ở giáo phận Buenos Aires, cha chỉ đến Roma những lúc cần thiết, và nếu không cần đi thì cha không đi. Cha luôn luôn cân nhắc thật kỹ mỗi lần có việc phải đi khỏi giáo phận, mà giáo phận là nương tử của giám mục đó. Cha sống khá thường, với cha kỳ nghỉ là có thêm thời gian để cầu nguyện và đọc sách. Để nghỉ ngơi, cha không bao giờ cần phải thay đổi môi trường sống của mình.

Từ đầu triều giáo hoàng, cha đã dự kiến là mình sẽ chu du rất nhiều?

Không, thật sự là không! Như cha đã nói, cha không mê chu du. Và cha không bao giờ hình dung mình lại đi nhiều chuyến như thế…

Mọi chuyện bắt đầu như thế nào? Điều gì đã thay đổi suy nghĩ của cha?

Là chuyến đi đầu tiên đến Lampedusa. Một chuyến tông du trong nước Ý. Đây là chuyến đi không được lên lịch trước, không có lời mời chính thức nào. Chỉ là cha cảm thấy mình phải đi, cha chấn động và xúc động trước tin tức về những di dân tử nạn trên biển, bị chết đuối. Trẻ em, phụ nữ, thanh niên… Một thảm kịch đau đớn lòng. Cha thấy những hình ảnh giải cứu người bị nạn trên biển, cha đã biết được sự quảng đại và hiếu khách của cư dân Lampedusa. Và nhờ các cộng sự, cha đã tổ chức được một chuyến viếng thăm ngắn. Điều quan trọng là phải đến đó. Rồi có chuyến đi đến Rio de Janeiro dự Đại hội Giới trẻ Thế giới. Đây là chuyện đã lên lịch trình. Các giáo hoàng đều đến Đại hội Giới trẻ Thế giới… Đây là chuyện phải làm, và thế là cha đi chuyến đầu tiên đến châu Mỹ La tinh.

Đại hội Giới trẻ Thế giới là một sự kiện mà giáo hoàng không thể bỏ qua. Nhưng còn những sự kiện khác thì sao?

Sau chuyến tông du Rio, cha nhận được nhiều lời mời khác. Đơn thuần, cha chỉ nói đồng ý, và như thế cha được có thêm một cách để “đem đến” cho người khác điều gì đó. Và giờ cha thấy cha phải tông du, phải đi thăm các giáo hội, để nâng đỡ những hạt giống hi vọng mà chúng ta đang có.

Di chuyển liên lục địa có nặng nề với cha về mặt sức khỏe không?

Nặng thật, nhưng có thể nói lúc này cha sắp xếp được. Có lẽ gánh nặng về tinh thần hơn hơn thể lý nữa. Cha cần thêm thời gian để tìm hiểu và chuẩn bị. Một chuyến tông du không chỉ gói gọn trong những ngày bạn ra khỏi đất nước mình và đến nước nào đó. Mà còn phải chuẩn bị, và phải chuẩn bị lúc đang làm những công việc thường lệ khác. Thường thì ngày đầu tiên sau khi trở về Vatican, cha khá mệt và cần phục hồi sức khỏe. Nhưng trong đầu cha luôn nghĩ đến những khuôn mặt, lời chứng, hình ảnh, cảm nghiệm… Một kho tàng không tưởng tượng nổi. Và điều đó khiến cha luôn thấy thật đáng công.

Có chuyện gì làm thay đổi những lịch trình tông du đã lên kế hoạch hay không?

Không nhiều. Chẳn hạn như, cha cố để bỏ hết những bữa ăn chiêu đãi. Cũng thường tình và tự nhiên, khi nhà chức trách và cả các giám mục sở tại mong muốn được chiêu đãi khách của mình. Cha chẳng phản đối chuyện ngồi vào bàn ăn. Chúng ta hãy nhớ trong Kinh thánh có đầy các chuyện mô tả những bối cảnh như thế này, chẳng hạn như phép lạ đầu tiên của Chúa Giêsu là ở tiệc cưới… Nhưng nếu chương trình tông du đã kín các lịch hẹn, và hầu như lúc nào cũng thế, thì cha thích ăn nhẹ nhàng nhanh gọn hơn.

Cha cảm nhận thế nào khi thấy sự nhiệt tình của người dân đứng chờ hàng giờ chỉ để thấy cha đi ngang qua?

Cảm giác đầu tiên là của một người biết đang có lời tán dương, lời “Hosanna!” (như khi Chúa Giêsu vào thành Jerusalem) nhưng như chúng ta đọc trong Phúc âm, họ cũng có thể chuyển sang thành “Đóng đinh nó!”

Cảm giác thứ hai cha rút ra từ một đoạn cha đọc được đâu đó. Một câu của Đức Gioan Phaolô I thời còn là hồng y, nói về tràng pháo tay một nhóm các cậu bé giúp lễ chào ngài. Ngài nói đại loại thế này: “Nhưng các bạn có thể hình dung được rằng, con lừa Chúa Giêsu cưỡi vào Jerusalem có thể nghĩ rằng những tiếng tung hô đó là dành cho nó chứ?” Đức Gioan Phaolô I hẳn phải ý thức được sự thật rằng ngài “mang” Chúa Giêsu, và phải biểu lộ Chúa Giêsu với sự gần gũi và ân cần cho mọi người, nhất là với những ai đang đau khổ. Vì thế, thỉnh thoảng khi nghe ai đó hô lên “Vạn tuế Đức Giáo hoàng” cha muốn người đó hô vang “Vạn tuế Chúa Giêsu!”

Và cha nhớ có một đoạn rất tuyệt vời nói về tình phụ tử, trong cuộc đối thoại giữa Đức Phaolô VI và Jean Guitton. Đức Phaolô VI thổ lộ với triết gia người Pháp rằng: “Tôi tin rằng trong mọi giá trị của một Giáo hoàng, giá trị đáng mong muốn nhất chính là vai trò người cha. Tình phụ tử là một cảm giác chiếm trọn tinh thần và tâm hồn, một cảm nghĩ theo chúng ta suốt ngày, không thể giảm đi mà cứ tăng lên, bởi con cái ngày thêm đông. Tình phụ tử là một cảm giác không mệt mỏi. Không bao giờ, dù chỉ một phút, tôi thấy mệt vì chuyện đưa tay chúc lành. Tôi không bao giờ mệt mỏi chuyện chúc lành hay tha tội.” Đây là những lời Đức Phaolô VI đã nói khi trở về từ Ấn Độ. Và cha nghĩ đây là những lời giải thích vì sao các giáo hoàng thời hiện đại phải quyết định tông du.

Ký ức về những chuyến đi luôn sống động trong ký ức của cha chứ?

Sự nhiệt tình của người trẻ ở Rio de Janeiro, khiến cha muốn lao ra khỏi xe để đến với họ. Rồi cũng ở Rio, có một bé trai đã tìm cách leo lên cầu thang và ôm cha. Cha nhớ hình ảnh mọi người quy tụ ở Madhu, miền bắc Sri Lanka để gặp cha, và ngoài Kitô hữu, còn có người Hồi giáo, Hindu. Đây đúng là nơi mọi người hành hương đến như những thành viên cùng một gia đình. Còn có sự chào đón ở Phi Luật Tân. Cha vẫn còn nhớ những ông bố nâng con cái mình lên để cha chúc lành. Dường như họ muốn nói, “Đây là kho báu của con, tương lai, tình yêu của con, đáng để con làm việc và hi sinh vì nó.” Và còn có nhiều trẻ em bị khuyết tật, cha mẹ các em không giấu con mình đi nhưng đưa đến cho cha chúc lành. Hành động của họ là lời khẳng định, “Đây là con của con, có thế này, nhưng nó là con của con.” Đúng là những việc làm từ đáy lòng. Cha vẫn còn nhớ nhiều người chào đón cha ở Tacloban, mà lúc nào ở Phi Luật Tân cũng thế. Hôm đó trời đổ mưa lớn. Cha cần phải cử hành thánh lễ để tưởng nhớ hàng ngàn người thiệt mạng vì cơn bão Hayan, và thời tiết hôm đó cũng rất xấu, gần như đã khiến cha phải hủy chuyến đi. Nhưng cha không thể làm thế. Cha ghi khắc và xúc động về tin tức của cơn bão đã tàn phá vùng này hồi tháng 11 năm 2013. Hôm đó trời mưa và cha mặc một áo mưa màu vàng bên ngoài áo lễ, trên một sân khấu rung lên vì gió. Sau buổi đó một người nói với cha rằng, ông ấn tượng vì dù trời mưa gió, chủ tế vẫn không bao giờ mất đi nụ cười. Cha còn thấy nụ cười trên gương mặt nhiều người trẻ, những ông bố bà mẹ nữa. Một niềm vui thật sự, dù cho họ đã phải chịu đau khổ vì mất nhà cửa, nhiều người còn mất cả người thân.

Sau mỗi chuyến đi, cha có làm gì không? Chẳng hạn như ghi chú lại về những người cha đã gặp?

Cha ghi khắc trong tim, cha cầu nguyện cho họ, cầu nguyện cho những hoàn cảnh đau đớn và khó khăn mà cha gặp. Cha cầu nguyện xin cho bớt đi những bất bình đẳng mà cha đã thấy.

Cha có nhiều chuyến đi khắp thế giới, nhưng hầu như không đi trong Liên hiệp Âu châu. Vì sao thế?

Quốc gia Liên hiệp Âu châu duy nhất mà cha từng đến thăm là Hi Lạp, một chuyến đi chỉ có năm tiếng và chỉ đến đảo Lesbos để gặp và an ủi người tị nạn. Cha có đến Nghị viện châu Âu và Hội đồng Châu Âu ở Strasbourg, nhưng đấy là chuyến thăm một tổ chức chứ không phải một quốc gia. Cha đã đến hai nước khác cũng nằm trong châu Âu nhưng không thuộc Liên hiệp, là Albania và Bosnia-Herzegovina. Cha muốn ưu tiên hơn cho những nước mà cha có thể giúp được gì đó, để nâng đỡ cho những ai dù trong khó khăn và xung đột vẫn làm việc vì hòa bình và hiệp nhất. Nhiều nước đang gặp khó khăn trầm trọng. Như thế không có nghĩa là cha không bận tâm đến châu Âu. Cha luôn cổ vũ châu Âu tái khám phá những cội rễ đích thực nhất của mình, và đưa các giá trị của mình ra thực hành. Cha tin chắc rằng sẽ có một bộ máy hay phương cách tài chính nào đó để giúp chúng ta thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện thời và giải quyết vấn đề nhập cư mà các nước châu Âu đang gánh chịu nặng nề nhất kể từ sau Thế chiến II.

Trong những điểm mới của các chuyến tông du, có một nghi thức mới lạ gây quan ngại về an ninh cho cha, phải không?

Cha biết ơn cảnh vệ và các Vệ binh Thụy Sĩ đã theo phong cách của cha. Cha không thể di chuyển trong một chiếc xe làm bằng kính chống đạn kín mít. Cha hiểu rằng rất cần bảo đảm an ninh, và cha cảm ơn những người đã dành rất nhiều công sức suốt những chuyến tông du, theo sát và cảnh giác cho cha. Nhưng một giám mục là một mục tử, một người cha, không thể có quá nhiều rào cản giữ giáo hoàng và người dân được. Vì thế, cha đã nói ngay từ đầu là cha sẽ chỉ tông du nếu cha luôn luôn có thể chạm đến người dân. Trong chuyến đi đầu tiên đến Rio de Janeiro, mọi người khá lo ngại, nhưng cha đã nhiều lần di chuyển bằng xe mui trần, có thể chào hỏi những người trẻ, dừng lại và ôm họ. Phải tin tưởng. Cha biết là có thể có những mối nguy. Cha phải nói rằng, có lẽ cha sẽ chẳng để tâm đến chúng, cha không sợ cho bản thân cha. Nhưng cha lo cho an toàn của những người đi chúng với cha, và trên hết là cho những người cha gặp ở các nước. Điều khiến cha lo lắng, là những nguy cơ và đe dọa với những người tham gia một sự kiện gặp gỡ cha. Luôn có nguy cơ xảy ra một hành động điên rồ mất kiểm soát. Nhưng luôn có Chúa mà.

© 2017 Libreria Editrice Vaticana, Vatican City

© 2017 – PIEMME EDITIONS Spa, Milan

J.B. Thái Hòa chuyển dịch