«Hòa bình là một ơn, một thách thức và là cả một dấn thân»

236

Đức Phanxicô tuyên bố trong buổi tiếp Ngoại giao đoàn đầu năm 2017.

fr.zenit.org, 2017-01-09

Sáng thứ hai 9 tháng 1-2017, Đức Phanxicô đã tiếp Ngoại giao đoàn tại Phòng Hoàng Gia nhân dịp Ngoại giao đoàn đến chúc đầu năm mới.

Niên trưởng Ngoại giao đoàn, đại sứ Angola Armindo Fernandes do Espírito Santo Vieira đọc bài diễn văn chúc mừng. Trong bài diễn văn của mình, ông «cảm tạ Đức Phanxicô đã giải thích ý nghĩa của chữ Thương xót». Ông nhắc đến các điểm nổi bật về mặt ngoại giao của Đức Phanxicô trong năm 2016, «tiếp thượng giáo sĩ của Đại học hồi giáo Al-Azhar, thăm Đền thờ Do Thái ở Rôma, gặp Thượng phụ Maxcơva và toàn nước Nga, mừng 500 năm Cải cách Tin lành Thụy Điển». Ông cũng nhắc đến các «các đồng nghiệp ngoại giao đã chết trong khi thi hành sứ vụ». Ông phát biểu: «Hòa bình là tài sản quý giá nhất mà các dân tộc đều khát vọng».

Trong phần phát biểu của mình, Đức Phanxicô chào mừng việc thiết lập bang giao với nước Cộng hòa hồi giáo Mauritania cách đây một tháng, việc có các thỏa hiệp ở Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi, Bénin, Timor Đông phương, Avenant.

Ngài lấy làm tiếc: «Nếu đối với nhiều nước ngày nay, hòa bình như đã được thiết lập thì vẫn còn nhiều nước, hòa bình chỉ là một ảo ảnh xa vời». Ngài lên án «các cuộc xung đột vô nghĩa, một cảm nhận sợ hãi bao trùm, bi kịch của những người tị nạn». Ngài xác tín «mỗi tín ngưỡng đều được gọi để cổ động cho hòa bình và để chữa lành tổn thương của quá khứ, cần phải đối thoại giữa các tín ngưỡng khác nhau. Chúng ta ý thức đôi khi tôn giáo được dùng như một lý do để đóng cửa, để gây bạo lực». Ngài lên án «bạo lực của phong trào cực đoan, trong năm vừa qua các phong trào này vẫn còn giết hại nhiều nạn nhân trong nhiều nước. Đây là sự giết người điên cuồng, nhân danh Thiên Chúa để gieo chết chóc trong ý muốn thống trị và quyền lực».

Ngài kêu gọi tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo «phải hiệp lòng để cương quyết ra lệnh, không bao giờ được nhân danh tôn giáo để giết người. Nạn khủng bố cực đoan là do sự nghèo nàn trầm trọng về mặt thiêng liêng, và thường nó đi đôi với sự nghèo nàn tột cùng về mặt xã hội. Quyền uy chính trị không chỉ giới hạn ở việc đảm bảo an ninh cho người dân, nhưng quyền uy chính trị đích thực là quyền uy cổ động và là nghệ nhân cho hòa bình. Bất bạo lực là một đường lối chính trị phải đi theo, dựa trên quyền tiên quyết là quyền và phẩm tính của mỗi con người».

Trong bài diễn văn của mình, Đức Phanxicô cũng nhắc đến các vấn đề khác như việc cải thiện chế độ lao tù, vấn đề người tị nạn, người di dân, người nghèo nhất là trẻ em vẫn còn bị đói trong nhiều nước trên thế giới, trong khi ở một số nước, nguồn lương thực bị một thiểu số khai thác, và một số lượng vô cùng lớn thức ăn bị vứt vào thùng rác mỗi ngày. Ngài cũng lên án việc buôn bán vũ khí và sản xuất vũ khí ngày càng tinh vi, thậm chí việc mua bán vũ khí nhỏ cũng trở nên dễ dàng».

Tiếp theo, Đức Phanxicô nhắc đến một «kẻ thù khác của hòa bình», đó là «ý thức hệ, lợi dụng các khó khăn xã hội để gieo hận thù khinh khi» và «không một xung đột nào sẽ trở nên như một thói quen vì không thể giải quyết được».

Israel, Palestina, tất cả vùng Trung Đông, Lybia, Xuđăng, Nam Xuđăng, Trung Phi, Congo, Birmania… đều cần hòa bình. Xây dựng hòa bình là cũng để cứu công trình tạo dựng.

Tóm lại, Đức Phanxicô khẳng định: «Hòa bình là một ơn, một thách thức và là cả một dấn thân».

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch

Trong buổi tiếp kiến, Đức Phanxicô đã chào từng đại sứ.