Theo nữ ký giả Remona Ali báo Guardian, nếu cho rằng mừng lễ Noel là xúc phạm đến các tôn giáo khác thì đó là dấu chỉ cho thấy mình bị mắc chứng cuồng hoảng
fr.aleteia.org, Valerio Evangelista, 2016-12-04
Tìm cách tránh đụng chạm đến các nhạy cảm tôn giáo khác bằng cách làm dịu lại các truyền thống của ngày lễ Giáng Sinh thì chỉ nuôi dưỡng cho huyền thoại sai lầm về sự cố chấp của hồi giáo» – Remona Aly, The Guardian
Lễ Giáng Sinh sẽ như thế nào nếu không có tranh luận? Vào thế kỷ 17, các tín hữu Thanh giáo (Puritain) đã ban bố luật cấm mừng lễ Giáng Sinh. Trong thời Cách mạng Pháp, các nghi thức tôn giáo của lễ Giáng Sinh và lễ Ba Vua cũng đã từng bị cấm. Lễ Ba Vua còn được đặt tên lại là «Bánh Bình Đẳng», bỏ đi mọi quy chiếu về Lễ Ba Vua và lễ Giáng Sinh.
Như vậy thì chẳng có gì mới dưới ánh sáng mặt trời. Năm ngoái công ty Starbucks đã tạo cơn bão truyền thông khi bỏ các biểu tượng Noel trên chiếc ly «gobelet Noel» nổi tiếng của họ.
Noel ở văn phòng
Rất nhiều người chủ ở Anh ngần ngại tổ chức lễ Giáng Sinh trong văn phòng và gởi thiệp chúc Noel cho nhân viên, họ sợ đụng chạm mạnh đến nhạy cảm tôn giáo của các nhân viên thuộc nhóm tôn giáo thiểu số. Một vài công ty còn cấm mọi trang hoàng, họ thay thế câu «mừng lễ Noel» bằng câu «mừng lễ mùa đông».
Ông David Isaac, tân giám đốc Hội đồng Bình đẳng và Nhân quyền (Equalities and Human Right Commission) kêu gọi các công ty xử lý tốt tương quan giữa «việc làm» và «tôn giáo» dựa trên nguyên tắc «đúng lý», nhấn mạnh các chủ nhân «đừng có mặc cảm tội lỗi» khi chia sẻ tinh thần ngày lễ Giáng Sinh với các cộng sự của mình.
Trong một cuộc phỏng vấn của báo Sunday Times, ông Isaac, cựu nhân viên điều hành hiệp hội bảo vệ quyền cho người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới (LGBT) «Stonewall», đã tuyên bố, «tự do tôn giáo là quyền căn bản của con người mà người ta không thể làm nó biến mất chỉ vì sợ xúc phạm đến người khác».
Kết cục phủ nhận chính văn hóa của mình là làm hại cho các nhóm thiểu số mà mình không muốn xúc phạm họ
Ông Isaac cho rằng, có rất nhiều ý kiến về cảm nhận tôn giáo ở nơi làm việc. «Không có gì là sai khi tổ chức lễ hoặc gởi thiệp chúc mừng. Đa số người do thái và hồi giáo tôi quen biết, họ hiểu thế nào là lễ Giáng Sinh và theo một cách nào đó, họ cũng mừng lễ». Ông Isaac kết luận, «đó là thực tế những gì người dân sống. Chúng ta phải suy nghĩ lại chuyện này».
Cuồng hoảng sợ xúc phạm
Trong bầu khí hoang mang này, bài xã luận của nữ ký giả Remona Aly đăng trên báo Guardian đã làm sáng tỏ: «Ngược lại, chứng cuồng hoảng sợ xúc phạm đến các nhạy cảm tôn giáo lại có kết quả ngược với những gì chúng ta mong chờ». Nữ ký giả Anh là người hồi giáo. Cô kể một giai đoạn ở Thụy Điển, sau khi có một tin loan ra, cấm trang hoàng lễ Giáng Sinh ở nơi công cộng để không đụng chạm đến người hồi giáo. Một tin vịt trở nhanh chóng trở thành siêu vi cực mạnh, tạo 43 000 phản hồi trên Facebook, điều này chứng tỏ cho thấy tình trạng căng thẳng đến như thế nào. Và nó cũng cho thấy, muốn «dịu bớt» chính văn hóa của mình, thay vì tạo bầu khí bình thản và chia sẻ nhẹ nhàng, thì cuối cùng lại làm xáo trộn đầu óc người dân.
Cô viết tiếp: «Dù thiện chí của các người chủ như thế nào, nỗi sợ của họ cuối cùng cũng làm hại cho thiểu số mà họ không muốn xúc phạm. Một cách nghiêm túc, theo tôi đây không phải là một vấn đề. Nếu tôi nghe có người nói «cây Noel», không có gì làm cho đức tin của tôi bị chao đão; nếu tôi nghe Kinh Lạy Cha – mà tôi thuộc lòng từ khi còn nhỏ – thì tôi cũng không đổ mồ hôi lạnh. Và tôi thố lộ cho quý vị một bí mật không thể tưởng tượng được: rất nhiều người ngoài kitô giáo mê lễ Giáng Sinh!».
Và – nếu chúng ta có thể làm một sự phân biệt giữa chính quyền và dân chúng thì điều này không có gì là lạ lùng. Không thể nào lờ đi các nguyên tắc hạn chế khác nhau, đáng tiếc là theo kiểu kỳ thị, nhưng người ta thường thấy trong các nước có truyền thống hồi giáo, các tín hữu kitô giáo và hồi giáo trao đổi với nhau lời chúc trong dịp lễ Giáng Sinh hay các dịp lễ Eid al-Adha chẳng hạn. Một trong các bạn Syria thân nhất của tôi ở Alep được chuyển về Rôma trong thời gian chiến tranh này, đã nhớ tiếc bầu khí lễ Giáng Sinh ở nhà cha mẹ của anh người công giáo.
Và các kinh nghiệm sống của ký giả báo Guardian chỉ xác nhận cho khuynh hướng này:
Nư ký giả Remona kể: «Gần đến lễ Giáng Sinh, nhiều gia đình hồi giáo tạo các nhóm nói chuyện trên WhatsApp để nói về ‘truyền thống gà tây halal’. Và theo thói quen, các bạn vô thần của tôi lại là những người đầu tiên gởi thiệp Giáng Sinh cho tôi. Đó là chưa nói đến người bạn Sikh của tôi đã tặng tôi cuốn phim Một câu chuyện từ Chiến tranh giữa các vì sao (‘Rogue One: A Star Wars Story’)… có thể nào một người sikh tặng một người hồi giáo món quà Noel này không?».
Noel kết nối các dân tộc
Nữ ký giả Remona Aly cho rằng, «các truyền thống kết hiệp các dân tộc và củng cố xã hội». «Khi các bạn kitô giáo, do thái giáo, sikh và các bạn theo thuyết bất khả tri chúc tôi ngày lễ hy tế, điều này không có nghĩa là họ không biết; họ đơn giản biết ngày lễ này có giá trị đối với tôi, (đúng, họ cũng thích ăn kẹo). Khi tôi chia sẻ một vài nghi thức ngày lễ Shabbat với các bạn do thái của tôi, ngày Diwali với các bạn hinđu của tôi, tuyệt đối tôi không đánh mất con người của tôi; ngược lại, nó vừa củng cố những gì tôi tin, vừa làm cho tôi yêu mến đặc nét của nước Anh là nét đa dạng về văn hóa và tôn giáo của họ».
Nhà báo Anh nhấn mạnh, dĩ nhiên người không theo kitô giáo sẽ không thoải mái khi «chào Noel». Và ai không thích đóng trong Máng cỏ thì có thể thông cảm với họ.
Nhưng các chủ nhân dùng các «biện pháp phòng ngừa», tiên quyết nghĩ rằng, các nhân viên không kitô giáo «sẽ bị xúc phạm nếu mình gọi ‘cây Noel’, một cây được trang hoàng trong dịp lễ Giáng Sinh’ thì họ chỉ đổ thêm dầu vào lửa. Cô giải thích, cách xử lý như thế này «chẳng giúp gì cho những người thuộc nhóm tôn giáo thiểu số như tôi».
«Tôi … tôi thích Noel vì đó là ngày lễ trao truyền lòng trắc ẩn, hy vọng và ý nghĩa gia đình». Nữ ký giả kết luận: «Và đó là lý do tại sao tôi chúc Noel cho những ai mừng lễ này, đánh dấu lễ này trên lịch của họ hay đơn giản nhìn nhận lễ này».