Lời của Đức Phanxicô khi ngài nói chuyện với công chúng

208

Aleteia, Isabelle Cousturié, 4-7-2014

Lời của Đức Phanxicô khi ngài nói chuyện với công chúng, một suy tư của ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý về nhân cách của Đức giáo hoàng và trải nghiệm duy nhất đã làm nổi bật đặc nét giáo triều của ngài.

Ngày 16-6-2014, một hội nghị bàn tròn đã được tổ chức ở tòa báo của Dòng Tên, tờ Civilta cattolica, chung quanh tác phẩm của linh mục giám đốc tờ báo, cha Antonio Spadaro, sj, «Đức Phanxicô. Sự thật của một cuộc gặp gỡ. Các bài giảng ở Nhà nguyện Thánh Mácta” (“Papa Francesco. La verità è un incontro. Omelie da Santa Marta”) được nhà xuất bản Rizzoli xuất bản bằng tiếng Ý.

Các nhân vật tham dự gồm có: Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý, Monica Maggioni, nữ giám đốc Đài Truyền hình RaiNews và linh mục  Federico Lombardi, sj, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh à ông  Vittorio Sermonti, nhà khảo luận, dịch giả và nhà thực hiện Ý.

“Các Bài giảng là nhịp tim của sứ vụ của Đức Phanxicô”. Cha Spadaro đã tuyên bố như sau khi giới thiệu quyển sách: “Các chủ đề chính trong các bài nói chuyện của ngài thì chính thức hơn, nó nói lên sự ấp ủ, sự gặp gỡ đích thực với Dân Chúa (…)”. Trong số báo Civiltà Cattolica gần đây, cha đăng tải bài phỏng vấn Chủ tịch Thượng viện Ý như chứng tá của một suy tư về tác động các lời nói của Đức Phanxicô trong các bài nói chuyện của ngài trước công chúng.

Với những ai trách vì sao quyển sách này không đăng nguyên văn các Bài giảng của Đức giáo hoàng, ông Pietro Grasso trả lời, đây là “tư liệu gốc của những suy niệm, suy tư, các lời khuyên, các câu trả lời nhưng nhất là các câu hỏi mà Đức Phanxicô muốn mỗi người chúng ta có ý thức, chạm đến tất cả các chủ đề của cuộc sống của một Kitô hữu và một công dân”, cũng một ý với cha Spadaro, cha giải thích ngay mục đích của quyển sách không phải là “các bài nói có giá trị mãi mãi” và nhắm “chính xác đến một cộng đồng nào”, nhưng là tái phục vụ lại giáo dân để họ “tạo cho mình một kinh nghiệm và sống lại kinh nghiệm này một cách mới mẻ và độc đáo”.

Vì thế mỗi bài giảng, bài phỏng vấn, bài viết hay bài tham luận của Đức Phanxicô tổng quát có thể là nguồn của những suy nghĩ và ông Chủ tịch Thượng viện nói về nhân cách của Đức giáo hoàng và kinh nghiệm duy nhất đã làm nổi bật đặc nét giáo triều của ngài:

Suy nghĩ đầu tiên: phong cách của ngài

Giáo hoàng thích những câu có phối hợp, ngắn gọn, thiết yếu. Khi ngài nói với quần chúng, ngài rất hiếm khi dùng các mệnh đề phụ, các lối nói phức tạp và tối tăm vì ngài cảm nhận sự cấp thiết của truyền thông, phải được hiểu, phải lay động cử tọa. Tuy ngôn ngữ của ngài đơn giản nhưng không vì thế mà thiếu lập luận: nó đi thẳng vào trọng tâm các vấn đề, mang đến trên bề mặt những gì thật thâm sâu và tạo cho người nghe muốn nghe lời ngài.

Suy nghĩ thứ hai: ngài chú ý đến biểu tượng, hình ảnh

Khi ngài nói, trước mặt ngài là một chân trời rộng lớn và ngài biết căn bản là phải đi vào tâm hồn mọi người. Trí tưởng tượng của thời đại chúng ta là trí tưởng tượng thị giác: vì thế Đức Phanxicô dùng lại cách diễn tả của Đức Giêsu, ngôn ngữ của dụ ngôn và với những chữ đơn sơ, ngài tạo nên các hình ảnh toát ra một sức mạnh tượng trưng không thể tưởng tượng được. Ví dụ: Giáo hội được xem như “một bệnh viện ở nhà quê sau một trận chiến”, “các vùng biên của cuộc hiện sinh”, những lời Đức Phanxicô giảng trong bài giảng ngày 16 tháng 5-2013, khi ngài đưa ra sự khác biệt về lòng nhiệt thành của thánh Phaolô với “các Kitô hữu sa-lông”, một hình ảnh rất mạnh. Hoặc khi ngài nói với các tân hồng y “Xin quý vị nhớ, các hồng y không đi vào triều đình”, xin họ “từ chối các mánh khóe, các ngồi lê đôi mách, những ngoắc nghéo, những lợi ích, những ưu tiên”, vào ngày Thứ Năm Tuần thánh, ngài xin các linh mục trong địa phận của mình “hãy là mục tử biết mùi chiên, mục tử ở giữa đàn chiên của mình.”

Và hai câu rất tượng hình, đặc biệt là rất trêu chọc, nó vẫn còn vang vọng trong tai của ông Chủ tịch Thượng viện Ý: đó là lời ngài giảng trong buổi kinh Truyền tin cách đây vài tháng khi ngài mời gọi người giàu hãy dành một phần của cải của mình để giúp người khác, trong một cử chỉ chia sẻ tương trợ để sự Quan phòng của Thiên Chúa có một chỗ đứng, vì theo Đức Phanxicô “chúng ta chỉ mang lên thiên đàng những gì chúng ta đã chia sẻ”, ngài nhắc cho họ nhớ “cái hòm thì không có túi”. Và một câu khác tuyên bố ở Lampedusa còn nổi tiếng hơn, đã có tác dụng như sấm sét khi ngài lên tiếng “chống loại văn hóa của tiện nghi, […] dẫn đến tính dửng dưng với người khác, thậm chí còn toàn cầu hóa tính dửng dưng này”.

Suy nghĩ thứ ba: các chủ đề được chọn

Dĩ nhiên trong các bài giảng của mình, Đức Phanxicô nói về đức tin, Thiên Chúa, Phúc Âm. Nhưng ngay từ đầu, ngài đã nhắm đến các chủ đề có tính thời sự lớn, như cái đẹp, lòng tốt, sự thật, công chính, chống mafia. Về vấn đề này, ông chủ tịch Thượng viện Ý cho biết ông rất xúc động khi thấy Đức Phanxicô nói với những người mafia trong buổi tối canh thức 21-3 với các nạn nhân của mafia. Ngài đã nói với những người mafia: “quyền lực và tiền bạc mà quý vị có bây giờ là từ những việc làm dơ bẩn, biết bao tội ác của mafia là tiền bạc nhuốm máu, là quyền lực nhuốm máu và quý vị không thể đem theo quyền lực và tiền bạc này về đời sau”, với một tông giọng cực kỳ mạnh. Ông cũng thán phục khi ngài nói với lòng ưu ái và thương xót, quan tâm đến những người đang đau khổ, những người nghèo, đến cái ách của sự cạnh tranh mà xã hội của văn hóa vứt bỏ này đang cưu mang, ngài nói lên một thứ trật chính trị chung và có tính nhân bản hơn, ngài nói đến hòa bình và đối thoại với một một tác động thật sự đặc biệt.

Suy nghĩ thứ tư và là suy nghĩ cuối cùng: tính “hữu hình” trong ngôn ngữ của ngài

Ngày xưa, các lời nhắn nhủ (sứ điệp) có tính cách văn bản, tài liệu chính thức qua các công thư, các tông huấn. Bây giờ vẫn còn nhưng đa số các lời nhắn của Đức Phanxicô có tính cách ‘hữu hình’ hơn: đây là một Giáo hoàng đụng đến giáo dân, để cho giáo dân đụng đến mình, âu yếm giáo dân, đến với giáo dân và ôm họ. Tất cả những cử chỉ này là những cử chỉ tiếp nhận, mở rộng tâm hồn nhưng cũng là những cử chỉ có cơ nguy cho an toàn của mình. Đứng trước một đám đông khổng lồ, Đức Phanxicô có nghệ thuật nói chuyện với từng người, lại còn hẹn với họ mình sẽ điện thoại; trong những cuộc gặp gỡ không chính thức, ngài vui đùa với khách, tự nhiên thăm hỏi họ, gợi cho họ nói chuyện với mình (…), các buổi nói về giáo lý thường chỉ kéo dài hai mươi phút nhưng sau đó ngài ở lại với giáo dân cả giờ. Cũng như ở Nhà nguyện Thánh Mácta, sau thánh lễ, ngài không bao giờ quên chào từng người tham dự thánh lễ.

Thật là trái ngược với thánh lễ ngày 27-3 vừa qua trước sự hiện diện của tất cả các nghị viên thượng, hạ viện Ý! Cách nói chuyện thay đổi: “Những người phạm tội còn được tha thứ chứ những người tham nhũng thì không. Một khi họ chọn con đường tham nhũng, họ sẽ không đi lui lại, họ trở nên bất trị, giống như những nấm mồ bôi vôi lại, thối nát bên trong nhưng bên ngoài sơn lớp véc-ni che lại: đó là cuộc sống của người tham nhũng”, Đức giáo hoàng tuyên bố. Bài giảng của ngài rất mạnh, rất sắc bén, ngài tố cáo nạn đạo đức giả, thói giả hình, nạn tham nhũng, hố phân cách giữa người dân và giới lãnh đạo, khép kín mình trong những lôgic hẹp hòi của ý thức hệ, của lợi ích, của phiến loạn (…) Trước mặt ngài không phải là những người nghèo, những người thấp bé nên ngài không cần phải tỏ ra hiền dịu, âu yếm và ôm họ vào lòng. Ước mong ai còn khả năng kinh ngạc hãy kinh ngạc! Thay vì nhận âu yếm thì họ nhận cái tát? (…) Bài giảng của Đức Phanxicô là một bài nghiên cứu tỉ mỉ nhưng trước hết, đó là một bài giảng không nhân nhượng với nạn tham nhũng: lời lên án không kháng cáo và gần như không có một khả năng nào cứu vãn (…). Trong những tháng vừa qua, Đức Phanxicô nói về vấn đề này nhiều lần, chẳng hạn ngài nói những người tham nhũng cho con cái mình ăn loại “cơm bẩn” (…) và ngài cảnh báo chống lại sự dễ dãi “khi bước chân vào tròng tham nhũng”.

Đức Phanxicô tóm tắt tình hình chính trị, kinh tế, thiêng liêng một cách thật hoàn hảo (…) ngược lại với giới chính trị, trừ một vài trường hợp ngoại lệ, họ thường dùng loại ngôn ngữ thiếu cởi mở, đầy khuê trương (…) một ngôn ngữ tự quy về mình, làm xa cách thay vì gần gũi, làm đóng kín thay vì cởi mở (…) chẳng bao giờ đạt đến được tính biểu tượng, đạt đến được chủ đề mình muốn nói một cách cụ thể như Đức Phanxicô. Giáo dân đã nghe, đã hiểu ngay lập tức trọng tâm điều Đức Phanxicô muốn nói vì ngài nói một cách tổng hợp và tượng hình (…) giới chính trị thì chỉ dùng các câu khẩu hiệu giản lược nhưng trống rỗng, không gây chú ý và cũng không khơi dậy ý thức người nghe (…)

(…) Chỉ trong vài tháng, ngài đã lật ngược các truyền thống, bứt phá các rào cản, làm mới lại ngôn ngữ, phủi bụi thói quan liêu, cùng một lúc cổ động tinh thần làm việc đồng đội (…) Ngài đặt con người vào trọng tâm các bài nói chuyện với những điểm yếu, điểm mạnh của nó, trong quan hệ của nó với Chúa. Sứ điệp của ngài rõ và mạnh: chúng ta không được để các nguyên tắc và giá trị của tôn giáo chỉ giới hạn trong lời cầu nguyện và trong nguyện ngắm, nhịp sống hàng ngày của chúng ta phải được xây dựng trên sự đón tiếp, vào lòng tin tưởng, hy vọng và tình đoàn kết.

Đức Phanxicô ý thức sự cấp bách cần phải thay đổi: “thời gian thúc bách chúng ta, chúng ta không được tiếp tục ru ngủ tâm hồn, khép mình trong những chuyện nho nhỏ. Chúng ta không có quyền ngồi yên”. Thậm chí ngài còn mời gọi những người trẻ nhất phải phẫn nộ để chống thói ngồi yên này: “Một người trẻ không bao giờ phẫn nộ, tôi không thích vậy. Vì tuổi trẻ là tuổi của ảo tưởng và không tưởng và không tưởng không phải lúc nào cũng tiêu cực. Không tưởng là nhìn, là thở trước mặt mình (…).

Linh mục Spadaro nói, Đức Phanxicô không phải chỉ là một người hiền và dịu dàng, dù hiển nhiên đây là những đức tính tiêu biểu nhất của ngài. Đây là người lên võ đài, nơi mình phải chiến đấu, phải theo luật chơi – biết nhận định – không sợ phải chiến đấu với chính mình để thực hiện điều không tưởng của việc thay đổi”, một việc “cấp bách”.

Ông Pietro Grasso, chủ tịch Thượng viện Ý nêu lên điều mới mẻ trong ngôn ngữ của Đức Phanxicô qua nhiều yếu tố: nguồn gốc Châu Mỹ La Tinh, được đào tạo theo truyền thống Dòng Tên, có đức tính cởi mở, hiểu được nhu cầu phải tiếp xúc với cộng đoàn, tỉ mỉ chọn các chủ đề có tính thời sự cấp bách, có khả năng làm cho người nghe hiểu mình qua các hình ảnh đơn giản nhưng mang tính biểu tượng cao, tất cả phối hợp trong khả năng mang tính bản năng khi dùng các hình thức và khí cụ truyền thông để đi thẳng vào lòng giáo dân. Nhưng tất cả những điều này không quy riêng về ngài nhưng để phục vụ cho một chương trình hoạch định cải cách có tầm sâu cho Giáo hội: một thay đổi tận căn về mặt chính trị và thiêng liêng mà truyền thông là một trụ cột nền tảng và cần thiết.

Nguyễn Tùng Lâm dịch