Trở nên ngòi bút sống của Tin mừng

356

Vatican Insider | Iacopo Scaramuzzi | 30/07/2016

Từ Krakow

 Hình Đức Gioan Phaolô II trên áo linh mục

‘Những người chọn dâng trọn đời mình cho Chúa Giêsu ‘thì tránh sự thỏa mãn khi được làm trung tâm mọi sự, và không xây dựng trên nền tảng dễ đổ của quyền hành thế gian, hay bám chặt vào những tiện nghi làm tổn hại đến việc phúc âm hóa. Họ không lãng phí thời gian lên kế hoạch cho một tương lai bảo đảm, không để mình có nguy cơ sống tách biệt và buồn bã, không khép kín trong những bức tường hẹp của ủ dột và sự tự quy vô vọng.’

Ngày 30-7, Đức Giáo hoàng chủ tế thánh lễ với các linh mục, tu sỹ và chủng sinh Ba Lan, tại đền thánh Gioan Phaolô II ở Krakow.

Lấy ý từ bài tin mừng trong ngày nói về thánh Tôma, Đức Giáo hoàng giảng dựa trên ba điểm chính.

Thứ nhất, là căn phòng khóa kín của các môn đệ trong đêm Phục Sinh. Ngược lại, ‘Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài trở thành một giáo hội vận động, một Giáo hội đi vào thế giới. Đây cũng là lời kêu gọi cho chúng ta. Làm sao chúng ta lại không nghe thấy tiếng vọng này trong lời kêu gọi của thánh Gioan Phaolô II: ‘Hãy mở cửa.’

Nhưng trong cuộc sống linh mục và tu sỹ, chúng ta có thể thường xuyên bị cám dỗ ở lỳ trong sự khép kín, sợ hãi hay tiện nghi, trong bản thân và môi trường của chúng ta. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta con đường một chiều, là đi ra từ bản thân. Đó là con đường một chiều, không có khứ hồi. Chúa Giêsu không thích những hành trình bỏ dở, những cánh cửa đóng hờ, những cuộc sống hai mang.

Cuộc sống của những môn đệ gần gũi Chúa Giêsu nhất, ơn gọi của chúng ta đó, được định hình bằng tình yêu thiết thực, nói cách khác là bằng phục vụ  và sẵn sàng. Một cuộc đời không có những không gian khép kín hay tài sản riêng chỉ cho chúng ta sử dụng.

Những người chọn sống cả đời mình theo hình mẫu Chúa Giêsu, thì không còn chọn không gian cho riêng mình, họ đến nơi được sai đi, sẵn sàng đáp lời. Họ cũng không chọn thời gian cho riêng mình. Mái nhà họ ở không thuộc về họ, bởi Giáo hội và thế giới là không gian mở cho sứ mạng của họ. Kho báu của họ là đặt Thiên Chúa nơi tâm điểm đời sống và không tìm kiếm gì cho riêng mình. Vậy nên họ tránh đi sự thỏa mãn được làm tâm điểm mọi sự, và không xây dựng trên nền tảng dễ đổ của quyền hành thế gian, hay bám chặt vào những tiện nghi làm tổn hại đến việc phúc âm hóa. Họ không lãng phí thời gian lên kế hoạch cho một tương lai bảo đảm, không để mình có nguy cơ sống tách biệt và buồn bã, không khép kín trong những bức tường hẹp của ủ dột và sự tự quy vô vọng.’

Điểm nhấn thứ hai là thánh Tôma, người ‘trong nỗ lực để hiểu, có chút gì đó giống chúng ta, và chúng ta cũng thấy mình giống ngài. Thánh Tôma không biết mình đã cho chúng ta một món quà lớn, là đưa chúng ta đến gần Chúa hơn, bởi Thiên Chúa không trốn những người tìm kiếm Ngài. Với ý thức này, các môn đệ không ngần ngại đặt câu hỏi, họ có can đảm để đối diện với hiểu lầm của mình và đưa nó lên Chúa, lên người đào tạo và bề trên của mình, không tính toán hay dè dặt. Các môn đệ trung thành thì dấn thân với nhận định thận trọng không ngừng, biết rằng phải luyện tập trái tim mỗi ngày, bắt đầu từ những cảm xúc của mình, để thoát khỏi mọi dạng hai mang nước đôi trong thái độ và trong đời sống.’

Điểm cuối cùng, là Tin mừng. ‘Phải nói rằng Tin mừng, sách sống động của lòng thương xót Chúa phải được chúng ta đọc đi đọc lại không ngừng, vẫn còn nhiều trang chúng ta bỏ trống đó. Tin mừng vẫn là một quyển sách để mở mà chúng ta được kêu gọi viết vào bằng cùng một phong cách, bằng việc làm thương xót mà chúng ta thực hành. Để cha hỏi anh chị em câu này: Những trang sách cuộc đời của anh chị em thế nào? Chúng có bỏ trống không?’

Rồi Đức Phanxicô cầu nguyện, ‘Nguyện xin Mẹ Thiên Chúa giúp chúng ta. Nguyện xin Mẹ, đấng đã hoàn toàn chào đón Lời Chúa đến trong đời mình, xin Mẹ cho chúng ta ơn làm những ngòi bút sống của Tin mừng. Nguyện xin Mẹ của Lòng thương xót dạy chúng ta cách chăm sóc thiết thực cho những vết thương của Chúa Giêsu trong những người anh chị em đang cần giúp đỡ, những người trong tầm tay chúng ta và những người ở xa, những người bệnh và di dân, bởi khi phục vụ người đau khổ là chúng ta tôn kính thân thể Chúa Kitô.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch