Ông Philippe: «Chứng từ của chúng ta, đó là nhất quán»

323
Ông Philippe: «Chứng từ của chúng ta, đó là nhất quán»
Sống đời sống công giáo trong 10 bài học. Kỳ thứ 11
«Chứng từ của chúng ta, đó là nhất quán»

sống đạo 11fr.aleteia.org, Sabine de Rozières, 2016-06-16

Philippe làm việc cho Bộ Môi trường trong lãnh vực năng lượng, nhưng với người công chức 27 tuổi này, nguồn của tất cả mọi năng lượng (tái hồi được) là ở nơi Chúa.

Aleteia: Vì sao Chúa có một chỗ đứng trong đời sống của ông?

Ông Philippe: Tôi nghĩ người ta có thể sống không có Chúa, ngay cả có một đời sống lý thú mà không có Ngài. Nhưng tôi nghĩ sẽ không bao giờ có một kinh nghiệm nổi bật so với đời sống có Ngài, đơn giản vì Ngài cho niềm vui đích thực. Rất nhiều lần tôi xa Ngài mà tôi không nhận ra, tôi để chết trong tôi nguồn sống, và cứ mỗi lần như vậy, Ngài lại kéo tôi về qua kinh nghiệm hoặc qua những người tôi thương: ở ngôi nhà thờ đẹp trong một chuyến du lịch, trong buổi họp mặt với các bạn kitô hữu, khi gặp một người có đời sống đức tin sâu đậm… Chính khi nhìn lại tất cả sự kiện này mà tôi thấy sự hiện diện liên tục của Ngài. Cứ mỗi lần như vậy, Ngài đến tìm tôi, như thể Ngài cho tôi biết, tôi có giá trị trước mặt Ngài.

Tôi cũng hiểu, khi tôi xa Ngài, tôi không còn sống thật mà sống như bù nhìn, trong sự thỏa mãn các ham muốn riêng của mình. Trong những lúc như vậy, dù lòng rộng lượng hay ước muốn làm điều tốt vẫn còn, nhưng tôi không còn ở trong đời sống nội tâm, một đời sống làm sinh động hơn và cũng là nguồn của những điều kỳ diệu sâu đậm hơn.

Đối với ông, “có đức tin” có nghĩa là gì?

Tôi nghĩ, đôi khi chúng ta có thể chống đức tin trong nghĩa là chúng ta không tin, nhưng tôi nghĩ chúng ta cũng có thể chống đức tin khi chúng ta hiểu sai Chúa hay không đúng về Ngài. Dù giữ đạo, chúng ta đôi khi (ngay cả thường khi) nghĩ sai về Ngài và những gì Ngài muốn cho chúng ta, và nghĩ, chẳng hạn, Ngài muốn chúng ta dâng hiến hết tất cả cho Ngài, kể cả các ước muốn của mình. Nhưng tôi nghĩ, Ngài muốn Sự sống lớn lên trong chúng ta, và Ngài có thể nói với chúng ta qua các ước muốn của mình, miễn là chúng ta biết nhận định ước muốn đó là đúng hay sai. Tôi nhận ra, khi tôi để Chúa làm việc là khi tôi có được bình an nội tâm và niềm vui sâu đậm, đó là dấu chỉ không bao giờ lầm.

Ông có dành một hành động nào hàng ngày cho Chúa không?

Từ ba năm nay tôi làm việc trong Hiệp hội tình Bằng hữu (APA), đó là hiệp hội của những người cùng chia phòng với những người mà trong cuộc sống của họ, họ đã trải nghiệm cảnh khổ cực và các thương tổn sâu đậm. Đó là sự dấn thân rất hàng ngày! Mỗi buổi sáng chúng tôi đọc kinh sáng chung, sau đó là chầu. Càng ngày tôi càng thấy, thánh vịnh đã nuôi dưỡng tôi đến như thế nào. Có những buổi sáng, lời các thánh vịnh này phù với kinh nghiệm riêng của tôi và nâng tôi lên trong lời cầu nguyện. Trong phút hồi tâm buổi chiều, tôi tự hỏi xem, thật sự tôi đã làm gì với tình yêu trong ngày. Đó là một công việc khó làm, bởi vì nó cho thấy những việc làm gọi là quảng đại, thật ra chỉ làm vì thói quen chứ không do từ thâm tâm mình. Dĩ nhiên những hành động này, tự chính đức hạnh của nó cũng đã là một con đường tiến đến điều tốt, như vậy không phải là hoài công! Nhưng khi nhìn lại mình, dưới ánh sáng của bài ca đức ái của Thánh Phaolô, tôi thấy đây là cái sàng lọc để thấy cái gì là huyênh hoang, là kiêu ngạo… và đôi khi cái gì làm bởi tình yêu! Như thế các hành vi thật sự của đức ái sẽ được lộ ra và chúng ta có thể nếm hương vị của nó. 

Ông muốn nói gì với người công giáo?

Hãy nhất quán trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống chúng ta, để cuối cùng chúng ta ở lại trong Chân lý duy nhất, trong khi các sai lầm thì rất nhiều. Khi tôi để tiền trong ngân hàng, ngân hàng làm gì với nó? Công việc của tôi có nhất quán với đời sống đức tin của tôi không? Cách tôi sống với bạn bè, gia đình có nhất quán với những gì tôi khát nguyện không? Những người không có đức tin (và ngay cả với những người có) chờ chúng ta ở điểm ngoặc này. Chứng từ của chúng ta là phải nhất quán.

Theo ông, cái gì có thể cứu nhân loại?

Một câu của Thánh Gioan-Tẩy giả: “Tôi không phải là Chúa Kitô (…) Đây là Con Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1, 20-29). Thánh Gioan nhắc cho chúng ta, không phải việc của chúng ta là cứu thế gian. Ngược lại, chúng ta có thể chọn cho mình con đường cứu rỗi và chúng ta tham dự vào. Và con đường này là con đường của Chân lý và Tình yêu. Cuối cùng, câu hỏi duy nhất được đặt ra, nếu chúng ta đã yêu. 

Đâu là nỗi sợ lớn nhất của ông?

Đánh mất tâm hồn và mất nội tâm mình. Chỉ làm công việc một cách máy móc và không còn cầu nguyện. Đó không phải là nỗi sợ vô căn cứ: nó đến rất nhanh! Lúc đó mình mất khả năng kinh ngạc, không còn biết những gì Chúa đã làm trong đời mình, không còn ở trong quan hệ với người khác. Khi tôi gặp những người không có đời sống nội tâm, hoặc làm ra vẻ như không có, tôi quá sợ cho họ, tôi cảm thấy bất lực kinh khủng. 

Cái gì làm cho ông hạnh phúc?

Sự tăng trưởng của đời sống trong mọi người chúng ta. Nhìn một người họ nói hay làm một cái gì mà mình nghĩ họ không thể (hay chưa thể) làm được. Đó là điều làm tôi kinh ngạc trong ba năm vừa qua khi làm việc ở Hiệp hội tình Bằng hữu.

Đức tính nào ông thích nhất và tại sao?

Lòng nhân từ vì nó để cho người khác có khả năng lớn lên! Học để không nghe quỷ xúi ở lỗ tai rằng người khác không tốt bằng mình. Nghĩa xấu của lòng nhân từ là vâng vâng-dạ dạ, như thế không nên dùng thuật ngữ ngây ngô này. Đôi khi lòng nhân từ đòi hỏi cương quyết và nói khi tình huống không tốt: sự sửa đổi trong tình huynh đệ này là công việc của lòng thương xót. 

Thánh nào ông kính mến nhất và tại sao?

Là Đức Mẹ. Tôi xin Đức Mẹ hướng dẫn tôi đến Con của Mẹ và tôi muốn trung thành với Ngài.

Kinh nào là kinh ông thích nhất và tại sao?

Kinh Lạy Cha. Khi gọi Chúa là “Cha” là chúng ta ở trong tình phụ tử mà Ngài muốn trao ban cho chúng ta và Ngài đã mặc khải cho chúng ta qua Con của Ngài.

Marta An Nguyễn dịch