Lời nói đầu – Trích sách: Phỏng vấn và họp báo của Đức Phanxicô

349

Lời nói đầu

Trích sách: Phỏng vấn và họp báo của Đức Phanxicô – Các lời nói trong tự do, nhà xuất bản Plon

Pope Francis gestures towards crowd as he begins general audience in St. Peter's Square at Vatican

Các kỷ niệm không có tính công giáo gì cho mấy của một nữ giáo dân kỳ khôi

Đối với chúng tôi, các ký giả, một cuộc phiêu lưu mới bắt đầu với Đức Phanxicô. Ngày nay, gần như chẳng có gì còn làm cho ai ngạc nhiên, dù với bao nhiêu kỹ thuật hiện đại đưa các nhân vật lớn vào tận đời sống mật thiết hàng ngày của chúng ta, phỏng vấn Đức Giáo hoàng vẫn là một sự kiện ngoại thường. Trong đời sống ngề nghiệp và ngắn gọn, trong đời sống. Một giây phút duy nhất, giây phút mà cảm xúc, hãnh diện và cũng phải thú nhận là có sợ hãi không biết có thể hiện cuộc phỏng vấn này thành công hay không.

Một Đức Thánh Cha thì trước hết là phải thu hút ánh sáng, vì ngài mặc áo trắng, nhưng nhất là ở thế kỷ 21, ở chức vụ Thánh Phêrô, có nghĩa là đã qua nhiều trách nhiệm quan trọng trong Giáo hội, giám mục, tổng giám mục, hồng y Giáo triều, không kể là bị ở trong một thế giới đóng kín.

Jorge Mario Bergoglio đã là hồng y-tổng giám mục địa phận Buenos Aires, ngài đã ngược xuôi phục vụ người nghèo với một năng lực truyền thông, có tính mục vụ hơn là giáo điều.

Ngày thứ tư 13 tháng 3-2013, Đức Phanxicô đã đánh dấu một triều giáo hoàng theo dấu ấn riêng của mình, bứt đi ngôn ngữ cứng ngắc của hàng giáo sĩ, bứt đi nét long trọng của sự kiện, ngài mở lòng ra. Từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, chính xác lúc 20 giờ 27 phút, trước hàng ngàn tín hữu tại chỗ và trước hàng triệu khán giả truyền hình, tân Giáo hoàng đã trực tiếp cắt đứt truyền thống, ngài từ chối không mặc áo choàng ngắn đỏ thêu lông thú mịn và không đội vương miện. Ngài lên tiếng bằng tiếng Ý với giọng Tây Ban Nha trầm trầm: “Xin chào buổi tối anh chị em. (…) Bổn phận của mật nghị là bầu Giám mục địa phận Rôma , có vẻ như anh em hồng y của tôi đã tìm giám mục đó ở tận cùng thế giới. Nhưng chúng ta ở đây, tôi xin cám ơn sự tiếp đón của anh chị em. (…) Tôi muốn xin anh chị em một đặc ân, trước khi ban phép lành cho anh chị em (…), lời cầu nguyện của anh chị em là phép lành của giáo dân cho Giám mục của mình. (…) Xin chào buổi tối. Xin chúc anh chị em nghỉ ngơi an bình.”  Ngay ngày hôm sau, những người vô gia cư ở đường Via della Conciliazione, không xa phòng báo chí của Tòa Thánh đã ngẩng đầu lên gần như ngay lập tức, như thử, với Đức Phanxicô, họ bỗng cảm thấy mình được che chở. Còn về phần tôi, xúc động vì thái độ của ngài nhưng cũng vì thái độ của họ, lúc đó tôi âm thầm hy vọng, tôi sẽ là nữ ký giả Pháp đầu tiên phỏng vấn vị Lãnh đạo Giáo hội Công giáo…

Một dự trù rất tham vọng, đòi hỏi phải phân tích vì sao những lời này lại vang động trong lòng tôi mạnh như thế. Và phải quan sát tỉ mỉ Giáo hoàng của người nghèo, phải đoán tâm lý, giáo huấn kitô, dạng linh đạo, các chuẩn mực của ngài. Cả một trò chơi ghép hình! Không coi thường bất cứ một chi tiết nào chỉ dẫn cho thấy nhân cách của ngài. Để hiểu làm thế nào hình thành cá tính được khẳng định của linh mục Dòng Tên với gốc gác Ý, làm việc để “Vinh danh Chúa nhiều nhất” từ năm 21 tuổi, khẩu hiệu Dòng của ngài, và theo luật của Dòng Tên, tu sĩ phải hoàn toàn vâng lời các bề trên của mình, nhưng cũng phải vâng lời Đức Giáo hoàng, đó là lời khấn thứ tư của họ.

Jorge Mario Bergoglio được bầu chọn lúc 76 tuổi, lúc đó người Âu châu còn ít biết về ngài. Ngày 16 tháng 2-2013, ngài rời Buenos Aires để đi Rôma dự mật nghị, một cách đơn giản nhất, mặc áo tu sĩ có cổ rôma, mang xách tay có sách nhật tụng, quyển agenda, dao cạo râu, một tượng thánh Têrêxa… Mười ba giờ bay ở hạng thường, ngài có một chỗ ngồi rộng, giúp ngài duỗi chân vì ngài bị đau cột sống.

Ba ngày sau khi được bầu chọn, cựu hồng y, cho đến lúc này ít nói chuyện với báo chí, gặp chúng tôi trong buổi tiếp kiến ở Hội trường Phaolô VI. Chúng tôi là ba ngàn ký giả rình từng cử chỉ, từng lời nói của ngài. Sau mười lăm phút nói chuyện với một tông giọng thân mật như nói với từng người chúng tôi, chúng tôi bị chinh phục bởi niềm vui, bởi cách ngài thẳng thắn nói chuyện với chúng tôi. Sự bộc phát tự nhiên mang nét khiêm tốn đã làm cho ngài nhận những tràng pháo tay dài.

Khá sớm, các thái độ thường mang tính khiêu khích của người Châu Mỹ La Tinh  có nhiều đặc sủng này làm chúng tôi lạc hướng. Tông giọng của người có khuynh hướng tiến bộ “khơi dậy lương tâm”, chữ của tổng thống Mỹ Barack Obama, của người đã suy nghĩ từ lâu những xáo trộn của thời đại và của môi trường tôn giáo, đã chất vấn chúng tôi khi ngài bắt đầu phản ứng chống đồng tiền vua, chống Thần Tài, về số phận của những người di dân, tố cáo nạn “dửng dưng toàn cầu”. Ngài tỏ ra trắc ẩn với những người bị bỏ mặc… Ngài dấy lên việc chống nạn từ thiện ảo: “Người vô gia cư, anh chị em có nhìn thẳng vào mặt họ, có cầm tay họ không…?” Ngài, người biết truyền hình có mặt trong tất cả các gia đình trung lưu, gần như là phương tiện giải trí duy nhất của họ. Những lời buộc tội nghiêm khắc này là hoa quả một một xác tín ruột, sẽ làm mất thăng bằng vòng êm ấm của Giáo triều La mã. Người, không ngần ngại, khi gặp các viên chức cao cấp của guồng máy quản trị: “Làm chính trị là quan trọng, dù nhỏ dù lớn. Người ta có thể trở nên thánh khi làm chính trị. Đương nhiên, không có chuyện lập đảng, đó không phải là con đường.”

Một tu sĩ Dòng Tên, như trên huy hiệu, như dưới vương miện đều có hình ảnh  tượng trưng của Dòng Tên: mặt trời vàng là Chúa Kitô, với ba chữ tắt IHS trên Thập giá (chữ tắt Giêsu bằng tiếng Hy Lạp cổ). Ngày 28 tháng 7-2013, trên chuyến bay  từ Ba Tây về, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên của ngài, tôi đã hỏi: “Trọng kính Đức Thánh Cha, cha có còn thấy mình là một tu sĩ Dòng Tên?” đôi mắt tươi cười của ngài nhìn thẳng tôi: “Đó là câu hỏi thần học, vì các tu sĩ Dòng Tên khấn vâng lời Giáo hoàng. Nhưng nếu Giáo hoàng là tu sĩ Dòng Tên… Tôi không biết làm sao giải quyết vấn đề này, có thể Giáo hoàng phải vâng lời cha Bề trên Tổng quản. Tôi thấy mình là tu sĩ Dòng Tên trong linh đạo, linh đạo của các Bài tập Linh thao ở trong lòng tôi. Tôi không thay đổi đường hướng linh đạo. Phanxicô, Phan Sinh, không, tôi thấy tôi là tu sĩ Dòng Tên và tôi suy nghĩ như một tu sĩ Dòng Tên… nhưng không theo hình thức đạo đức giả!»

Lời «tự thú» này minh họa sức nặng của Dòng Tên kể từ ngày 15 tháng 8 năm 1534 ở Montmartre, Dòng được hiệp sĩ hào hoa Tây Ban Nha và sáu sinh viên khác ở trường đại học Paris thành lập. I-Nhã thành Loyola, tu sĩ quân nhân, trở thành người hành hương ở tuổi 33, được các nhà quý tộc, các bạn đồng hữu khiêm tốn cùng đồng hành… Nghệ sĩ, nhà toán học, nhà thiên văn, nhà thám hiểm, các triết gia, thần học gia đến từ khắp nơi ở Âu châu đóng góp vào cho sự rọi sáng của Dòng. Các linh mục giải tội, các giáo sư của Dòng đã có ảnh hưởng trên các vua chúa, các nhân vật ưu tú trong xã hội, các linh mục đi giảng hoán cải tâm hồn những người không tin. Các sứ vụ ở Ấn Độ, Châu Mỹ La Tinh, Canada, Phi châu, Alaska, Trung quốc… làm thay đổi các hiểu biết về vũ trụ. Và bây giờ, Giáo hoàng Dòng Tên đầu tiên, người đầu tiên không phải là người Âu châu trong lịch sử, sẽ sửa đổi một một thế quân bình tế nhị nào đó cho quyền lực của họ trong lòng các thể chế. Ngài làm «cách mạng» với một lòng quyết tâm.

Một món quà cho người nhà? Dù sao thì tạp chí của Dòng Tên Ý Văn minh Công giáo (La Civiltà Cattolica) là tạp chí mà Giám mục địa phận Rôma dành độc quyền cho lần phỏng vấn đầu tiên của mình vào tháng 9 năm 2013; buổi phỏng vấn mà ai cũng mơ! Rồi ba tháng sau, sau khi chính mình báo tin cho Linh mục Bề trên Tổng quyền Dòng Tên Adolfo Nicolas biết, Đức Phanxicô đã theo một nghi thức ngoại lệ, ngài phong thánh cho linh mục người Pháp Pierre Favre, đồng sáng lập Dòng và cũng là linh mục đầu tiên của Dòng, nâng linh mục Favre lên hàng các thánh. Yếu tố khác cũng cần được phác thảo chung quanh nhân cách phức tạp, đối chọi, Jorge Mario Bergoglio là người có bản chất sâu đậm của người miền Nam bán cầu, lớn lên cách thành phố Rôma mười ngàn cây số. Hoài niệm về quê hương mình, âm nhạc mình mà ngài giữ trọn tình thương, và cái mà ngài gọi là “các vùng ngoại vi”. Ngài đã làm khi mỗi chúa nhật ngài gọi về cho người thân của mình ở Buenos Aires; đó là khu vườn riêng của ngài… Và dù bây giờ là nhà lãnh đạo tối cao của Vatican, người con di dân người Ý này vẫn mong muốn giữ một cách tượng trưng, mình là công dân Argentina, tháng 2 năm 2014, ngài đã gia hạn hộ chiếu Argentina khi hết hạn.

Đức Phanxicô để cho người khác gần mình dễ dàng hơn các vị tiền nhiệm của ngài, họ dè dặt hơn. Đúng vậy, nếu các ngón tay của hai bàn tay đủ để đếm tổng cộng các cuộc phỏng vấn, thì Đức Giáo hoàng này đúng là khác. Vì vào thời buổi của các trang mạng xã hội, trong một ngàn ngày, ngài đã trả lời sáu trăm câu hỏi của tám mươi sáu ký giả quốc tế. Đa số là trên các chuyến bay và dưới đất liền thì chỉ một ít người may mắn với một quyết tâm đeo đuổi. Như thế tập sách này rất hữu ích. Tài liệu để làm việc, tác phẩm để tham khảo, một loại tự điển các cuộc phỏng vấn của ngài cho những ai muốn tìm hiểu lịch sử cận đại của Giáo hội La Mã. 432 trang quý giá, vì trước hết, trong bản dịch này, nó tôn trọng ngữ vựng đặc biệt để tái tạo phong cách của Đức Giáo hoàng, phong cách “bergoglio”. Ngôn từ mới được sáng tạo để đảm bảo đúng ngôn ngữ của ngài và suy tư về lối diễn tả của ngài, và cũng phải nắm vững các câu lặp đi lặp lại thường là cố ý và rất khéo léo khi ngài gằn giọng. Chắc chắn phương cách hay nhất để hiểu tiến trình của con người nổi loạn này là đừng gò bó vào một hệ thống nào. Nhân vật ngoại hạng, với ngàn khuôn mặt, được toàn thế giới mến chuộng, người, mà theo bản thăm dò gần đây của mạng quốc tế WIN-Gallup trên 64 nước, thì ngài có được 54 % số người ưa chuộng.

Còn về quá khứ, người trang bị đầy đủ trong lãnh vực này để tái tạo lên nhân vật này là nhà ngữ văn người Ý Giovanni Maria Vian, giám đốc báo Osservatore Romano từ năm 2007, vì chương lịch sử này là thuộc về lãnh vực của người quen thuộc với triều giáo hoàng ở Rôma. Được Hồng y Montini, Giáo hoàng Phaolô VI tương lai, rửa tội, từ khi còn nhỏ, ông đã hít thở không khí Vatican, thân sinh là người coi sóc thư viện thế giá của các Giáo hoàng, ông nội là người có quan hệ với người mà sau này là Thánh Piô X. Ông Vian là người có sáng kiến làm quyển sách này, và chỉ một mình ông mới đủ khả năng đề cập đến chủ đề này với một độ cách cần thiết, thêm nữa ông lại có một núi tài liệu phong phú. Vừa là văn sĩ, vừa là ký giả, nhà trí thức sáng giá này đã biến đổi báo Osservatore Romano thành một nhật báo được toàn cầu biết đến, không còn chỉ trong môi trường giáo sĩ và các nhà ngoại giao… Phải biết là có một trăm bảy mươi nước có đại diện ở Tòa Thánh. Một ván bài tế nhị cho ông Giovanni Maria Vian, người có học vị đại học phóng khoáng, nhưng trung thành với đường hướng của Đức Giáo hoàng, người, mỗi ngày, khi báo xuất bản lúc 5 giờ chiều, nhận ấn bản đầu tiên báo Osservatore trong một phong bì mới, ghi A sua Santità Francesco f.r. để felicemente regnante có nghĩa là “trị vì với hạnh phúc”. Mặt khác, nhờ theo đường hướng chiết trung, nhật báo nổi tiếng tám trang, bây giờ in màu và được dịch ra tám thứ tiếng, cuối cùng đã dành một chỗ đứng cho phụ nữ trong ban biên tập. Với phụ trương phụ nữ hàng tháng là cả một điều mới mẻ, phụ trương này do nhà sử học tài ba, bà Lucetta Scaraffia phụ trách, người, trong số tháng tư gần đây đã có một số đặc biệt về “cái nhìn của các phụ nữ do thái”.

Một nhân vật thiết yếu khác cho guồng máy này là linh mục Dòng Tên Federico Lombardi, 73 tuổi, giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh. Vị tu sĩ được xin xỏ nhiều nhất thế giới, cựu giám đốc Radio Vatican giải thích: “Không phải lúc nào cũng dễ để đi theo phong cách của Giáo hoàng dứt khoát này, ngay từ những ngày đầu để thay đổi hệ thống, kể cả trong các tương quan của ngài với các cộng sự của mình, người tin nhiều vào sức mạnh của các cuộc gặp gỡ hơn là các cuộc thương thuyết.” Sáng suốt và trung thực tuyệt đối với  “chủ”!

Nói được sáu thứ tiếng, được tất cả chúng tôi kính trọng, người vùng Piémont khổ hạnh, xuất thân từ một gia đình danh giá, là người, không mang hình ảnh hùng biện nhưng dịch cho chúng tôi những lời nói dài dòng, các câu sốc, đôi khi nhẫn tâm hoặc khó hiểu, của một Giáo hoàng có văn hóa của cử chỉ và gặp gỡ. Luôn ở trong tư thế sẵn sàng, không bao giờ bỏ bất cứ một cái gì, khẳng định cho câu nói của văn hào Balzac: “Cảnh sát và các tu sĩ Dòng Tên có một đức tính là không bao giờ bỏ bạn mình, cũng không bỏ kẻ thù của mình.” Và linh mục Lombardi, tâm lý gia, thích ứng với nghệ thuật xã giao trong tất cả mọi tình huống…

Một công việc khá rắc rối với Giáo hoàng quan tâm đến việc tháo gỡ dần dần các bức tường để “xây cầu”, và người, mà theo trực giác của mình, không sợ đụng đến thể chế. Người ta còn nhớ sự kinh hoàng của một vài Hoàng tử Giáo hội theo truyền thống chúc lễ Giáng Sinh, ngày 22 tháng 12 năm 2014, khi, trong một bài diễn văn rất dữ dội về hình thức cũng như về nội dung, Đức Phanxicô, thực dụng hơn là lý thuyết, đã lên một danh sách «mười lăm bệnh» đang làm băng hoại guồng máy Giáo hội, đẩy các thành viên Tòa Thánh phải xét mình một cách tận căn. Hai năm sau, trong khóa tĩnh tâm với các Bài tập Linh thao, ngài đã quở mắng một cách gián tiếp các hồng y, khuyến khích để cha giảng phòng Ermes Ronchi nhấn mạnh: “Giáo hội không được sợ minh bạch, nhất là về của cải của mình…” Đức Phanxicô cân nhắc tầm quan trọng của các bệnh, quyền lực của các chữ, cú sốc của các hình ảnh, từ nay chúng có tác động nhân lên gấp bội với 28 triệu người theo ngài trên tài khoản Twitter, và chỉ trong vòng 24 giờ ngày 19 tháng 3-2016, đã có 1.2 triệu người chia sẻ hình trên tài khoản Instagram ©franciscus của ngài. Một điểm khác nổi bật đối với chúng tôi, một cách uy thế và không dò được, chính linh mục Lombardi, người luôn mặc màu sẫm, chọn ai được vinh dự đi theo chuyến tông du với Đức Giáo hoàng. Linh mục cũng là người tổ chức các buổi họp báo của Đức Giáo hoàng giữa trời và đất. Tiếng vang của những cuộc họp báo này là hoàn vũ.

Chúng tôi ở đây; sự gần gũi này trên máy bay với Đức Thánh Cha là một kinh nghiệm nghề nghiệp vừa ấn tượng và thật đơn giản. Ca-bin máy bay biến thành giáo xứ không biên giới: dù sau rất nhiều chuyến đi, chúng tôi vẫn luôn thích thú được gần gũi tiếp xúc với Đức Phanxicô. Ngài đứng, lựng dựa vào ngăn chắn. Áo chùng của ngài hơi ngắn, hé cái quần đen của tu sĩ Dòng Tên. Thường ngài hay cầm thánh giá bằng bạc mang ở ngực, nhìn ra đằng sau ca-bin, một phản xạ của nhà lãnh đạo quen thuộc với đám đông. “Máy bay là căn nhà thứ nhì của tôi”, Đức Gioan-Phaolô II hồi đó nói đùa. Một kỷ niệm hơi xa với Đức Phanxicô, người thực chất không thích đi du lịch, cũng không thích loại phương tiện này, ngài thường hay làm dấu khi máy bay cất cánh… dù lịch du hành của ngài đã lên đến con số 20 nước trong vòng 3 năm, có nghĩa là ngài đã bay 152 000 cây số trên trời.

Sự tổ chức nặng nề và tỉ mỉ cho thấy thế nào là đoàn đi theo giáo hoàng. Ở Fiumicino, các nhà cầm quyền Ý đến phi trường nghiêm chỉnh chào Đức Giám mục Rôma. Khi về thì máy bay hạ cánh ở phi trường quân sự Ciampino. Ngay khi khởi hành, chúng tôi phải dán mắt vào tập chỉ dẫn quý báu do Radio Vatican soạn thảo và in ra. Cẩm nang là chương trình từng phút một trong 14 giờ của một ngày làm việc của Đức Giáo hoàng, từng 15 phút một. Ghi chi tiết từng nơi đi nơi đến, loại xe di chuyển, số điện thoại di động của người chung quanh và các người trách nhiệm chuyến “hành hương”. Một cẩm nang nếu rơi vào tay những tâm hồn đen tối thì phải biết… Vì lý do an ninh, chúng tôi không được giữ hộ chiếu. Ban tổ chức giữ cho đến cuối chuyến đi. Không có chuyện các ông chủ báo chí, các tùy viên báo quốc tế, đài truyền thanh, đài truyền hình, nhiếp ảnh gia, người quay phim có thể rời máy bay, hoặc đến các trạm quá cảnh rồi ráp vào đoàn. Chúng tôi như một loại “con tin” của Vatican! Chúng tôi lên máy bay trước Đức Giáo hoàng. Chuyến bay đặc biệt của hãng Alitalia mà loại máy bay thay đổi theo nơi đến, nhưng luôn có tên là “AZ 4000” và mật khẩu không lưu là “Mục tử 1” (Shepherd 1). Ngược với những gì người ta nghĩ, Tòa Thánh không có máy bay riêng, máy bay dùng để chở vị Chủ Chăn của 1 tỷ 250 000 giáo dân sau đó được dùng để chở khách như thường lệ. Phi hành đoàn gồm người trưởng đoàn của nhân viên phi hành của công ty hàng không, các thiện nguyện viên, nếu xứng đáng… Để vinh danh vị khách danh tiếng, ngay khi hạ cánh, các phi công cắm ở trước phòng lái các lá cờ của Vatican và của nước sở tại.

Đức Thánh Cha ngồi ở hàng ghế đầu của hạng thường. Một tượng Đức Mẹ bằng gỗ treo trước mặt ngài và cũng có một bó hoa hồng nhạt, để khi về Rôma, ngài đến Đền thờ Đức Bà Cả, trước tượng Đức Mẹ che chở người Rôma, để tạ ơn Đức Mẹ đã “giữ trong tay mình chuyến đi”, chữ của Đức Phanxicô dùng. Không có gì khác, ngoài gối dựa đầu và gối thêu huy hiệu Tòa Thánh, chúng tôi cũng có như vậy. Một quan tâm dễ thương của công ty, công ty tự hào được chở Đức Giáo hoàng. Ngài không cần giường, không cần phòng làm việc rộng rãi, cũng không cần màn hình hay quầy thức uống. Ngăn cách chúng tôi với Đức Giáo hoàng và đoàn tùy tùng của ngài là bức màn nhỏ bình thường, bức màn để mở một thời gian. Sau ghế của Đức Giáo hoàng là Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin, Tổng Giám mục Angelo Becciu, Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, các giám chức, quản gia của ngài và một kiểu “bergoglio” mới, một khách mời được chọn trong số các nhân viên của Vatican, gần đây là một nhân viên ngành mộc. Ngài được tháp tùng bởi ông Domenico Giani, trưởng ban cảnh sát Vatican, các cảnh sát của ông, chỉ huy trưởng Đội Cận vệ Thụy Sĩ và các cận vệ của ông, tất cả đều mặc đồ dân sự, bác sĩ của ngài, đôi khi buộc phải khuyên chúng tôi: phải có sức chịu đựng giỏi để đi theo Đức Giáo hoàng. Không kể đến người không thể thiếu, ông Francesco Sforza, nhiếp ảnh gia của ngài, người chụp từng giây phút một của chuyến đi. Người lo hàng ngàn tấm ảnh cho từng sự kiện và những kỷ niệm quý giá cho từng người. Tài khéo léo của hình ảnh thời buổi siêu nối mạng thì vô giá! Ngắn gọn, một nhóm thì thật quan trọng, nếu chẳng may máy bay rớt, người giỏi nhất Giáo hội Rôma sẽ không còn!

Các chuyến đi này cũng dành cho chúng tôi những ngạc nhiên, như ngày sinh nhật của tôi được mừng trên máy bay với chiếc bánh ngọt có kem! Một sáng kiến của linh mục Lombardi muốn làm thư giãn bầu khí trong chuyến đi vất vả ở Cộng hòa Trung Phi. Hoặc gần đây, bên cạnh Đức Giáo hoàng, chúng tôi tỏ tình bằng hữu với ông Alberto Gasbarri, người lúc nào cũng lịch sự, trong 37 năm liền đã tổ chức các chuyến đi này và đã thiết lập văn phòng nghi thức ở nước ngoài, ở tuổi 70, ông quyết định về hưu.

Mặc dù thời khóa biểu rất kiệt sức và rất nặng, đôi mắt có quầng, nhưng Đức Phanxicô luôn linh động và tinh ranh, ngài vẫn rất sẵn sàng với chúng tôi, như thử ngài có cả một cuộc đời trước mặt. Ít nhất chúng tôi thấy ngài hai lần, khi đi ngài đến từng hàng một để gặp mỗi người chúng tôi và còn chịu chụp “hàng loạt” selfie, đôi khi gặp ở các trạm quá cảnh, rồi trên chuyến về, là buổi họp báo đã trở thành thông lệ và nổi tiếng, buổi họp báo thường kéo dài một giờ.

Từng nhóm theo ngôn ngữ, chúng tôi chỉ định ai trong chúng tôi sẽ là người được may mắn hỏi ngài. Theo thông lệ, chỉ có ông Giovanni Maria Vian, người biết hết nhưng không nói gì, sẽ không bao giờ hỏi. Linh mục Lombardi giới thiệu những người “được chọn” trước khi họ đứng lên hỏi. Không có câu hỏi nào là cấm kỵ, vì có một đồng nghiệp người Pháp chúng tôi, ông Antoine-Marie Izoard đã hỏi, một Giáo hoàng có thể có quan hệ thân mật với một phụ nữ không? Rất chăm chú, Đức Giáo hoàng bắt đầu bằng lắng nghe. Ngài có một nét ngây thơ thanh tao làm cho người đối diện gần như quên ngài là một trong các nhân vật am tường thông tin nhất thế giới. Tươi cười, nhíu mày, làm bộ, Đức Phanxicô là người không ai bắt chước được. Và, có sức tập trung như một lực sĩ cấp cao, thay vì câu giờ theo thói quen của các tu sĩ Dòng Tên, thỉnh thoảng trả lời một câu hỏi bằng một câu hỏi khác, máy vi âm cầm tay, thường thường theo hứng, ngài giải thích rất rõ ràng. Kinh nghiệm làm việc ở thục địa, có năng khiếu về chính trị, trí nhớ phi thường của ngài đã giúp ngài có một suy tư chính xác và xây dựng.

Chúng tôi có bị lôi cuốn bởi tính nói thẳng và tài năng kể chuyện của ngài không? Trước hết là bằng thái độ nồng ấm của ngài: Giáo hoàng Argentina nói bằng hai tay, đưa ra các kinh nghiệm mục vụ của mình, không ngần ngại dùng các ẩn dụ, có vẻ như đây là di sản xưa cổ của người vùng Piémont, nước Ý! Ngài có “tầm ảnh hưởng của uy quyền”, như đại tướng de Gaulle nói ngày xưa. Như thế, đó là bánh thánh, là cảm xúc tinh tuyền! Một cách nào đó, ngài “thôi miên” chúng tôi bằng sự tiếp tay đặc biệt, mà dĩ nhiên ngài là người nắm con bài chủ, hành động qua sự oai vệ, qua sức mạnh của cái nhìn, qua tài hùng biện, qua nụ cưòi rạng rỡ… Cực kỳ thú vị, đôi khi ngài cho chúng tôi như sống trực tuyến, như lần ở phi trường La Havane, bên cạnh ngài vào tháng 2-2016, chúng tôi dự buổi gặp gỡ đại kết, đánh dấu sự giải hòa với Giáo hội Chính thống Nga và Đức Thượng phụ Kirill, sau mối bất hòa kéo dài chín trăm sáu mươi hai năm. Rồi, một mở ngoặc bất ngờ, Lãnh đạo Giáo hội Công giáo Tông truyền La Mã lên máy bay kể cho chúng tôi nghe cảm tưởng của mình.

Một ngày đáng ghi nhớ thêm vào buổi phỏng vấn tiếp sau đó. Đức Giáo hoàng nhìn thẳng chúng tôi, chứ không nhìn sau vai chúng tôi. Điều này tạo thêm điều kiện yên tâm cho cuộc đối thoại. Một cảm nhận chung cho những ai đối diện với một vấn đề được đặt ra mà họ chưa ước lượng được: thấy được niềm vui nội tâm mà không quá ấn tượng, cũng không do bầu khí sảng khoái của môi trường. Làm sao giữ được trung dung và quen với cường độ của những giây phút này, như lần dâng tháng lễ ngoại thường ở Manila, tháng 1 năm 2015, thánh lễ lớn nhất chưa từng có với 6 triệu rưỡi tín hữu, để rồi sau đó chúng tôi được độc quyền ở với ngài? Chỉ có cách mười mét. Chính vì thế, dù đã được hỏi ngài năm lần trên máy bay, tôi vẫn còn bị căng thẳng. Cũng như lần ở Mêhicô tháng 2-2016, khi tôi dám hỏi ngài câu hỏi thân tình: “Trọng kính Đức Thánh Cha, cha mơ trong ngôn ngữ nào?” Ngài ngừng một chút, rồi nói đùa. “À ha, cha sẽ nói, cha mơ bằng tiếng quốc tế (espéranto)… Cha thật sự không biết trả lời như thế nào. Đôi khi, cha nhớ một vài giấc mơ trong một ngôn ngữ khác, nhưng mơ trong nhiều ngôn ngữ thì không; cũng không có âm thanh, nhưng với hình ảnh thì có. Tâm lý của cha thì như sau: cha mơ một chút với nhiều chữ. Còn câu hỏi kia là câu hỏi nào? – Trọng kính Đức Thánh Cha, cha đã thổ lộ gì với Đức Mẹ? – Cha cầu nguyện cho thế giới, cho hòa bình… […] Vào lúc cuối, có một bà có cái đầu như vậy. (Ngài vừa nói vừa làm cử chỉ.) Cha xin tha thứ để Giáo hội được lớn lên lành mạnh, cha cầu nguyện cho người dân Mêhicô…, cha xin các linh mục phải thật là các linh mục, các nữ tu phải thật là các nữ tu và các Giám mục phải thật là các Giám mục: như Chúa muốn chúng ta phải như vậy. Những chuyện như vậy, cha hết lòng xin. Nhưng sau đó, những chuyện mà một người con xin mẹ mình thì hơi riêng tư. Cám ơn,  Caroline.”

Loại trao đổi với báo chí này có từ đời Đức Gioan-Phaolô II, dưới thời của một giáo dân người Tây Ban Nha, ông Joaqụn Navarro-Valls, phát ngôn viên của phòng báo chí và thành viên của Opus Dei mà một trong những điểm mạnh của họ là truyền thông. Tuy nhiên phải cần nhiều năm mới hình thành một hình thức làm báo chưa từng có, là nói với vị Kế nhiệm Thánh Phêrô và Tổ phụ của Phương Tây một cách đơn giản như vậy. Nhưng phải là nhà vatican, có nghĩa là phải được Tòa Thánh tín nhiệm, vì không ai được đến gần Giáo hoàng dễ như vậy. Tuy nhiên, chữ “vaticaniste” (người được vatican tín nhiệm), chữ được sáng chế năm 1978 để định nghĩa các phóng viên, các biên tập viên đi theo Vatican, không có nghĩa họ là những người “mê giáo hoàng” hay người công giáo: chín phần mười các đồng nghiệp là giáo dân, thuộc mọi tín ngưỡng và ở khắp các nước… dù có một lễ hàng ngày cho ai muốn dự. Vé vào này rất được thèm muốn, vì chỉ duy nhất đi vào căn phòng huyền thoại báo chí của Tòa Thánh, – nơi những năm 1940 cho đến Công đồng Vatican II vẫn còn ở trong các bức tường của Via del Pellegrino, lúc đó tờ báo đã công bố một bản tin hàng ngày – và tham dự các buổi tiếp kiến của giáo hoàng, các buổi gặp gỡ và lễ lạc chính thức. Tiếc thay, cánh cửa này không cho phép đi vào một dãy các hành lang của Dinh Tông tòa để ngắm các bức khảm huy hoàng… Muốn vào các căn phòng quý phái hay trực tiếp gặp Đức Thánh Cha thì phải được một Đức ông hoặc chính Đức Giáo hoàng mời. Tôi nhiều lần được đặc ân này với ba Giáo hoàng. Tôi nghĩ, vì lý do đó mà mà bà Muriel Beyer, chủ biên quyển sách này đã mời tôi viết lời nói đầu này. Khi viết những hàng này, bao nhiêu là kỷ niệm khó quên đến trong đầu tôi, thánh lễ riêng và bài phóng sự trong các căn hộ của Đức Gioan-Phaolô II, của Đức Bênêđictô XVI, thánh lễ với Đức Phanxicô và đương nhiên, buổi phỏng vấn ngài vào mùa thu năm 2015, nữ ký giả duy nhất mà Giám mục địa phận Rôma thuận trả lời cho báo giới nói tiếng Pháp.

Nhưng trước hết, chúng ta nên nhắc lại các cuộc hẹn kỳ lạ giữa lưng chừng trời, chín ngàn cây số độ cao với vị Chủ Chăn Giáo hội Hoàn vũ, hoàn toàn không hình dung được chuyện này có thể xảy ra cách đây nửa thế kỷ. Phải đến năm 1979, một Tổng giám mục của một “Giáo hội Thầm lặng”, được “ơn Quan phòng” đến để bẻ gãy các các công thức cổ xưa của các Giáo hoàng theo khuôn phép và xa cách, đôi khi có khuôn mặt khắt khe luôn bảo vệ sự thinh lặng của mình. Đứng đầu một thể chế có cả ngàn năm, một trong các thể chế lâu bền nhất, nhưng lại có rất nhiều khía cạnh dính với quá khứ, ngày xưa, vị Đại diện Chúa Kitô không để báo chí đến gần được… Vào đầu kỷ nguyên Wojtyla, người đã từng đóng kịch trong thời thanh niên, các cuộc gặp gỡ với Đức Gioan-Phaolô II thì không chính thức. Ngài ngừng ở dãy ghế, dù những người nói chuyện với ngài có thiện cảm và rất khéo xử. Các đồng nghiệp dám liều nhất vội vã đến ngồi đang trước và sẵn sàng vây quanh ngài và hỏi ngài. Theo thói quen, ngài trả lời ngắn gọn, điêu luyện, thẳng thắn và thường có nét hài hước. Tất cả đều được chinh phục, chữ dùng không quá mạnh, với sự dễ dàng, lôi cuốn, khả năng đi từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác – ngài biết bảy ngôn ngữ – và ứng khẩu tài tình. Những chuyện này diễn ra trên những chuyến bay khi đi và ngừng vào những năm 1990 khi sức khỏe của ngài bị suy giảm.

Kỹ thuật thay đổi với Đức Bênêđictô XVI và với linh mục Federico Lombardi khi cha vào làm việc, tháng 7 năm 2006. Nhà đa ngôn ngữ lỗi lạc ưu tú, học toán ở Ý, học thần học ở Francfort, Đức, củng cố thêm uy tín qua sự bình thản và am hiểu tiếng Đức của Đức Bênêđictô XVI. Như chính Linh mục Lombardi thổ lộ: “Sáng kiến của Đức Gioan-Phaolô II đưa ra sẽ được Đức Bênêđictô XVI tiếp tục nhưng với một cách có phương pháp hơn. Uyên bác, dè dặt, ít thiên về những lời nói dễ dãi, nhà thần học ít thích gặp từng ký giả, họ nên ở tại chỗ của mình. Diện đối diện chỉ khoảng chừng hai mươi phút. Tôi sẽ thu gom e-mail của quý vị vài ngày trước chuyến đi, các chủ đề quan tâm chung là vào chuyến đi này. Vì tôi ít kiểm duyệt nên trước hết tôi sẽ chọn những câu liên hệ đến thời sự của nước sắp đi, tôi sẽ chuyển cho Đức Thánh Cha hôm trước khi khởi hành. Một khi lên máy bay, các câu hỏi này hoặc được các tác giả của chúng đặt câu hỏi, hoặc tôi. Đức Bênêđictô XVI, chính xác, ngắn gọn súc tích, uyển chuyển, diễn tả một cách trong sáng.” Tuy nhiên vì chúng tôi không phải là những chú giúp lễ ngoan ngoãn, nên cũng có những chủ đề gây tranh luận làm loãng đi sự chú ý cho chuyến đi. Chắc chắn để tránh điều này, rất khéo léo, Đức Phanxicô đã quyết định các buổi họp báo sẽ diễn ra trên chuyến về. Vậy, từ nay, sự nhanh chóng vượt lên trước các chuyện còn lại, và thúc đẩy chúng tôi, người này người kia, mà trong những ngày di chuyển đã bình giải nhiều về thời sự của giáo hoàng, nên sau đó chúng tôi tìm các khía cạnh giật gân, tin riêng đặc biệt. Phản xạ đôi khi làm Đức Giáo hoàng thất vọng và khó chịu.

Ngược lại, những câu hỏi không bao giờ làm cho Đức Phanxicô thất vọng là những câu hỏi tự phát của trẻ em mà ngài gặp trong các giáo xứ, trong các buổi tiếp kiến chung thứ tư hàng tuần. Bằng chứng là nhóm các em ca đoàn quốc tế Pueri Cantores, những phóng viên tập tễnh vào ngày 31 tháng 12-2015 đã làm cho Jorge Mario Bergoglio thổ lộ các kỷ niệm tuổi thanh xuân của mình. Khi các em hỏi: “Trọng kính Đức Thánh Cha, khi còn trẻ, cha thích làm nghề gì sau này?”, ngài trả lời: “Nếu cha nói sự thật cho các con nghe thì các con sẽ cười, vì hồi nhỏ cha thích lớn lên làm ông bán thịt. Cha thường hay theo mẹ hoặc bà nội đi chợ. Ở chợ có ông bán cá, ông bán rau, ông bán thịt… Ông bán thịt cao to, dễ thương, ông mặc chiếc tạp dề trắng dài, có túi đàng trước. Khi bà nội trả tiền, ông thò tay vào túi sâu đầy cả đồng kên, và thối nhiều tiền cho bà nội, cha nghĩ ông ấy rất giàu. Và cha thấy ông rất ấn tượng, cha nghĩ vậy thì lớn lên, một ngày nào đó, cha sẽ làm như ông!”

Xin độc giả cho tôi hồi tưởng một chút. Sáng ngày 6 tháng 8-2015, lúc 12 h 45, tôi nghe điệu nhạc du dương của điện thoại cầm tay reng, và không có người trung gian, một giọng nồng ấm nói:

– Xin chào, tôi muốn nói chuyện với Caroline Pigozzi, đây là Giáo hoàng Phanxicô.

– Kính Đức Thánh Cha, đây là con. Con nghĩ con đã biết giọng của cha, nhưng con không hình dung là chính Giáo hoàng gọi con.

– Carolina, khi cha biết con không đi chuyến đi Cuba và Mỹ, cha hỏi tại sao. Người ta giải thích là có nhiều đơn xin quá, họ phải hy sinh các báo hàng tuần.

Tôi xin phép cắt lời Giáo hoàng:

– Trọng kính Đức Thánh Cha, con rất buồn, không thể nào an ủi con được.

– Vậy cha có thể làm gi cho con?

– Trọng kính Đức Thánh Cha, xin cha cho con một buổi phỏng vấn.

– Con hỏi linh mục Lombardi.

– Nhưng làm sao được? Khi con vừa đề cập với linh mục thì linh mục nói con nói thẳng với cha. Tóm lại, con là miếng bánh mì sandwich!

Im lặng thoáng qua… sau đó là một tràng cười, vì Đức Giáo hoàng không quen với loại từ ngữ này.

– Cha không có một chút thì giờ nào, 25 bài diễn văn phải viết cho chuyến đi này. Rồi sau đó là Thượng Hội đồng các Giám mục.

– Trọng kính Đức Thánh Cha, cha có thể nào cho con một buổi giữa hai kỳ này.

– Cha sẽ xem, nhưng trong lúc chờ đợi, con cầu nguyện cho cha!

Sốt ruột, mỗi ngày tôi chờ một dấu hiệu tích cực, một ngày. Thật vậy, luôn có một chuyện gì không biết ở Vatican, đó là không kể lịch làm việc của người được xin gặp nhiều nhất hành tinh! Quả tim tôi lên chín tầng mây ngày 9 tháng 10-2015. Ngày ghi khắc trong ký ức tôi, vì đó là ngày phỏng vấn của cả một đời.

Chuông reo nửa trưa. Trong nửa giờ nữa, Đức Phanxicô sẽ từ Thượng Hội đồng các Giám mục ở tòa nhà bên cạnh sẽ về Nhà trọ Thánh Mácta, tòa nhà lưu trú cho các hồng y và tu sĩ có việc về Rôma, ở dưới bóng Đền thờ thánh Phêrô. Đó là nơi ngài hẹn cho buổi phỏng vấn của chúng tôi, nơi nhà ngài. Một tòa nhà rộng, hiện đại gồm hai tòa nhà giống nhau, bằng bêtông vàng kem, không có nét độc đáo mà sau khi được bầu chọn, ngài về đây ở để không cảm thấy bị đóng khung trong sự long trọng và huy hoàng của các căn hộ tầng ba Dinh giáo hoàng, nhìn xuống Quảng trường Thánh Phêrô nổi tiếng. Ngài thích bốn phòng tiện nghi, trang hoàng đơn sơ. Người cảnh vệ ở cổng gác kiểm giấy tờ căn cước của nhóm Paris Match và nhanh chóng gọi điện thoại để kiểm cuộc hẹn của chúng tôi có ghi trong lịch làm việc của Đức Giáo hoàng hay không. “Tutto a posto”, tất cả đều tốt đẹp. Các giám chức “Áo Đỏ” đi lui đi tới ở cửa ra vào bằng cẩm thạch, canh chừng Đức Giáo hoàng đến, trong khi bạn của ngài là Đức hồng y người Honduras Oscar Andrés Rodriguez Maradiaga đi chỗ khác. Tối hôm qua, tôi không chợp mắt. Từ hôm qua, có tin đồn giải Nobel hòa bình cho Đức Phanxicô sẽ được loan báo lúc 11 giờ trưa nay, đó sẽ là lý do chính đáng để hồi lại buổi phỏng vấn. Sức mạnh đáng kể của Jorge Mario Bergoglio cho thấy trong ý chí chính ngài quyết định lịch làm việc riêng của mình, ngoài các công việc chính thức. Một may mắn! Lúc đó tôi thấy từ đàng xa bóng dáng của một bước đi mạnh mẽ, không có người tháp tùng, không có thư ký riêng, cũng không có cận vệ Thụy Sĩ bên cạnh. Đó là Đức Phanxicô. Và khi ngài đi một mình vào hành lang thinh lặng của Nhà trọ Thánh Mácta, mọi cặp mắt đều dồn về phía ngài. Các nhân viên, kín đáo, phong cách trong đồng phục hoàn hảo, âm thầm rút lui, nhưng, khi Đức Thánh Cha xuất hiện, dù họ gặp ngài mỗi ngày, họ cũng nhìn ngài, như thử họ nhìn mặt trời. Rất duyên dáng, ngài tiến về phía chúng tôi, tay ôm chồng hồ sơ. Tôi giới thiệu nhiếp ảnh gia trưởng Marc Brincourt và Eric Vandeville, máy ảnh cầm tay trong tay. Chúng tôi mặc áo đen, riêng tôi mang xâu chuỗi hạt trai và có trang điểm, vi phạm nét khắc khổ của môi trường. Bây giờ, với Giáo hoàng ít khuôn khổ này, các công thức được giảm nhẹ, không cần  phải cúi gập người hôn nhẫn; chỉ cần chào nhẹ nghiêng đầu là đủ. Nhã nhặn, Đức Thánh Cha nói vài lời bằng tiếng Pháp và mời chúng tôi theo ngài đến một phòng khách có hai ghế ngồi, trang hoàng bằng tranh các thánh, phong cảnh, một chân dung Đức Gioan-Phaolô II bằng đồng, và một cái bàn xinh đẹp cổ, trên đó có tượng Đức Mẹ bằng gỗ. Không có gì tránh khỏi con mắt của ngài, các vật dụng đồ nghề của nhiếp ảnh viên để dưới đất, bốn máy cát-xét thu băng lỗi thời của tôi, vì tôi quá sợ mất một chữ trong cuộc trao đổi “thiên cung” này. «Trọng kính Đức Thánh Cha, chúng ta bắt đầu buổi phỏng vấn băng tặng quà hay chụp hình? ” Ngài liếc nhanh về tượng Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu mà tôi để ở cửa để tặng ngài vì tôi biết ngài hay xin ơn với thánh nữ. “Trọng kính Đức Thánh Cha, con tìm được bức tranh này nơi các nữ tu dọn nhà.” Ngài cười và nhiệt thành cám ơn tôi, rồi dời chỗ bức tượng. Sau đó, tôi không ngần ngại đưa ngài xem số báo Paris Match với 6 trang tường trình chuyến đi Cuba, thánh lễ trang trọng ở quảng trường Cách mạng La Havane. “Trọng kính Đức Thánh Cha, con có nhiều đề tài… – Chúng ta có thì giờ”, ngài nói nhỏ, trấn an bằng tiếng Ý, đó cũng là một cách rất thiện cảm của ngài, điểm đây đó vài câu tiếng Tây Ban Nha, tạo bầu khí thư giãn, dễ chịu cho buổi phỏng vấn.

Xúc động trước bao nhiêu là thanh thản, dễ thương, kiên nhẫn lúc chụp hình, chúng tôi gần như quên mình đang ở trước một nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, như người Mỹ đã nói về ngài sau chuyến đi Cuba và Mỹ gần đây của ngài. Chúng tôi có những giây phút ngoại hạng với Đức Giáo hoàng, mà những giây phút cảm động nhất vẫn là giây phút khi chúng tôi hỏi một câu hỏi không tránh được cho một tu sĩ Dòng Tên: “Trung quốc có biến mất đi trong đầu của cha? ”, ngài nhấn mạnh khi trả lời, ngài đập vào ngực mình: “Không bao giờ, không. Trung quốc ở trong quả tim cha, nó luôn luôn ở đây.”

Tế nhị lạ lùng, ngài không bao giờ nhìn đồng hồ. Đối với ba chúng tôi, nhờ ơn phước, thì giờ như ngừng trôi. Và như sau mỗi chuyến đi với ngài, khi chúng tôi vỗ tay không ngừng, cũng như sau buổi phỏng vấn của chúng tôi, ngài không ban phép lành cho chúng tôi. Tôn trọng tự do tôn giáo. Ngài cám ơn chúng tôi và xin chúng tôi cầu nguyện cho ngài. Thật ra, trong tận thâm tâm mình, chính chúng tôi cầu phúc lành cho ngài, chúng tôi được có ngài như con người thật của ngài. Không những chỉ vì, khi quay lưng với những trang sức huy hoàng, với đôi giày đỏ, với thánh giá vàng, với xe limusin có kiếng mờ, nhưng nhất là, ngài đã tạo ra một cơn địa chấn truyền thông, đối với chúng tôi, Giáo hoàng cách mạng Argentina này là ngôn sứ, ngài đã thay đổi nghề phóng viên vatican của chúng tôi.

Như thế, ngài luôn đưa ra thách thức mới cho chúng tôi, như thách thức hiểu vì sao ngài tôn kính bức tranh “Đức Mẹ tháo gỡ nút thắt”. Học đoán xem sứ điệp vi tế nào ngài muốn trao truyền khi ngài đặt gần các thang máy dẫn lên các căn hộ  chính thức một bức tượng mà ngài tinh nghịch đặt tên “Đức Bà Thầm lặng”, với hàng chữ “Xin cầu nguyện cho chúng con”. Một lời nhắn nhũ đặc biệt rằng, theo luật đan viện, khi rời nơi nguy nga này, đa số các khách viếng thăm chỉ có một ý tưởng: tiết lộ hết buổi tiếp kiến riêng…

Vậy biểu tượng nào, ẩn ngữ nào dấu đàng sau lời cầu xin mà trên lý thuyết là rõ ràng này?

Đó là một nút thắt mới phải gỡ ra. Cuộc phiêu lưu vẫn còn tiếp tục!

Caroline Pigozzi, Rôma, ngày 20 tháng 4 – 2016

Marta An Nguyễn chuyển dịch