“Một ngày nọ, tôi quyết định tôi sẽ không như mẹ tôi”

299

Alice Achan: “Một ngày nọ, tôi quyết định tôi sẽ không như mẹ tôi”

cath.ch, Raphael Zbinden, 2016-06-17

“Giáo dục một phụ nữ là giáo dục cả một quốc gia”, Alice Achan tin chắc như vậy. Bà Alice Achan giải thích cho báo Công giáo Thụy Sĩ thế nào, qua các trường học của bà, bà đã dạy các bà mẹ trẻ ở Uganđa, thế nào bà đã đóng góp một cách thiết yếu cho sự phát triển quốc gia mình.

 

Alice Achan, Giải Caritas 2016

Bà Alice Achan điều khiển một dự án ở miền Bắc Uganđa và đã được Cơ quan Caritas công giáo Thụy Sĩ hỗ trợ. Bà là người hoạt động tích cực, bà theo đạo Tin lành nhưng bà cho biết, trước hết mình là kitô hữu, bà thành lập hai cơ sở giáo dục học đường và nghề nghiệp cho các bà mẹ trẻ và các thiếu nữ mang thai. Sau cuộc nội chiến đã phá hủy nền tảng xã hội-văn hóa của đất nước và các cơ cấu cộng đồng, rất nhiều thiếu nữ mang thai ở một độ tuổi còn rất nhỏ và các em bị loại ra khỏi trường học. Một vài em còn bị khai thác như nô lệ tình dục trong lực lượng dân quân gốc Uganđa có tên trại ra là “Đội quân kháng cự của Chúa” (Lord’s Resistance Army-LRA), một đội quân đã tàn phá đất nước trong thời kỳ chiến tranh. 

Điều gì đã làm cho bà dấn thân vào công việc này?

Tôi sinh ra và lớn lên ở Agogo, miền Bắc Uganđa. Chung quanh tôi, tôi thấy rất nhiều phụ nữ khổ sở vì hoàn cảnh sống của họ, nhất là vì thiếu học. Đó cũng là trường hợp của mẹ tôi, bà phải làm việc cực nhọc ngoài ruộng để nuôi sống gia đình. Bà không có điều kiện để gởi tôi tới trường. Cha tôi giàu, nhưng ông không thấy quan trọng phải cho con gái đi học. Một ngày nọ, tôi quyết định, tôi sẽ không giống như mẹ tôi.

“Văn hóa ở Uganđa rất tiêu cực với phụ nữ”

Với sự trợ giúp tài chánh, đáng kể là của một linh mục công giáo người Ý, tôi có thể đến trường khi chiến tranh bùng nổ, với quyết tâm là phải học xong. Ở nơi sinh trưởng của tôi trong thời kỳ bị xung đột, các trường học bị đóng cửa trong vòng bốn năm. Lúc đó các dân quân của lực lượng LRA bắt cóc trẻ em và bắt các em làm lính, các em bé gái thì khai thác làm nô lệ tình dục. Tôi ở thành phố Gulu để học. Sau đó tôi làm trợ tá xã hội trong thành phố này.

Và như thế bà nảy ra ý định giúp các bà mẹ trẻ?

Đúng, nhất là các em đã từng làm nô lệ tình dục được giải phóng khỏi lực lượng LRA. Các cô đang mang thai hay đã có con. Đặc biệt có một em đã thuyết phục tôi, rằng tôi phải dấn thân cho chính nghĩa này. Em vừa thoát khỏi nanh vuốt của đội dân quân. Em đã có một đứa con và đang mang thai, em không có một chỗ nào để ở, cha mẹ em đã bị lực lượng LRA giết. Tôi nuôi em trong căn hộ của tôi. Em rất quyết tâm muốn thoát ra khỏi tình trạng này, và em bắt đầu học may. Em đã nhanh chóng tự lập được.

Gương của em đã thúc đẩy tôi dấn thân hơn giúp cho các cô gái này để các em có thể tự lập về tài chánh và tái hội nhập vào xã hội. Chương trình đầu tiên của tôi là thành lập Ủy ban cố vấn huynh đệ Kitô (Christian Counseling Fellowship, CCF), để tư vấn và giúp đỡ cho các cô đã từng bị lực lượng LRA bắt, nhất là để họ tìm lại gia đình của mình. Rồi năm 2007, khởi đi từ Ủy ban cố vấn huynh đệ Kitô, tôi thành lập Học viện nữ Pader (Pader Girls Academy), gần tỉnh Agago.

Ký ức về đời sống của mẹ tôi luôn giúp tôi cảm hứng, thúc đẩy tôi làm sao để các em này không như mẹ tôi. Mẹ tôi đã rất vui khi tôi được đi học và tìm được việc làm. Còn cha tôi thì đã chết trong thời gian chiến tranh.

Các học sinh của bà sẽ như thế nào nếu các em không được đến trường?

Đa số các em sẽ ở nhà, các em không thể nào nhận được giáo dục, vì ở Uganđa, các thiếu nữ mang thai và có con không thể đến trường. Rất khó khăn cho các em, vì một mặt phải trông con, một mặt phải kiếm sống, thường là các em phải làm nghề nông. Không được giáo dục, thật sự các em không có một cơ may nào để tìm việc làm. Tỷ số thất nghiệp của các cô gái trẻ ở Uganđa là 80%. 

Làm sao bà có thể mang lại tự tin cho các em đã bị làm nô lệ tình dục? 

Chúng tôi có một chương trình rất trọn vẹn, bao gồm các dịch vụ tư vấn, tái hội nhập xã hội. Chúng tôi đảm bảo các nhu cầu căn bản của các em và con cái của các em, nhất là các săn sóc y tế và tâm lý. Điều quan trọng cho các em là các em hiểu mình đang sống trong hoàn cảnh như thế nào, để hướng các em vào tiến trình hội nhập xã hội. Sự kiện các em cùng sống chung với các cô gái khác đồng cảnh ngộ rất hữu ích. Chúng tôi thành lập từng nhóm hỗ trợ cho nhau. 

Có khi nào bà bị thất bại không?

Đương nhiên là có, đôi khi các chấn thương quá sâu đậm, các em không thể nào học hành bình thường. Khi các em không vượt lên được các vấn đề của mình, các  em thường bỏ trường bỏ học.

Các phụ nữ là tương lai

Nhưng các thành công thường lớn hơn các thất bại, một phần lớn các em học xong đều kiếm được việc làm hoặc nơi thực tập, nhất là trong các ngành khách sạn, y tế, cô giáo hay cô mụ. 1’200 nữ sinh đã tốt nghiệp trường Pader Academy, hiện nay trường có 360 em nội trú. Một nhóm 135 các em nội trú của trường Nwoya, được thành lập năm 2014 sẽ thi tốt nghiệp sắp tới. Một dấu hiệu rất đáng khích lệ là nhiều em sau khi tốt nghiệp đã về lại cộng đồng mình để dạy lại cho trẻ em những gì các em đã được học. Như thế các em cổ động cho việc giáo dục các em bé gái trên toàn đất nước.

Ngoài ra, ở Nwoya chúng tôi cũng đang xây một loạt nhà một tầng dành cho khách du lịch đến thăm công viên quốc gia gần Murchison Falls. Dự án này, ngoài việc mang lại thu nhập còn cung cấp cho các em cơ hội thực tập, và có khi là có công ăn việc làm.

Có một yếu tố văn hóa căn bản của tỷ số đi học của phụ nữ…

Ở Uganđa, nền văn hóa rất tiêu cực đối với phụ nữ. Chính yếu họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào chồng và bị xem như “có lợi về mặt xã hội”, nhất là một khi họ lập gia đình, họ được xem như một nguồn lợi tức. Như thế, giáo dục cho phụ nữ không được tôn trọng.

Chung chung trường chúng tôi bị xem là gương xấu cho các em bé gái. Thậm chí một vài người còn cho rằng trường khuyến khích các em mang thai ngoài hôn nhân. Điều khôi hài là không một em nào quyết định mình ở trong hoàn cảnh này. Họ cũng nói, các em bé gái đi học thì không thể lấy chồng và như thế chẳng mang lợi ích gì cho gia đình. Các em nội trú của chúng tôi thường bị xã hội dèm pha, và người dân xem trường chúng tôi là trường “hạng hai”.

Như thế cũng không phải dễ cho tôi để có được giấy phép xây cất các cơ sở. Tôi phải mất nhiều thì giờ và phải làm áp lực, với sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các hiệp hội, các chính trị gia “khai ngộ”, để thuyết phục Bộ Giáo dục thấy được tầm quan trọng các công việc của chúng tôi. Cách đây ba năm, Caritas Thụy Sĩ đã giúp chúng tôi xây trường Nwoya, sự hỗ trợ này đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc và đảm bảo sự phát triển.

Video do Caritas Thụy Sĩ thực hiện để giới thiệu công việc của bà có tên “Các phụ nữ là tương lai” (Die Zukunft ist weiblich). Bà có đồng ý với khẳng định này không?

Chắc chắn. Tôi luôn nghĩ giáo dục cho phụ nữ là giáo dục cho toàn đất nước. Văn hóa Uganđa ngăn phụ nữ đến trường học, làm chận sự phát triển của đất nước. Trước hết, sự việc phụ nữ không được đi học là nguyên do cho sự nghèo khổ của họ. Nếu phụ nữ không tự nuôi được mình đàng hoàng và cũng không nuôi được con, thì mọi người đều bị bệnh. Quốc gia sẽ phải trả một chi phí khổng lồ cho vấn đề sức khỏe. Trong khi đó tiền là để dùng cho sự phát triển quốc gia.

“Chuyến viếng thăm

của Đức Giáo hoàng

là dấu chỉ của hy vọng”

Các phụ nữ có học tham dự nhiều hơn trong công việc chính trị. Hiện nay, họ rất ít tham dự, họ còn lo cho sự sống còn hàng ngày và họ cũng không quan tâm đến những việc này. Nếu các phụ nữ đi bầu hàng loạt, họ sẽ có các quyết định căn bản để đưa đất nước đi trên một con đường khác. Thêm nữa, phụ nữ thường quản trị tốt hơn đàn ông, đó là ở đất nước Uganđa: nếu bạn đưa 10 đôla cho một người đàn ông, họ sẽ phung phí, nhưng nếu bạn đưa cho một phụ nữ, họ sẽ chi tiêu vào việc thiết yếu.

Đức Phanxicô vừa viếng thăm Uganđa. Phản ứng của người dân như thế nào về chuyến viếng thăm của ngài?

Chuyến viếng thăm của ngài là dấu chỉ hy vọng cho toàn dân tộc Uganđa, đặc biệt cho phụ nữ. Sự dấn thân của ngài để bảo vệ những người yếu nhất và phụ nữ đã là nguồn cảm hứng. Toàn Giáo hội kitô giáo cảm thấy mình có một trách nhiệm đặc biệt để đấu tranh chống bạo lực và kỳ thị đối với phụ nữ. Đức Giáo hoàng đặc biệt đã gặp các nữ tu của Uganđa, họ là những người luôn có mặt và có ảnh hưởng trong xã hội, nhất là trong các công việc xã hội của họ. Các nữ tu rất tích cực trong cùng lãnh vực với chúng tôi, giúp phụ nữ và các em bé gái. Đức Giáo hoàng cũng đã khuyến khích và hỗ trợ họ trong công việc giúp những người bần cùng nhất. Sự nhiệt thành này chạm đến chúng tôi một cách trực tiếp, nhất là khi Ủy ban cố vấn huynh đệ Kitô làm việc chặt chẽ với các Dòng và các công việc của Giáo hội chung chung.

Marta An Nguyễn dịch