Chào đón là đón nhận hết tất cả mọi người, không chừa một ai, bất chấp mọi khác biệt

275

Vatican Insider | Andera Tornielli | 11-6-2016

‘Đa dạng là những gì làm nên cộng đoàn’ các giáo xứ phải chào đón tất cả mọi người và không bao giờ đóng cửa trước những người khác biệt những người khuyết tật, những người phải được đưa đường đến với các bí tích.’

Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô nói với các tham dự viên Hội nghị dành cho những người có khuyết tật, ở sảnh Phaolô VI nhân trước thềm sự kiện Toàn xá cho người bệnh và người khuyết tật. Như thường thấy trong những dịp như thế này, Đức Phanxicô bỏ qua bài diễn văn soạn sẵn và nói bộc phát, trả lời ba câu hỏi.

Chào đón là đón nhận hết tất cả mọi người

Câu hỏi thứ nhất là của Lavinia, nói về việc cô sợ mình không hiểu khi theo học giáo lý ở giáo xứ, và sợ sự đa dạng.

‘Tất cả chúng ta đều khác nhau,’ Đức Phanxicô trả lời, ‘không một ai giống người khác, và luôn có khác biệt, dù lớn hay nhỏ, nhưng chúng ta tất cả đều khác nhau. Tại sao lại sợ sự đa dạng?  Bởi vì cố gắng gặp một người mang một khuyết tật nặng đúng thật là một thách thức, mà chúng ta lại sợ các thách thức. Sẽ thoải mái hơn nhiều khi cứ trơ ra, làm ngơ sự đa dạng, nói rằng ai cũng như ai, và nếu có ai đó không như mọi người thì cứ để đuổi họ ra.

Sự khác biệt là một tài sản, bởi vì như thế tôi có một điều gì đó, bạn có một điều gì khác, và với hai điều này chúng ta có thể làm nên một điều tốt hơn đẹp hơn. Một thế giới mà ai cũng như ai thì quá chán. Đúng là có những khác biệt gây đau đớn, chúng ta đều biết rằng những người đó đang bị một căn bệnh trầm trọng, nhưng chính điều này giúp cho chúng ta, thách thức chúng ta và làm phong phú chúng ta. Đừng bao giờ sự sự đa dạng, đây là cách tốt nhất để phát triển và trở nên đẹp hơn phong phú hơn. Mà sao để được như thế? Chúng ta cần phải chia sẻ những gì mình có. Có những cử chỉ đẹp mà người ta làm một cách vô thức, như bắt tay: khi tôi bắt tay người khác, cái bắt tay chân thành,  là tôi chia sẻ những gì tôi có với bạn. Tôi cho bạn cái của tôi, bạn cho tôi cái của bạn và thế là tốt đẹp cho tất cả mọi người và giúp cho tôi được lớn lên.’

Câu hỏi thứ hai là của Serena, một cô gái phải gắn chặt với chiếc xe lăn, cô hỏi vì sao có nhiều trẻ em khuyết tật không được rước lễ.

‘Serena thực sự đã đưa cha vào đúng vấn đề.’ Đức Phanxicô trả lời. ‘Bởi nếu cha nói những gì cha nghĩ … Serena nói về một trong những chuyện xấu xa nhất giữa chúng ta, là sự kỳ thị. Nó là một sự kinh tởm. ‘Bạn không giống tôi, nên bạn ra kia còn tôi ở đây.’ ‘Nhưng tôi muốn học giáo lý …’ ‘Không bạn không thể ở trong giáo xứ này, giáo xứ này là cho những người giống nhau kia.’ Thế đây là một giáo xứ tốt hay xấu? Linh mục quản xứ phải làm gì đây? Phải hoán cải, biến đổi. Đúng thật là nếu muốn rước lễ, thì cần có chuẩn bị và nếu bạn không hiểu ngôn ngữ, chẳng hạn nếu bạn bị điếc thì giáo xứ cần có cách để bạn có thể chuẩn bị để rước lễ bằng ngôn ngữ dấu hiệu.

Nếu bạn khác biệt, bạn vẫn có cơ hội để nên tốt nhất. Sự khác biệt không nói rằng một người có năm giác quan thì tốt hơn một người bị câm điếc. Tất cả chúng ta đều có thể lớn lên, có thể yêu Chúa, hiểu được giáo lý, và lãnh nhận bí tích. Một thế kỷ trước, Đức Giáo hoàng Piô X đã nói rằng trẻ em phải được rước lễ, và điều này khiến nhiều người khó chịu. Họ nói, ‘trẻ con chẳng hiểu gì, chúng khác chúng ta, chúng không hoàn toàn hiểu …’ Nhưng cho trẻ em rước lễ là biến một sự khác biệt thành bình đẳng, bởi Đức Piô X biết rằng trẻ em có một cách khác để hiểu.

Ở trường và quanh hàng xóm, mỗi người đều có mỗi tài riêng, mỗi người là khác biệt. Đây là lý do vì sao những gì Serena nói quá thường xuyên xảy ra, và là một trong những chuyện kinh khủng trong thành phố và trong cuộc sống của chúng ta, sự kỳ thị đi kèm với những lời xúc phạm nữa. Không được kỳ thị. Mỗi một người chúng ta có một cách khác nhau để biết mọi sự, người biết cách này người biết cách khác. Nhưng tất cả đều có thể biết Chúa. Trong thánh lễ và trong bí tích, mọi người đều bình đẳng, bởi tất cả đều có cùng một Chúa và cùng một mẹ là Mẹ Maria.’

Câu hỏi thứ ba là của cha Luigi, quản xứ Các Thánh Tử đạo Uganda ở Roma. Cha nói rằng ‘không phải tất cả chúng ta đều luôn luôn có thể chào đón, con muốn tìm sự giúp đỡ trong việc huấn luyện cộng đoàn và trong việc chào đón mọi người.’

‘Làm sao để chào đón hết tất cả mọi người?’ Đức Phanxicô hỏi. ‘Nếu một linh mục không chào đón hết tất cả mọi người, thì giáo hoàng biết nói gì đây? Giáo hoàng sẽ bảo cha đó nên đóng cửa nhà thờ đi thôi, hoặc là tất cả hoặc không ai cả. Nhưng linh mục đó sẽ nói: ‘Con không thể chào đón hết tất cả mọi người, bởi không phải ai cũng có thể hiểu.’ Chính cha mới là người không thể hiểu. Với sự giúp đỡ của giáo dân và giáo lý, một linh mục phải giúp hết tất cả mọi người hiểu đức tin, đức mến, biết cách làm bạn và hiểu được những khác biệt, biết cách bổ trợ cho nhau.

Bạn phải chào đón và lắng nghe. Chào đón nghĩa là đón nhận hết tất cả mọi người. Và lắng nghe hết tất cả mọi người. Cha nói với con một điều: ngày hôm nay cha tin rằng chăm lo mục vụ Công giáo đng làm những điều tốt đẹp, nhưng có một việc chúng ta có thể làm tốt hơn nữa, đặc biệt là với các linh mục, đó là tông đồ bằng đôi tai, là lắng nghe. ‘Nhưng cha ơi, chán lắm, bởi lúc nào con cũng nghe lui nghe tới những chuyện như nhau.’ Nhưng họ không phải là cùng một người. Và con phải kiên nhẫn lắng nghe. Chào đón và lắng nghe.’

Trong khi Đức Phanxicô đang nói thì một cô bé nhỏ bị hội chứng Down tiến tới chỗ ngài. Đức Phanxicô để bé ngồi dưới chân mình, ‘Bé dũng cảm, bé không sợ, bé mạo hiểm, bé biết sự khác biệt là một tài sản. Bé sẽ không bao giờ bị kỳ thị, bé có thể tự bảo vệ mình.’

J.B Thái Hòa chuyển dịch