Báo Thập Giá phỏng vấn Đức Phanxicô

212

Radio Vatican,  2016-05-16

Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến ngày thứ bảy 20160514

Cơn khủng hoảng ơn gọi, các vụ ấu dâm, các thành viên phái lefebvre: đó là một vài đề tài Đức Phanxicô đề cập đến trong buổi phỏng vấn dài ngài dành cho nhật báo công giáo Pháp Thập Giá (La Croix), bài báo đầy đủ sẽ đăng trong ấn bản giấy ngày thứ ba 17 tháng 5-2016. Nếu nước Pháp là con đầu lòng của Giáo hội thì nước Pháp lại là vùng “ngoại vi cần được phúc âm hóa”, Đức Phanxicô giải thích. Ngài xác nhận Tổng thống Pháp François Hollande và Hội đồng giám mục Pháp đã gởi thư mời chính thức ngài thăm nước Pháp. Nhưng về ngày tháng thì chưa định, chắc chắn không phải là năm 2017 vì đó là năm bầu cử. Đức Phanxicô có nêu lên thành phố Marseille, một thành phố chưa có giáo hoàng nào đến thăm.

Về vấn đề phúc âm hóa, Đức Phanxicô nhấn mạnh, “không nhất thiết cần linh mục” ngài nêu ví dụ của Hàn Quốc. Thêm một lần nữa, ngài lưu ý chống chủ nghĩa giáo quyền, ngài cho đây là một “nguy hiểm”.

Đức Giáo hoàng không tránh né các vấn đề hiện nay của Giáo hội Pháp, mấy tuần gần đây Giáo hội Pháp bị chấn động về các vụ ấu dâm. “Trong lãnh vực này, ít có các quy định. Qua các lạm dụng này, một linh mục có ơn gọi là đưa trẻ em đến với Chúa thì linh mục này lại hủy hoại em. Linh mục đó gây ra sự dữ, lòng oán giận, sự đau khổ. Như Đức Bênêđictô XVI đã nói, mức độ khoan dung phải là zero.”

Trong bối cảnh này, Đức Phanxicô ca ngợi Đức Hồng y Barbarin, Tổng Giám mục địa phận Lyon. Ngài “đã có những biện pháp cần thiết”, Đức Giáo hoàng nói thêm và yêu cầu nên chờ phần tiếp theo của các thủ tục pháp lý. Đối với Đức Giáo hoàng, không có chuyện hồng y Barbarin từ chức. “Đó là trái lẽ phải, là thiếu thận trọng”, ngài khẳng định.

Đối thoại với các thành viên phái lefebvre nhưng không có một thỏa thuận nào

Một hồ sơ khác của Giáo hội Pháp, đó là các quan hệ với Huynh đoàn Thánh Piô X. Đức Phanxicô đã biết về Huynh đoàn này từ khi còn ở Buenos Aires. Theo ngài, các thành viên phái lefebvre là “những người công giáo đang trên đường đi đến sự hiệp thông trọn vẹn”. Ngài công nhận có một đối thoại, ngài hiểu “Đức ông Fellay là một người có thể đối thoại”: “Hai bên đi chậm, với nhiều kiên nhẫn”, nhưng cho đến lúc này chưa có một thỏa thuận nào giữa hai bên được nhắm đến.

Sau hai Thượng Hội Đồng Gia đình, Đức Giáo hoàng công nhận trước và sau Thượng Hội Đồng là có khác. Trong huấn dụ hậu-thượng hội đồng, ngài đã tìm cách “tôn trọng tối đa Thượng Hội Đồng”. “Đây là một suy tư bình tâm, hòa dịu về nét đẹp của tình yêu, làm sao giáo dục con cái, làm sao chuẩn bị hôn nhân. Nó làm tăng giá trị các trách nhiệm của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách giáo dân dưới hình thức các đường hướng chỉ dẫn”. Ngài cũng nói đến việc suy nghĩ một “tinh thần làm việc đồng đội đích thực”. “Các giám mục là những người cùng với người kế nhiệm Thánh Phêrô và dưới quyền người kế nhiệm Thánh Phêrô (cum Pietro, sub Pietro). Điều này khác với tinh thần thượng hội đồng của chính thống giáo và của các Giáo hội Hy Lạp-công giáo, nơi thượng giáo phụ chỉ được tính có một tiếng nói”.

Sau bài diễn văn ở Nghị viện Âu Châu ở Strasbourg và bài diễn văn khi Đức Giáo hoàng nhận Giải Charlemagne, Đức Giáo hoàng nhắc lại về các gốc rễ của Âu Châu. “Phải nói gốc rễ ở số nhiều vì nó có rất nhiều. Trong nghĩa này, khi tôi nghe nói về các gốc rễ kitô giáo ở Âu Châu, đôi khi tôi sợ cho giọng điệu, có thể trong tư thế người thắng hoặc trong ý báo thù. Và như thế lại trở thành chủ nghĩa thực dân”, ngài nói rõ thêm.

Người di dân: các vấn đề được đặt ra

Về vấn đề di dân ở Âu Châu, Đức Giáo hoàng thừa nhận, “không thể nào mở rộng cửa một cách phi lý. Nhưng vấn đề căn bản được đặt ra là tại sao có quá nhiều người di dân hiện nay.” Về gốc rễ của hiện tượng này, có một “hệ thống kinh tế toàn cầu chìm trong việc thờ ngẫu tượng tiền bạc”. Ngài kêu gọi Âu Châu hội nhập những người di dân mới đến này, cũng như “Âu Châu đang có vấn đề lớn về chuyện không sinh sản, do tìm cho mình được thoải mái một cách ích kỷ”.

Về vấn đề hồi giáo và nỗi sợ của tôn giáo này, Đức Phanxicô cho rằng, sự sợ hãi còn đáng sợ hơn là sợ Nhà nước Hồi giáo Tự xưng và “cuộc chiến tranh xâm lược”, ngay cả khi “ý tưởng cuộc chinh phục này là cố hữu trong tâm hồn hồi giáo”. Đức Phanxicô mời gọi “đặt câu hỏi về cách nào để mang khuôn mẫu dân chủ quá phương Tây đến những nước có quyền lực mạnh như nước Irak”. Vì, “xét cho cùng, sự sống chung giữa tín hữu kitô giáo giáo và hồi giáo là điều có thể được”.

Đề cập đến vấn đề thế tục, Đức Phanxicô xem “một hình thức thế tục được luật bảo đảm tự do tôn giáo hỗ trợ sẽ tạo một khung để đi đến đàng trước”. “Mỗi người phải có tự do biểu lộ đức tin của mình ra ngoài. Nếu phụ nữ hồi giáo muốn mang khăn quàng thì họ phải có quyền mang. Cũng như người công giáo, nếu họ muốn mang thánh giá, thì họ có quyền mang”.

Ngài lấy làm tiếc là nước Pháp đã làm quá về vấn đề thế tục. “Điều này đến từ việc xem các tôn giáo là một loại văn hóa-thứ yếu chứ không phải là một loại văn hóa riêng của nó”. Và ngài nói thêm: “nước Pháp phải đi một bước tới đàng trước về vấn đề này, để chấp nhận rằng, việc mở ra với điều siêu việt phải là một quyền cho tất cả mọi người”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch