Vì sao Đức Phanxicô về từ Hy Lạp với các người tị nạn hồi giáo

317

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, gởi từ máy bay giáo hoàng, 2016-04-16

Trên chuyến bay từ Hy Lạp về Rôma sau một ngày đến đảo Lesbos Đức Phanxicô giải thích cho các ký giả biết chi tiết và lý do của một việc làm chưa từng có trong lịch sử.

Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.
Chiều thứ bảy 6 tháng 4-2016, Đức Phanxicô đón các gia đình tị nạn đến đất Âu Châu.

Một sự kiện bất bình thường cho một cuộc họp báo của Đức Giáo hoàng trên máy bay: đàng sau bức màn chia các cabin và nơi Đức Giáo hoàng có truyền thống gặp ký giả sau mỗi chuyến đi, thì chiều thứ bảy 16-4, sau bức màn này là tiếng kêu, tiếng nói của trẻ con. Chúng chơi và rất sung sướng được ở trên máy bay, các em là con của ba gia đình người tị nạn hồi giáo Syria, tổng cộng 12 người mà Đức Phanxicô quyết định đưa từ đảo Lesbos, Hy Lạp, nơi họ sẽ không được ở lại và sẽ phải về Thổ Nhĩ Kỳ về Rôma. Khi máy bay đáp xuống phi trường Rôma Ciampino, Đức Phanxicô là người xuống trước để một cách tượng trưng, trước các ống kính, ngài sẽ là người đầu tiên đón các gia đình này đến trên đất Âu Châu.

Một giờ trước đó, trên máy bay, Đức Phanxicô đã giải thích sự kiện có một không ai trong lịch sử này, không xa ghế của ngài, ba phụ nữ mang voan hạnh phúc được sống giây phút chấm dứt cơn ác mộng dài của mình, một ngôi nhà của một trong ba gia đình này đã bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo Tự xưng phá hủy.

“Tôi không chọn giữa người hồi giáo hay người kitô giáo, ngài cam đoan với các ký giả. Hồ sơ của ba gia đình này đã sẵn sàng theo luật. Như vậy đây không phải là một ưu đãi. Mười hai người này tất cả là con của Chúa và tôi mến chuộng các con của Chúa!”

Một sáng kiến được giữ tuyệt đối mật

Đó là “Vatican” sẽ lo sinh sống cho các gia đình này, nhưng chính “Hiệp hội Sant Egidio” – là cơ quan đứng sau ý kiến và sáng kiến này-, sẽ lo cụ thể cho họ. Đức Phanxicô cam đoan, “không có một toan tính chính trị nào trong việc này. Chuyến đi này là một chuyến đi nhân đạo.” Ý kiến này được các cộng sự của tôi nghĩ ra tuần vừa qua và Vatican giữ bí mật cho đến giờ lên máy bay, tôi đồng ý ngay lập tức vì tôi thấy ý kiến này đến từ Thần Khí,” Đức Phanxicô giải thích. Chính xác: “Tất cả ở trong luật lệ. Cả ba chính quyền Vatican, Ý và Hy Lạp đều đồng ý và họ cấp chiếu khán.”

“Luôn có những đợt đến Âu Châu, và nó làm phong phú cho nền văn hóa”

Được hỏi về các “khó khăn hội nhập của người hồi giáo ở Âu Châu”, Đức Phanxicô trả lời: “Một vài người khủng bố đã có những hành động giết người là con cái hoặc cháu chắt của những người sinh ra tại Âu Châu. Vậy chuyện gì đã xảy ra? Theo tôi, chính sách hội nhập là nền tảng. Ngày nay Âu Châu phải tìm lại khả năng để luôn hội nhập được những người đến đây. Luôn có những đợt đến Âu Châu, và nó làm phong phú cho nền văn hóa.”

Được hỏi ngài nghĩ gì về việc “củng cố biên giới của một vài nước Âu Châu” để chống làn sóng người di dân, Đức Phanxicô cam chắc: “Tôi hiểu chính quyền và dân chúng một cách nào đó đã sợ. Tuy nhiên chúng ta phải có một trách nhiệm lớn trong việc tiếp nhận. Trách nhiệm này phải biết làm sao để hội nhập những người này.” Rồi ngài nói thêm, “tôi luôn nói các bức tường không phải là giải pháp. Chúng ta đã thấy vụ bức tường bị sụp đổ vào thế kỷ vừa qua. Nó không giải quyết được gì. Chúng ta phải xây cầu. Nhưng phải xây một cách khéo léo. Bằng đối thoại, bằng hội nhập. Tôi hiểu có một nỗi sợ, nhưng đóng cửa biên giới không giải quyết được gì. Về lâu về dài, nó làm thiệt hại cho chính dân tộc mình.”

Ngài kết luận bằng lời kêu gọi Âu Châu: “Một cách khẩn cấp, Âu Châu phải có đường lối tiếp nhận, hội nhập, tăng trưởng, việc làm, cải cách kinh tế. Các yếu tố này là những chiếc cầu, nó không dẫn chúng ta đến việc xây tường. Nhưng thêm một lần nữa, tôi thông cảm cho nỗi sợ.” Sau đó Đức Phanxicô nhắc một câu của Mẹ Têrêxa để giải thích tinh thần hành vi của mình: “Sau giọt nước này, đại dương sẽ không còn là đại dương cũ. Đó là một hành vi nhỏ mà chúng ta phải làm để đưa tay ra cho người đang cần.”

Marta An Nguyễn chuyển dịch