Làm sao để xác định Hiệu ứng Phanxicô

265

Crux | Austen Ivereigh | 06-04-2016

Pope Francis gestures towards crowd as he begins general audience in St. Peter's Square at Vatican

Không một ai hoài nghi sức lôi cuốn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, dù là ở quảng trường thánh Phêrô hay trên Instagram. Nhưng việc mọi người muốn thấy và nghe Đức Phanxicô, không nói lên nhiều về tác động của ngài trên họ, hay trên Giáo hội.

Để xác định thành công của một giáo hoàng, trước hết bạn phải xác định cải cách chính mà ngài mong muốn, và mức độ đạt được.

Với thánh Gioan Phaolô II, là ‘Công giáo Phúc âm hóa.’ Sau một thập kỷ hỗn loạn và bất đồng, ngài muốn Giáo hội trung thành hơn với truyền thống của mình, và can đảm hơn, mạnh mẽ hơn trong việc tuyên xưng đức tin.

Còn với Đức Bênêđictô XVI là Tân Phúc âm hóa. Đối diện với sự độc tài của chủ nghĩa tương đối, ngài tìm kiếm một Giáo hội có thể biểu lộ tốt hơn về sự rõ ràng, cố kết và uy quyền của các huấn giáo khả tin với tâm thức hiện đại.

Với Đức Phanxicô, kế hoạch của ngài có thể nói là ‘Biến đổi Mục vụ.’ Ngài muốn Giáo hội gần gũi hơn với hiện thực của đời sống thường nhật, đơn sơ hơn, nghèo hơn, và dễ gần hơn, truyền tải tình yêu thương xót của Chúa hơn.

Đây là kế hoạch đã được đặt ra từ tông huấn Niềm vui của Tin mừng năm 2013, và trong các bài diễn văn ở Florence, ở buổi bế mạc Hội đồng Giám mục năm ngoái, và mới đây là ở Mexico City.

Cùng với các văn kiện huấn giáo của mình, các giáo hoàng còn có phương thức riêng để thực hiện sự biến đổi đó.

Với Đức Gioan Phaolô II, là các chuyến tông du và hình ảnh toàn cầu. Với Đức Bênêđictô XVI, là hội đồng về Tân Phúc âm hóa và văn phòng ngài thành lập để hiện thực hóa điều này.

Còn với Đức Phanxicô, là Hội đồng về Gia đình và Năm Toàn xá Lòng Thương xót.

Bây giờ, sau 3 năm triều giáo hoàng của ngài, có lẽ cũng đến lúc để hỏi rằng: ‘Giáo hội đã ‘biến đổi mục vụ’ đến đâu?

Tất nhiên là có thể nói, còn quá sớm để nói chuyện này? Nhưng có những dấu cho thấy chiến lược của ngài đang ghi dấu ấn.

Các mục tử mang mùi chiên

Đức Phanxicô đã có nhiều quyết định lựa chọn phong giám mục rất tinh tế trong những năm qua, với mục đích rũ bỏ khỏi Giáo hội các xung đột chính trị và hệ tư tưởng, và tập trung vào nhu cầu và bận tâm của những người bình thường.

Hiệu ứng thấy rõ khi Đức Phanxicô đặt các giám mục mục tử ở những giáo phận trước đây được cai quản bởi các chiến binh văn hóa. Ví dụ như giám mục Blase Cupich ở Chicago, Matteo Zuppi ở Bologna, hay Carlos Osoro ở Madrid.

Có lẽ ví dụ rõ nhất cho ‘biến đổi mục vụ’ là Tây Ban Nha, nơi Đức Phanxicô không chỉ bổ nhiệm mới cho Madrid, mà còn Barcelona và các giáo phận quan trọng khác.

Tháng trước, tờ Vida Nueva ở Madrid đã chạy tít cho một bài báo dài: ‘Sự biến đổi của các Giám mục Tây Ban Nha.’ Trong bài báo, một giám mục mô tả hình ảnh tương lai của Giáo hội ở Tây Ban Nha là ‘gần gũi hơn với mọi người, bình thường hơn, thương xót hơn, sẵn sàng đối thoại hơn,’ và đặc biệt là mang tính đoàn thể giám mục, ra quyết định như một đội.

Hay, một biến đổi nữa như Giám mục của Vitoria, Tây Ban Nha đã nói: ‘Một giám mục có thể tiếp tục là một linh mục giáo xứ.’

Kháng cự Lòng Thương xót

Trên nguyên tắc ‘thuốc đắng dã tật’ một dấu chỉ chắc chắn rằng cuộc cách mạng Phanxicô đang hoạt động,đó là sự lo lắng đang khơi lên.

Chiến lược phúc âm hóa của Đức Phanxicô tiên quyết nêu bật lòng thương xót Chúa, bởi những người cảm nghiệm được lòng thương xót thì mở ra với chân lý của Chúa. Nói đơn giản, lòng thương xót biến đổi con người.

Ngược lại, khi Giáo hội thiếu lòng thương xót khi rao giảng, như khi không hiểu được các chướng ngại của hôn nhân, hay nỗi đau của li dị, thì Giáo hội bất khả tín và bị bác bỏ.

Như cha Raniero Cantalamessa, thầy giảng cho giáo hoàng đã nói trong quyển sách Cái nhìn của Lòng thương xót, thì những gì chúng ta đang nói đến ‘là hiệu lực hay thất bại của Giáo hội trong việc rao giảng.’

Nhưng với một vài giám mục trong thượng hội đồng, lòng thương xót có vẻ như là sự đầu hàng trước chủ nghĩa tương đối, làm phai nhạt chân lý để dễ tiêu hơn.

Đức Phanxicô mệt mỏi với thái độ này, thể hiện trong quyển sách ‘Danh Ngài là Thương xót’ khi Đức Giáo hoàng mô tả ‘những người gắn chặt vào chữ nghĩa lề luật nhưng lại làm ngơ tình thương, những người chỉ biết đóng cửa và vạch biên giới.’

Đây là lý do vì sao tông huấn về hôn nhân và gia đình sẽ được ban hành vào ngày thứ sáu này, có tầm giá trị rất lớn. Nếu tông huấn này thành công trong việc xác lập tông điệu cho chiến lược mục vụ của Giáo hội về Gia đình, một tông giọng thương xót chứ không phải phán xét và lên án, thì nó có thể là phát súng lệnh cho cuộc trở về lại với giáo xứ với tầm mức rộng lớn.

Như vậy,hai năm tới sẽ là thời gian căng thẳng nhất cho sự biến đổi mục vụ của Đức Phanxicô, khi nhìn lại hiệu ứng của tông huấn này.

Các giáo xứ truyền giáo

Và nếu mọi người trở lại, liệu các giáo xứ có sẵn sàng đón họ không? Lộ trình từ có một cái nhìn khác đến hiệp nhất làm một, là một con đường dài, và dựa nhiều vào những gì họ thấy được nơi giáo hội.

Các giám mục Mỹ La Tinh ở hội nghị Aparecida 2007, đã có một kế hoạch rõ ràng cho biến đổi mục vụ của các giáo xứ:

  • Đem lại cảm nghiệm riêng về Chúa Giêsu Kitô qua chứng thực riêng của mình
  • Tạo nên các cộng đoàn nồng hậu và chào đón
  • Đào tạo vững vàng về Kinh thánh và giáo lý như là những công vụ để tiến tới đường thiêng liêng
  • Tìm đến những người xa lánh Giáo hội

Liệu đây có phải là mô tả cho một giáo xứ mà hầu hết người Công giáo mong muốn hay không?

Austen Ivereigh là nhà báo, nhà văn, và là tác giả quyển “Nhà Cải cách Vĩ đại: Đức Phanxicô và con đường một Giáo hoàng Triệt để

J.B. Thái Hòa chuyển dịch