Chiếc khăn voan che đầu

301

Marta An Nguyễn

Michelle Obama đến Ả Rập Xauđi

Ngày 27 tháng 1-2016 vừa qua, Tổng thống Obama và phu nhân Michelle Obama đến Ả Rập Xauđi để tưởng niệm vua Abdallah băng hà. Đệ nhất phu nhân đã để đầu trần ở một nước bắt phụ nữ phải mang khăn voan che đầu khi ở nơi công cộng.

Từ khi vào Tòa Bạch Ốc, Michelle Obama chưa phạm lỗi lầm, bà luôn ở bên cạnh chồng trong các nghi lễ ngoại giao, bà cũng dấn thân trong các công việc vì lợi ích chung, như đưa ra chương trình chống béo phì nơi trẻ em ở Mỹ. Sau vụ này, người ta có thể nói bây giờ bà bảo vệ phụ nữ. Vì sao? Vì trong chuyến đi theo chồng qua Ả rập Xauđi để tưởng niệm vua Abdallah vừa băng hà, bà đã tạo một sự cố ngoại giao. Khi xuống máy bay Air Force One, Michelle Obama mặc bộ đồ xanh, cũng chẳng sao nhưng các nhà chức trách địa phương hơi khó chịu khi thấy bà thiếu một phụ tùng: chiếc khăn voan che đầu.

Một chuyên gia về Ả Rập xin được giấu tên nói với báo le Point, “theo tôi, bà Michelle Obama muốn gởi một tin nhắn chính trị cho vương quốc. Ở một xứ mà phụ nữ bị ức hiếp đè nén, các phụ nữ nước ngoài, hơn nữa là phụ nữ ở cấp cao thì không buộc phải mang voan. Nhưng thường họ mang vì lịch sự với nước mà họ có quan hệ kinh tế.”

Nếu nước Mỹ có quan hệ tốt với Ả rập Xauđi trong những thỏa hiệp dầu hỏa thì Michelle Obama nên mang voan, như thế các nhà chức trách sẽ không khó chịu khi thấy đệ nhất phu nhân. Dù vậy, họ cũng tỏ cho thấy họ không thích thấy bà như vậy. Họ không bắt tay và miễn cưỡng chào bà bằng cách ra dấu bằng đầu. Theo Bloomberg, khi đoạn phim chiếu Tổng thống Mỹ đến, hình ảnh của bà bị làm mờ đi.

Đời sống phụ nữ ở Ả rập Xauđi

Ở Ả rập Xauđi, phụ nữ phải mang voan, mặc y phục hồi giáo, họ phải tuân giữ luật hồi giáo thời Trung cổ khắc khe và bị cấm nhiều chuyện. Chẳng hạn, họ không có quyền lái xe và không vào tiệm ăn một mình. Muốn mở một tài khoản ngân hàng, làm việc hay lập gia đình, họ phải thông qua người cha, người chồng hay người anh/em trai, được xem như người bảo lãnh cho họ. Dù năm 2011, vua Abdallah đã cho phụ nữ được quyền đi bầu hay tham dự vào các cuộc bầu cử địa phương, nhưng điều này không thật sự có hiệu quả trên các phong tục sâu đậm của đất nước, một đất nước áp dụng triệt để luật hồi giáo.