“Lòng thương xót là chân tính của Chúa”

426

Radio Vatican, 2016-01-12

Phát hành sách

Quyển sách phỏng vấn của Đức Phanxicô “Tên của Chúa là Thương Xót” được ra mắt ngày 12 tháng 1 tại Rôma. Hồng y Quốc vụ khanh Pietro Parolin và diễn viên kiêm đạo diễn người Ý Roberto Benigni cùng giới thiệu quyển sách này. Tác phẩm là thành quả cuộc phỏng vấn giữa Đức Phanxicô và ký giả Ý Andrea Tornielli, chuyên gia nổi tiếng về Vatican và là người đảm trách trang Vatican Insider của nhật báo La Stampa. Một vài trích đoạn của tác phẩm đã được đăng mấy ngày trước đây.

Ngày thứ hai 11 tháng 1-2016, Đức Phanxicô đã được trao tặng bản đầu tiên bằng tiếng Ý ở Nhà trọ Thánh Mácta. Quyển sách gồm chín chương và có 40 câu hỏi và câu trả lời về lòng thương xót, chủ đề trọng tâm của giáo huấn và chứng tá của Đức Phanxicô. Trong phần trả lời, ngài thường trích lời các vị tiền nhiệm của mình, Đức Gioan-Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI và cả Đức Gioan XXIII, Đức Phaolô VI và Đức Gioan-Phaolô I.

Đức Phanxicô không ngần ngại kể những kinh nghiệm riêng của mình, nhất là kinh nghiệm trong đời sống linh mục của ngài ở Argentina. Trong một buổi hội thảo ở Buenos Aires, một trong những người tham dự nói về “Ơn toàn xá của tha thứ”, câu nói này đã ghi dấu ân sâu đậm trong lòng Đức Phanxicô.

Qua quyển sách đối thoại này, ngài muốn trao đổi với độc giả một cách thân tình và riêng tư, ngài giải thích lòng thương xót là thái độ thiêng liêng để mở vòng tay, là gương mặt của Chúa, Đấng trao ban và đón nhận, là chân tính của Chúa. Đức Phanxicô khẳng định, cũng như Simon-Phêrô, chính mình cũng là người cần đến lòng thương xót của Chúa.

Qua các câu hỏi, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tầm quan trọng là phải nhận biết mình là kẻ có tội, khi đó mình mới có thể đón nhận lòng thương xót, mới có thể ở trong tâm tình mình được tha thứ. “Với các cha giải tội, tôi chỉ muốn nói: hãy nói, hãy kiên nhẫn lắng nghe, hãy nói với những người đến gặp mình rằng Chúa thương yêu họ”.

Đức Phanxicô cũng giải thích quan hệ đặc biệt của mình với các tù nhân hay quan hệ với các người đồng tính, ngài nhấn mạnh họ không phải là người ở bên lề nhưng họ luôn ở gần Chúa. Cuối cùng, Đức Phanxicô đưa ra mục đích cho tất cả tín hữu kitô nào muốn sống Năm Thánh này: phục vụ Chúa Giêsu bằng cách đón nhận tất cả những ai sống cách biệt, vì đó là cả uy tín của người kitô.

Đức Phanxicô muốn chính mình viết tay trên trang bìa tên quyển sách trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Quyển sách đã được dịch cùng một lúc 86 thứ tiếng.

Theo ông Robert Laffont, một trong các người đồng xuất bản quyển sách này ấn bản tiếng Pháp, thì tác phẩm này là tổng hợp sự giảng dạy và chức vụ của Đức Phanxicô, người có thể đối thoại một cách đơn sơ, thân tình và riêng tư với từng người trên quả đất này. Theo nhà xuất bản, quyển sách này giải thích tầm phi thường của Năm Thánh, chủ đề lòng thương xót là chủ đề thiết thân của Đức Phanxicô, ngài muốn nói điều này với tất cả mọi người, những người ở bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội, những người đi tìm một ý nghĩa cho cuộc sống của mình, đi tìm một con đường bình an và giải hòa, một con đường để chữa lành các tổn thương thiêng liêng cũng như thể lý.

Andrea Tornielli là tác giả quyển tiểu sử đầu tiên của Đức Giáo hoàng: “Phanxicô, Giáo hoàng của người nghèo”, quyển này đã được nhà xuất bản Bayard xuất bản tại Pháp từ năm 2013.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch