Đối diện với “Thần Tài”, cuộc cách mạng của Đức Phanxicô
atlantico.fr, Patrice de Plunkett, 2016-01-01
Đức Phanxicô, giáo hoàng hiện đại đầu tiên không phải là người Âu Châu, ngài kêu gọi làm một cuộc “cách mạng văn hóa can đảm” để xây dựng một nền văn minh mới. Lời kêu gọi này khơi lên một tiếng vang hoàn vũ và chưa từng có.
Và đây cũng là một dịp may lịch sử cho Giáo hội công giáo: người ta tưởng Giáo hội trên đà xuống dốc, nhưng nó lại có thể đi trước thời đại nếu tất cả mọi người công giáo đều nghe theo tiếng gọi của Đức Giáo hoàng, người đã lay động các đường hướng. Trích dẫn từ quyển sách “Đối diện với Thần Tài – cuộc cách mạng của Đức Phanxicô” (Face à l’idole argent – La révolution du Pape François, Patrice de Plunkett, Nhà xuất bản Artège 2/2).
Tiếng nói của Đức Giáo hoàng nối liền với tiếng nói của hàng triệu thính giả, vượt ra ngoài biên giới của người công giáo, ngài nói với tất cả mọi người trên thế giới, một thực tế mà mọi người đều phải chịu đựng: sự chi phối của xã hội thị trường trên đời sống hàng ngày; nhất là sự “ám ảnh bởi chủ nghĩa tiêu thụ” mà Đức Phanxicô định nghĩa đó là “phản ảnh chủ quan” của một hệ thống buôn bán: nói một cách khác, đó là sự định dạng cho thái độ cư xử của chúng ta.
Câu 203 của Thông điệp “Chúc tụng Chúa” viết, “Thị trường tạo một cơ chế tiêu thụ không đặng đừng để bán sản phẩm của nó”. Ngài nói, cơ chế này “nhận chìm” các cá nhân “trong một vòng xoáy trôn ốc mua bán và tiêu thụ vô ích”. Tâm hồn của con người càng “trống rỗng” thì nó càng “cần mua đồ đạc, cần chiếm hữu và cần tiêu thụ”: hệ thống này vét rỗng tâm hồn chúng ta, để chúng ta càng ngày càng thích mua, càng muốn có các loại ‘bùa hộ mệnh’ tối tân nhất, được chế tạo để vứt bỏ, để thay thế, theo một nhịp ngày càng nhanh… Loại đấu giá tăng tốc này thoát thân từ cái người ta gọi là “tăng trưởng”, đó là vòng xoáy trôn ốc trống rỗng, thu hút con người, biến cá nhân thành người tiêu thụ.
Nhưng cũng cá nhân này, là người đi làm lãnh lương, họ bị hút vào một vòng xoáy khác: vòng xoáy của một hệ thống tài chánh làm mất bản vị của đời sống nghề nghiệp. Bị kẹt vào thế giới công ăn việc làm không nhân bản và khoảng hư vô của hệ thống tiêu thụ, cá nhân con người đi tìm một cái gì để đời sống của họ có một ý nghĩa… Chính trị, luân lý, văn hóa, đời sống nội tâm… không một cái gì có thể bền vũng trong xã hội chúng ta: chúng bị gặm nhắm bởi sự tôn thờ Ngẫu tượng, nó đưa con người về chủ nghĩa tiêu thụ. Ai có thể đứng vững được trong bầu khí phi lý này?
Và đó là chứng bất ổn của sự văn minh: “mất ý thức về một nguồn gốc chung, về một sự thuộc về qua về với nhau, một tương lai tất cả cùng chia sẻ”, Thông điệp “Chúc tụng Chúa” (§ 202) nêu ra… Và đó là những gì hệ thống kinh tế tác hại lên dân chúng, và vì thế chúng ta cần lắng nghe lời Đức Phanxicô.
Cướp bóc, độc hại, đó là nền kinh tế thực, một hệ thống tự cho mình là “siêu tự do” như thử đây là một điều mới mẻ, một sự dư thừa. Có phải đây là một chủ nghĩa tự do kinh tế ở nguyên trạng, không cân đối: một chủ nghĩa kinh tế thực hiện như kiểu chủ nghĩa xã hội của Nga ngày xưa không?
Tất cả các nhà lý luận đều cho rằng, nếu hệ thống của họ không chạy là vì nó chưa thực hiện đủ hoặc chưa “thật sự” thực hiện: đó là những gì mà trong những năm 1970, các nhà biện hộ cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản đã nói; và đó là những gì mà hậu duệ của Milton Friedman trong thập niên thứ nhì của năm 2000 nói. Nhưng dưới mắt chúng ta, hệ thống này là: hệ thống đã áp đặt lên thế giới “cuộc cách mạng tự do”trong những năm 1990. Chung quanh chúng ta, các hậu quả của chúng là: sự bất an trong nền văn minh, một nền kinh tế Ubu, một sự “giải phóng” làm bức bách. Và môi sinh bị tàn phá.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch