Đức Phanxicô và ‘Mẹ Giáo hội’ chống lại hận thù, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố

314

Vatican Insider – Andrea Tornielli – 08/12/2015

REUTERS1142874_Articolo

Đức Giáo hoàng Phanxicô tuyên bố sự kiện này vào ngày 13-3 năm nay, trong nghi thức xá giải ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, nhân kỷ niệm 2 năm ngài được bầu. Năm Thánh Lòng Thương xót đã được mở ra ngày hôm qua 08-12 và sẽ khép lại vào ngày 20-11-2016, là một việc gây ngạc nhiên cho nhiều người, kể các các nhà chức trách Ý. Nhưng khởi xướng của Đức Giáo hoàng Phanxicô không làm chúng ta ngạc nhiên trong một thế giới ‘thế chiến III từng phần’ một thế giới nơi hận thù, bạo lực và chủ nghĩa khủng bố lợi dụng tôn giáo để kích động xung đột, đang gây ra những mối đe dọa ngay sát bên chúng ta, tác hại đến những người vốn chỉ thấy những cảnh kinh hoàng này trên tivi với sự thoải mái của ghế salon phòng khách. Một thế giới đang tuyệt vọng cần hòa giải, hòa bình và tha thứ.

Năm Toàn xá không gây ngạc nhiên, trước và trên hết là bởi chủ đề lòng thương xót luôn là tâm điểm huấn giáo của Đức Phanxicô. Thật vậy, đây là đặc nét quan trọng nhất. Bốn ngày sau khi được bầu làm giáo hoàng, trong bài giảng thánh lễ tại giáo xứ thánh Anna ở Vatican, ngài đã xác quyết, ‘Thông điệp của Chúa Giêsu là thương xót. Với cha, cha nói đây là thông điệp mạnh mẽ nhất của Chúa Giêsu. Và ngài nhắc lại lần nữa trong buổi họp báo sau chuyến công du Brazil tháng 7 năm 203, ‘Cha tin rằng đây là thời gian của lòng thương xót.’ Và trong lá thư gởi Đại học Công giáo Argentina hồi tháng 3 năm ngoái, ngài viết, ‘Lòng thương xót không phải chỉ là thái độ mục tử, mà là căn tính của Tin mừng.’

Đức Phanxicô đã công bố Năm Thánh với những lời này: ‘Anh chị em thân mến, cha đã thường nghĩ rằng Giáo hội phải làm rõ sứ mạng làm chứng nhân cho lòng thương xót như thế nào. Đây là hành trình bắt đầu từ sự hoán cải thiêng liêng. Vì lý do đó, cha đã quyết định ban hành Năm Toàn xá Ngoại thường với tâm điểm là lòng thương xót của Thiên Chúa. Đây là Năm Thánh của Lòng Thương xót. Chúng ta muốn sống Năm này theo những lời Chúa Giêsu dạy: ‘Hãy thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót.”

châu Phi

Tiếng gọi lớn, vận hội lớn cho sự tha thứ và hòa giải, là việc không ngừng thể hiện một Giáo hội là ‘mẹ’: ‘Giáo hội là người mẹ, bà phải đi ra và chữa lành những người bị thương tích, với lòng thương xót. Nhưng nếu Thiên Chúa không mệt mỏi khi tha thứ, thì chúng ta không có lựa chọn nào khác, trước hết, phải chữa lành các vết thương. Giáo hội là người mẹ, và bà phải đi ra các ngả đường thương xót, và tìm lòng thương xót cho tất cả.’

Trong bài giảng với các hồng y ngày 15-2, Đức Giáo hoàng đã nói rằng, ‘Con đường của Giáo hội không phải là lên án ai vĩnh viễn, nhưng là bỏ qua những bức tường và đi ra tìm kiếm những ai đang xa cách, những ai ở vùng ven cuộc hiện sinh, là áp dụng trọn vẹn cách tiếp cận của chính Thiên Chúa, là theo Thầy, Đấng đã nói rằng: ‘Những người khỏe mạnh thì không cần thầy thuốc, người đau yếu mới cần. Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng là để kêu gọi người có tội sám hối ăn năn.’ Đây là hình ảnh của một Giáo hội ‘bệnh viện dã chiến’ nói cách khác là một tổ chức có thể chữa lành các vết thương chí mạng, như người thầy thuốc làm sau trận đánh, nỗ lực hết sức cứu sống mọi người. Về căn bản, như thế nghĩa là tìm cách mở ra cánh cửa để chào đón tất cả mọi người và vươn đến họ bằng thông điệp trung tâm của Kitô giáo, thông điệp của một Thiên Chúa ôm lấy và tha thứ.

Trước đây đã có, nhưng lần này nhấn mạnh hơn nhiều, dù cho Năm Toàn xá theo truyền thống cần có hành hương đến Roma và đi qua cửa thánh của các vương cung thánh đường giáo hoàng, nhưng sự kiện năm nay sẽ được cử hành ở mọi nhà thờ và mọi giáo phận. Như thế, các tín hữu có thể cảm nghiệm Năm Thánh ở mọi giáo phận, ở các nhà thờ chính tòa cũng như đền thánh, bằng cách bước qua vô số Cửa Thánh. Là một dấu chỉ cho sự gần gũi với những người trong tù, trong lá thư gởi tổng giám mục Fisichella người đảm trách tổ chức Năm Thánh, Đức Phanxicô viết rằng cánh cửa mỗi phòng giam có thể được xem là Cửa Thánh.

Đức Giáo hoàng đã quyết định mở rộng cho tất cả linh mục quyền giải tội phá thai, một quyền thường chỉ cho các giám mục hay các linh mục được chỉ định. Phá thai thường chịu án tự động rút phép thông công. Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô đang nghĩ ‘đặc biệt cho mọi người nữ’ những người đã trải qua việc phá thai, ngài nói rằng ngài hiểu ‘các áp lực’ mà họ phải trải qua và ‘thử thách hiện sinh và luân lý’ mà việc này gây ra. ‘Cha đã từng gặp rất nhiều phụ nữ mang trong tim mình vết sẹo vì quyết định đau đớn và nhức nhối này. Những gì đã xảy ra là tận cùng bất chính, nhưng hiểu được sự thật này có thể cho người đó không mất hi vọng.’ Không thể chối bỏ sự tha thứ của Thiên Chúa với những ai đã sám hối, đặc biệt là khi người đó đến với Bí tích Hòa giải với một tấm lòng chân thật để được hòa giải với Cha.’

Đức Phanxicô muốn Năm Toàn xá này là một tập trung đặc biệt đến người nghèo và người đau khổ. Ngài hướng đến những hành động thương xót và nỗ lực cụ thể, như cho người đói ăn, cho người khát uống, mặc cho người trần truồng, cho người tị nạn chỗ ở, viếng thăm người bệnh, thăm những ai trong tù, và an ủi người đau buồn, hơn là những lễ lạc hoành tráng. Với Đức Phanxicô, lòng thương xót phải thật, phải cấp bách, phải thực tế như ‘bệnh viện dã chiến.’

thăm trẻ em SIDA

J.B. Thái Hòa chuyển dịch