lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2015-12-08
Năm Thánh
Như tất cả các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo với một tỷ hai trăm triệu tín hữu có những lễ hàng năm theo mùa (Giáng Sinh, Phục Sinh…) nhưng cũng có những “năm thánh”. Năm Thánh do Đức Giáo hoàng ban sắc lệnh, sắc lệnh đầu tiên do Đức Giáo hoàng Boniface VIII ban năm 1300, sắc lệnh cuối cùng do Đức Gioan-Phaolô II ban năm 2000. Năm Thánh “Lòng thương xót Chúa” khai mạc vào ngày 8 tháng 12 và sẽ kết thúc ngày 20 tháng 11-2016. Trong Giáo hội Công giáo, Năm Thánh đánh dấu bằng việc kêu gọi đi hành hương. Người đi hành hương bước qua Cửa Thánh ở Rôma hay một trong các Cửa Thánh ở các Nhà thờ được chỉ định trên thế giới. Người hành hương xưng tội, tham dự thánh lễ theo ý chỉ của Đức Giáo hoàng, và được ơn toàn xá tha các tội của mình.
Cửa Thánh
Tại Rôma, có bốn Cửa Thánh ở bốn thánh đường lớn của thành phố, ngoài ra Đức Phanxicô sẽ khánh thành một cửa thứ năm trong một Trung tâm đón nhận những người nghèo nhất, vì theo ngài, năm toàn xá cũng mang tầm mức xã hội. Cửa Thánh nổi tiếng nhất vẫn là Cửa Thánh ở Đền thờ Thánh Phêrô. Khi vào Đền thờ, Cửa Thánh ở bên mặt, không xa bức tượng nổi tiếng Pieta của danh họa Michel-Ange. Bình thường Cửa này đóng kín và chỉ được mở vào những Năm Thánh. Ngày mở cửa 8-12 và ngày đóng cửa 20 tháng 11-2016 là một trong những nghi thức đẹp nhất của năm toàn xá. Đối với các tín hữu kitô, bước qua Cửa Thánh ở Rôma hay ở nơi khác, cũng như tham dự các nghi thức khác trong Năm Thánh là cách thể hiện ước muốn được hối cải, biểu tượng cho một tình trạng của tâm hồn trước và sau khi được tha tội nhưng cũng là một cách hiệp thông với Giáo hội và cộng đồng các tín hữu.
Ân xá
Đây là một trong những điểm tranh cãi nhiều nhất trong lịch sử Giáo hội, nhất là với người tin lành vì đây cũng là một vấn đề thần học khó giải thích. Việc trao đổi và buôn bán các ân xá đã là lý do để mục sư Luther phản kháng và tiến hành cuộc cải cách của ông. Khi Đức Gioan-Phaolô II ban hành năm toàn xá 2000, ngài cũng đã gây tranh luận nhiều về vấn đề này. Nhưng lần này thì không ai dám nói ngược với Đức Phanxicô, ngài lặp lại truyền thống này của Giáo hội không chút mặc cảm. Trong sắc chỉ tổ chức năm toàn xá, ngài giải thích: “Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ và không bao giờ mệt mỏi ban ơn tha thứ, một ơn ban luôn bất ngờ và mới mẻ. Chúng ta tất cả đều biết mình có tội. (…) Dù được tha thứ, đời sống của chúng ta luôn mang dấu ấn của những chuyện mâu thuẫn, hậu quả do tội lỗi của chúng ta. Trong bí tích Giải hòa, Thiên Chúa đã tha tội cho chúng ta, tất cả tội đã được xóa, tuy nhiên chúng ta vẫn còn bị dấu ấn tiêu cực của tội tác động trên cách cư xử và suy nghĩ của mình. Nhưng lòng thương xót Chúa thì mạnh hơn điều này. Lòng thương xót trở nên lòng khoan dung của Người Cha, Người Cha đến với kẻ có tội đã được tha qua Giáo hội của Chúa Kitô, giải thoát kẻ có tội khỏi những hệ quả còn lại của tội, làm cho họ có thể hành động trong đức ái, lớn lên trong tình yêu thay vì rơi lại trong vòng tội lỗi.” Ngài nói thêm: “Sống trong sự ân xá của Năm Thánh là gần với lòng thương xót của Người Cha, với lòng xác quyết sự tha thứ của Người Cha trải rộng ra trọn cuộc sống của người tín hữu.”
Lòng thương xót
Chữ “lòng thương xót” là chủ đề trọng tâm của Năm Toàn Xá này. Đây không phải là câu khẩu hiệu để cổ động, nhưng là chủ đề suy niệm mà Đức Giáo hoàng đưa ra cho tín hữu công giáo, những người quan tâm đến Năm Toàn Xá này. Theo chân Đức Gioan-Phaolô II, người đã nhấn mạnh điểm này khi thành lập ngày “chúa nhật lòng thương xót”, Đức Phanxicô muốn Giáo hội công giáo dứt khoát cắt đứt với cái nhìn của một Thiên Chúa trả thù và đong đếm từng hành vi của mỗi người. Các giáo hoàng, theo chân của nhiều vị thánh lớn, muốn thế giới hiểu Thiên Chúa của người kitô trước hết là Thiên Chúa của “tình yêu” và vì thế là Thiên Chúa của “lòng thương xót”. Đức Phanxicô viết: “Lòng thương xót Chúa không phải là một ý tưởng trừu tượng, nhưng là một thực tại cụ thể, qua đó, Ngài mặc khải tình yêu của Ngài, tình yêu của một người cha, một người mẹ xúc động tận sâu xa trong tâm hồn vì con mình. Một tình yêu sâu thẳm, một tình yêu đến từ quả tim sâu đậm, tự nhiên, dịu dàng, trắc ẩn, khoan dung và tha thứ. Ngài nói thêm: “Tất cả nơi Chúa đều nói lên lòng thương xót. Không có gì nơi Chúa mà không có lòng trắc ẩn.” Kết quả: “Chúng ta được mời gọi để sống trong lòng thương xót, vì trước hết Chúa có lòng thương xót chúng ta.” Ngài kết luận: “Bây giờ là lúc Giáo hội tìm lại niềm vui loan báo lòng tha thứ. Bây giờ là lúc trở lại điều chính yếu là săn sóc các yếu đuối, các khó khăn của anh chị em mình. Tha thứ là sức mạnh mang lại đời sống mới và cho chúng ta can đảm để nhìn đến tương lai trong niềm hy vọng.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch