Radio Renascença – Aura Miguel – 14/9/15
Trích bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô, thực hiện bởi Aura Miguel, Radio Renascença, ngày 08-9
Chúng ta đang nói nhiều về cuộc khủng hoảng tị nạn. Cha cảm nhận thế nào về tình trạng này?
Đây là phần nổi của tảng băng. Những người khốn khổ này đang chạy trốn chiến tranh, nạn đói, nhưng đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Bởi phía dưới đó là nguyên do cớ sự, và nguyên do chính là một hệ thống kinh tế xã hội bất công. Mà trong mọi sự, trong thế giới, trong xã hội kinh tế xã hội, trong chính trị, con người luôn luôn phải là trung tâm. Chính hệ thống kinh tế thống trị ngày nay, nó loại con người ra khỏi trung tâm, đặt thần tiền bạc vào đó, thần tượng thói thức thời. Có số liệu thống kê, tôi không nhớ chính xác, có thể hơi sai, nhưng 17% dân số thế giới chiếm đến 80% của cải.
Và việc bóc lột các nước thuộc thế giới thứ ba, dù vừa phải, đang gây ra các hậu quả này. Là tất cả những người đang mong mỏi được đến châu Âu …
Cũng một chuyện như thế đang xảy ra ở các thành phố lớn. Tại sao có các khu ổ chuột trong các thành phố lớn.
Cùng một thước đo ..
Đúng, giống nhau. Đây là những người đến từ vùng quê, bởi vùng quê đã bị phá rừng, bị độc canh. Họ không có công việc, nên họ đến các thành phố lớn.
Và ở châu Phi cũng như vậy …
Ở châu Phi, cũng cùng một hiện tượng như vậy. Vậy nên, các di dân đang đến châu Âu, họ đang tìm kiếm một nơi nào khác. Và tất nhiên, với châu Âu hiện nay, đây là một bất ngờ, bởi chúng ta hầu như không thể tin được những chuyện này đang xảy ra, có phải không nào? Nhưng sự thật là thế.
Nhưng khi cha đến Strasbourg, cha nói rằng nhất thiết phải hành động, sửa đổi từ căn nguyên, chứ không phải hệ quả. Dường như không một ai lắng nghe cha, và bây giờ, hậu quả đã rõ ràng …
Chúng ta phải đi đến tận căn nguyên.
Nhưng có vẻ như không một ai đã lắng nghe cha …
Khi căn nguyên là nạn đói, thì chúng ta phải tạo công căn việc làm, phải đầu tư. Khi căn nguyên là chiến tranh, thì phải tìm kiếm hòa bình, hành động vì hòa bình. Ngày nay, thế giới đang trong cuộc chiến tranh với chính mình, nghĩa là thế giới đang trong thời chiến, theo kiểu từng phần, từng chút một, nhưng nó cũng đang chiến tranh với đất mẹ, bởi thế giới đang hủy hoại đất mẹ, ngôi nhà chung của chúng ta, hủy hoại môi trường. Băng đang tan ra ở Bắc Cực, gấu bắc cực cứ phải đi dần lên phía bắc để sinh tồn …
Và dường như chúng ta lờ đi mối bận tâm về con người và vận mệnh con người … Cha thấy phản ứng của châu Âu hiện thời, với nhiều lập trường khác nhau, một số xây tường, số khác nhận người tị nạn theo phân bổ, số nữa lợi dụng tình trạng này để lên tiếng mị dân …
Tất cả mọi người đều diễn tả nền văn hóa riêng của họ. Và đôi khi, là một diễn giải hệ tư tưởng, diễn giải các lý tưởng, thì dễ hơn là thực hiện, trừu tượng thì dễ hơn thực tế. Không chỉ là châu Âu, mà xa hơn nữa, đang có một hiện tượng khiến tôi đau lòng sâu sắc, đó là người Rohingya [nhóm sắc tộc Hồi giáo, nguồn gốc ở Myanmar. Họ bị loại ra ngoài rìa xã hội và bị ngược đãi vì các lý do sắc tộc và tôn giáo. Liên hiệp quốc đã xác định người Rohingya là một trong những cộng đồng thiểu số bi bách hại trên thế giới], những người bị trục xuất khỏi quê hương mình, phải lên thuyền trốn đi. Họ đến một cảng, hay một bờ biển, và họ được người ta cho ăn, cho nước uống, rồi đẩy lại ra biển lần nữa, không chịu đón nhận. Chúng ta đang thiếu khả năng tiếp đón con người.
Bởi đây không phải là bao dung, mà đây còn hơn bao dung nữa, đây là tiếp đón …!
Tiếp đón, chào đón mọi người, và chào đón họ theo đúng như những gì họ là. Tôi là con của một người di cư, và tôi thuộc về cộng đồng di dân 1929. Nhưng ở Argentina, từ năm 1884, người Ý và Tây Ban Nha đã đến … Tôi không biết làn sóng người Bồ bắt đầu từ lúc nào. Nhưng phần đông người Argentina đến từ 3 quốc này. Và khi đến nơi, một số có tiền, số khác thì đến các khách sạn di cư và từ đó họ được chuyển đến các thành phố. Họ muốn làm việc, đi tìm công việc. Sự thật là, thời đó có công ăn việc làm, nhưng những người trong gia đình tôi, có công việc để làm khi cập bến vào năm 1929, nhưng đến năm 1932, khi nổ ra khủng hoảng kinh tế, họ bị đẩy ra đường, trắng tay. Ông nội tôi mua một kho hàng bằng 2000 peso đi mượn, và cha tôi, một kế toán đã xách giỏ đi bán hàng. Vậy nên, họ có ý chí chiến đấu, ý chí thành công … Tôi hiểu về sự di cư. Và rồi có những cuộc di cư do Thế chiến II, đặc biệt là từ Trung Âu, nhiều người Ba Lan, Slovakia, Croatia, Slovenia, và cả người Syria và Li Băng nữa. Và chúng ta luôn luôn có chuyện như thế này. Ở Argentina, không có tính bài ngoại. Và bây giờ, đang có một cuộc di dân trong lòng châu Mỹ, họ đến Argentina từ các nước châu Mỹ khác, dù làn sóng này có giảm bớt trong vài năm qua, bởi công việc ở Argentina cũng ít dần đi.
Và còn từ Mễ Tây Cơ đến Hoa Kỳ nữa …
Hiện tượng di dân này là một thực tế. Nhưng tôi muốn nói về điều này mà không chỉ thẳng riêng ai. Khi nào có chỗ trống, thì người ta cố gắng điền vào cho kín. Nếu một quốc gia không có con cái, thì người di dân đến và lấy chỗ của mình. Tôi nghĩ về về tỷ suất sinh ở Ý, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha. Tôi tin là tỷ suất này đang tiệm cận 0%. Vậy nên, nếu không có trẻ con, thì sẽ có những khoảng trống. Và mong muốn không có con này, tôi xin diễn giải, mà có thể không đúng, mong muốn này là do một nền văn hóa tiện nghi, có phải không? Trong gia đình tôi, cách đây vài năm, tôi có nghe một anh họ người Ý nói rằng: ‘Con cái? Không. Chúng tôi thích đi du lịch vào kỳ nghỉ, hay mua một biệt thự, hay chuyện này chuyện kia hơn.’ Và rồi những người già ngày càng cô đơn. Tôi tin rằng, thách thức lớn nhất của châu Âu là trở lại thành người mẹ châu Âu …
như thế đối lập với …
một châu Âu bà già.
Dù có những nước châu Âu trẻ, như Albania chẳng hạn. Albania gây ấn tượng mạnh với tôi, người dân khoảng 40, 45 tuổi … và Bosnia-Herzegovinac cũng vậy, là những nước đang tự tái thiết sau chiến tranh.
Đây là lý do vì sao cha viếng thăm các nước này …
Vâng, tất nhiên là thế. Đây là một dấu chỉ cho châu Âu.
Nhưng theo quan điểm của cha, thì thách thức chào đón những người tị nạn đang tìm đường đến châu Âu, có thể là một điều tích cực cho châu Âu? Liệu đây có thể là sinh ích, là thúc đẩy? Liệu châu Âu cuối cùng có thức tỉnh, có thay đổi hay không?
Có thể. Tôi nhận ra rằng, sự thật là các điều kiện an ninh biên giới không còn như xưa. Sự thật là chỉ 400km cách đảo Sicily có một nhóm khủng bố tàn bạo không thể tin nổi. Vậy nên, có nguy cơ khủng bố xâm nhập, đây là sự thực.
Và khủng bố có thể đến Roma …
Vâng, không một ai nói rằng Roma sẽ miễn nhiễm với mối đe dọa này. Nhưng, bạn có thể ngăn ngừa. Nhưng còn có một vấn đề khác, là châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng lao động lớn. Có một nước … Mà thật sự tôi muốn nói đến 3 nước, dù tôi không chỉ rõ tên, nhưng là những nước quan trọng nhất châu Âu, đang có tỷ lệ thất nghiệp của người dưới 25 tuổi, là 40%, 47%, và 50%. Có một cuộc khủng hoảng lao động, người trẻ không thể tìm được việc làm. Vậy nên đây là sự kết hợp nhiều thứ, và chúng ta không thể đơn giản hóa vấn đề được. Rõ ràng, nếu người tị nạn đến, bất chấp các quan ngại về an ninh, chúng ta phải chào đón người đó, bởi đây là giới răn trong Kinh thánh. Ông Moses nói với dân rằng: ‘chào đón khách ngoại kiều, bởi các bạn từng là ngoại kiều ở đất Ai Cập.’
Nhưng lý tưởng nhất là làm sao để họ không phải chạy trốn, để họ có thể ở lại quê hương mình?
Đúng rồi, đúng là thế.
Đức Thánh Cha, trong buổi kinh Truyền tin, cha đã đưa ra một thách thức rất cụ thể về việc chào đón người tị nạn. Đã có các hưởng ứng chưa? Và chính xác, cha kỳ vọng điều gì?
Những gì tôi yêu cầu, là mỗi giáo xứ và mỗi dòng tu, mỗi tu viện, hãy nhận một gia đình. Một gia đình, chứ không phải chỉ một người. Một gia đình thì bảo đảm an ninh và dự phòng hơn, để tránh khủng bố xâm nhập. Khi tôi nói rằng một giáo xứ nên đón một gia đình, tôi không có ý là họ phải đến và sống trong nhà của linh mục, trong nhà xứ, nhưng là mỗi cộng đoàn giáo xứ phải xem, nếu có một nơi nào đó, một chỗ trong trường học có thể sửa thành một căn hộ nhỏ, hay nếu cần thiết thì nên thuê một căn hộ nhỏ cho gia đình này, nhưng họ cần có một mái nhà, cần được chào đón và dự phần vào trong cộng đoàn. Tôi đã được nhiều, rất nhiều hưởng ứng. Có những tu viện đang gần như trống chỗ …
Hai năm trước, cha đã từng đưa ra lời yêu cầu này, và cha được hưởng ứng ra sao?
Chỉ có 4. Một trong số đó là từ Dòng Tên, [cười lớn] làm rất tốt, các cha Dòng Tên à! Nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng, bởi còn có cám dỗ do thần tiền bạc. Một vài dòng tu nói rằng, ‘không, bây giờ tu viện đang trống chỗ, chúng tôi định biến thàn một khách sạn, chúng tôi sẽ có khách, và có chi phí lo cho mình, hay làm ra tiền nữa.’ Ừ thì, nếu đó là những gì bạn muốn làm, thì vui lòng đóng thuế! Một trường học của dòng, thì được miễn thuế, vì thuộc về dòng, nhưng nếu được dùng làm khách sạn, thì phải đóng thuế như mọi người. Nếu không, thì không công bằng.
Và cha từng nói rằng, cha sẽ nhận 2 gia đình, ở Vatican này …
Đúng, 2 gia đình. Ngày hôm qua, tôi được báo rằng, đã xác định được 2 gia đình rồi, và 2 giáo xứ ở Vatican đã cam kết sẽ đi tìm họ.
Đã xác định được gia đình nào rồi?
Đúng, đúng, đã rồi. Hồng y Comastri lo việc này, cha là tổng đại diện của Vatican, cùng với tổng giám mục Konrad Krajewski, Tuyên úy Từ thiện của Giáo hoàng, đang làm việc với người vô gia cư và là người chịu trách nhiệm xây dựng các phòng tắm dưới chân hàng cột, và các tiệm cắt tóc nữa, thật sự tuyệt vời. Cha là người đã đưa những người vô gia cư đến thăm các bảo tàng và Nhà nguyện Sistine …
Và các gia đình này sẽ ở lại trong thời gian bao lâu?
Bao lâu Chúa muốn. Chúng ta không biết khi nào chuyện này kết thúc, có phải không nào? Dù gì đi nữa, tôi muốn nói rằng châu Âu đã mở rộng đôi mắt mình hơn, và tôi cảm ơn vì điều này. Tôi cảm ơn các nước châu Âu đã mở to đôi mắt với việc này.
Nhóm truyền thông của chúng con đã dự một diễn đàn với các tổ chức Kitô giáo, cũng như từ các tôn giáo khác, với mục tiêu là giúp chào đón những người tị nạn. Cha có lời nào để động viên những người ra tay giúp đỡ, và động viên cả các thính giả và nhân viên của đài chúng con không?
Tôi chúc mừng anh chị em, và tôi cảm ơn vì những gì các bạn đang làm, và cho tôi có một lời khuyên: Trong ngày phán xét, chúng ta đã biết là mình sẽ được phán xử thế nào. Điều này đã được ghi trong chương 25 Tin mừng theo thánh Matthêu. Khi Chúa Giêsu hỏi bạn: ‘Ta đói, con có cho Ta ăn không?’ bạn sẽ trả lời ‘Có’ .. và rồi là ‘Khi Ta là người tị nạn, con có giúp Ta không?’ ‘Có!’ ‘Vậy thì chúc mừng con, con đã qua bài kiểm tra rồi!’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch