Tôn giáo và Ngoại giao

436

Hướng đến hiểu rõ hơn về tôn giáo và các sự vụ toàn cầu

America Mag – John Kerry – 14/9/15

John Kerry VaticanMột trong những thách thức đáng chú ý nhất trong ngoại giao toàn cầu thời nay, là nhu cầu cần hiểu và gắn bó với tác động to lớn của các truyền thống tôn giáo trên những sự vụ đối ngoại. Tôi thường nói rằng nếu được đi học lại, tôi sẽ tập trung vào môn tôn giáo đối chiếu hơn là khoa học chính trị. Bởi vì các nhân vật và tổ chức tôn giáo đang đóng một vai trò nhiều ảnh hưởng ở mọi vùng thế giới, và gần như trên mọi vấn đề trung tâm của chính sách đối ngoại Hoa Kỳ.

Hồi tháng 6, tông thư mang tính lịch sử ‘Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã góp phần biện hộ cho các tiêu chuẩn toàn cầu trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Các nhóm biện sư tôn giáo từ lâu đã nỗ lực gây nhận thức về nạn đói và quyền con người đang bị vi phạm ở nước ngoài: như các sư nữ Phật giáo ở Nepal đóng vai trò then chốt trong những nỗ lực phục hồi sau thảm họa động đất, và các tổ chức tôn giáo là nòng cốt thiết yếu để cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người tị nạn Syria.

Về các vấn đề đa dạng như làm sao để điều hướng tăng trưởng kinh tế, cầm cương được nạn tham nhũng, chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố, xoa dịu các xung đột, thăng tiến nữ quyền và thúc đẩy dịch vụ y tế công, thì chính các niềm tin tôn giáo định hình quan điểm công chúng và những người dẫn đầu thay đổi gần xa.

Tôn giáo là một lực lượng đa trị, không thể hạ thấp thành tôn giáo tốt và tôn giáo xấu. Nhưng, chúng ta phải cẩn trọng với những trường hợp cá biệt, khi người ta tìm cách lấy tôn giáo biện minh cho bạo lực. Những người này không nói về việc xây trường học, tạo dựng cộng đồng, hay cung cấp dịch vụ y tế, nhưng lại thúc đẩy sự hủy hoại, mà đáng buồn thay, đôi khi lại dưới chiêu bài tôn giáo.

Ở Cộng hòa Trung Phi, các nhóm quân sự, một số là Hồi giáo và Kitô giáo, đang nhúng tay vào một cuộc xung đột đẫm máu. Các nhóm thiểu số ở Miến Điện, bao gồm người Rohingya, một cộng đồng Hồi giáo, là đối tượng của các bài diễn văn thù hằn và pháp chế gây tranh cãi, đang đe dọa đến tự do tôn giáo. Ở Trung Đông và châu Phi, mạng lưới khủng bố như ISIL và Boko Haram biện minh các hành động bạo lực của mình bằng những lý lẽ tôn giáo. Các thành phố lớn ở châu Âu đang đương đầu với các vụ tấn công khủng bố giữa những biểu hiện rõ ràng của chủ trương bài Do Thái, cực đoan, và cả cảm nghĩ bài Hồi giáo.

Là ngoại trưởng trong hai năm rưỡi qua, và trước đó là thượng nghị sỹ trong 29 năm, và còn là ứng viên tổng thống, tôi đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo tôn giáo trên khắp thế giới. Tôi cũng gặp gỡ với người dân thuộcđủ mọi truyền thống tôn giáo, triết lý sống, và hệ thống niềm tin khác nhau. Kinh nghiệm này đã tái xác nhận niềm tin của tôi ràng có nhiều sự hiệp nhất chúng ta, và sẽ hiệp nhất, hơn là chia rẽ chúng ta.

Giữa những đa dạng của các tôn giáo trên thế giới, có những phái chung, gắn kết với nhau bởi Luật Vàng. Họ chia sẻ các bận tâm căn bản về tình trạng nhân loại, về nghèo đói, các mối liên hệ nhân sinh và trách nhiệm của chúng ta với người khác. Nhiều người nói về việc làm sao để rút ra sức mạnh từ mẫu gương cộng đồng tôn giáo của mình, nhưng quá ít người thực sự chuyển dịch được những từ này thành hành động và chính sách. Các lãnh đạo trong đời sống công, cần phải nhận ra rằng trong một thế giới mà mọi người thuộc mọi truyền thống tôn giáo đang vận động và hòa lẫn như chưa từng có, thì chúng ta đang liều mạng mà lờ đi tác động toàn cầu của tôn giáo.

Một cách tiếp cận mới

Sẽ không đủ khi chỉ nói về việc đối thoại hơn nữa. Chúng ta phải hành động để có được điều này. Đây là lý do vì sao hồi năm 2013, tôi đã tuyên bố lập Văn phòng Tôn giáo và Sự vụ Toàn cầu, trong Bộ Ngoại giao, giúp thi hành Chiến lược của tổng thống Hoa Kỳ Obama về Lãnh đạo Tôn giáo và Cộng đồng Đức tin. Nhiệm vụ của văn phòng này rất rõ ràng, là mở rộng hiểu biết của chúng ta về các động năng tôn giáo và gặp gỡ với các nhân vật tôn giáo. Văn phòng này dưới sự chỉ đạo của Shaun Casey, một cựu giáo sư môn Đạo đức Kitô giáo tại Chủng viện Thần học Wesley, một trong những tư tưởng gia hàng đầu trong nước về tôn giáo trong đời sống chung. Là đại diện của Hoa Kỳ về tôn giáo và các sự vụ toàn cầu, ông chịu trách nhiệm tăng tiến khả năng vươn đến nhiều cộng đồng hơn và tạo dựng nhận thức lớn hơn trong lòng các dân tộc và quốc gia.

Sứ mạng của văn phòng mới này mang tính đa diện. Trước hết, văn phòng cho tôi lời khuyên cấp độ cao về các vấn đề chính sách khi có liên quan đến tôn giáo. Ở nhiều nước trên toàn cầu, để có được cái nhìn toàn diện về hầu hết mọi vấn đề chính sách đều cần để tâm đến các động năng tôn giáo. Thứ hai, văn phòng này làm việc với các đại sứ quán Hoa Kỳ, và cố vấn để cải thiện năng lực xác định động năng tôn giáo và đối thoại với các nhân vật tôn giáo. Chúng tôi muốn các viên chức đối ngoại biết được cách làm việc hiệu quả với các cá thể và nhóm tôn giáo ở địa phương. Cuối cùng, văn phòng này là một điểm nối ban đầu cho các tổ chức và con người để tâm đến việc thảo luận các vấn đề chính sách ngoại có liên quan đến tôn giáo.

Nhiệm vụ cuối cùng này cần có một kỹ năng ngoại giao quan trọng, đó là lắng nghe. Chúng tôi thường gặp các lãnh đạo tôn giáo, và các tổ chức với nền tảng tôn giáo, lắng nghe suy nghĩ và đề xuất của họ, để làm việc với họ về những vấn đề quan trọng đối với cả hai. Các nhân vật và tổ chức tôn giáo này là những nhân tố then chốt ở đất nước mình, họ có tầm ảnh hưởng địa phương lẫn quốc gia. Dù chỉ mới đi vào hoạt động trong 2 năm, văn phòng đã gặp hơn 1000 lãnh đạo tôn giáo, từ 5 châu lục và nhiều truyền thống tôn giáo. Thật sự, gặp gỡ là một con đường hai chiều, và trong ngành chính sách đối ngoại, sẽ tốt hơn nếu được nghe những gì các nhân vật tôn giáo phải lên tiếng.

Khi lập văn phòng này, tôi khuyến khích cộng tác chiến lược bằng cách hợp nhất nhiều văn phòng đang xử lý các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Ví dụ như, Ira Forman, đặc phái viên điều hành và đấu tranh với chủ nghĩa bài Do Thái, bây giờ đang làm việc chung với Shaarik Zafar, đại diện của cộng đồng Hồi giáo, và Arsalan Suleman, đặc phái viên hành động cho Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Trong khi các trách vụ riêng của họ vẫn không đổi, thì kinh nghiệm ngoại giao của họ sẽ được chia sẻ nhiều hơn, và nhận thức của họ được đào sâu hữu hiệu hơn.

Văn phòng Tôn giáo và Sự vụ Toàn cầu đang thêm giá trị cho một số thách thức quốc tế khó khăn nhất mà quốc gia chúng ta đang đối diện. Một trong số đó là trận chiến với biến đổi khí hậu, ưu tiên hàng đầu cho chính phủ Obama và là một vấn đề quan trọng với bản thân tôi từ lâu. Đây cũng là một lĩnh vực mà chúng ta có các đồng minh mạnh mẽ trong cộng đồng tôn giáo. Ngay cả trước khi Đức Giáo hoàng Phanxicô phát hành tông thư, thì các tổ chức tôn giáo đã dấy lên khẩu hiệu chống hiện tượng nóng lên toàn cầu. Chúng tôi đã làm việc với nhiều nhóm có nền tảng tôn giáo, để thúc đẩy cuộc chiến này, cũng như chuẩn bị cho Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Paris cuối năm nay. Một điều quan trọng là văn phòng bảo đảm lãnh đạo các nhóm này có thể gặp gỡ và trao đổi quan điểm với các viên chức bộ về những chủ đề như Quỹ Khí hậu Xanh.

Văn phòng cũng thực hiện gặp gỡ các cộng đồng tôn giáo ở nước ngoài theo một lịch trình thường xuyên. Chỉ vài tháng trước, Shaarik Zafar dẫn đầu một phái đoàn người Hồi giáo ở Hoa Kỳ đến Jakarta bàn về con đường để Indonesia và Hoa Kỳ có thể chia sẻ các thách thức chung. Họ thảo luận về cách thức để tận dụng các cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực như ngành thương mại và đầu tư đang ngày một tăng, và thực hiện một sự tận tụy mới đối với các giá trị như khoan dung, đa nguyên và dân chủ. Chuyến thăm này là điển hình cho các nỗ lực vươn ra của chúng tôi nhắm xây dựng các mối dây liên kết người với người, lan truyền các thông điệp then chốt và củng cố quan hệ với các thể chế xã hội dân sự địa phương.

Hiểu được sự Phức tạp của Tôn giáo

Tôi hiểu rằng có nhiều bận tâm về việc chính phủ Hoa Kỳ giao thiệp với các tôn giáo theo đường hướng này. Một số người lo lắng rằng chúng tôi sẽ nhìn nhận sai lầm các ảnh hưởng tôn giáo trong khi thực ra chỉ có vấn đề chính trị và xã hội, hoặc giả chúng tôi sẽ bỏ qua sự tách biệt giữa giáo hội và nhà nước đã được ghi trong Hiến pháp Sửa đổi lần I. Trong khi nhiều bận tâm này mang tính nghiêm túc, và chúng tôi cũng suy nghĩ về chúng hằng ngày, nhưng mục tiêu của chúng tôi là bảo đảm rằng chúng tôi tiếp cận tôn giáo với một lăng kính phân tích phê phán và tinh tế.

Các luật sư Bộ Ngoại giao đã soạn ra một chỉ dẫn thực tế và rõ ràng để giúp các viên chức phục vụ hải ngoại xác định được điều gì được phép hay không được phép chiếu theo Hiến pháp Sửa đổi lần I. Chúng tôi phải cẩn thận không nhấn mạnh quá mức vai trò của tôn giáo và hiểu được đúng đắn các tương giao của tôn giáo với chính trị, kinh tế và các yếu tố khác.

Chúng tôi cũng cung cấp các tài nguyên để hỗ trợ các nhà ngoại giao gặp gỡ với các nhân vật tôn giáo. Văn phòng Tôn giáo và Sự vụ Toàn cầu đang thiết lập, phát triển, và thực hiện các khóa đào tạo cho nhiều viên chức Bộ Ngoại giao, từ các đại sứ cho đến các nhân viên phục vụ ở nước ngoài. Các khóa này về những vấn đề căn bản liên quan đến tôn giáo và chính sách đối ngoại. Những thực tế tương tác và các phương pháp huấn luyện sáng tạo sẽ mở rộng hiểu biết của các viên chức bộ ngoại giao ở hải ngoại. Các khóa học sẽ giúp các viên chức suy nghĩ về các vấn đề phức tạp quanh các nhân vật tôn giáo, các động năng tôn giáo, và các lợi ích của Hoa Kỳ trong bộ khung toàn diện được thiết lập để hỗ trợ các mục tiêu chính sách đối ngoại.

Những nỗ lực này được bổ trợ bởi công việc bảo vệ tự do tôn giáo trên toàn cầu. Ngoại sứ về tự do tôn giáo quốc tế, David Saperstein, và Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao, từ lâu đã thành công trong việc bảo vệ các tôn giáo thiểu số và báo động về nạn đàn áp tôn giáo. Văn phòng làm việc để thực hiện ủy lệnh Nghị viện là giám sát, báo cáo và thăng tiến quyền tự do tôn giáo của con người khắp toàn cầu. Với hai văn phòng này, tôi tự hào nói rằng Hoa Kỳ đang có khả năng hơn bao giờ hết, để tận tụy với các cộng đồng và tư tưởng tôn giáo từ Nam Mỹ cho đến Trung Đông, châu Á.

Đầu năm 2014, tôi đã có vinh dự được đi cùng tổng thống Obama đến Roma để gặp Đức Giáo hoàng Phanxicô. Viếng thăm giáo hoàng dòng Tên đầu tiên với tư cách ngoại trưởng Hoa Kỳ là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ hình dung nổi khi tôi còn là cậu bé giúp lễ cách đây 60 năm. Khoảnh khắc này vừa đầy xúc động riêng, vừa là hiện thể của một liên kết sâu sắc giữa tôn giáo và các sự vụ nước ngoài của Hoa Kỳ.

Ngày nay, chúng tôi đang tiếp cận các nhân vật và nhóm tôn giáo theo một cách mới. Bộ Ngoại giao hiểu được vai trò trung tâm của tôn giáo trong đời sống của hàng tỷ người khắp thế giới, và chúng tôi biết rằng sự gặp gỡ gắn bó có thể mở ra cả một thế giới khả dĩ. Danh sách đầy thách thức của các vấn đề chính sách đối ngoại mà chúng ta đang đối diện ngày nay, đòi buộc chúng ta phải nhận ra một sự thật căn bản rằng: Chính sách đối ngoại của chúng ta cần có một cách tiếp cận tinh tế hơn với tôn giáo.

John Kerry, cựu thượng nghị sỹ đảng Dân chủ từ Massachusetts, là ngoại trưởng thứ 68 của Hoa Kỳ.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch