Từ người viết tiểu sử của giáo hoàng – Cách để hiểu được Giáo hoàng Phanxicô

707

Catholic New World – Joyce Duriga

Khi hồng y Jorge Bergoglio của Argentina, được bầu làm Giáo hoàng Phanxicô hôm 13-3-13, rất ít người trong thế giới nói tiếng Anh biết ngài là ai. Các nhà báo và biên tập viên hối hả gom về các tiểu sử của giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh, và tựa sách nổi bật nhất chính là ‘Nhà cải cách lớn: Đức Phanxicô và con đường tạo nên một Giáo hoàng Tận Căn’ [The Great Reformer: Francis and the Making of a Radical Pope]của nhà báo Austen Ivereigh. Quyển sách của ông giúp các độc giả vượt qua các khái niệm do truyền thông dựng lên, để nắm bắt tinh thần mục tử đích thực của Đức Phanxicô, về những gì tạo nên con người ngài, và những gì ngài đang cố gắng thực hiện trong triều giáo hoàng của mình.

Lúc 7giờ tối ngày 25 tháng 8, Ivereigh sẽ có bài nói chuyện về chuyến công du sắp đến của Giáo hoàng Phanxicô, tại Trường thánh Inhaxiô, 1076 W. Roosevelt Road. Và mới đây, ông có trả lời phỏng vấn với biên tập viên Joyce Duriga. của tờ Catholic New World.

Austen Ivereigh găp giáo hoàng Phanxicô trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư, ngày 12/6

Catholic New World: Trong quyển sách của mình, ông tập trung vào 3 con đường của Giáo hoàng Phanxicô – nhà cải cách.

Austen Ivereigh: Những gì tôi nói là Đức Phanxicô là một nhà cải cách trong truyền thống cải cách tận căn của Công giáo, vốn thực sự được Yves Congar, một trong các thần học gia yêu thích của ngài, đưa ra trong quyển sách ‘Cải cách Thật và Giả trong Giáo hội’ xuất bản hồi thập niên 1950. Tất cả mọi cải cách Công giáo đích thực, đều không chất vấn các giáo lý và giáo huấn Công giáo cốt lõi, nhưng là cải cách trong truyền thống Công giáo.

Thú vị thay, cải cách Công giáo đích thực luôn luôn mang định hướng mục vụ. Nói cách khác, mục tiêu cải cách luôn luôn là đưa mọi người về lại mối liên hệ với Thiên Chúa, về lại với đời sống bí tích và đời sống giáo xứ. Do đó, bất kỳ mục tiêu cải cách nào khác đều là biểu hiện cho thấy nó không đích thực.

Đặc tính thứ ba, là tất cả mọi cải cách đích thực đều mở đầu từ vùng ngoại biên và đi vào trung ương. Thay đổi thực sự diễn ra trong giáo hội khi trung ương mở mình ra với vùng ven. Điều này dựa trên nền tảng kinh thánh, bởi Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng tại Galilee với các ngư dân và mục đồng, rồi mới tiến về Jerusalem.

Khi mọi người cứ hỏi không ngừng rằng, ‘Đức Phanxicô là kiểu giáo hoàng thế nào? Ngài muốn làm gì?’ Tôi sẽ bảo, ngài không phải là người theo chủ nghĩa tự do. Ngài không phải là người theo chủ nghĩa bảo thủ. Ngài không theo chủ nghĩa tự do bởi ngài không tìm cách hiện đại hóa hay giảm bớt hay thay đổi các giáo lý của giáo hội. Ngài đang thực hiện một cách mạng mục vụ tận căn bên trong truyền thống của Giáo hội Công giáo trải dài hàng nhiều thế kỷ, bằng nhiều cách theo gương người anh hùng của ngài, thánh Phanxicô thành Assisi.

CNW: Nhiều người tin rằng ngài đang thay đổi hay đang dự định thay đổi giáo lý và giáo huấn của giáo hội. Theo ý của ông, thì cải cách mục vụ là gì?

Ivereigh: Không phải ngài đang thay đổi giáo huấn của giáo hội. Với những người nói thế, thì tôi muốn hỏi, ‘Bạn thử chỉ ra một giáo lý Công giáo mà ngài đang xem lại hay thay đổi xem nào?’ Thật vậy, giáo hoàng này, theo lời của chính ngài, là một người con trung thành của giáo hội. Tôi nghĩ ngài đang thẳng thắn bảo vệ huấn giáo Công giáo vốn cũng gây tranh cãi, chẳng hạn như tông thư Đời sống Con người [Humanae Vitae].

Tôi nghĩ mọi người đang lo lắng hay hi vọng rằng ngài đang tự do hóa giáo lý, là bởi theo tôi, chúng ta có khuynh hướng nhìn giáo hoàng qua lăng kính của các khác biệt văn hóa Công giáo của riêng mình. Và tất nhiên, trận chiến văn hóa bên trong Giáo hội Công giáo sau thời Công đồng Vatican, chính là giữa người tự do và bảo thủ.

Nhưng, Đức Phanxicô đến từ một truyền thống không như vậy, là châu Mỹ La tinh và cụ thể là Argentina.

Vậy nên, với ngài, cải cách đích thực là việc đưa giáo hội về lại với bản chất sứ mạng, mục đích sứ mạng mà Chúa Giêsu Kitô đã trao phó cho các tông đồ tiên khởi. Đó chính là bổn phận phúc âm hóa, và trên hết là thay đổi từ dưới lên, qua những con người bình thường để gắn kết với Chúa. Đây chính là thay đổi thực sự.

Nhiều việc mà Đức Phanxicô đang thay đổi, chính là nỗ lực đẩy giáo hội ra khỏi những thứ đang làm xao lãng quên mất bản chất sứ mạng này. Tôi nghĩ ngài có niềm tin vững chắc và nhất quán trong suốt đời mình rằng, vấn đề lớn nhất của giáo hội trong việc phúc âm hóa chính là thứ mà thần học gia Henri de Lubac gọi là sự trần tục thiêng liêng, đem giáo hội gắn liền với quyền lực trần gian này là của cải, an toàn, quan liêu, cái tôi, và còn nữa …. Và như thế thì thông điệp Tin mừng bị ô uế và bị chối bỏ.

Nhiều cải cách của ngài – mà ngài là một người cải cách cũng như một người tận căn – là nhắm đến phục hồi sự nguyên tuyền của bản chất sứ mạng của giáo hội, vốn là truyền giáo. Điều này khiến nhiều người cảm thấy bị đe dọa và đứng ngồi không yên. Do đó, nó tạo nên những người nhìn ngài theo những gì họ e sợ, và với nhiều người là sợ ngài theo chủ nghĩa tự do, nhưng tôi nghĩ đó chỉ là phóng chiếu tưởng tượng mà thôi.

CNW: Có một chuyện ông kể ở đoạn gần đầu quyển sách về việc khi Đức Bergoglio đang coi sóc một vài chủng sinh, và cần phải nuôi sống các thầy, thì ngài đã mở một nông trại chăn nuôi trồng trọt. Rồi ngài sai các chủng sinh đi dạy trẻ em trong vùng phụ cận, chỉ để các chủng sinh biết rằng trẻ em ở đó không có đủ đồ để ăn. Rồi họ mở rộng nông trại để có thể nuôi cả các trẻ em đó nữa. Những hành động của ngài cho chúng ta nhớ lại đấng sáng lập dòng Tên, thánh Inhaxiô thành Loyola.

Ivereigh: Tôi nghĩ trong quyển sách, tôi đã có thể họa được một Bergoglio dòng Tên hơn, bởi tôi nghĩ những gì ngài tìm kiếm khi làm giám tỉnh, và cả khi làm giám mục và giáo hoàng, chính là một dạng phúc âm hóa nguyên thủy của dòng Tên, vốn luôn luôn đồng hành với người dân ở bất kỳ nơi đâu họ cần nhằm đáp ứng cho những cần kíp của họ.

Sứ mạng hoàn toàn là bỏ đi bản thân và đồng hành với người khác, lắng nghe họ và biết những gì họ cần. Rồi giúp đỡ cho những ai đang cần kíp, bởi đó chính là những gì Chúa Kitô làm và đó cũng chính là phúc âm hóa nguyên thủy.

Đây không phải là chuyện đem đến giáo lý và giáo huấn, mà cũng không phải là đem đức tin vào thay đổi chính trị. Nhưng đây chính là điều mà Đức Phanxicô gọi là ‘giáo hội người Samari nhân hậu.’ Đây là một điều rất hiện thực và cấp bách. Bạn đi ra và gặp những người túng quẫn, và bạn làm thế để bày tỏ Chúa Kitô với họ, và bạn cho họ cảm nghiệm về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa theo những cách thức thực tế và thẳng thắn nhất.

Đức Phanxicô là một người thầy lớn, nhưng ngài còn là một người thực hành lớn. Tất cả những ai biết ngài đều nói rằng, ‘Một điều về ngài, là bạn luôn luôn có thể hướng về ngài mà tìm sự giúp đỡ.’ Và tôi có thể nói với bạn rằng khi viết quyển sách này và nói chuyện với những người biết ngài rất rõ ở Roma, tôi đã nghe một vài câu chuyện thật đặc biêt về những việc giúp đỡ không thể tin nổi ngài đã làm, từ lâu về trước và ngay cả lúc này khi đã là giáo hoàng. Tôi không thể dùng những câu chuyện đó, bởi vì chúng quá riêng tư, và họ đã tin tưởng mà kể cho tôi, nhưng đó là những chuyện rất xúc động, và sẽ khiến bạn nín thở.

Tên cương vị giáo hoàng, ngài đã cho đi thời gian, và giúp đỡ người khác một cách rất đơn sơ, rất thực tế. Ngài vẫn dự phần vào cuộc sống người khác, ngay cả khi là giáo hoàng. Tôi nghĩ rằng đây chính là điểm mấu chốt để hiểu ngài và những gì ngài đang cố làm cho giáo hội.

Đức Phanxicô với chiên trên vai

CNW: Ông chỉ ra rằng một cách để hiểu Giáo hoàng Phanxicô rõ hơn, chính là hãy hiểu thần học dòng Tên. Ý ông là sao?

Ivereigh: Vâng, đây là những gì tôi đã nói trong quyển sách, và tôi nghĩ điều này đặc biệt đúng trong tông huấn ‘Niềm vui Tin mừng’ ban hành tháng 11, 2013, trong đó ngài nói về giáo hội như một ‘bệnh viện dã chiến, phải hướng về các vết thương của con người.’ Tôi nghĩ những lời này của ngài, mà nói lại theo kiểu thánh Inhaxiô, thì là chúng ta cần phải cho mọi người cảm nghiệm của tuần Linh Thao đầu tiên, hơn là ngay lập tức đưa họ đến tuần Linh Thao thứ hai.

Bất kỳ ai đã thực hành Linh Thao, thì biết rằng tuần đầu tiên dùng để xem lại đời mình và cảm nghiệm lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói cách khác, cảm nghiệm sự thật rằng không gì có thể tách lìa bạn khỏi tình yêu Thiên Chúa, rằng Ngài luôn yêu thương bạn vô điều kiện và tha thứ cho bạn vô điều kiện ngay cả khi bạn chối bỏ Ngài bằng hành động. Tuần Linh Thao đầu tiên này được thiết kế để đưa bạn đến nhận thức đó. Đâ là một thao luyện thiêng liêng và cảm xúc đầy mạnh mẽ.

Nó mở lòng và trí bạn ra cho tuần thứ hai, lúc nhờ tác động của tuần thứ nhất, mà bạn đưa ra chọn lựa theo Chúa Kitô. Tôi nghĩ Đức Phanxicô thấy giáo hội quá thường đưa tuần thứ hai lên trước tuần thứ nhất, hoặc làm ngơ hoàn toàn tuần thứ nhất này. Nói cách khác, chúng ta tin rằng việc tuyên xưng chân lý, đòi hỏi dấn thân và vv… có thể xảy đến mà không cần cho người ta cảm nghiệm ban đầu và trước hết  về tình yêu thương xót của Thiên Chúa.

Một cách để hiểu được những gì Giáo hoàng Phanxicô đang cố gắng làm chính là xem việc ngài đang cố gắng phục hồi những gì được xem là tuyên xưng căn bản trong thần học, chính là về tình yêu thương xót cứu độ của Thiên Chúa. Bởi khi người ta cảm nghiệm được điều này, thì chính đó sẽ thay đổi họ. Đây là lý do vì sao lòng thương xót là điểm mấu chốt cho triều giáo hoàng của ngài, và vì sao ngài tuyên bố năm tới sẽ là Năm Toàn xá Lòng Thương xót.

Tôi xin kể một giai thoại về lần ngài giảng tĩnh tâm ở Buenos Aires, vài tháng trước khi làm giáo hoàng, và ngài đang suy niệm về việc ném đá người phụ nữ ngoại tình trong Phúc âm theo thánh Gioan chương 8. Ngài nói, ‘Liệu cô ấy có phạm tội lần nữa không?’

Rồi, ngài tiếp, ‘À, tất nhiên Tin mừng không cho chúng ta biết, nhưng bạn có thể chắc rằng cô ấy không phạm tội nữa, bởi không một ai đã cảm nghiệm được lòng thương xót vô bờ như thế, lại có thể chệch khỏi lề luật được.’

Đây thực sự là một lời rất mạnh mẽ, nhưng khi xem xét chuyện này, tôi nhận ra rằng ngài có một đức tin mạnh đến thế nào về sức mạnh hoán cải của việc được trải nghiệm lòng thương xót mà ngài luôn luôn muốn đặt làm ưu tiên hàng đầu cho việc phúc âm hóa.

CNW: Ông xác định lòng thương xót thế nào?

Ivereigh: Đây là một câu hỏi hay. Chúng ta nên xác định lòng thương xót rõ hơn nữa, bởi đây là điều quá mấu chốt. Trên hết và trước hết, đây chính là cảm nghiệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa. Đây cũng là việc nhận ra rằng tất cả là ơn Chúa, rằng thực sự chúng ta không tự kiếm cho mình ơn cứu độ, nhưng tất cả đều được Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, ban cho nhưng không.

Điểm mấu chốt chính là biết rằng Thiên Chúa là ai, và biết rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Một khi cảm nghiệm được điều này, thì chính nó thay đổi cuộc đời bạn theo một cách mà kiến thức mơ hồ về một Thiên Chúa xa cách không thể cho bạn được. Và tất nhiên, sẽ có nhiều điều tuôn tràn từ đây mà ra.

Một trong những diều đáng chú ý về giáo hội Mỹ La tinh, chính là việc họ không xem việc bác ái và phúc âm hóa là hai chuyện riêng biệt như ở nước chúng ta. Chúng ta có khuynh hướng tách biệt hai chuyện này. Còn ở giáo hội Mỹ La tinh, hai sự này không tách rời.

Khi làm việc bác ái cho những ai đang cần kíp, là bạn cũng đang rất chủ tâm nói với họ về nguồn gốc của việc lành này và về Thiên Chúa. Tôi nghĩ rằng một trong những nguyên do tại sao chúng ta, những người ở các nước giàu bắc bán cầu, lại có vấn đề với triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, chính là bởi những phạm trù mới mẻ này. Thực sự đây là những phạm trù rất quen thuộc với những ai biết rõ giáo hội Mỹ La tinh.

Tôi nghĩ là chúng ta đã chia rẽ việc bác ái và phúc âm hóa. Tôi nghĩ đây chính là vấn đề của chúng ta. Chúng ta làm nhiều điều cho những người túng quẫn và người nghèo, nhưng lại có khuynh hướng nói rằng chúng ta không chiêu mộ, chúng ta không trực tiếp đưa đức tin vào việc bác ái. Chúng ta chỉ hi vọng rằng có thể người ta sẽ chú ý thấy nguồn gốc của việc bác ái và sẽ ngỏ lời. Chúng ta thiếu sốt sắng về động cơ của mình. Thực sự động cơ để chúng ta giúp đỡ người khác là bởi chúng ta đã được nhận lãnh trước rồi. Và vì lòng biết ơn, chúng ta muốn làm điều tương tự cho người khác. Tôi nghĩ chúng ta cần phải táo bạo hơn về lý do vì sao chúng ta làm việc bác ái, để từ đó nối kết hai việc bác ái và phúc âm hóa lại với nhau một cách rõ ràng hơn.

Lịch trình của Austen Ivereigh ở Chicago

 Ivereigh sẽ nói về chuyến công du sắp đến của Giáo hoàng Phanxicô tại Hoa Kỳ, trong hai bài diễn thuyết miễn phí.

bằng tiếng Tây Ban Nha, lúc 7g tối ngày 24/8, tại Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên tội, 2745 W. 44th St.

bằng tiếng Anh, 7g tối, ngày 25/8, tại Trường thánh Inhaxiô, 1076 W. Roosevelt Road.

Austen Ivereigh

J.B. Thái Hòa chuyển dịch