Các phong trào xã hội, cuộc gặp gỡ rất chính trị của Đức Phanxicô

401

la-croix.com, Nicolas Senèze , 2015-07-09

Các phong trào xã hội, cuộc gặp gỡ rất chính trị của Đức Phanxicô

Đức Phanxicô kết thúc ngày thứ năm 9 tháng 7 ở Santa-Cruz (Bôlivia) bằng buổi gặp thứ nhì với phong trào bình dân.

Được Giáo hội nâng đỡ, thành viên trong phong trào này làm việc để giúp những người bị gạt ra bên lề, để họ là những nhân vật chính thay đổi xã hội.

Đây là một chuỗi các nghiệp đoàn, các phong trào của người nông dân, người hốt rác, các công nhân làm việc tạm bợ, các người di dân, các cư dân ở các khu phố nghèo mà Đức Phanxicô sẽ gặp họ vào chiều thứ năm ở công viên Expo Santa Cruz (Bôlivia), kết thúc buổi gặp gỡ thứ hai với các phong trào bình dân.

Một ngàn năm trăm người chờ đợi, đến từ bốn mươi nước nhưng phần lớn là ở Argentina và Ba Tây, nơi các phong trào này rất phát triển. Mục đích của họ: những người bị gạt ra bên lề phải là “nhân vật chính cho cuộc đời của họ chứ không phải chỉ là người thụ động nhận tiền từ thiện”, giống như đầu tuần hồng y Peter Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình đã nói khi tham dự buổi họp chung.

Không phải tất cả các phong trào này đều là Kitô hữu nhưng có nhiều phong trào liên hệ đến Giáo hội hay ít nhất cũng cảm nghiệm tinh thần của Giáo hội. Do đó Phong trào Người không đất ở Ba Tây do ông João Pedro Stedile điều khiển là một trong những thành viên chính của buổi gặp gỡ.

Lần gặp đầu tiên diễn ra ở Vatican vào tháng 10 năm 2014. Nhân dịp này, Tổng thống Bôlivia Evo Morales đã mời Đức Giáo hoàng đến thăm xứ của ông. Vì ở Bôlivia Giáo hội đóng một vai trò quan trọng trong sự thành hình các phong trào này, chẳng hạn Trung tâm điều tra và cổ động cho giai cấp nông dân (Cipca), được các tu sĩ Dòng Tên thành lập trong những năm 1970 để giúp các cộng đồng nông dân. Hoặc chương trình Nina là chương trình khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị tương lai sẽ là người gốc thổ dân hay nông dân, họ đã đào tạo một số cấp cao hiện nay trong chính quyền mà bộ trưởng ngoại giao David Choquehuanca là một ví dụ.

Giữ quan hệ với quyền lực

Vì thế trong những năm gần đây quan hệ giữa các phong trào này và giới cầm quyền thường bị căng thẳng, giai cấp ưu tú mới được thành lập nơi các Thổ dân Châu Mỹ ở Atiplano bây giờ họ lại thành thực dân trong những vùng đất Amazon.

Vụ Đất thổ dân và công viên quốc gia Isiboro Secure (Tipnis) ở miền Trung của Bôlivia đã tạo ra một vết nứt lớn. Chính quyền muốn mở một con đường ở công viên quốc gia này mà các thổ dân địa phương không muốn, họ huy động và tổ chức biểu tình để chống đối và đã bị cảnh sát dùng bạo lực để trấn áp. Kết quả: một người chết, năm mươi người bị thương. Nhiều người thấy trong vụ Tipnis, một dự án đã chính thức bỏ nhưng lại hay đem lên bàn thảo luận, là sự từ chối của chính quyền trong các cam kết của họ để bảo vệ mội trường và sự tự lập của thổ dân.

Theo cuộc điều tra của nhật báo El Deber thì có 17% vùng được Bôlivia bảo trợ bây giờ ở trong địa hạt khai thác dầu hỏa. “Một mặt là bài diễn văn rất tiến bộ về vấn đề bảo vệ Mẹ Trái Đất nhưng mặt khác chính quyền lại để ý đến các nguồn thâu thuế”, ông Juan Carlos Nuđez cho biết, ông là giám đốc cơ quan Jubileo, được Hội đồng Giám mục  Bôlivia thành lập để làm việc trên các vấn đề xã hội.

Đức Giáo hoàng chống “ý muốn lãnh đạo duy nhất”

Sau vụ Tipnis, một số phong trào bình dân chỉ trích chính quyền, bị lôi cuốn bởi quyền lực, bây giờ chính quyền lại tố cáo họ đứng về phía hữu để đối phó. Để trả đũa, một vài phong trào như phong trào Nina bị “quên” không được mời đến gặp Đức Giáo hoàng vào ngày thứ năm 9 tháng 7 này.

Dù vậy, thực chất có một vài người lưỡng lự không dám xa Tổng thống  Evo Morales, họ ý thức rằng nếu phe chống đối lên nắm chính quyền thì sẽ bỏ một số cải cách tích cực thuận lợi cho các thổ dân và nông dân nghèo. Vào cuối tháng 6 năm 2015, Liên hiệp nghiệp đoàn thống nhất các lao động nông dân Bôlivia đã công bố sửa đổi hiến pháp cho phép Tổng thống Evo Morales được ở lại thêm một nhiệm kỳ.

Chính vì thế nhiều người sợ ở Santa Cruz là vùng đất của chống đối, Tổng thống Bôlivia sẽ làm cho buổi gặp của các phong trào bình dân với Đức Giáo hoàng trở thành nơi tranh luận cho việc thay đổi hiến pháp. Một hòn đá ngầm mà Đức Phanxicô muốn tránh.

Là chính trị gia khôn khéo, Đức Phanxicô rất cẩn thận. Ngày 3 tháng 7, từ Rôma, ngài đã tố cáo các “nhà lãnh đạo đời đời”. Ngày 6 tháng 7 ở Ecuador, nơi Tổng thống Correa cũng bị cảnh cáo vì chế độ độc tài của mình, Đức Phanxicô cũng lên án “ý muốn lãnh đạo duy nhất”, ngài nhấn mạnh sự “cần thiết phải đấu tranh để bao gồm mọi người, tránh chủ nghĩa ích kỷ, mở cửa cho hiệp thông và đối thoại, khuyến khích sự hợp tác”. Các chủ đề rõ ràng ở trọng tâm cuộc gặp gỡ của các phong trào bình dân ở Santa Cruz.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch