Kitô hữu phải để tay lấm bẩn và vươn đến những người bị loại trừ

742

Giáo hội chỉ có thể trở thành một cộng đoàn thực sự nếu các thành viên sẵn sàng lấm bẩn và dung nạp những người bị loại trừ. Đây là thông điệp của Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ sáu, 26-6, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta, khi suy niệm về đoạn Tin mừng kể chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bệnh phong cùi.

11027519_1022270197784584_7746121479210213156_nGiáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng phép lạ này, khi Chúa Giêsu chạm đến và chữa lành cho người cùi, diễn ra ngay trước mặt các luật sỹ, những người xem người phong cùi là ‘ô uế.’ Giáo hoàng nói rằng, bị cùi cũng như án tử hình, bởi thời đó người ta nghĩ, chữa lành cho người cùi còn khó hơn cho người chết sống lại. Người cùi bị loại khỏi xã hội, nhưng Chúa Giêsu vươn tay ra và cho chúng ta thấy sự gần gũi với những người như thế này có ý nghĩa thế nào.

Giáo hoàng nhấn mạnh rằng, chúng ta không thể là một cộng đồng, không thể kiến tạo hòa bình, và không thể làm sự thiện, như không gần gũi với dân chúng. Chúa Giêsu hẳn có thể chỉ cần nói với người cùi, ‘Con đã được chữa lành,’ nhưng Ngài lại vươn tay ra và chạm đến anh, và tự biến mình thành ‘ô uế’ dưới mắt người thời đó. Đây chính là mầu nhiệm của Chúa Giêsu, khi Ngài ngự xuống trên sự ô uế, trên tội lỗi của chúng ta, sự loại trừ của chúng ta, để được gần gũi với chúng ta.

Đoạn Tin mừng trên cũng chỉ ra rằng Chúa Giêsu bảo người cùi đừng kể cho ai hay, nhưng hãy đi trình diện các thầy tư tế và dâng lễ vật theo lời Moses dạy để làm chứng là mình đã được sạch. Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng Chúa Giêsu không chỉ vươn tay ra để mình bị lấm bẩn, nhưng Ngài còn dạy người cùi được lành hãy đến với các tư tế để được tái dung nạp trong Giáo hội và xã hội. Chúa Giêsu không bao giờ loại trừ ai, nhưng ngài tự loại trừ chính mình để dung nạp lấy chúng ta, những người có tội.

Cuối cùng, giáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng phản ứng của người dân quanh Chúa Giêsu, nhiều người kinh ngạc trước những lời Ngài nói và theo Ngài. Còn có những người khác, đứng nhìn từ đàng xa với tâm hồn chai đá muốn chỉ trích và lên án Ngài, số khác nữa muốn đến gần với Chúa Giêsu nhưng lại thiếu can đảm. Với những người này, Chúa Giêsu vươn tay ra, như với tất cả chúng ta vậy, Ngài mang lấy tội chúng ta để trở nên một trong số chúng ta. Giáo hoàng hỏi rằng: Chúng ta có biết cách nào để lại gần mọi người không? Chúng ta có sức mạnh và dũng cảm để vươn ra và chạm đến những người bị loại trừ không? Đây chính là ý nghĩa của một cộng đoàn Kitô, và đây là vấn đề mà mỗi một người chúng ta, các linh mục, giám mục, tu sỹ, tất cả chúng ta, phải tự đặt ra cho mình.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio