Bằng mọi giá phải tránh 15 kiểu giảng này

2429

 

aleteia.org, Linh mục Antonio Rivero, 2015-06-17

41558-740xNoneRất khó để giảng và giảng một bài giảng hay lại khó hơn! Nhưng bài giảng nào là bài giảng trong mơ của bạn? Theo bạn, bài giảng nào tệ nhất và bài giảng nào hay nhất? Gần đây Đức Giáo hoàng đã khuyên 19 tân linh mục làm sao để bài giảng của mình đừng bị chán: phải giảng từ quả tim! Vậy là rõ ràng, không để bài giảng bị chán. Sau đây là 15 kiểu  bài giảng phải tránh:

  1. Bài giảng ngẫu hứng: Bài giảng linh mục chỉ “chuẩn bị” lúc mang giây các phép, mặc áo trắng dài và áo lễ ngoài để ra dâng lễ.
  1. Bài giảng theo sách vở: Bài giảng mang mùi vị sách vở, tài liệu văn phòng; bài giảng hàn lâm, bài giảng bằng mica, lạnh lùng như đá cẩm thạch, bài giảng không đi từ quả tim, không nói cùng ngôn ngữ với người nghe.
  1. Bài giảng nghiên cứu kiểu dò tìm địa chất: Bài giảng mà người giảng thích đột phá vào các chi tiết phụ như về người pharisêu, người essênia, về đồng tiền xưa đracmơ, về hí trường La Mã, về giờ thứ sáu, về các đền đài La Mã xưa… Bài giảng chẳng giải thích gì về Lời Chúa mà chỉ đi vòng ngoài của Lời Chúa.
  1. Bài giảng lãng mạn: Bài giảng tìm cách móc nước mắt, câu nụ cười, xem đời là màu hồng, bài giảng toàn những tán thán từ, những lời rao hàng, những reo mừng hay than van, bài giảng kiểu cha ru con với những tĩnh từ êm dịu, thu nhỏ quá hoặc cường điệu quá.
  1. Bài giảng mị giáo dân: Nói, nói và nói, chỉ tìm cách nói vừa lòng người nghe, bóp méo Lời Chúa, làm biến chất và làm sai tín lý của Chúa Kitô.
  1. Bài giảng văn chương: Không còn là bài giảng thiêng liêng nhưng là bài văn, bài thơ, bài thi phú.
  1. Bài giảng kiểu hợp tuyển: Bài giảng là dịp để gom lại tất cả mọi thành ngữ, mọi châm ngôn, mọi bài thơ mà người giảng thuộc lòng hay tìm trong thư viện.
  1. Bài giảng mềm èo: Bài giảng không xương sống, như keo dính, không lập luận, không nội dung, không chủ đề. Chưa chấm dứt chuyện này đã bày qua chuyện khác.
  1. Bài giảng như kiểu hòn gạch: Thuần tư tưởng, chẳng dính gì với đời sống cụ thể của người nghe. Làm sao để bài giảng vào được căn bếp của người nội trợ, đến bàn giấy của người cha gia đình, trên bàn học của sinh viên… Bài giảng trơn tru quá thì lại nặng nề, nó không đi đến chỗ nó phải tới.
  1. Bài giảng cọng bún: Bài giảng cuốn, cuốn, cuốn vòng quanh như cọng bún… Bài giảng gây trở ngại cho người nghe và làm họ ngáp ngắn ngáp dài.
  1. Bài giảng kiểu từ chương của trường đại học: Đề cập đến quá nhiều vấn đề mà không tập trung vào một chủ đề.
  1. Bài giảng lặp lại Phúc Âm: Bài giảng không rút tỉa ý chính Phúc Âm cho người nghe, cứ lặp lui lặp tới nguyên văn Phúc Âm. Có phải người giảng không có được một bài giảng hay với ý tưởng trong sáng và được chuẩn bị tốt không? Người nghe không phải ai cũng là người ngu!
  1. Bài giảng kiểu kỹ thuật: Bài giảng dùng ngôn ngữ thần học khó hiểu: phép thay đổi tâm thức, kinh tiến hiến, quang lâm, hiển linh, thánh linh, cánh chung học… Bài giảng chứ không phải bài thần học, bài giảng là một cuộc đối thoại thân tình với giáo dân.
  1. Bài giảng hỗn tạp: Bài giảng reo rắc nhiều tiếng lóng, hạ thấp Lời Chúa, hạ thấp nhân cách ngôn sứ, nhân cách người nghe, bài giảng mà Thánh Phaolô gọi là “các thánh của Chúa.” Người giảng không bao giờ được hạ thấp mình vì họ giảng nhân danh Chúa Kitô và Giáo hội.
  1. Bài giảng của phi công mới tập lái: Người giảng không biết làm sao để máy bay cất cánh cũng như hạ cánh. Người giảng bay vòng vòng, chẳng bao giờ dứt. Lại còn loan báo trước: “Chúng ta sắp hạ cánh…” nhưng lại đưa máy bay lên cao và bay vào mây… “Và bây giờ để chấm dứt…” thì lại bay thêm một vòng. Xin cha hạ cánh nhanh lên!

Bây giờ chúng ta đã biết thế nào là một bài giảng không nên có, chỉ còn biết xem thế nào là một bài giảng hay… và thế nào là một giáo dân tốt!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch