Phụ nữ bị xem như người giúp việc chứ không phải chị em
lacroix.com, Sébastien Maillard, 25-5-2015
Báo La-Croix phỏng vấn bà Lucette Scaraffia, giáo sư sử học Đại học La Sapienza, Rôma. Bà là người viết thời luận trên báo l’Osservatore Romano và là chuyên gia về vấn đề phụ nữ trong Giáo hội, bà cho rằng Đức Phanxicô muốn mọi người xem lại chỗ đứng đặc biệt của phụ nữ trong Sách Thánh.
La Croix: Phụ nữ là những chứng nhân đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh. Trong số họ, Maria là người đầu tiên được Truyền Tin. Đâu là hệ quả về mặt thần học của việc này?
Lucetta Scaraffia: Trong kitô giáo, tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại đều phải đi qua một phụ nữ, đó là Đức Trinh Nữ Maria. Như Kinh Thánh cho thấy, Kitô giáo là một tôn giáo mà trong đó bỗng nhiên phụ nữ có một vai trò rất quan trọng. Chúa Giêsu đối xử với phụ nữ như đối xử với đàn ông. Ngài cho phụ nữ một trọng trách để hoàn thành. Ngài đưa họ vào cuộc đời mình và đôi khi ngài còn nói họ thông hiểu hơn đàn ông.
Đó là một cuộc cách mạng lớn lao vô cùng mà Đức Giêsu đã thành tựu. Có lẽ quá lớn trong bối cảnh chế độ phụ hệ thời đó. Xã hội đã giảm tiềm năng mang tính cách mạng này của Kitô giáo nhưng nó vẫn luôn là người đưa đường. Kitô giáo là tôn giáo đầu tiên chấp nhận sự bình đẳng về mặt thiêng liêng giữa đàn ông và đàn bà. Có thể nói Kitô giáo mang lại cho cả hai phái cùng một “sự nghiệp” thiêng liêng giống nhau.
Phụ nữ có tự do chọn đời sống tu trì mà trước đây chưa từng có. Đức khiết tịnh trở nên con đường thánh thiện mà phụ nữ có thể chọn. Phụ nữ không còn chỉ giữ vai trò duy nhất là sinh con. Đó là một tự do lớn lao. Trong Kitô giáo, chúng ta có các tu sĩ, đan sĩ, các thánh nam, nữ.
Dù vậy chỉ có nam linh mục chứ không có nữ linh mục…
Chức thánh cũng vậy. Sự khác biệt này không có nghĩa là có bất bình đẳng về mặt thiêng liêng nhưng là bất bình đẳng về mặt quyền lực trong Giáo hội. Ngược lại, trong bí tích hôn nhân, Kitô giáo đã thiết lập được bình đẳng về quyền lợi và trách vụ giữa vợ chồng.
Chính trong các nước có truyền thống Kitô giáo mà nguyên tắc bình đẳng giữa đàn ông đàn bà được phát triển và nảy sinh sự giải phóng tư tưởng cho phụ nữ. Trong các nước mà truyền thống này không có thì sự giải phóng tư tưởng này khó hơn.
Còn trong lòng Giáo hội?
Chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo hội không phải chỉ do sự thiếu quyền lực của họ trong Giáo hội. Sự thiếu quyền lực của họ còn sâu xa hơn: người ta không thấy họ, không nghe họ. Họ chỉ được xem như người giúp việc.
Họ không được xem là người chị em cùng có trách nhiệm chung trong Giáo hội, họ đau khổ nhiều về sự thiếu quyền này. Ngày 16 tháng 5, nói chuyện với các nam, nữ tu sĩ Rôma, Đức Phanxicô đã thấy rõ điểm này: phụ nữ phải có tiếng nói trong tu nghị. Một điểm rất quan trọng, ngài đã nói thêm, phụ nữ có thể giữ chức vụ hướng dẫn về mặt thiêng liêng. Vai trò này, có thể xem là một hình thức của quyền lực, từ lâu họ đã không được chấp nhận. Các thánh Catơrina Siêna hay thánh Têrêxa Đavila đã trao đổi với cha giải tội hay với người mà các bà trao đổi thư từ, họ đã giải thích Lời Chúa dù họ chưa được chấp nhận như người hướng dẫn thiêng liêng.
Đâu là các vai trò mà phụ nữ đã hoàn thiện nhưng chưa được Giáo hội chấp nhận?
Trên thực tế, ở các giáo xứ, phụ nữ đã đóng vai trò phó tế nhưng họ không được công nhận. Phụ nữ làm cho Giáo hội phải thấy thực tế. Họ có thể dự vào phần chủ chốt, phần đưa ra quyết định. Vì thế thật không tưởng tượng được khi họ không được tham dự vào Thượng Hội đồng, vào công nghị hay vào các phiên họp chung trước mật nghị. Và cũng không thể cấm phụ nữ làm hồng y. Trong quá khứ cũng đã có những hồng y không phải là linh mục. Mẹ Têrêxa Calcutta hay bà Chiara Lubich (nữ sáng lập gia phong trào Focolari) có thể làm hồng y, xem như công nhận vai trò của họ.
Bà chờ gì ở Giáo hoàng Phanxicô?
Ngài luôn nói về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Chắc chắn ngài sẽ quyết định làm một cái gì. Nhưng ngài không muốn giải quyết vấn đề bằng cách mở chức thánh cho phụ nữ hay cho họ giữ những địa vị có quyền lực.
Mục đích không phải là để phụ nữ có thể làm tất cả mọi chuyện như đàn ông nhưng là để họ được nhận biết qua tài năng phong phú trong vai trò của họ, để tiếng nói của họ được nghe. Trong nghĩa này, Đức Giáo hoàng muốn hoàn tựu một cuộc cách mạng văn hóa và thần học sâu đậm. Trong Sách Sáng Thế, Thiên Chúa tạo nên đàn ông, đàn bà theo hình ảnh của Ngài – Như thế không phải chỉ có Cha nhưng cũng có Mẹ. Triển khai một nền “thần học phụ nữ” giống như Đức Giáo hoàng yêu cầu có nghĩa là tái khám phá chiều kích này. Để đây là một gia sản của toàn Giáo hội chứ không phải chỉ riêng cho các nhà nữ quyền.
Marta An Nguyễn chuyển dịch