lefigaro.fr, 13-5-2015
Ngày thứ tư 13-5, Tòa Thánh đã ký một thỏa hiệp với Nhà cầm quyền Palestin về quy chế và các sinh hoạt của Giáo hội trong vùng đất của Palestin. Israel đã tỏ thái độ thất vọng.
Vatican chuẩn bị ký một thỏa hiệp về quyền của Giáo hội công giáo trong các vùng đất của Palestin. Một biểu tượng rất mạnh cho việc công nhận tình trạng của “Quốc gia Palestin” dù Tòa Thánh đã nói đến “Quốc gia Palestin” từ đầu năm 2013, sau khi có cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc tháng 11-2012. Được thương thuyết từ mười lăm năm nay, thỏa hiệp này sẽ được chính thức ký “trong một tương lai gần”. Theo hãng thông tấn Ý chuyên về Vatican I.Media, thỏa hiệp này sẽ có thể được ký vào cuối tuần này, trong chuyến đi Vatican của tổng thống Palestin Mahmoud Abbas nhân dịp phong thánh cho hai nữ tu Palestin vào chúa nhật này.
Ngoài tính biểu tượng, thỏa hiệp này cũng là một hành vi chính trị quan trọng. Trong một phỏng vấn của báo Osservatore Romano, Đức ông Antoine Camilleri, trưởng phái đoàn đại diện Tòa Thánh giải thích, đây là sự hỗ trợ của Vatican cho một giải pháp “xung đột giữa Israel Palestin trong khuôn khổ tìm một thể thức cho hai Quốc gia”. Ngài hy vọng thỏa hiệp này sẽ góp phần “giúp Palestin được thiết lập và được nhận biết như một Quốc gia Palestin độc lập, có chủ quyền và dân chủ, sống trong hòa bình và an ninh với Israel và các nước lân cận”. Tổ chức Giải phóng Palestine (OLP) đã chào mừng “lập trường can đảm của Vatican”, và Vatican trở thành nước thứ 136 công nhận Quốc gia Palestin.
Cơn giận âm ỉ của Israel
Về phần mình, Israel đã không bỏ dịp để bày tỏ sự thất vọng của mình. Một nhân viên có trách nhiệm của bộ Ngoại giao Israel đã phản ứng: “Một quyết định như vậy không lợi cho tiến trình đi đến hòa bình cũng như đẩy Palestin ra khỏi bàn thương thuyết hai chiều”. “Israel sẽ nghiên cứu thỏa hiệp này và sẽ xem xét diễn tiến này.” Tòa Thánh đã có quan hệ ngoại giao với Israel từ năm 1993, và năm 1999 cũng đã thương thuyết một thỏa hiệp về quyền pháp lý và quyền di sản của các nhà dòng công giáo trong Quốc gia Do Thái, đặc biệt là việc miễn thuế cho họ. Nhưng các cuộc họp mỗi sáu tháng tổ chức một lần này luôn kết thúc trong thất bại.
Vatican duy trì có một quan hệ ngoại giao tế nhị giữa Israel và Palestin, các cộng đoàn công giáo đều có mặt ở cả hai bên trong chiếc nôi kitô giáo, chiếc nôi mang tính lịch sử và là nơi hành hương rất quan trọng. Một mặt, Đức giáo hoàng muốn tránh làm cho Israel bất bình, mặt khác, ngài muốn chiến đấu để tìm một giải pháp cho cả hai bên, một thể chế đặc biệt được công nhận ở Giêrusalem, một thành phố có ba tôn giáo đơn thần và quyền lợi của người Palestin ở Cisjordaniae và ở dãi Gaza. Trong cuộc viếng thăm Đất Thánh năm 2014, Đức Thánh Cha đã không ngần ngại đưa ra các tín hiệu rất mạnh. Nhất là ngài đã tựa đầu vào bức tường ngăn cách Israel và Cisjordania. Một hành động không được Israel thích cho mấy.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch