Câu chuyện gia đình thúc đẩy nhiệt tâm của giáo hoàng dành cho người nhập cư và người nghèo

517

Crux – John L. Allen Jr – 10/5/15

Giáo hoàng Phanxicô tương lai cùng với cha, Mario José Bergoglio, và mẹ ngài Regina María Sívori
Giáo hoàng Phanxicô tương lai cùng với cha, Mario José Bergoglio, và mẹ ngài Regina María Sívori

Mới đây tôi vừa đăng ký thành viên dùng thử một trong những trang web phả hệ, và tôi phải thừa nhận rằng tôi thấy quá khứ gia đình mình thật là thú vị.

Tôi khám phá ra rằng tổ tiên xa xưa bên mẹ của tôi, sinh ra trong cùng năm, và cùng ngôi làng nhỏ với triết gia René Descartes. Dù Descartes đã dọn khỏi làng từ năm 10 tuổi, nhưng tôi vẫn thích nghĩ rằng tổ tiên tôi đã từng chơi chung sân trường với triết gia lừng lẫy này, và tranh luận bảo vệ luận thuyết của thánh Tôma trước thuyết nhị nguyên của Descartes.

Tôi cũng biết được rằng vợ tôi có trong mình các dòng máu Nga, xứ Wales, Bavaria, Prussia, và Anh. Sau 22 năm kết hôn, tôi phải nói rằng việc này giải thích cho tôi được nhiều điều.

Nhìn chung, cảm nghiệm này nhắc nhở chúng ta về cội nguồn của mình, và tác động đến cách nhìn nhận bản thân cũng như thế giới. Điều này đúng với tất cả mọi người, và chắc chắn là đúng trong trường hợp giáo hoàng Phanxicô.

Từ khi được bầu, Đức Phanxicô đã xem việc chung lòng với người nghèo và bảo vệ những người nhập cư là những ưu tiên hàng đầu của mình. Trong khi bất kỳ giáo hoàng cũng đi theo các đường lối này bởi vấn đề này ngày càng thể hiện rõ trong huấn giáo xã hội của Công giáo, thì Đức Phanxicô có vẻ có một lực đẩy tiểu sử đặc biệt.

Ngài hiếm khi bỏ qua cơ hội bàn đến vấn đề này. Ví dụ như hôm thứ năm tuần trước, Đức Phanxicô đã có buổi nói chuyện ngắn gọn với các lãnh đạo Công giáo và Tin Lành Âu châu, và dành phần lớn nói về hiệp nhất Kitô giáo và tự do tôn giáo.

Nhưng trước khi kết thúc, Đức Phanxicô không thể không dành một lời nói về người nhập cư.

bergoglioGiáo hoàng nói rằng, đối mặt với ‘tấn bi kịch của hàng ngàn người nhập cư chạy trốn chiến tranh, bách hại, và khốn khổ,’ các giáo hội Âu châu ‘phải có trách nhiệm cộng tác để thăng tiến tình đoàn kết và chào đón họ.’

Đây là một xác quyết với cội rễ riêng rõ ràng của ngài. Với những người biết chuyện đời của Jorge Mario Bergoglio, giáo hoàng Phanxicô, thì đây là một nét chính.

Câu chuyện mở đầu từ thập niên 1920, ở vùng Piedmont, Bắc Ý. Sự suy thoái do Thế chiến I đã khiến nước Ý phá sản và rơi vào hỗn loạn, dọn đường cho phong trào phát xít của Benito Mussolini trỗi dậy.

Đối mặt với viễn cảnh gây hoang mang sợ hãi này, nhiều người Ý quyết định dứt áo ra đi. Argentina là một điểm đến khả dĩ, một phần là bởi hồi năm 1920, nước này có một mức sống còn cao hơn bất kỳ nước nào ở châu Âu.

Hai ông bác của giáo hoàng đã đến Argentina, lập một công ty lát đường phát đạt ở vùng gần cảng, cách thành phố thủ đô Buenos Aires khoảng 1 giờ xe. Giovanni Angelo Bergoglio, ông nội của Đức Phanxicô, đã quyết định đoàn tụ với các anh em mình vào năm 1927, lên tàu đến Tân Thế giới cùng với vợ mình, bà Rosa Margarita Vasallo di Bergoglio, và sáu người con.

Lúc đầu, mọi sự tốt đẹp như dự liệu. Giovanni chung phần với các anh em trong công ty lát đường, và gia đình đứng trước triển vọng xây dựng một đế chế kinh doanh. Nhưng hai năm sau, cuộc Đại Khủng hoảng 1929, đánh vào Argentina. Hãng dần suy sụp, khiến ông bà Giovanni và Rosa phải dời đến Buenos Aires sống trong căn nhà khiêm tốn hơn nhiều.

Một thời gian sau, cha của giáo hoàng, Mario José Bergoglio, được đào tạo ngành kinh tế học ở Ý, buộc phải hỗ trợ gia đình bằng thu nhâp ít ỏi từ việc phân phối xe đạp.

Cuối cùng, Mario kết hôn với Regina María Sívori, con gái một gia đình cũng gốc Piedmont, sinh ra trên đất Argentina. Họ định cư ở Flores, phụ cận Buenos Aires, nơi cậu cả Jorge Mario chào đời năm 1936. Gia đình vẫn sống đủ, nhưng không bao giờ giàu có trở lại được như xưa.

Nền tảng này có ảnh hưởng gì đến Đức Phanxicô?

Ngài thấy mình là con của một người nhập cư. Khi nói về nhân phẩm của người nhập cư, bao gồm việc cần phải chào đón chứ không thù địch và loại trừ, Đức Phanxicô không chỉ nói về một vấn đề công bằng xã hội, nhưng còn là thể hiện lòng kính trọng với tổ tiên mình.

Ngài hiểu được sự thất thường của thị trường. Đức Phanxicô lớn lên trong một hoàn cảnh cho thấy sự ổn định của một gia đình có thể tan biến trong khoảnh khắc do bởi các ảnh hưởng kinh tế to lớn hơn mà người ta không thể hiểu nổi hay kiểm soát được.

Do đó ngài phê phán sự quá đáng của ‘chủ nghĩa tư bản man rợ’ và nhất quyết rằng các bậc thẩm quyền phải bảo đảm nền kinh tế hoạt động vì lợi ích chung, và đây cũng là một chiều hướng mang tính cá nhân.

Chuyện gia đình của ngài được củng cố thêm bởi cảm nghiệm của ngài trước tình hình Argentina và châu Mỹ La tinh Ngài sống qua cuộc sụp đổ kinh tế Argentina cuối thập niên 1990, và cũng đã thấy rất nhiều người Mỹ La tinh di cư để tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đức Phanxicô mang trọng trách của một truyền thống lớn hơn nhiều, và ngài cũng không dùng triều giáo hoàng của mình để giải quyết những bận tâm riêng. Nhưng chuyện đời của ngài vẫn có tầm quan trọng.

Trở lại thập niên 1960, giáo hoàng Phaolô VI từng bị gọi là ‘Papa Montini,’ do bởi tên của ngài là Giovanni Battista Montini. Ngài đã trả lời rằng cách gọi này không đúng, bởi không còn Montini nữa, mà chỉ còn Phaolô VI thôi.

Đây là một diễn đạt khiêm nhượng, khi Đức Phaolô chỉ ra rằng cương vị của ngài thì quan trọng hơn con người của ngài. Nhưng, chắc chắn cội rễ của một giáo hoàng có phần quyết định sắc thái cách ngài tiếp cận cương vị của mình.

Và điều này cũng đúng với thánh Gioan Phaolô II, người quyết liệt chống đối Cộng sản, phản ánh nhận thức của một người con Ba Lan, và với Đức Phanxicô cũng tương tự như thế.

Như thế, khi nói về nhiệt tâm của giáo hoàng Phanxicô dành cho người nghèo và người nhập cư, chúng ta thấy chắc ngài sẽ không lùi bước chút nào.

Migrants Mediterranean
Một con tàu chở người vượt biên muốn vào châu Âu, trên biển Địa Trung Hải

J.B. Thái Hòa